Trung Quốc cấp phúc lợi y tế cho các gia đình quân nhân để quân đội chuyên tâm chuẩn bị chiến tranh
Theo phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 01/01/2022, Trung Quốc sẽ mở rộng chi tiêu quân sự nhằm cung cấp điều trị y tế miễn phí hoặc ưu đãi cho các gia đình quân nhân, như một phần của nỗ lực “duy trì sự tập trung vào việc chuẩn bị chiến tranh” và “tăng cường sự gắn kết và sức mạnh chiến đấu của quân đội.”
Hôm 27/10, Nhật báo Quân sự Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) cho biết quy định mới này sẽ có hiệu lực với sự chấp thuận của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình, tuyên bố rằng quy định này mở rộng phạm vi điều trị y tế miễn phí cho vợ/chồng và con em chưa đủ tuổi thành niên của quân nhân, và điều trị y tế ưu đãi cho cha mẹ của sĩ quan quân đội cũng như cha mẹ của vợ hoặc chồng của họ.
Ông Trần Phá Không (Chen Pokong), một nhà bình luận chính trị Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, cho biết trên kênh truyền thông YouTube của mình rằng các quy định mới này của Trung Cộng là một cách thức đầu tư số tiền lớn để mua lấy sự toàn tâm toàn ý của quân đội.
Nghe có vẻ như là một tin tốt cho các quân nhân, nhưng có một tiền đề và mục đích bên trong việc này, đó là phải tập trung vào chiến đấu, ông Trần nói, “Gia đình của quân nhân được chăm sóc y tế miễn phí, nhưng họ phải ủng hộ việc vợ/chồng của họ ra trận. [Trung Cộng] cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí cho các gia đình để đổi lấy việc các thành viên trong gia đình sẽ ra nơi tiền tuyến để quyên sinh.”
Ông Trần nói: “70% những người lính và sĩ quan này là con một trong gia đình, và họ không muốn bỏ mạng trong chiến tranh, và cha mẹ của họ cũng vậy.” Hầu hết các gia đình Trung Quốc chỉ có một con do chính sách một con của Trung Cộng kể từ năm 1980 – chính sách này được cho là để kìm hãm sự gia tăng dân số.
Rõ ràng, hầu hết các quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản sẽ không để con trai và con gái của họ ra nơi tiền tuyến để đối mặt với tử thần. Vì môi trường bất công này trong quân đội, ông Trần nói “điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến phản chiến và sự mệt mỏi vì chiến tranh trong quân đội.”
Ông Vương Hách (Wang He), một nhà bình luận về các vấn đề thời sự tại hải ngoại, nói với The Epoch Times rằng mục đích của Trung Cộng là để kìm chân binh lính và tách họ ra khỏi xã hội – nắm quyền kiểm soát rất chặt chẽ suy nghĩ và lập trường chính trị của họ – và hàng tháng quân đội được cung cấp nhiều tài liệu chính trị để học tập.
Ông cho biết: “Trung Cộng yêu cầu họ [quân đội] phải tuân theo Trung Cộng đồng thời không đối xử với họ như con người, mà là những công cụ.”
“Để ổn định quân nhân tại ngũ, Trung Cộng dùng tiền để mua sự toàn tâm toàn ý của họ,” ông Vương nói khi đề cập đến nhiều quân nhân đã nghỉ hưu không được đối xử tốt và liên tục kêu gọi sự trợ giúp, điều này có thể ảnh hưởng đến các binh lính đang tại ngũ.
Theo đánh giá quốc phòng được công bố vào tháng 07/2019 của Trung Cộng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc bao gồm ba thành phần chính: chi phí sinh hoạt cho nhân sự, chi phí bảo trì huấn luyện, và chi phí trang thiết bị.
Ông Vương đã quan sát được rằng, “việc phân bổ cho thiết bị quân sự chiếm 40%, huấn luyện chỉ hơn 20%, và 40% còn lại là chi phí nhân sự.”
Chi tiêu quân sự của Trung Cộng
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, quân đội Trung Quốc sẽ cống hiến hết mình cho “vũ khí và thiết bị” như ông Tập đã nhấn mạnh tại một hội nghị quân sự được tổ chức từ ngày 25 – 26/10 ở Bắc Kinh.
Trong những thập niên qua, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào chi tiêu quân sự về vũ khí, trang thiết bị, cùng hoạt động nghiên cứu, phát triển. Một báo cáo ngày 07/03 từ Chứng khoán AVIC (pdf), công ty chứng khoán duy nhất thuộc doanh nghiệp quân đội quốc doanh, cho biết thập niên tới có thể là thời kỳ nở rộ của vũ khí và thiết bị.
Báo cáo này cho biết theo dự thảo ngân sách được trình bày tại kỳ họp thứ tư của Đại hội 13 của Trung Quốc vào ngày 05/03, chi tiêu quốc phòng của Trung Cộng vào năm 2021 dự kiến sẽ tăng 6.89% so với năm 2020, đạt 209 tỷ USD.
Tỷ trọng chi tiêu cho thiết bị tiếp tục tăng, và hàng không vũ trụ có thể trở thành một lĩnh vực đầu tư quan trọng.
Dựa trên dữ liệu công khai này, tốc độ tăng chi tiêu cho thiết bị hàng không lớn hơn (>) tốc độ tăng chi phí thiết bị > tốc độ tăng chi tiêu quân sự > tốc độ tăng trưởng GDP của quốc gia, báo cáo cho biết.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết: “Trung Quốc đã phân bổ 1.9% GDP mỗi năm cho quân đội kể từ năm 2013.”
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cho biết ngân sách quân sự của Trung Quốc đang tiếp tục tăng và hiện được xếp hạng là ngân sách lớn thứ hai trên thế giới “[đang] chiếm 39.5% tổng giá trị chi tiêu tích lũy của cả lục địa Á Châu (bao gồm cả khu vực Trung Đông).”
Cô Jessica Mao là một tác giả của The Epoch Times, tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ vào năm 2009.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: