Trung Quốc có dấu hiệu điều binh chuẩn bị lương thực, sợ quay trở lại thời “Nạn đói lớn”
Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên gần đây đã ban hành một văn bản yêu cầu điều tra và báo cáo về việc khôi phục trồng lúa nước ở vườn cây ăn trái và vườn ươm cây giống lâm nghiệp, để đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Ngoài ra, gần đây phía chính phủ còn thu nạp quân dự bị của các địa phương và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân Ủy. Các nhà bình luận cho rằng, các dấu hiệu này cho thấy ông Tập Cận Bình đang cố gắng trở lại đường lối bế quan toả cảng “chuẩn bị cho chiến tranh và nạn đói”.
“Nhiệm vụ hoàn lại đất canh tác và bảo đảm lương thực mang tính toàn quốc”
Theo một văn bản do Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô ban hành, để khuyến khích dân làng giải phóng mặt bằng vườn cây ăn quả và vườn ươm giống cây rừng để trồng lại lúa nước, họ hứa sẽ bồi thường cho mỗi hộ dân 3.000 nhân dân tệ/mẫu đất để trồng lúa.
Nông dân địa phương cho biết, các vườn cây ăn trái và vườn hoa ở Thành Đô từng rất phát triển, và ngay cả hiện nay, lợi ích của việc trồng cây ăn quả và cây giống cảnh quan vẫn cao hơn rất nhiều, thậm chí cao gấp hàng chục lần so với việc trồng ngũ cốc. Nhưng lần này chính phủ lại bồi thường số tiền lớn như vậy cho việc giải phóng mặt bằng để trồng các cây lương thực chính mà lại cho hiệu suất cực kỳ kém, điều này có nghĩa là kho dự trữ lương thực quốc gia đang rất mong manh.
Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Thành Đô nói với Đài Á Châu Tự do (RFA) rằng nhiệm vụ hoàn lại đất canh tác và bảo đảm lương thực mang tính toàn quốc, chỉ có điều mức bồi thường ở các vùng là khác nhau. Vị quan chức này cho biết, Thành Đô hiện đang trong giai đoạn điều tra, dữ liệu vẫn chưa được tổng hợp đầy đủ, vậy nên diện tích giải phóng mặt bằng thực tế và khoản tiền cần thiết để bồi thường vẫn chưa được chính quyền thành phố phê duyệt.
Sở Nông nghiệp thành phố Thành Đô cho biết: “Nếu có điều kiện và chắc chắn có thể trồng lại lúa nước thì phải gắng hết sức mà làm, đây đều là tự nguyện, nhưng cũng không thể thu hồi đất của tất cả các khu vườn trong toàn thành phố được, ví như cái vườn ấy nó nằm trên núi thì ai sẽ là người đi lên đấy trồng lúa đây?”.
“Thực ra thì cả nước (Trung Quốc) đang được khuyến khích hoàn lại đất canh tác, còn chính sách của mỗi địa phương thì mỗi địa phương tự mình quyết định. Nên ưu tiên xem xét tình hình thực tế ở địa phương trước, sau đó báo cáo lên chính quyền thành phố. Cái giá của sự thay đổi không nên quá lớn”.
Cán bộ cơ sở: Sợ sẽ giống “Nạn đói lớn” năm 1959
Ông Phương, một quan chức cơ sở ở thành phố Hiếu Cảm (Xiaogan), tỉnh Hồ Bắc, cũng nói với Đài Á Châu Tự do rằng khu vực chỗ ông cũng yêu cầu khuyến khích dân làng trồng lúa và hứa sẽ trợ cấp 150 nhân dân tệ cho mỗi một mẫu đất trồng cây lương thực chính. Nhưng ông tiết lộ rằng, do thâm hụt nghiêm trọng giữa vốn đầu tư và lợi nhuận thu được trong việc cày cấy, nên cho dù có một khoản bồi thường nhỏ, nhiều người cũng thà bỏ hoang.
Ông Phương nói: “Họ cũng sợ lại giống như năm 1959 (Nạn đói lớn). Năm nay, việc trồng cây lương thực rất được coi trọng, cày ruộng lại còn được thưởng, khoảng 150 nhân dân tệ/mẫu. Mặc dù vậy, nó vẫn bị bỏ hoang. Ngành nông nghiệp ở Trung Quốc quả thật mệt mỏi, lợi ích của nhóm người làm nông bị tổn hại nghiêm trọng nhất”.
Ông Trần đến từ Trùng Khánh cũng xác nhận rằng: Hiện nay nhiều cuộc khủng hoảng đang nổ ra cùng một lúc và cục diện chính trị đang rất hỗn loạn. Chính quyền Trung Quốc muốn gây áp lực cho Hoa Kỳ nên ngừng nhập khẩu lương thực của Hoa Kỳ, nhưng dự trữ lương thực của Trung Quốc lại xuất hiện lỗ hổng. Điều này khiến các quan chức rất lo ngại về vấn đề an ninh lương thực, bởi vì chừng nào người dân Trung Quốc còn có đồ để ăn thì nghịch cảnh nào họ cũng chịu đựng được, nhưng một khi nguồn lương thực bị cắt đứt, tất cả các phương thức duy trì sự ổn định đều sẽ thất bại.
Ông Trần nói: “Bây giờ ngũ cốc của Hoa Kỳ không thể nhập khẩu, cộng với việc gần đây phát hiện ra tình trạng lương thực trong một số kho dự trữ ở lớp trên thì là ngũ cốc, nhưng dưới đáy lại toàn là cát, đều là kho dự trữ cấp quốc gia đấy! Tháng trước có 2 chủ nhiệm kho dự trữ lương thực đã tự sát. Mặc dù trên bề mặt đang rất gắng gượng, thực tế thì cuộc khủng hoảng đã rất nghiêm trọng rồi. Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị đã không mở cuộc họp vào đầu và cuối tháng 6 vừa rồi, đáng ra là một tháng họ họp 2 lần”.
Đông Phương
Theo NTDTV