Trung Quốc có nguy cơ bị chặn khỏi hệ thống tài chính toàn cầu?
Các chuyên gia của Trung Quốc đang ngày càng báo động về những nguy cơ trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các định chế tài chính Trung Quốc, mà theo đó có thể loại bỏ họ ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Tổng thống Donald Trump đã thực hiện đường lối cứng rắn hơn đối với ĐCSTQ trong những tháng gần đây. Để đáp lại việc chế độ này đã phá vỡ quyền tự trị của Hồng Kông, TT Trump đã chấm dứt các đặc quyền kinh tế ưu đãi mà Hoa Kỳ dành cho thành phố này, ký ban hành Luật tự trị Hồng Kông để trừng phạt các cá nhân và tổ chức liên quan đến việc làm xói mòn nền dân chủ của Hồng Kông gần đây, và trừng phạt trưởng đặc khu Carrie Lam cùng 10 quan chức ĐCSTQ và Hồng Kông khác liên quan đến việc phá hoại các quyền tự do của lãnh thổ này.
Bất chấp những căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, một sự “tách rời” hoàn toàn về mặt tài chính, mà theo đó có thể thực sự cắt đứt các định chế tài chính Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng USD, dường như không thể xảy ra. Tuy nhiên, chỉ vài tháng trước đây, các lệnh trừng phạt đối với các ứng dụng truyền thông xã hội TikTok và WeChat của Trung Quốc dường như cũng khó có thể xảy ra.
Mối đe dọa bị ngắt rời về mặt tài chính là có thật, và hậu quả nghiêm trọng của nó đang khiến ĐCSTQ và cả ngành tài chính Trung Quốc phải xem xét các phương án thay thế của họ.
Phong tỏa
Một cuộc chiến tài chính toàn diện có thể ngắt rời các ngân hàng Trung Quốc khỏi hệ thống đồng USD, mà phần lớn nền thương mại toàn cầu đang sử dụng. Chính quyền Tổng thống Trump có thể trừng phạt các ngân hàng, định chế tài chính Trung Quốc và thậm chí tịch thu tài sản thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Điều đó có nghĩa là gì và vì sao nó lại quan trọng như thế? Mạch máu của một ngân hàng chính là các giao dịch tiền tệ. Hầu hết các giao dịch quốc tế xuyên biên giới được thực hiện bằng đồng USD. Các giao dịch thanh toán chuyển tiền quốc tế bằng đồng USD chủ yếu sử dụng hệ thống SWIFT, một loại ngôn ngữ điện tín được các ngân hàng toàn cầu sử dụng từ những năm 1970 để hướng dẫn thực hiện thanh toán. Theo trang web của SWIFT, có khoảng 11,000 ngân hàng trên thế giới sử dụng SWIFT để thực hiện 38 triệu lượt giao dịch mỗi ngày.
Nếu các định chế tài chính Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt, SWIFT có thể loại các công ty này ra khỏi việc sử dụng hệ thống giao dịch, điều này có thể khiến ĐCSTQ không thể thanh toán các giao dịch bằng đồng USD ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Mặc dù SWIFT có trụ sở tại Bỉ và tuân theo luật của Liên minh Châu Âu, nhưng tổ chức này luôn ưu tiên trong việc loại ra các định chế là đối tượng của các luật trừng phạt của Hoa Kỳ (ví dụ như Bắc Hàn). Và các phương thức giao dịch chính ở Hoa Kỳ, Fedwire và CHIPS, lại không có sẵn cho các định chế của Trung Quốc.
Trong một cuộc chiến tài chính toàn diện, Hoa Kỳ cũng có thể đóng băng tài sản của các tổ chức và các cá nhân bị trừng phạt, từ chối không cho họ tiếp cận với các tài sản ở Hoa Kỳ. Hàng trăm tỷ USD tài sản do Trung Quốc sở hữu như tài khoản ngân hàng, các khoản đầu tư và bất động sản sẽ bị đóng băng. Đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã vượt quá 180 tỷ USD từ năm 2005 đến cuối năm 2019, theo dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Sụt giảm sử dụng Nhân dân tệ
“Các định chế tài chính và cơ quan quản lý Trung Quốc nên đánh giá đầy đủ rủi ro tiềm ẩn khi bị cắt khỏi SWIFT”, ông Shi Jiayou, giáo sư tại Đại học Renmin của Trung Quốc đã viết trong một bức thư gửi tòa soạn trên tờ Tài Tân, một tạp chí kinh doanh ở Trung Quốc đại lục. “Thay vì hy vọng một cách mù quáng vào điều tốt đẹp nhất, Trung Quốc nên lên kế hoạch trước”.
Một trong những biện pháp dự phòng mà Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ đầu những năm 2000 là quốc tế hóa đồng tiền của họ, đồng Nhân dân tệ. Bất chấp những nỗ lực liên tục như tung ra trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài, thiết lập liên kết hoán đổi đồng Nhân dân tệ và sáng kiến đầu tư hạ tầng Một vành đai – Một con đường, có rất ít tiến triển đạt được trong việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở phạm vi quốc tế trong vài năm qua.
Trên thực tế, việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở quốc tế đã giảm sút trong 5 năm qua. Chỉ số Toàn cầu hóa Nhân dân tệ của Ngân hàng Standard Chartered, một chỉ số đo lường mức độ quốc tế hóa của đồng Nhân dân tệ kể từ năm 2011, đã đạt mức cao nhất vào tháng 11/2015, ở mức 2,563. Số liệu mới nhất, tính đến tháng 3/2020, cho thấy chỉ số sử dụng Nhân dân tệ ở nước ngoài neo ở mức 2,224, khá thấp hơn so với năm 2015. Standard Chartered, một ngân hàng hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương được cho là có dữ liệu toàn diện nhất về đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài.
Gần đây hơn, Bắc Kinh đã hợp tác với Moscow để giảm bớt sự phụ thuộc vào quyền bá chủ toàn cầu của đồng USD. Mức sử dụng đồng USD trong thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 50% trong quý đầu tiên của năm 2020.
Một cách chính thức, đồng USD được sử dụng để thanh toán 46% giao dịch Nga-Trung, đồng Euro đạt 30%, trong khi thanh toán thương mại bằng đồng rúp và đồng Nhân dân tệ kết hợp lại chỉ chiếm 24% giao dịch, theo dữ liệu của chính phủ Nga được tạp chí Nikkei Asian Review trích dẫn.
Tạp chí Nikkei cho biết, theo lời của ông Alexey Maslow thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mặc dù chỉ số sử dụng đồng USD vẫn còn cao bất chấp ý định “phi USD hóa” từ lâu của Trung Quốc và Nga, nhưng Moscow và Bắc Kinh vẫn ca ngợi đây là “thời điểm đột phá”.
Tác giả: Fan Yu, ngày 15/8/2020