Trung Quốc đàn áp những người bất đồng chính kiến trong bối cảnh gần đến ngày tưởng niệm vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang thắt chặt việc đàn áp các nhà hoạt động ở Trung Quốc trước ngày 04/06 năm nay, đánh dấu lễ tưởng niệm 33 năm vụ thảm sát những sinh viên biểu tình ôn hòa ở Quảng trường Thiên An Môn.
Ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã cố gắng liên lạc với một số nhà hoạt động ở Trung Quốc trước lễ tưởng niệm. Hàng năm, lễ tưởng niệm này lại đánh dấu một giai đoạn gia tăng sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các nhà hoạt động. Một số người trong số những người mà The Epoch Times liên lạc đã thực hiện “một chuyến đi”, một số bị quản thúc tại gia sớm hơn nhiều so với những năm trước, và những người khác cho biết họ không thể nhận các cuộc gọi điện thoại từ bên ngoài Trung Quốc.
Thực hiện một chuyến đi từ quê nhà của họ trong khi được các công an hộ tống là điều xảy ra với những người bất đồng chính kiến trước “những ngày nhạy cảm”, như một cách mà nhà cầm quyền hạn chế quyền tự do ngôn luận và các hoạt động của họ. Nó còn được gọi là một chuyến đi cưỡng bức.
Chuyến đi cưỡng bức
Nhà bất đồng chính kiến Quý Phong (Ji Feng) tại Bắc Kinh, thường xuyên bị buộc phải thực hiện một chuyến đi cưỡng bức trong 15 năm qua.
Ông Quý nói hôm 30/05: “Bây giờ họ đang đặt mua vé. Chiều nay tôi sẽ phải đến vùng núi ở tỉnh Quý Châu.”
Ông không được phép ở lại Bắc Kinh, nơi nhiều trường đại học hiện đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình của sinh viên phản đối các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trong khuôn viên trường.
Đại học Bắc Kinh trứ danh, Đại học Sư phạm Bắc Kinh và Đại học Thiên Tân đã có những sinh viên tụ tập và biểu tình; một số sinh viên đã hét lên, “Đả đảo chế độ quan liêu.”
Bà Cao Du (Gao Yu), một ký giả bất đồng chính kiến 79 tuổi đến từ Bắc Kinh cũng thường xuyên bị cưỡng bức phải thực hiện một chuyến đi, hiện đã quá cao tuổi để đi xa. Thay vào đó, các quan chức địa phương đã đến nhà để theo dõi bà.
Cả ông Quý và bà Cao đều sống ở Bắc Kinh, nhưng họ không được phép gọi điện thoại cho nhau. Ông Quý nói, “Điện thoại đã bị chặn hơn một tháng, kể cả các cuộc gọi quốc tế.”
Radio Free International đưa tin cho hay bà Trương Tiên Linh (Zhang Xianling), 85 tuổi, một trong “Các Bà mẹ Thiên An Môn”, cũng nghi ngờ việc giám sát của nhà cầm quyền đã thay đổi từ việc theo dõi và sách nhiễu cá nhân sang chặn điện thoại của họ trong đại dịch.
“Các bà mẹ Thiên An Môn” là một nhóm gồm thân nhân và những người sống sót sau cuộc đàn áp của quân đội xảy ra trong Phong trào Dân chủ năm 1989.
Nhà bất đồng chính kiến Hồ Phong (Hu Feng) (bí danh) đã bị quản thúc và giám sát tại gia hơn một tuần. Ông cho biết hôm 30/05: “Điện thoại của tôi bị nghe trộm.”
Theo ông Quý, một nhà bất đồng chính kiến tên Trần Tây (Chen Xi) ở Quý Châu, một tỉnh không giáp biển ở tây nam Trung Quốc, đã mất tích nhiều ngày.
Gây nhiễu Internet
Ông Tiền, một nhà bất đồng chính kiến ở tỉnh ven biển Giang Tô, cho biết gần đây việc phong tỏa internet đã được thắt chặt. Tín hiệu không ổn định và thường xuyên bị ngắt kết nối.
Ông nhận xét rằng vụ thảm sát năm 1989 xảy ra vì nhà cầm quyền lo sợ rằng chế độ cộng sản sẽ sụp đổ.
Năm 1989, ông Mã Hiểu Minh, cựu biên tập viên của Đài truyền hình tỉnh Thiểm Tây, đã bị sa thải. Đây là một sự trừng phạt do ông đã viết một bài báo cũng như tham gia các cuộc biểu tình và kiến nghị tại địa phương ủng hộ cuộc thỉnh nguyện dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn.
Ông Mã, hiện 71 tuổi, cho biết: “Trong 30 năm qua, điện thoại của tôi — cả điện thoại nhà và điện thoại di động — đều bị gián đoạn. Đây là nhân quyền ở Trung Quốc”.
Kể từ năm 1989, ông Mã đã tiến hành cuộc điều tra riêng của mình về các trường hợp lạm dụng nhân quyền tại địa phương. “Tôi nói về những sự thật. Điều đó làm cho nhà cầm quyền khiếp sợ. Họ đã can thiệp vào việc liên lạc, các cuộc phỏng vấn, và việc phát hành các báo cáo của tôi.”
Nhà hoạt động Lưu Gia Tài (Liu Jiacai) ở tỉnh Hồ Bắc cho biết chính quyền địa phương đã đình chỉ điện thoại của ông trong hơn một tháng. Cảnh sát vừa thông báo với ông rằng họ sẽ sớm tới thăm ông.
Ông nói: “Tôi cho rằng đã gần đến ngày 04/06, ngày nhạy cảm.”
Gần đây có những nhà hoạt động khác đã bị đàn áp. Nhà văn tự do Lữ Thiên Vinh (Lu Qianrong), người bảo vệ quyền lợi của nông dân Trung Quốc, không liên lạc được; nhà hoạt động nhân quyền Trần Kiếm Hùng (Chen Jianxiong) ở tỉnh Hồ Bắc đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ từ tháng Tư và bị giam tại Trung tâm giam giữ thành phố Xích Bích; và ông Quý Hiếu Long (Ji Xiaolong), một nhà bất đồng chính kiến ở Thượng Hải, đã bị cảnh sát giam giữ một ngày vì đã phơi bày hành vi vô nhân đạo trên mạng trong thời gian phong tỏa ở Thượng Hải.
Nhà hoạt động: Vết sẹo lớn đối với nhà cầm quyền
Nhà hoạt động Đổng Quảng Bình (Dong Guangping) từng là một cảnh sát ở thành phố Trịnh Châu. Năm 1999, ông bị mất việc vì chỉ trích cnhà cầm quyền và tham gia lễ tưởng niệm vụ thảm sát ở Thiên An Môn. Ông đã lần lượt bị bỏ tù vào các năm 2001 và 2004 vì các hoạt động nhân quyền của mình.
Ông nói rằng vụ thảm sát này là một vết sẹo lớn đối với chế độ, và ĐCSTQ không thể chấp nhận việc họ bị phơi bày.
Ông nói: “Chế độ này rất giỏi trong việc kiểm soát người dân thông qua điện thoại di động hoặc viễn thông,” và mục đích của họ là “ngăn chặn những tiếng nói của người dân Trung Quốc được thế giới bên ngoài nghe thấy.”
Bản tin có sự đóng góp của Lin Cenxin và Yi Ru.