Trung Quốc: Các cổ đông đổ xô ‘bán tháo’ khi ĐCSTQ cố ngăn sự dịch chuyển dòng vốn
Công ty Quảng Đông DP, Jinke Property Group, và Country Garden Service Holdings đều thông báo đợt bán tháo cổ phiếu lớn trong tháng Mười Một và tháng Mười Hai. Những công ty Trung Quốc này chỉ là những công ty mới nhất công bố các đợt bán tháo lớn. Các chuyên gia suy đoán rằng việc bán cổ phiếu là một phần trong xu hướng rút tiền và rời khỏi đất nước ngày càng tăng của giới siêu giàu Trung Quốc.
Việc bán tháo diễn ra khi chính quyền Trung Quốc trấn áp việc bán cổ phiếu bất hợp pháp, vụ mới nhất trong một loạt các cuộc trấn áp bằng quy định trong vài năm qua khi ĐCSTQ quay trở lại một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát.
Những hành động trên nhằm chống lại dòng vốn chảy ra ngoại quốc khi nhiều người siêu giàu của nước này tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Hành động này là một phần của vòng luẩn quẩn khi Trung Quốc cố gắng dồn vốn thông qua các khoản tiền phạt, các quy định, và các khoản đóng góp ép buộc, khiến các công ty Trung Quốc càng thêm sợ hãi.
Quảng Đông DP, Jinke, Country Gardens bán tháo cổ phiếu
Hôm 05/12, theo một bản tin của Reuters, Công ty Quảng Đông DP — một nhà cung cấp chính các sản phẩm chiếu sáng LED — đã tiết lộ rằng cổ đông kiểm soát của họ sẽ bán 6% cổ phần trong công ty. Dựa trên giá đóng cửa hôm 05/12 của DP Quảng Đông là 15.2 nhân dân tệ/cổ phiếu (2.18 USD/cổ phiếu), số tiền mặt bị giảm lên tới khoảng 415 triệu nhân dân tệ (khoảng 57.4 triệu USD). Giá trị thị trường hiện tại của công ty này chỉ là 2.432 tỷ nhân dân tệ (khoảng 336 triệu USD).
Công ty TNHH Quảng Đông DP đã được niêm yết là một công ty đại chúng vào ngày 29/11/2019. Trong 3 năm từ 2019 đến 2021, hiệu quả hoạt động của công ty liên tục sụt giảm. Năm nay, tỷ suất lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh chính giảm đột ngột xuống 8.95% từ mức 21.51% của năm ngoái.
Hôm 29/11, công ty bất động sản Jinke Property Group thông báo rằng hai cổ đông — Jinke Holdings và Huang Hongyun — đã giảm 89.5 triệu cổ phiếu nắm giữ trong công ty, chiếm 1.68% tổng vốn cổ phần của công ty.
Hôm 05/12, Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến của Trung Quốc đã ban hành một lá thư giám sát cáo buộc các cổ đông của Tập đoàn bất động sản Jinke đã vi phạm các vi phạm sau: không thông báo trước về việc giảm cổ phần, giảm cổ phần trong thời gian hạn chế, và giảm cổ phần quá tỷ lệ.
Hôm 12/12, tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) đưa tin rằng bà Dương Huệ Nghiên (Yang Huiyan), người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, đã lên kế hoạch bán khoảng 7% cổ phần của mình trong Country Garden Services Holdings, thu về 5.055 tỷ HKD (649 triệu USD).
Theo trang tin tức bất động sản độc lập Mingtiandi, đợt bán tháo này đánh dấu đợt bán cổ phần lớn thứ ba của Country Garden Holdings kể từ cuối tháng Mười Một.
Trấn áp việc bán cổ phiếu bất hợp pháp
Trong nỗ lực hạn chế các đợt bán tháo cổ phiếu lớn, chính quyền Trung Quốc đang trấn áp việc bán cổ phiếu bất hợp pháp.
Theo Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ít nhất 30 công ty và 60 cổ đông đã bị phạt tiền theo quy định vì không tuân thủ trong việc bán cổ phần của họ trong năm nay. Riêng trong tháng Mười Một, chín công ty niêm yết hạng A đã thay mặt cổ đông và người điều hành đưa ra thông báo cáo lỗi vì vi phạm pháp luật. Hầu hết các công ty đều quy việc bán cổ phần bất hợp pháp cho “quản lý yếu kém.”
Tin tức kỹ thuật số Trung Quốc The Paper đã trích dẫn tổng cộng 23 công ty niêm yết và các bên liên quan đang bị Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai điều tra vào tháng Mười Một, trung bình mỗi ngày có một công ty mới bị điều tra vì tháng này chỉ có 22 ngày giao dịch. Hầu hết các cuộc điều tra liên quan đến các vi phạm bị nghi ngờ về việc công bố thông tin.
Ngược lại, tháng Chín và tháng Mười chứng kiến số lượng công ty bị điều tra ít hơn nhiều: lần lượt là năm và ba cuộc điều tra đối với các công ty niêm yết; trong khi tháng Bảy có 16 trường hợp được báo cáo.
Cũng trong tháng Mười Một, anh em tỷ phú Lý Hiểu Minh (Paul Xiaoming Lee) và Lý Hiểu Hoa (Li Xiaohua), chủ tịch và phó chủ tịch của Công ty TNHH Vật liệu Năng lượng mới Vân Nam (Yunnan Energy New Materials Co., Ltd.), đã bị quản thúc tại gia chờ điều tra. Từ tháng 08/2020 đến tháng 06/2022, gia đình Lý đã giảm cổ phần nắm giữ tại Năng lượng Vân Nam khoảng 54 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 549 triệu USD.
Chuyên gia: Bán cổ phiếu là một phần của cuộc di dân của giới siêu giàu
Các chuyên gia suy đoán rằng việc bán cổ phiếu là một phần trong cơn sốt rời khỏi Trung Quốc của giới siêu giàu.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia và nhà bình luận về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times hôm 01/12 rằng những người giàu có và quyền lực của Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh việc bán tài sản của họ và tìm cách rời khỏi Trung Quốc, cả trước và sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ.
Cuộc di dân này được thúc đẩy bởi một số yếu tố: phong tỏa do COVID-19, lo ngại về an toàn và an ninh trong bối cảnh các cuộc trấn áp bằng quy định và sự mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo một bản tin của Đài Á Châu Tự Do, số lượng tìm kiếm trên internet đề cập đến từ khóa “di dân” đã tăng hơn 100 lần vào mùa xuân này trong thời gian phong tỏa toàn diện vì COVID.
Mười ngàn người đã tìm cách rời khỏi Trung Quốc trong năm 2022, theo Báo cáo Công dân Toàn cầu của Henley, theo dõi sự di dân của người giàu có.
‘Thịnh vượng chung’ làm tăng tốc cuộc di dân
Mặc dù xu hướng di dân không phải là mới, ông Lý tin rằng cuộc di dân này đã tăng tốc sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ hồi tháng Mười, liên quan đến giới giàu có và doanh nhân của nước này. Một ngày sau lần đầu tiên Bộ Chính trị mới hiện diện trước công chúng hôm 23/10, chứng khoán Hồng Kông lao dốc và các nhà đầu tư ngoại quốc vội vàng rút vốn.
Những người giàu có ngày càng lo lắng về sự an toàn và an ninh của họ, bên cạnh các cuộc điều tra thuế và tịch thu tài sản của ĐCSTQ. Các công ty và cá nhân đang gấp rút bảo vệ vốn của họ.
Đảng đã kiếm được hàng tỷ USD bằng cách phạt các công ty công nghệ, công ty game, và các công ty khác trong vài năm qua. Hơn nữa, đảng này buộc các công ty quyên góp hàng triệu USD để tài trợ cho các dự án giáo dục, công nghệ nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo, phù hợp với thông điệp mới của Trung Quốc về “sự thịnh vượng chung” thay vì sự giàu có của từng cá nhân.
ĐCSTQ: Không chạy trốn nữa
Trong một hành động công khai hơn để chống lại cuộc di dân của dòng vốn, Trung Quốc đang đề nghị các chính sách can thiệp để ứng phó với những cá nhân giàu có bỏ chạy. Những chính sách này bao gồm các hạn chế đối với “di cư ác ý.”
Một bài báo hôm 01/12 trên hãng thông tấn nhà nước NetEase đưa tin rằng Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) của chính quyền này sẽ tăng quy mô quản lý tiền ủy thác trong tương lai và thực hiện một cách tiếp cận đa hướng để ngăn chặn hiệu quả sự dịch chuyển lớn của “các tài sản quốc gia.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times