Trung Quốc: Con gái bị thất lạc 26 năm, người cha tìm kiếm trong vô vọng
Năm 1996, tại thành phố cảng phía đông bắc Trung Quốc, một bé gái 14 tuổi đã bị lạc khỏi gia đình. Suốt 26 năm ròng rã, cha mẹ em vẫn không ngừng tìm kiếm cô con gái của mình, thế nhưng đến giờ cô vẫn bặt vô âm tín.
Vào ngày 15/08/1996, Lưu Kiến Bình (Liu Jianping), một nữ sinh trung học tại trường trung học cơ sở số 17 của Thành phố Đại Liên, về nhà ăn trưa sau buổi tổng duyệt cho màn biểu diễn của học sinh tại Lễ hội Thời trang Đại Liên sắp diễn ra.
Ông Lưu Mỗ Nghĩa (Liu Mouyi), cha của Kiện Bình, đi làm lúc 1 giờ chiều sau khi ăn trưa với Kiện Bình. Kể từ đó, ông đã không nhìn thấy con gái của mình đâu nữa.
Ngày hôm sau, ông Lưu đã báo cảnh sát về việc con gái ông bị mất tích sau suốt một đêm tìm kiếm.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Lưu cho hay, đến tận năm 2018 cảnh sát mới lập hồ sơ điều tra vụ án.
Ông Lưu đã đi khắp núi nam bể bắc để tìm kiếm con gái của mình, lần theo bất kỳ dấu vết và manh mối nào mà ông tìm được. Ông đổ lỗi cho cảnh sát địa phương vì đã không hành động gì kể từ khi Kiện Bình mất tích.
Ông cho biết hai nhân viên cảnh sát đã đến nhà ông sau khi ông báo tin con gái mất tích vào ngày 16/08/1996. Ông nói với The Epoch Times, họ tìm quanh nhà rồi bỏ đi mà không nói một lời. Giờ đây đã 26 năm trôi qua, vậy mà họ vẫn chưa cung cấp cho ông bất kỳ thông tin cập nhật nào về trường hợp của con ông.
Ông nói rằng ông và những người hàng xóm đã cung cấp cho cảnh sát nhiều đầu mối, trong đó có tình tiết là vào ngày con ông mất tích, khoảng 4 giờ chiều một chiếc xe tải nhỏ đã xuất hiện trong khu phố này, và có một ông hàng xóm lúc nào cũng dọa nạt con ông. Nhưng cảnh sát đã không hề thẩm vấn người đàn ông đó cũng như không tìm chiếc xe tải nhỏ ấy, trong khi không quá khó để nhận dạng chiếc xe này vì trong khu vực này hiếm có xe hơi ngoại trừ xe buýt công cộng, và chiếc xe này được sơn màu đỏ và trắng.
“Hãy về nhà và đợi kết quả đi,” một sĩ quan sẽ nói với ông Lưu mỗi khi ông đến đồn cảnh sát để hỏi về tiến trình của vụ án. Những sĩ quan ở đó thường tỏ thái độ khó chịu một cách bất bình thường khi nhìn thấy ông.
Sau lần thứ ba ông đến văn phòng thỉnh nguyện hàng đầu của đất nước ở Bắc Kinh năm 2018 để tìm kiếm sự giúp đỡ, thì đồn cảnh sát chỗ ông mới lập hồ sơ vụ án dưới danh nghĩa buôn người. Và sau 22 năm con gái ông mất tích, ông mới nhận được thông báo.
Cha của Lưu Mỗ Nghĩa (là ông nội của Kiện Bình) đã tìm thấy một bức thư dắt trên khung cửa sổ vào năm 1997, một năm sau khi cháu gái của ông mất tích.
Ông Lưu nói, “Bức thư này được viết giống với cách nói chuyện của Kiện Bình, nói với ông rằng cháu đã nhập viện ở Mãn Châu vì tê cóng tay và cháu sắp sinh một em bé.”
Ông đã chuyển bức thư này cho cảnh sát địa phương và đưa cho họ một vài cái tên của những người khả nghi, yêu cầu cảnh sát điều tra xem ai có khả năng là người đã viết bức thư và xác minh nét chữ viết tay.
Ông nói với cảnh sát rằng một ký tự trong tên của ông được viết bằng chữ Hán phồn thể. “Học sinh trung học cơ sở chỉ biết viết chữ giản thể, và đó không phải là chữ viết tay của con gái tôi,” ông Lưu nói.
“‘Ông không nên nghi ngờ người ta,’ là những gì họ đã nói với tôi,” ông Lưu kể lại; “Nhưng họ chưa tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào cũng như không tìm kiếm con gái tôi.”
“Họ chỉ nói với tôi rằng hãy cứ đợi. Tôi đã chờ đợi gần 30 năm nay rồi. Anh có nghĩ rằng tôi có thể đợi thêm 30 năm nữa không?” ông Lưu hỏi và cho biết thêm rằng vợ ông hiện cũng đã gần 70 và suốt ngày đau ốm nằm liệt giường.
Bị cảnh sát giam giữ
Ông Lưu và vợ đã mất việc vì họ đã dành quá nhiều thời gian để tìm kiếm con gái mình. Ông Lưu nói với The Epoch Times, đã có lúc họ thậm chí còn không thể thanh toán hóa đơn tiền nhiên liệu [để sưởi ấm] trong mùa đông giá buốt.
Ông đến văn phòng thôn để xin trợ cấp thu nhập thấp vào năm 2006, và trưởng thôn nói với ông rằng gia đình ông không đủ điều kiện để nhận trợ cấp sinh hoạt.
“Chúng tôi thì đang chết đói chết rét. Tại sao những người có nhà lầu xe hơi lại được trợ cấp, còn tôi, một người không có thu nhập, lại không được nhận?” ông Lưu đã chất vấn vị cán bộ này, và cuối cùng đã xảy ra cãi vã và va chạm tay chân.
“Trưởng thôn đã gọi mười nhân viên bảo vệ đến văn phòng của ông ta và họ đánh tôi túi bụi đến mức gãy lưng. Trưởng thôn đánh tôi đến mức bị bong cả gân tay,” ông Lưu nói.
Tuy nhiên, cảnh sát địa phương đã triệu tập ông Lưu đến đồn cảnh sát và yêu cầu ông bồi thường 30 USD cho vị trưởng thôn kia, nhưng ông không chịu.
Sau đó, cảnh sát đã giam giữ ông trong một tuần và yêu cầu ông phải trả khoản tiền này trước khi được thả.
“Tôi đã phải đưa cho một tù nhân 5 USD để mượn điện thoại di động của anh ta gọi cho một người bạn,” ông Lưu nói. Bạn của ông đã trả khoản tiền đó để ông được thả ra.
Ông không được điều trị y tế trong thời gian bị giam giữ.
Ông Lưu giãi bày, “Vợ tôi hận tôi vì tôi không thể tìm thấy con gái.”
“Tôi chẳng thiết sống nữa; nhưng vì con gái tôi, tôi phải sống và tiếp tục tìm con.”
Thỉnh cầu giúp đỡ
Gần đây, một đoạn video lan truyền về một bà mẹ tám con bị xích cổ trong một túp lều lụp xụp nơi làng quê đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng cư dân mạng Trung Quốc. Một cư dân mạng gọi đó là “buôn bán, cưỡng gian, và giam cầm” trong một bài đăng trực tuyến. Một số người đã liên lạc với ông Lưu và đề nghị ông đi làm xét nghiệm đối chiếu DNA vì không biết chừng người phụ nữ này lại chính là đứa con gái đã mất tích của ông.
Ông Lưu đã có ý định đến thẳng Từ Châu để gặp mặt người phụ nữ này, nhưng cảnh sát địa phương không cho phép ông đi. Thay vào đó, họ yêu cầu ông lấy máu để xét nghiệm DNA.
Ông Lưu cảm thấy yêu cầu này thật kỳ quặc vì ông đã từng được xét nghiệm nhiều lần và hồ sơ DNA của ông đáng lẽ phải có sẵn trong cơ sở dữ liệu rồi mới phải.
Nhưng cảnh sát đã nói một cách thiếu kiên nhẫn, “[Kiểm tra cơ sở dữ liệu] có phải là mất công mất việc không? Giờ ông xét nghiệm máu rồi gửi mẫu DNA của ông đến Từ Châu thì sẽ nhanh hơn.”
Bạn của ông Lưu nói với The Epoch Times rằng cảnh sát có thể đã không lưu trữ những kết quả xét nghiệm trước đó trong cơ sở dữ liệu và đó là lý do tại sao họ phải yêu cầu ông làm lại xét nghiệm máu.
“Tôi lo rằng họ có thể gian lận các kết quả xét nghiệm này,” ông Lưu nói với The Epoch Times.
The Epoch Times đã liên lạc với sở cảnh sát địa phương nhưng chưa nhận được phản hồi.
Bản tin có sự đóng góp của Gao Miao và Sophia Lam
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: