Trung Quốc cho biết mối bang giao của họ với Nga ‘vững như bàn thạch’ bất chấp chiến tranh Ukraine
Vào ngày thứ 12 kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã mô tả mối bang giao của họ với Moscow là “vững như bàn thạch” và “sẽ không bị ảnh hưởng bởi các bên thứ ba.”
Nhà cầm quyền đưa ra tuyên bố này trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi Bắc Kinh lên án hành động xâm lược của Moscow, một lập trường mà chế độ này đã liên tục từ chối bày tỏ.
Hôm 07/03, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gọi Nga là “đối tác chiến lược quan trọng nhất” của Bắc Kinh và bang giao hai nước là “một trong những mối bang giao song phương then chốt nhất trên thế giới.”
“Dù bối cảnh quốc tế có nguy hiểm đến đâu, Trung Quốc và Nga sẽ duy trì một trọng tâm chiến lược và thúc đẩy sự phát triển của mối liên kết đối tác chiến lược toàn diện và sự phối hợp của chúng tôi trong kỷ nguyên mới,” ông Vương nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo bên lề cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp mang tính hình thức của quốc gia này ở Bắc Kinh.
Bình luận của nhà ngoại giao hàng đầu được đưa ra một ngày sau khi Hoa Kỳ và Úc kêu gọi Bắc Kinh tham gia hành động toàn cầu chống lại Nga vì gây ra cuộc xung đột.
Nga khai triển cuộc xâm lược chưa đầy ba tuần sau khi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin, vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông ở Bắc Kinh, tuyên bố một quan hệ đối tác “không giới hạn”.
Các nhà lãnh đạo đã ban hành một văn bản chung dài, trong đó Nga tán thành các tuyên bố lãnh thổ của Bắc Kinh đối với Đài Loan tự trị và chính quyền Trung Quốc ủng hộ Nga phản đối việc NATO mở rộng hơn nữa, một lý do chính cho cuộc xâm lược này.
Kể từ khi cuộc xâm lược diễn ra, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối công khai ủng hộ cho bất cứ bên nào, thay vào đó tự đặt mình vào tình thế chênh vênh ngượng nghịu mà các nhà quan sát lưu ý rằng trong đó có những thông điệp không nhất quán.
Chính quyền Trung Quốc đã từ chối coi các hành động của Moscow là một cuộc xâm lược và đổ lỗi cho Hoa Thịnh Đốn vì đã xúi giục cuộc xung đột này. Họ cũng yêu cầu các nước phương Tây tôn trọng “các mối lo ngại về an ninh chính đáng” của Nga, đồng thời nhắc lại rằng chủ quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng. Trong khi đó, họ đã kêu gọi các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong hai cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc, trong đó có cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Moscow ngừng cuộc tấn công vào Ukraine và lập tức rút quân.
Hơn nữa, Bắc Kinh đã từ chối tham gia cùng với Hoa Kỳ, Âu Châu, và các nước khác áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga. Thay vào đó, chính quyền này cho biết họ sẽ tiếp tục giao thương bình thường với Moscow và đã dỡ bỏ các hạn chế đối với lúa mì nhập cảng của Nga.
Những hành động như vậy khiến nhiều người kết luận rằng Bắc Kinh đã thể hiện một cách hiệu quả lập trường thân Nga, nhưng không muốn công khai làm như vậy vì sợ sẽ kích động sự tức giận hoặc châm ngòi cho các lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế.
Khi được hỏi tại sao Bắc Kinh từ chối tố cáo cuộc tấn công của Nga, ông Vương nhắc lại rằng Bắc Kinh đánh giá “tình hình của Ukraine” dựa trên “tính đúng sai phải trái của bản thân vấn đề.”
Hôm 05/03, Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 364 thường dân đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu, đồng thời lưu ý rằng con số này có thể là một con số quá thấp so với thực tế. Hơn 1.7 triệu người đã chạy khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
Vào cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với ông Vương trong một cuộc điện đàm rằng “thế giới đang theo dõi” để xem quốc gia nào ủng hộ tự do và chủ quyền.
Tại cuộc họp báo hôm 07/03, ông Vương nói rằng Bắc Kinh sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để giúp thiết lập “biện pháp hòa giải thiết yếu khi cần đến,” nhưng không cung cấp chi tiết.
Đài loan
Trong bối cảnh chiến tranh, người ta chú ý nhiều đến tình trạng khó khăn mà hòn đảo tự trị Đài Loan phải đối mặt. Giống như Ukraine, Đài Loan đang phải đương đầu với hành vi gây hấn ngày càng mạnh mẽ từ nước láng giềng lớn hơn, vốn muốn đưa lãnh thổ này về dưới trướng của mình, bằng vũ lực nếu cần thiết.
Tuy nhiên, ông Vương đã tìm cách bác bỏ sự đánh đồng giữa các vấn đề Đài Loan và Ukraine, tuyên bố rằng làm như vậy là áp dụng “một tiêu chuẩn kép rõ rệt” bởi vì hòn đảo này luôn là một phần của Trung Quốc và do đó là một vấn đề trong nước — một lập trường mà Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn duy trì lâu nay — trong khi cuộc khủng hoảng Ukraine là cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng.
Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đáng kể hành vi quấy rối quân sự của họ đối với hòn đảo dân chủ như một phần của chiến dịch nhằm đe dọa và làm hao mòn khả năng phòng thủ của Đài Loan. Trong khi đó, Đài Loan đã tăng cường mức độ cảnh báo kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, nhưng họ chưa ghi nhận hành động quân sự bất thường nào từ phía Trung Quốc.
Đáp lại nhận xét của ông Vương, Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan cho biết các hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc, trong đó có quấy rối quân sự và nỗ lực cô lập Đài Bắc về mặt ngoại giao, là nguyên nhân thực sự khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.
Hội đồng cho biết trong một tuyên bố: “Việc này cũng giải thích lý do tại sao họ không sẵn sàng lên án cuộc xâm lược của Nga.”
Hôm 07/03, khi công bố viện trợ hàng triệu Mỹ kim cho người tị nạn Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) cho biết người dân Đài Loan cảm thấy được truyền cảm hứng từ cuộc chiến chống Nga của Ukraine.
“Hãy để tôi nói điều này từ tận đáy lòng mình: Quý vị là nguồn cảm hứng cho người dân Đài Loan khi đối mặt với những mối đe dọa và sự ép buộc từ cường quốc độc tài,” ông nói trong một cuộc họp báo ở Đài Bắc.
“Nhiều người Đài Loan sẽ nói như tôi bây giờ: Tôi là người Ukraine,” ông Ngô nói, khi ngồi trước một lá cờ Ukraine lớn với thông điệp: “Đài Loan sát cánh cùng Ukraine.”
Cô Dorothy Li là một phóng viên của The Epoch Times tại Âu Châu.
Bản tin có sự đóng góp của Associated Press và Reuters
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: