Trung Quốc có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong chiến lược xâm lược Đài Loan
Theo Cựu giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ Lyle Goldstein, cuộc chạy đua mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có thể là một phần trong một chiến lược xâm lược Đài Loan. Ông Goldstein cũng từng cảnh báo việc Hoa Kỳ đáp trả bằng cách phát triển hạt nhân của nước này.
“Trung Quốc muốn bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ không sử dụng ưu thế hạt nhân của mình để đe dọa Trung Quốc hoặc các hành động của Trung Quốc trong một kịch bản về Đài Loan,” ông Goldstein trình bày tại một hội nghị do Defense Priorities tổ chức hôm 19/05.
Ông Goldstein đưa ra phân tích này trong bối cảnh các quan chức an ninh quốc gia cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu hạt nhân. Hồi tháng Mười Một năm ngoái (2021), Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc có thể tăng gấp ba lần kho đầu đạn hạt nhân lên đến 1,000 chiếc vào năm 2030.
Nhưng theo ông Goldstein, việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân này của Trung Quốc không liên quan nhiều đến cuộc đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ.
“Những đánh giá kịch tính như vậy [về việc Trung Quốc chuẩn bị cho xung đột hạt nhân] là sai lầm vì họ không thừa nhận rằng Hoa Kỳ đã, và sẽ tiếp tục có nhiều vũ khí hạt nhân hơn so với Trung Quốc,” ông Goldstein viết trong một báo cáo cho tổ chức Defense Priorities.
“Tương tự như vậy, họ bỏ qua kết luận căn bản cho rằng lợi thế hạt nhân có vẻ như là một thứ xa xỉ đắt tiền nhưng vô giá trị vì Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh đang ở trong hoàn cảnh dễ gây tổn thương lẫn nhau (cả hai quốc gia này đều có thể chịu sự trừng phạt tàn khốc thông qua các cuộc tấn công hạt nhân vào đối phương).”
Theo ông Goldstein, người từng là giáo sư nghiên cứu tại Trường Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ trong 20 năm, việc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân có thể là một phần trong một chiến lược lớn hơn nhằm chiếm lấy Đài Loan.
Ông Goldstein giải thích rằng có khả năng Trung Quốc đang lo ngại rằng Hoa Kỳ có thể xem xét một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên nhắm vào quốc gia này để bảo vệ Đài Loan. Ông cho biết, nhưng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể thu hẹp khoảng cách hạt nhân với Hoa Kỳ thì họ có thể ngăn chặn quân đội Hoa Kỳ khai triển hạt nhân tại Đài Loan.
“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã đánh giá rằng — để bảo đảm khả năng hạt nhân của Hoa Kỳ không uy hiếp họ trong việc đánh chiếm Đài Loan — khả năng răn đe tối thiểu của họ cần đủ lớn để gây ấn tượng với ngay cả những phần tử hiếu chiến nhất trong cơ quan an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” báo cáo của ông Goldstein nêu rõ.
Cũng tại Hội nghị hôm 19/05, ông Goldstein nói thêm rằng Trung Quốc có thể có thêm động cơ để phát triển vũ khí hạt nhân sau khi chứng kiến Nga ngăn chặn thành công quân đội phương Tây can dự vào cuộc chiến tại Ukraine.
“Trung Quốc đã theo dõi quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Nga trong một thời gian rất dài và rất ngưỡng mộ Nga,” ông nói. “Họ nhận thấy rằng một trong những biện pháp đầu tiên của ông Putin là đặt lực lượng của ông ấy trong tình trạng báo động đặc biệt.”
Nhưng thay vì đối phó với sự mở rộng [kho vũ khí hạt nhân] của Trung Quốc bằng cách phát triển [vũ khí hạt nhân] của quốc gia, các quan chức Hoa Kỳ nên thực hiện các bước giảm leo thang, chẳng hạn như các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và áp dụng chính sách nguyên tử ‘không sử dụng trước’ (No First Use, NFU). Ngũ Giác Đài hiện đang tuân theo chiến lược “mơ hồ chiến lược”, để ngỏ lựa chọn cho một cuộc tấn công hạt nhân đầu tiên.
Ông Goldstein cho biết các chính phủ ở Berlin và Tokyo đã vận động thành công chống lại chính sách NFU của Hoa Kỳ vì một chính sách như vậy có nghĩa là Ngũ Giác Đài sẽ không cân nhắc vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh của mình. Ông Goldstein không đồng ý với kết quả này, khi cho rằng các quan chức Hoa Kỳ nên đặt nước Mỹ lên trên hết.
“Một phần trong quyết định của chúng tôi [chống lại NFU] là vì Tokyo và Berlin nói rằng họ không thể từ bỏ chính sách này, nhưng tôi nghĩ điều đó thật lố bịch,” ông nói.
“Nếu Nhật Bản cảm thấy cần phải tạo ra kho vũ khí hạt nhân của riêng mình thì hãy cứ làm như vậy. Nhưng là một người dân Mỹ, tôi khó chấp nhận rằng chúng ta cần có sự hiện diện tại căn cứ hải ngoại (forward presence) này, bao gồm hệ thống phòng thủ hỏa tiễn, cảnh báo hỏa tiễn, v.v. – điều này tiếp tục thúc đẩy một sự cạnh tranh hạt nhân gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà vốn dĩ không nên tồn tại.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại – kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: