Trung Quốc: COVID-19 tiếp tục lây lan, Nội Mông thành khu vực nguy cơ cao
Dịch bệnh ở Trung Quốc tiếp tục ‘nóng’ lên, ở Nội Mông, số ca mắc đã tăng lên đáng kể và lan rộng ra các địa phương khác. Tính đến ngày 7/12, tại Trung Quốc, số vùng có nguy cơ cao đã tăng lên 8 vùng, số vùng có nguy cơ trung bình cũng tăng lên 42 vùng. Hiện 8 tỉnh tại Trung Quốc đã bùng phát dịch bệnh. Dù chính quyền Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách nghiêm ngặt “zero COVID”, nhưng dịch bệnh vẫn hoành hành và chưa được kiểm soát một cách hiệu quả.
Nội Mông bị ảnh hưởng nặng nề nhất, dịch bệnh lây lan sang các tỉnh khác
Vào ngày 7/12, chính quyền thành phố Mãn Châu Lí, Nội Mông thông báo, số ca mắc ghi nhận trong ngày không ngừng tăng lên.
Theo báo cáo, từ ngày 28/11 đến ngày 6/12, thành phố Mãn Châu Lí đã tiến hành 9 đợt test COVID quy mô lớn trong 9 ngày liên tục, và phát hiện ra hàng trăm ca dương tính với COVID. Vào ngày 7/12, thành phố này đã phải thực hiện đợt test COVID thứ 10.
Tính đến ngày 7/12, Nội Mông có 7 khu vực nguy cơ cao và 5 khu vực nguy cơ trung bình.
Ở Mãn Châu Lí, nơi bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng nhất, dịch đã bắt đầu lan rộng trong cộng đồng. Vào ngày 6/12, ba cán bộ ở quận Trát Lại Nặc Nhĩ, thành phố Hô Luân Bối Nhĩ, thuộc Nội Mông, đã bị cách chức do “phòng chống dịch bệnh không hiệu quả”. Ba cán bộ này gồm hai phó quận và một giám đốc Sở công an.
Hiện tại, dịch ở Mãn Châu Lí đã lan sang các tỉnh khác, bao gồm thành phố Cáp Nhĩ Tân và Tề Tề Cáp Nhĩ thuộc tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc và quận Hải Điến ở Bắc Kinh.
Hắc Long Giang có 28 khu vực nguy cơ trung bình, Cáp Nhĩ Tân “phong tỏa thành phố”
Cáp Nhĩ Tân chính thức thông báo, vào ngày 7/12, 3 quận và 9 huyện trong thành phố sẽ tiến hành test COVID toàn dân.
Vào ngày 4/12, cơ quan chức năng thông báo, thành phố Cáp Nhĩ Tân tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đường dài và các phương tiện giao thông công cộng đi lại giữa các địa bàn trong quận huyện, không tổ chức ăn uống tại đám cưới, lễ tang và các hoạt động đông người khác.
Ngoài ra, tất cả các trường cao đẳng và đại học trong thành phố Cáp Nhĩ Tân thực hiện quản lý khép kín, sinh viên không rời trường hoặc rời khỏi thành phố. Đối với những người từng qua lại những địa điểm trong lịch trình di chuyển của bệnh nhân COVID-19, đều phải thực hiện mã y tế màu vàng, không đi chơi, ăn uống, tham gia tiệc tùng hoặc đến những nơi công cộng.
Theo thông báo của thành phố Cáp Nhĩ Tân ngày 6/7, một khu vực thuộc quận Nam Cương trong thành phố đã được điều chỉnh thành khu vực có nguy cơ trung bình. Tính đến ngày 7/12, tỉnh Hắc Long Giang đã có 28 khu vực nguy cơ trung bình.
Thượng Hải, Chiết Giang bùng dịch, tăng cường kiểm soát phòng dịch
Hiện tại, Thượng Hải có 4 khu vực nguy cơ trung bình. Vào ngày 7/12, thành phố ra thông báo, yêu cầu tất cả những người nhập cảnh vào Thượng Hải nhưng từng sinh sống hoặc đi qua khu vực có nguy cơ cao và trung bình ở trong nước, phải thực hiện cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 14 ngày và thực hiện test COVID từ 2 đến 4 lần.
Vào ngày 7/12, cơ quan chức năng thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang cũng thông báo ghi nhận ca mắc mới. Một khu vực ở quận Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu đã được điều chỉnh thành khu vực có nguy cơ trung bình.
Lãnh đạo huyện Tiêu Sơn yêu cầu là “tăng cường cách ly những đối tượng tiếp xúc gần F1, F2” và “tăng cường kiểm soát các địa điểm quan trọng và các cơ sở chủ chốt”.
Sau khi Ninh Ba bùng dịch, thành phố này đã được đưa vào danh sách áp dụng tình trạng khẩn cấp loại I vào ngày 7/12, một số chuyến tàu điện ngầm đã tạm dừng hoạt động. Huyện Trấn Hải đã thực hiện phong toả, cách ly tạm thời, tạm dừng hoạt động tất cả các tuyến xe bus và xe khách, tạm thời đóng cửa các doanh nghiệp, trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Cách đây không lâu, hai khu vực ở Ninh Ba đã được xếp vào khu vực có nguy cơ trung bình.
Sau nhiều đợt dịch, Thuỵ Lệ, Vân Nam tiếp tục “phong tỏa”
Vào ngày 7/12, tài khoản Weibo của tỉnh Vân Nam thông báo ghi nhận ca mắc mới ở thành phố Thuỵ Lệ và huyện Lũng Xuyên.
Theo báo cáo, tính đến ngày 7/12, tỉnh Vân Nam đã có 1 vùng nguy cơ cao và 1 vùng nguy cơ trung bình.
Trong làn sóng dịch bệnh này, thành phố Thuỵ Lệ được xếp vào danh sách những khu vực có nguy cơ trung bình. Thành phố này đã phải tiến hành 4 lần phong tỏa và bị quản lý nghiêm ngặt trong thời gian dài theo yêu cầu của chính sách “zero COVID”. Vào ngày 28/10, cựu Phó thị trưởng thành phố Thuỵ Lệ, ông Đới Vinh Lí, đã đăng tải một bài viết nói về những khốn khổ của người dân, hàng trăm nghìn người đã rời khỏi thành phố,v.v. Ông còn kêu gọi: “ Hãy cứu Thuỵ Lệ!”
Bất bình trước thái độ thờ ơ của chính quyền, vào ngày 2/11 và 3/11, các cuộc biểu tình đã nổ ra tại làng Đồn Hồng, và làng Hạ Muộn ở thị trấn Mãnh Mão, Thuỵ Lệ. Người dân đã tập trung quanh lối ra vào làng để yêu cầu mở cửa và trợ cấp từ chính quyền.
Sau đó, Tân Hoa Xã đưa tin, chính quyền thành phố Thuỵ Lệ đã thực hiện “nhiều biện pháp để bảo vệ cuộc sống của những người dân gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.”
Tuy nhiên, chủ một khách sạn suối nước nóng ở địa phương họ Trần nói với Epoch Times rằng, “Tôi chẳng thấy có cải thiện gì! Tôi chỉ thấy rằng (chính quyền) ngày một quá đáng hơn, thắt chặt các chốt kiểm soát hơn.”
Do Lí Khung thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: