Trung Quốc cắt giảm lãi suất chủ chốt do tăng trưởng kinh tế giảm
Trung Quốc đã bất ngờ cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay chính sách lần đầu tiên kể từ tháng 04/2020 trong bối cảnh tình hình kinh tế suy giảm do tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, thị trường địa ốc vỡ nợ, đàn áp các công ty lớn, và những đợt bùng phát COVID-19 lặp đi lặp lại.
Lãi suất cho vay trung hạn một năm (MLF) đối với khoản vay 700 tỷ nhân dân tệ (110.2 tỷ USD), đã được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giảm 10 điểm cơ bản xuống 2.85% vào hôm thứ Hai (17/01). Với cùng một biên độ (chênh lệch giữa giá thị trường của tài sản thế chấp và giá trị khoản vay), lãi suất của các giao dịch repo nghịch đảo (mua để bán) kỳ hạn 7 ngày, hay các giao dịch repos (giao dịch vay thế chấp bằng trái phiếu chính phủ), đã giảm xuống còn 2.1%. Một khoản repo nghịch đảo trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (15.7 tỷ USD) khác đã được đưa vào hệ thống trong khi các khoản vay MLF trị giá 500 tỷ nhân dân tệ (78 tỷ USD) đã đến hạn vào thứ Hai.
Các nhà phân tích dự đoán sẽ có nhiều nới lỏng tiền tệ hơn để cân bằng tình trạng nền kinh tế giảm tốc. PBOC đã cam kết vào tháng 12/2021 sẽ đóng một vai trò tích cực hơn trong việc hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc. 70% trong số 48 nhà giao dịch được Reuters thăm dò ý kiến vào tuần trước cho biết họ đã không lường trước được sự thay đổi của lãi suất.
Ông Ken Cheung, trưởng chiến lược gia ngoại hối Á Châu tại Mizuho Bank, nói với các hãng thông tấn: “Quyết định nới lỏng [tiền tệ] của PBOC vào đầu tháng 01/2022 cho thấy áp lực đi xuống của nền kinh tế gia tăng vào cuối năm 2021 và dư địa để cải thiện trong quý đầu tiên của năm nay là không lớn.”
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4% trong 3 tháng cuối năm 2021, dựa trên dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia. Trong khi các nhà phân tích dự đoán là 3.3%, con số này thấp hơn so với quý trước. Tăng trưởng của Trung Quốc năm ngoái lên tới 8.1%, cao hơn mục tiêu hơn 6% của giới lãnh đạo.
Vụ vỡ nợ trị giá 300 tỷ USD của đại công ty địa ốc Evergrande đã làm rung chuyển ngành công nghiệp cốt lõi thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Bắc Kinh gần đây đã ra lệnh cho chủ đầu tư này phá dỡ 39 tòa nhà đang xây dựng ở Hải Nam. Biện pháp này đã tạo thêm áp lực cho công ty.
Các công ty địa ốc khác như Kaisa Group cũng đã bị cơ quan xếp hạng quốc tế Fitch hạ cấp thành “vỡ nợ có giới hạn”. Vụ vỡ nợ của Evergrande trong các khoản thanh toán trái phiếu được coi là tương đương với sự sụp đổ của anh em nhà Lehman trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ đã giảm xuống 1.7% trong tháng trước từ 3.9% trong tháng 11/2021. Tuy nhiên, nhu cầu từ Hoa Kỳ và các thị trường Âu Châu đã nâng thương mại quốc tế lên mức kỷ lục 3.36 ngàn tỷ USD vào năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc được báo cáo là 5.1% vào cuối tháng 12/2021.
Omicron tiếp tục tàn phá nền kinh tế Trung Quốc, với số lượng các ca nhiễm tăng đều đặn. Chính sách “Không-COVID” của Trung Quốc yêu cầu toàn bộ các khu vực phải ngừng hoạt động khi chỉ có một ca nhiễm duy nhất được xác định. Điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành công nghiệp và các doanh nghiệp khác vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện và các gián đoạn khác khi họ cố gắng thoát ra khỏi đại dịch.
Trong khi đó, cuộc trấn áp lĩnh vực công nghệ của Đảng đã dẫn đến việc bán tháo [cổ phiếu] hàng loạt trong lĩnh vực do các tên tuổi lớn thống trị như Tencent, JD.com, Alibaba, và Bilibili. Chỉ số Hang Seng đã mất một nửa giá trị kể từ năm 2020.
Naveen Athrappully là một ký giả tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Đọc thêm: