Trung Quốc chùn bước trước việc giúp Nga bù đắp ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt
Theo nhà phân tích Trung Quốc Antonio Graceffo, mặc dù ban đầu Trung Quốc có thể đã lên kế hoạch giúp Moscow bù đắp ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng hiện giờ Bắc Kinh đã chuyển hướng sau khi chứng kiến hậu quả tàn khốc của các biện pháp này đối với nền kinh tế Nga.
Chưa đầy ba tuần trước khi Nga xâm lược [Ukraine], lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau tại Bắc Kinh, trong đó họ tuyên bố về mối liên hệ đối tác “không giới hạn” cũng như các hợp đồng dầu khí trị giá hơn 117 tỷ USD. Họ cũng đặt ra mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương lên 250 tỷ USD vào năm 2024.
Ông Graceffo, một nhà phân tích kinh tế, tin rằng Bắc Kinh có thể đã biết trước về cuộc xâm lược hiện thời này và cam kết sẽ giúp đỡ Moscow dưới hình thức hỗ trợ kinh tế.
“Có vẻ như họ [Bắc Kinh] đang thiết lập … một lá chắn kinh tế để bảo vệ Nga trước các lệnh trừng phạt có thể đến từ cuộc xâm lược Ukraine,” ông Graceffo, cũng là một người đóng góp cho The Epoch Times, gần đây nói với chương trình “Forbidden News” của EpochTV.
Nhưng chính quyền Trung Quốc không ngờ rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ có kết quả tàn khốc như thế nào. Theo ông Graceffo, tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga là chưa từng có về quy mô và hiệu quả.
Ông nói: “Thiệt hại kinh tế đang gây ra cho Nga, đó hoàn toàn là thảm họa liên quan đến nền kinh tế Nga.”
Nhà phân tích này cho biết, do một số bên cho vay của Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, các lệnh cấm vận thương mại khác, và sự chuyển dời của các doanh nghiệp phương Tây, “nên ít nhất có thể 30 đến 40% nền kinh tế Nga, nếu không muốn nói là nhiều hơn, vừa bị các lệnh trừng phạt này đánh gục.”
Theo như tất cả điều kể trên, ông Graceffo tin rằng Nga đang chứng kiến nền kinh tế của mình chịu thiệt hại hơn 700 tỷ USD.
Trong khi đó, Trung Quốc không có khả năng bù đắp những tổn thất đó. Theo quan điểm của ông Graceffo, ngay cả khi hai nước đồng ý tăng thương mại gấp bốn lần trong năm năm tới lên 400 tỷ USD, và bao thanh toán trong đường ống dẫn khí đốt mới của Trung Quốc với Nga mà nhà phân tích này tin rằng sẽ mang lại cho Moscow hơn 100 tỷ USD, Bắc Kinh vẫn khó có thể bù đắp được thiệt hại mà Nga phải gánh chịu cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Hơn nữa, Bắc Kinh có nguy cơ sẽ trở thành mục tiêu của chính các lệnh trừng phạt nếu họ giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Chuyên gia này cho rằng, “Nếu phương Tây được tiếp thêm dũng khí đứng lên chống lại Trung Quốc theo cách tương tự, để đưa ra các biện pháp trừng phạt tương tự chống lại Trung Quốc … thì ngay cả Trung Quốc cũng sẽ bị hạ gục.”
“Tôi tin rằng Trung Quốc đã chứng kiến những gì đã xảy ra với Nga. Và đây có thể là một phần lý do tại sao giờ đây họ đang cố gắng thay đổi lập trường của mình. Họ không muốn điều tương tự xảy đến với họ,” ông nói thêm.
Trong kịch bản này, cả Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ tẩy chay giao thương với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này — chưa kể các cường quốc kinh tế khác là đối tác thương mại chính của họ bao gồm Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, những nước sẽ tham gia và ngừng giao dịch thương mại của họ.
Ngoài ra, các công ty ngoại quốc đang giúp tạo ra hơn một nửa hàng hóa xuất cảng của Trung Quốc sẽ rút khỏi quốc gia Á Châu này.
Với những khả năng đó, chuyên gia này cho rằng Trung Quốc đang xem xét kỹ lưỡng cường độ phản ứng của phương Tây đối với hành động xâm lược của Nga.
“Nếu chúng ta thể hiện ra một phản ứng yếu ớt … thì Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các cách giải quyết khác [đối với các lệnh trừng phạt Nga],” ông nói. “Họ sẽ thực hiện nhiều hơn những cách giải quyết tùy cơ ứng biến này, và điều đó sẽ làm vô hiệu hóa rất nhiều lệnh trừng phạt.”
Anh Gary Bai là một phóng viên tự do có trụ sở tại New York, chuyên đưa tin liên quan đến Hoa Kỳ và Trung Quốc cho The Epoch Times.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: