Trung Quốc cùng Taliban tiến tới một cuộc hôn nhân vụ lợi
Sau khi Taliban đánh chiếm Kabul hôm 15/08, cả Trung Cộng và Taliban đều nói rằng họ mong đợi kết thân hữu nghị với nhau. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn chưa công nhận Taliban như một nhà cầm quyền hợp pháp, trái lại Taliban lại nói rằng Trung Quốc có thể góp phần vào sự phát triển của Afghanistan.
Trong khi các báo cáo liên tục xuất hiện về việc Taliban tiến hành khám xét từng nhà và sát hại thường dân bao gồm cả ký giả và phụ nữ, phát ngôn viên của Taliban đã trả lời các cuộc phỏng vấn đề nghị ân xá, quyền của phụ nữ và tự do truyền thông. Trong một cuộc họp báo hôm 19/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh dường như ủng hộ câu chuyện của Taliban, nói rằng “Taliban ở Afghanistan sẽ không lặp lại lịch sử của quá khứ và giờ đây họ sáng suốt và có lý trí hơn.”
Một nguồn tin đã xác nhận với The Epoch Times rằng kể từ khi nắm quyền, Taliban đã tiến hành các cuộc khám xét từng nhà để truy lùng các trí thức và ký giả.
Vài ngày trước khi Taliban kiểm soát thủ đô, một nguồn tin ẩn danh có trụ sở tại Kabul của The Epoch Times cho biết chỉ riêng trong tháng 06/2021, đã có 51 vụ sát hại có chủ đích bởi “những kẻ không rõ danh tính” đã được báo cáo trên khắp nước này.
Kể từ khi thỏa thuận hòa bình Hoa Kỳ–Taliban được ký kết vào tháng 02/2020, Taliban không thừa nhận hầu hết các vụ sát hại có chủ đích vào thường dân. Thỏa thuận này hạn chế các loại tấn công mà những kẻ khủng bố có thể tiến hành và chiến lược của Taliban trong việc không công nhận các vụ ám sát có liên quan đến chính sách ngoại giao hòa bình này, theo một báo cáo hồi tháng 01/2021 của Gandhara.
Bất luận thế nào, các báo cáo về bạo lực của Taliban vẫn không ngăn cản viễn cảnh Trung Quốc hợp tác với Taliban. Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã tăng cường liên lạc với Taliban sau ngày 15/08 và các hoạt động chuẩn bị đang ở mức cao nhất cho một cuộc hôn nhân vụ lợi.
Ông Srikanth Kondapalli, Giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, cho biết, “Họ đang cung cấp hỗ trợ quốc tế cho Taliban và có thể là hỗ trợ tình báo và hậu cần chống lại Hoa Kỳ. Bằng cách làm như vậy, họ muốn làm Hoa Kỳ bẽ mặt hơn nữa và góp phần làm giảm [vị thế] của nước này trong khu vực.”
“Trong ngắn hạn, Trung Quốc có khả năng sẽ cung cấp mọi hỗ trợ để Taliban thống trị Afghanistan và thành lập một chính phủ ổn định,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc không những liên lạc với Taliban thông qua các liên kết quân sự của chính họ mà còn thông qua Cơ quan Tình báo Liên quân (ISI) của Pakistan.
Hôm 18/08, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố họ vẫn chưa chính thức công nhận Taliban với tư cách cầm quyền Afghanistan và sẽ công nhận sau khi một chính phủ được thành lập.
Lịch sử giao hảo Trung Cộng-Taliban
Ông Kondapalli cho biết mối bang giao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) và Taliban có thể bắt nguồn từ những năm 1970 khi tình báo quân đội Trung Quốc huấn luyện nhóm phiến quân mujahideen trong cuộc chiến chống Liên Xô ở Afghanistan.
“Theo Tướng Hùng Quang Giai (Xiong Guangkai, cựu Phó Tổng Bộ Tham mưu của Quân Giải phóng Nhân dân), hàng trăm huấn luyện viên Trung Quốc đã đào tạo, trang bị vũ khí — AK 47 và hỏa tiễn Red Arrow — cho nhóm phiến quân mujahideen ở Tân Cương và các khu vực tiếp giáp khác ở Afghanistan và Pakistan. Trong những năm hậu Xô Viết, Trung Quốc đã củng cố liên kết của mình với Taliban và Al Qaeda, đặc biệt là với nhóm Hekmatyar trước sự kiện 11/09,” ông nói.
Các báo cáo về các cuộc tiếp xúc ngày càng sâu sắc hơn khi Trung Quốc chi trả cho Taliban để mua các vũ khí bị bắt giữ, chưa nổ và thậm chí cả vũ khí đã phát nổ của Hoa Kỳ. Một báo cáo vào tháng 10/2001 của Guardian cho rằng Trung Quốc đã trả cho bin Laden vài triệu dollar để tiếp cận một hỏa tiễn hành trình chưa nổ của Hoa Kỳ.
Khoảng một năm trước đó, vào cuối năm 2000, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đề nghị các biện pháp trừng phạt đối với Taliban để buộc nhóm này đóng cửa các trại huấn luyện khủng bố của bin Laden nằm trên lãnh thổ của mình, nhưng Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa đã bỏ phiếu trắng. Thay vào đó, họ đã lập tức cử quân nhân đến hỗ trợ Taliban sau khi Hoa Kỳ bắt đầu các cuộc không kích ở Afghanistan, theo cuốn sách của The Epoch Times, mang tên “Ma quỷ đang Thống trị Thế giới của Chúng ta.”
“Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan đã mời chào [thủ lĩnh Taliban] Mullah Omar với đề nghị không trợ giúp cho người Duy Ngô Nhĩ để đổi lấy việc bảo vệ cho Taliban tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Sau sự kiện 11/09, Trung Quốc tiếp tục liên kết với Taliban đồng thời ủng hộ cho ISI của Pakistan và nêu rõ quan điểm rằng chính phủ Kabul nên mở rộng [nghĩa là Taliban nên được trao các vị trí trong chính phủ],” ông Kondapalli nói.
Ngoài ra, vào năm 2004, các cơ quan tình báo Trung Quốc đã sử dụng các công ty ma trong các thị trường tài chính trên thế giới để giúp bin Laden gây quỹ và rửa tiền, theo một báo cáo được công bố tại Hiệp hội Nghiên cứu Á Châu.
Đáp lại những nghi vấn về việc truyền thông đưa tin về các liên hệ mật thiết của Trung Quốc với Taliban, phát ngôn viên Trung Quốc đã phủ nhận những việc đó trong một cuộc họp báo vào tháng 08/2001.
Tuy nhiên, mối quan tâm của Trung Quốc đối với Afghanistan đã được biết đến từ lâu. Một bài báo của Kenneth Katzman và Clayton Thomas do Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội xuất bản năm 2017, đã liệt kê ba lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan.
“Sự tham gia của Trung Quốc vào Afghanistan chủ yếu là để bảo đảm quyền tiếp cận các khoáng sản của Afghanistan và các nguồn tài nguyên khác; để giúp đồng minh của mình là Pakistan tránh khỏi sự bao vây của Ấn Độ; và để giảm thiểu mối đe dọa của các binh lính Hồi giáo đối với chính Trung Quốc,” ông Katzman và ông Thomas cho biết.
Mặc dù Trung Cộng nói rằng họ không muốn can dự vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác, nhưng họ đã “tạo ra chia rẽ” giữa chính phủ Kabul và Taliban.
“Trong thập kỷ trước, Trung Quốc đã chuẩn bị cơ sở cho sự trỗi dậy của Taliban thông qua các cuộc tiếp xúc cá nhân, sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ đa phương thông qua tiến trình Istanbul, các cuộc họp Doha, mời Taliban đến Bắc Kinh, Urumqi và Tây An, một tứ giác với Afghanistan, Pakistan và Tajikistan hay những nước khác,” ông nói.
Ông Brent E. Huffman, đạo diễn của “Saving Mes Aynak,” một bộ phim tài liệu được ca ngợi rộng rãi nói về một địa điểm Phật giáo 5000 năm tuổi gần Kabul nằm trên một mỏ đồng mà Trung Quốc quan tâm từ lâu, đã nói với The Epoch Times rằng chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cao cấp Taliban theo lời mời của Bắc Kinh bắt đầu từ gần một thập kỷ trở lại đây.
“Công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc MCC đã mua quyền khai thác trị giá 100 tỷ USD tại Mes Aynak, Afghanistan vào năm 2007 nằm ở tỉnh Logar trong một khu vực gần với các thành trì của Taliban. Trong quá khứ, Taliban đã tấn công Mes Aynak bằng hỏa tiễn, mìn và vào năm 2018, một nhà khảo cổ học người Afghanistan đã thiệt mạng khi xe của ông va phải một quả mìn khi ông đến địa điểm này,” ông Huffman nói. Ông cho biết, các nhà khảo cổ học người Afghanistan làm việc tại địa điểm này liên tục bị đe dọa bởi Taliban, và bây giờ sau ngày 15/08, họ lo sợ cho tính mạng của mình.
Ông nói: “Trung Quốc hy vọng hợp tác với Taliban để khai thác mỏ ở Mes Aynak mà không có hạn chế nào liên quan đến việc bảo vệ môi trường, nhân quyền và di sản văn hóa.”
Trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm 17/08, bà Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Cộng “duy trì liên lạc và trao đổi với Taliban Afghanistan trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng chủ quyền của Afghanistan và ý chí của tất cả các phe phái trong nước, và đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy điều đình chính trị của vấn đề Afghanistan.”
Tương lai cho mối bang giao Trung Cộng-Taliban
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học và là thành viên nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Usanas có trụ sở tại Ấn Độ, nói với The Epoch Times trong một email rằng mối bang giao giữa Taliban Afghanistan và Trung Cộng sẽ giống như một cuộc hôn nhân thuận tiện, nhưng Trung Cộng sẽ cố gắng miêu tả nó như một liên hệ đối tác chiến lược chặt chẽ.
“Trung Cộng cần một Afghanistan tương đối ổn định cho các kế hoạch BRI [Sáng kiến Vành đai và Con đường] của họ. Taliban có thể thực hiện điều này nếu họ không tham gia vào một cuộc nội chiến kéo dài bên trong lãnh thổ Afghanistan với các hành động diệt chủng chống lại các dân tộc thiểu số Shiite hay Turkmen, tất cả đều sẽ thu hút sự can thiệp vũ trang của người Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Iran,” ông Lehberger sinh sống tại Đức cho biết.
“Và nếu Taliban không đuổi theo các phản xạ công khai của họ trong việc cố gắng chiếm đất hoặc bán buôn gây bất ổn cho các nhà cầm quyền thân Moscow ở Trung Á (Tajikistan, Uzbekistan, v.v.)…thì họ sẽ khiêu khích đến ông Putin,” ông nói. Ông cho biết, có những kịch bản mà Taliban sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng mong muốn của Trung Cộng.
“Miễn là lãnh đạo Trung Cộng nhanh chóng thanh toán số lượng ngoại tệ hoặc cung cấp tất cả các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng mà Taliban tại Afghanistan muốn, và miễn là Trung Cộng không cản trở hoạt động buôn bán xuất cảng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng từ Afghanistan do Taliban kiểm soát sang Âu Châu. (điều này có lợi cho Afghanistan-Taliban và giúp làm suy yếu cái gọi là những kẻ ngoại đạo tại Á Châu), thì Taliban sẽ ‘tử tế’ với Trung Quốc,” ông nói.
Trong kịch bản này, Taliban sẽ phớt lờ cách mà Trung Cộng đối xử với người Hồi giáo tại Trung Quốc và sẽ xua đuổi những người Duy Ngô Nhĩ còn lại hoặc những phần tử ly khai Hồi giáo khác trong lãnh thổ Afghanistan và trên biên giới của nước này gần hành lang Wakhan giáp với tỉnh Tân Cương, Trung Quốc, theo Lehberger.
“Nhưng nếu Trung Cộng không sẵn lòng hoặc không thể cung cấp tài chính kịp thời như mong đợi, hoặc nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì không vừa lòng Taliban, thì Taliban sẽ rất nhanh chóng ăn cháo đá bát,” ông nói.
Ông Ahmad Rashid Salim, một tác giả nổi tiếng, lãnh đạo cộng đồng và học giả nghiên cứu và giảng dạy về các chủ đề trong các lĩnh vực nghiên cứu Hồi giáo, văn học Farsi và Afghanistan ở California nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng thông báo của Trung Quốc về việc hợp tác với Taliban là một hồi chuông báo động đối với thế giới.
Ông Salim cho hay, “Trung Quốc nổi tiếng với hệ thống đàn áp và vi phạm nhân quyền — gần đây liên quan đến việc giam giữ, tra tấn và xóa sổ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cũng như xóa bỏ nền văn hóa và di sản của họ,” ông Salim cho biết thêm rằng Trung Quốc còn muốn tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan.
“Miễn là chính quyền cai trị này để cho các công ty Trung Quốc khai thác tài nguyên, Trung Quốc không quan tâm đến những gì họ làm với người dân nước này hay luật lệ của họ áp bức ra sao.”
Ông Huffman nói rằng khi Trung Quốc bắt đầu khai thác mỏ đồng lộ thiên ở Mes Aynak dưới sự bảo hộ của Taliban, việc này sẽ phá hủy một di sản thế giới vô giá mãi mãi.
Giá trị tài nguyên khoáng sản của Afghanistan ước tính khoảng 1 ngàn tỷ dollar, trong đó có cả khoáng sản đất hiếm, thứ mà chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang chiếm ưu thế.
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập kỷ. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: