Trung Quốc cắt điện hàng loạt vì không tìm được nguồn than
Để đạt được “kiểm soát kép năng lượng tiêu thụ”, nhiều nơi ở Trung Quốc đã tiến hành cắt điện, cho thấy áp lực ngày càng tăng về nguồn năng lượng mà Đại lục đang phải đối mặt. Khu công nghiệp Đông Bắc, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự suy giảm điện, cho biết họ cần khẩn cấp tăng cường nhập khẩu than để duy trì hệ thống chiếu sáng, hệ thống nước và hoạt động của nhà máy.
Bắt đầu từ đầu tháng 9, Trung Cộng đã đột ngột nâng cao tiêu chuẩn “kiểm soát kép năng lượng tiêu thụ”. Các doanh nghiệp ở nhiều tỉnh và khu vực đã liên tiếp nhận được thông báo về việc bắt buộc phải hạn chế điện, hạn chế hoặc tạm ngừng sản xuất. Theo thông báo của các địa phương, việc cắt điện sẽ kéo dài đến hết tháng 9 hoặc giữa tháng 10, thậm chí có thể kéo dài đến cuối năm.
Kể từ tuần trước, rất nhiều khu vực ở Đông Bắc Trung Quốc đã thực hiện cắt điện luân phiên trong giờ cao điểm. Theo các kênh thông tấn và mạng xã hội, khu vực Đông Bắc buộc phải tắt đèn giao thông do bị “cắt điện”; thang máy trong các tòa nhà dân cư không thể hoạt động; mạng 3G di động bị ngắt, và các nhà máy phải đóng cửa.
Tờ Reuters đưa tin, việc thiếu điện do thiếu than đã làm tê liệt một số lượng lớn các ngành công nghiệp. Các thành phố như Thẩm Dương và Đại Liên với dân số 13 triệu người cũng bị ảnh hưởng. Các nhà máy của các nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia như Apple, Tesla v.v. đều đã phải đóng cửa.
Tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đã kêu gọi tăng cường mua than nhập khẩu. Một hiệp hội của các công ty điện lực tuyên bố rằng, họ đang mở rộng nguồn cung cấp than “bằng mọi giá”.
Goldman Sachs ước tính rằng, có tới 44% hoạt động công nghiệp ở Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu điện, điều này có thể khiến tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm giảm 1% trong quý III và 2% trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 12.
Trong một ghi chú vào hôm thứ Ba, ngân hàng đầu tư đa quốc gia này của Hoa Kỳ và một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Manhattan, New York cho biết, họ đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc cho năm 2021 từ 8.2% xuống còn 7.8%.
Tìm nguồn nhập cảng than mới không hề dễ dàng
Công ty TNHH Thủy lợi Tân Bắc Cát Lâm đưa ra thông báo vào ngày 26/9/2021 rằng, theo yêu cầu của các bộ phận liên quan, họ sẽ cắt điện đột xuất, không định kỳ, không theo kế hoạch và không báo trước. Trong sáu tháng tới, mất điện và mất nước sẽ trở thành tình trạng thường xuyên. Sau khi đưa ra tuyên bố này, thị trường đã rơi vào hoảng loạn, công ty này đã ngay lập tức thông báo qua tài khoản WeChat chính thức của mình rằng từ ngữ của thông báo trước đó là không phù hợp.
Với dân số gần 25 triệu người ở tỉnh Cát Lâm, Tỉnh trưởng tỉnh Cát Lâm, ông Hàn Tuấn đã nói với công ty điện lực vào hôm thứ Hai (27/9) rằng, cần phải thiết lập “nhiều con đường” để đảm bảo nguồn cung cấp than. Trung Quốc nên mua thêm than từ Nga, Mông Cổ và Indonesia.
Do bị cắt điện, một số cửa hàng ở phía Đông Bắc đã phải mở cửa dưới ánh nến, các trung tâm mua sắm thì đã đóng cửa. Một bài đăng trên Weibo cảnh báo mọi người rằng, tình trạng cắt nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hội đồng Điện lực Trung Quốc (CEC) – tổ chức đại diện cho các nhà cung cấp điện, đã kêu gọi gia tăng sản lượng và nguồn cung cấp than trong nước, đồng thời ký thêm các hợp đồng từ trung đến dài hạn để tăng lượng tồn kho cho các nhà máy điện trước khi mùa đông đến.
Các nhà kinh doanh than cho biết, nói thì dễ hơn làm rất nhiều, việc tìm kiếm các nguồn nhập khẩu than mới là điều không dễ dàng.
“Nga bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu của châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc trước”, Một nhà kinh doanh than ở Đông Bắc cho biết, “Vận chuyển xuất cảng của Indonesia đã bị cản trở do thời tiết mưa trong vài tháng qua; xuất cảng của Mông Cổ thì chủ yếu thông qua xe tải và quy mô rất nhỏ”.
Giá than nhiệt giao sau của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục
Sau khi Trung Cộng hạn chế nhập khẩu than của Úc để trả đũa, họ đã mua than từ khắp nơi trên thế giới, khiến giá than tăng lên rất cao.
Vào đầu tháng 6, các kênh truyền thông đã dẫn lời ông Rory Simington – một nhà phân tích của công ty tư vấn và nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc khó có thể tìm ra lựa chọn thay thế cho loại than chất lượng cao như của Úc. “Có một điều chắc chắn là, so với các khu vực khác nơi có thể mua than của Úc, người tiêu dùng Trung Quốc đang phải trả nhiều tiền hơn cho than”.
Vào hôm thứ Ba, giá than nhiệt giao sau của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục 1,330 nhân dân tệ/tấn (tương đương 205.68 USD).
Các hạn chế của Trung Cộng đối với việc nhập khẩu than từ Úc đã dẫn đến sự phát triển bất thường của thị trường than. Ông Simington lấy ví dụ, giá than của Nga mà người tiêu dùng ở miền nam Trung Quốc mua gần đây cao hơn gần 50% so với giá than cùng loại của Úc, ngoài ra còn có một loại than của Indonesia đắt hơn than của Úc, nhưng nhiệt trị của nó lại thấp hơn gần 20%.
Vào tháng 11 năm ngoái (năm 2020), Trung Cộng đã bắt đầu hạn chế nhập khẩu than của Úc. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Úc, xuất cảng than của Úc sang Trung Quốc đã giảm từ khoảng 1 tỷ USD Úc mỗi tháng xuống còn khoảng 30 triệu. Sau đó, phần lớn than của Úc đã tìm được thị trường mới ở Indonesia, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hơn nữa, giá than của họ còn tăng trong thời gian gần đây.
Vào tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đi đầu trong việc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19), khiến Trung Cộng khó chịu. Do đó, Trung Cộng đã thực thi các biện pháp trả đũa đối với Úc về mặt hàng hóa thương mại, trong đó có than đá, lúa mạch và thịt bò v.v.
Do Lí Ngôn, Lâm Nghiên thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: