Trung Quốc: ‘Đại bạch’ đối mặt với sự phản kháng ngày càng tăng vì các biện pháp ‘vi hiến’
Trong ba năm qua, dưới lớp vỏ ngụy trang chống dịch bệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lực lượng phòng chống dịch bệnh của nhà nước trong bộ đồ bảo hộ màu trắng đã là một cảnh tượng phổ biến trên khắp Trung Quốc. Người dân Trung Quốc đã đặt cho họ một biệt danh là “đại bạch”.
Những đại bạch này — những người mà một số người ví như là “Bạch Vệ binh”, một lực lượng đánh dấu chấm hết cho sự cai trị của ĐCSTQ, với màu trắng trong văn hóa Trung Quốc biểu thị sự tang tóc, trái ngược với “Hồng vệ binh”, những người đã giành lại quyền thống trị ban đầu của ĐCSTQ thông qua các chiến dịch chính trị trong Cách mạng Văn hóa — hầu hết là những tình nguyện viên nhưng cũng có những sĩ quan theo lệnh của chính quyền trung ương đến để phụ trách công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở địa phương. Họ đã sử dụng các biện pháp cưỡng chế, chẳng hạn như kéo người dân ra khỏi nhà và đưa họ đến bệnh viện dã chiến để cách ly (kể cả những người chưa bị nhiễm bệnh), sau đó xông vào nhà của người dân để tiến hành phun khử trùng virus.
Người dân Trung Quốc đã phải sống chung với đội quân đại bạch ưa xâm nhập này, được giao nhiệm vụ với trách nhiệm cao cả là thực thi chính sách zero COVID của quốc gia, bao gồm cả việc chọc mũi lấy mẫu bệnh phẩm cho mọi người, dù được mời hay không.
Nhưng gần đây, các đoạn video quay cảnh người dân đôi co với lực lượng đại bạch đã trở thành một hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội, mặc dù các cảnh quay này cũng nhanh chóng bị các nhà kiểm duyệt mạng internet gỡ xuống.
Sự kiên nhẫn của người dân đối với các chính sách COVID-19 của chính quyền trung ương đang có dấu hiệu vượt quá sức chịu đựng, và ngày càng có nhiều người nổi tiếng ủng hộ việc thay đổi các biện pháp ngột ngạt này, trong đó nhiều người ngay lập tức bị kiểm duyệt.
Hôm 08/05, Giáo sư Đồng Chi Vỹ (Tong Zhiwei), một chuyên gia về Hiến pháp Trung Quốc tại Đại học Khoa học Chính trị và Pháp luật Đông Hoa Thượng Hải (ECUPSL), đã đăng tải một bài viết chỉ trích các biện pháp ngăn chặn đại dịch cực đoan mà nhà cầm quyền áp dụng là vi hiến. Bài đăng, mà ông khẳng định đã được viết cùng với sự tham vấn của hơn 20 học giả từ Thượng Hải, Vũ Hán và Bắc Kinh, đã nhanh chóng bị chặn trên mạng internet.
Bài báo lên án hai biện pháp cụ thể được chính quyền áp dụng rộng rãi:
- Buộc cách ly trong bệnh viện dã chiến đối với những người chưa được xác nhận là nhiễm virus COVID để thuận tiện cho [hoạt động chống dịch của] chính quyền.
- Ép buộc người dân giao chìa khóa, đi vào nhà họ để phun khử trùng virus nhân danh phòng, chống đại dịch.
Sau khi bài đăng này bị xóa, các video và bình luận trực tuyến tiếp tục cho thấy những hành vi vô nhân đạo hơn của những đại bạch ở địa phương. Một bình luận lưu ý rằng các hành động của lực lượng Bạch Vệ binh giống như cảnh sát ập vào nhà dân, khác mỗi là không có lệnh hay bất kỳ văn bản chính thức nào.
Một video hôm 11/05 đã lan truyền cho thấy một cảnh sát mặc đồ trắng cảnh báo một người dân địa phương từ chối đi cách ly vì anh có kết quả xét nghiệm âm tính.
Cảnh sát cho biết: “Anh sẽ bị phạt nếu anh từ chối tuân theo lệnh của chính quyền, và hình phạt này sẽ ảnh hưởng đến ba thế hệ trong gia đình anh.” Người thanh niên trẻ tuổi đáp: “Xin thưa đây là thế hệ cuối cùng của nhà chúng tôi rồi, cảm ơn ông!”
Cư dân mạng Trung Quốc đã bắt chước phản ứng của chàng trai trẻ này.
Ông Trương Tuyết Trung (Zhang Xuezhong), một luật sư ở Thượng Hải và là cựu giáo sư tại ECUPSL trước khi bị cho thôi việc vì hoạt động nhân quyền của mình, cũng tham gia vào cuộc thảo luận này. Ông nói trong một bài đăng trên Twitter, “Những lời lẽ bi thảm này thể hiện sự tuyệt vọng sâu sắc nhất … Có thể nói, đây là bản cáo trạng mạnh mẽ nhất mà một thanh niên trẻ có thể bộc bạch ra [để] phản đối thời đại mà anh ta đang sống.”
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: