Trung Quốc cách chức một quan chức nói ra sự thật về vụ phong tỏa do COVID
Chính quyền Trung Quốc đã cách chức một quan chức đăng trên mạng xã hội về tình hình thực tế ở thành phố Tây An nơi đang bị áp đặt các quy định nghiêm ngặt về COVID-19.
Sự thật mà vị quan chức này đăng tải bao gồm một người đàn ông 31 tuổi đã đi bộ suốt tám ngày đêm về quê vì thiếu thu nhập, không có phương tiện giao thông công cộng, và sợ bị cách ly ở Tây An.
Hai người công nhân nhập cư khác của Tây An cũng có cùng mục đích này, với một người đạp xe suốt 10 giờ trong đêm băng giá, và một người khác bơi qua một con sông đóng băng.
Tuy nhiên, bài đăng của vị quan chức này bị nhà cầm quyền coi là tin đồn, sau đó đã bị xóa khỏi internet và bị kiểm duyệt.
“Một quan chức bình thường luôn biết rất rõ các quy định của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ không dám nói những điều có thể khiến chính quyền này tức giận, chưa kể đến vị quan chức bị cách chức kia lại là một quan chức cao cấp,” nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc sinh sống tại Hoa Kỳ, ông Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói với The Epoch Times hôm 08/01. “Ngay cả một quan chức tự kiểm duyệt cũng bị sa thải vì một bài đăng trực tuyến, quý vị có thể tưởng tượng chế độ Trung Quốc này đang kiểm soát ngôn luận của người dân chặt chẽ như thế nào.”
Hôm 06/01, Liên đoàn Hoa kiều Hồi hương toàn Trung Quốc (ACFROC) đã đưa ra thông báo, “Sau khi xem xét, chúng tôi đã quyết định bãi nhiệm ông Tống Văn Đào (Song Wentao) khỏi vị trí phó giám đốc Ban Tổ chức của Bộ phận Xây dựng cơ sở.”
ACFROC là một cơ quan chủ chốt của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của chính quyền Trung Quốc, có vai trò tác động đến các cá nhân và tổ chức ưu tú trong và ngoài Trung Quốc để ủng hộ chế độ này. Ông Tống, với tư cách là một quan chức cao cấp của ACFROC, đã từng đến các thành phố khác nhau của Trung Quốc để kiểm tra hiệu quả hoạt động của họ trong việc tái hòa nhập những người Trung Quốc trở về từ hải ngoại.
Hôm 04/01, thông báo của Trung tâm Báo cáo Mạng tỉnh Thiểm Tây đã giải thích lý do vì sao ông Tống bị sa thải.
“Tài khoản Qingfengmingyue Lou đã đăng một bài báo với tiêu đề ‘Nỗi buồn của người dân Tây An: tại sao một số người trong số họ bỏ trốn khỏi Tây An thậm chí đã liều mạng và phạm luật’ trên WeChat hôm 02/01,” trung tâm này thông báo. “Tài khoản đó là do ông Tống Văn Đào nắm giữ.”
Trung tâm này cho rằng bài đăng của ông Tống đã thu thập những lời phàn nàn của mọi người trên mạng, đồng thời “phớt lờ mọi nỗ lực của cư dân chống lại dịch bệnh.”
Mặc dù trung tâm này cho biết những gì ông Tống đăng là không đúng sự thật, nhưng người dân Tây An và các thông báo của cảnh sát địa phương đã xác nhận được các trường hợp mà ông Tống đã nêu chi tiết trong bài đăng của mình.
Trong bài đăng của mình, ông Tống đã trình bày chi tiết các tình huống về cuộc sống của cư dân Tây An dưới đợt phong tỏa nghiêm ngặt, chẳng hạn như mọi người không có giải pháp nào để mua được thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác cũng như không thể đi đến bệnh viện.
“Cư dân Tây An đang lo lắng về việc bản thân có thể bị tử vong vì bệnh tật và đói, hơn là vì dịch bệnh COVID-19,” ông Tống kết luận trong bài đăng của mình.
Trong bài đăng, ông Tống đã liệt kê ra ba người đàn ông đã bỏ trốn khỏi thành phố đó khi chính quyền tuyên bố phong tỏa, nhưng đã bị cảnh sát bắt giữ trước khi họ có thể về đến nhà ở các thành phố khác ở tỉnh Thiểm Tây. Tây An là thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây phía tây bắc Trung Quốc. Do bị phong tỏa, chính quyền đã dừng tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Tây An và mọi người không thể ra ngoài bằng tàu hỏa, xe buýt, xe hơi hoặc phi cơ.
Ông Tống viết rằng, “Dù không có thiết bị bổ sung và GPS, [người đàn ông 31 tuổi này] đã đi bộ suốt tám ngày đêm, leo qua những ngọn núi lớn, lội qua những con sông băng giá, để tiến vào lưu vực sông Dương Tử bắt đầu từ lưu vực sông Hoàng Hà, và băng qua dãy núi Tần Lĩnh — ranh giới phân chia giữa bắc và nam Trung Quốc.”
Người đàn ông mà ông Tống đã đề cập đến từ một vùng nông thôn ở thành phố An Khang, miền nam Thiểm Tây, nơi mọi người chỉ ăn thực phẩm do họ trồng. Tại Tây An, người đàn ông này đã thuê phòng trong một ngôi làng gần phi trường Hàm Dương và kiếm sống bằng nghề bán quần áo tại một quầy bán hàng rong.
Sau khi thành phố này bị phong tỏa, người đàn ông này không thể kiếm được tiền nhưng vẫn cần phải mua thức ăn và trả tiền thuê nhà. Nên ông đã quyết định trở về nhà mặc dù không có phương tiện giao thông công cộng và các trạm kiểm soát ngăn mọi người đi lại ở mọi ngôi làng và thị trấn.
Hôm 16/12, người đàn ông này đã rời khỏi phòng thuê của mình và bị cảnh sát Quận Ninh Thiểm tạm giữ vào ngày 24/12, cách phi trường này khoảng 75 km. Trong suốt tám ngày, ông chỉ chợp mắt vào những buổi chiều sớm khi có ánh nắng. Thời gian còn lại, ông vẫn tiếp tục đi bộ vì trời quá lạnh nên ông không thể ngủ được.
Ông Tống đã khóc vì thương các nhân viên y tế thực hiện các cuộc xét nghiệm trên các tuyến phố ở Tây An. “Sau một trận tuyết, gió lớn và lạnh. Các nhân viên y tế trên các tuyến phố đó đã phải phun thuốc khử trùng giữa các lần xét nghiệm. Hầu như tất cả bàn tay của họ đều bị tái xanh vì lạnh.”
Ông Tống đã bày tỏ sự đau buồn cho tất cả những người dân địa phương ở Tây An, những người đã bị nhốt ở nhà nhưng không thể kiếm được thức ăn, những người bị bệnh nhưng không được chữa trị, và những người bị buộc phải thực hiện các xét nghiệm vì hệ thống mã sức khỏe, thứ mà chính quyền sử dụng để thực hiện các cuộc xét nghiệm đã bị hỏng.
Ông Tống đã chỉ trích các quan chức Tây An nghiêm cấm mọi người giúp đỡ lẫn nhau vì các quan chức này đã sử dụng cơ hội đó để kiếm tiền. Ông đã liệt kê các ví dụ như sau:
Một người buôn bán rau củ đã tìm ra cách thu mua và vận chuyển rau củ đến khu dân cư nơi bà đang sống, nhưng những người bảo vệ trong khu nhà đó không cho phép bà buôn bán. Chính quyền Tây An đã bố trí lính canh trong từng khu dân cư để ngăn người dân rời khỏi nhà của họ. Đồng thời, họ còn ra lệnh cho tất cả người dân chỉ được phép mua rau củ từ một công ty không đáng tin cậy. Ông Tống đã chia sẻ quảng cáo của công ty này cho thấy giá một hộp rau là 438 nhân dân tệ (69 USD).
Hôm 08/01, một video về Tây An đã nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc trước khi bị kiểm duyệt. Trong video này, hai nhân viên chính quyền đã phân phát thức ăn cho một gia đình và yêu cầu người dân phải cảm ơn chính quyền trước khi lấy phần thức ăn này.
Hôm 05/01, một báo cáo tiết lộ rằng cư dân Tây An đã được yêu cầu tự kiểm duyệt.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sinh sống tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: