Trung Quốc: Bệnh viện ở Đông Quản treo băng rôn tất niên cầu cho ‘phòng mổ rủng rỉnh tiền bạc’
Trong một sự kiện mừng năm mới của nhân viên bệnh viện Khang Hoa Đông Quản hôm 21/01, một băng rôn đã vô tình tiết lộ về mục đích thật sự của bệnh viện này.
Một tấm băng rôn đề dòng chữ “Mừng năm con Hổ uy vũ, phòng mổ rủng rỉnh tiền bạc”. Một bức ảnh chụp tấm băng rôn này treo tại một buổi họp mặt của các nhân viên bệnh viện đã được đưa lên mạng vào ngày 26/01, và ngay lập tức thu hút làn sóng chỉ trích trên mạng xã hội Baidu và Weibo của Trung Quốc.
Bệnh viện đã xin lỗi thông qua tài khoản trực tuyến của mình vào ngày hôm sau, nhưng điều đó chỉ gây thêm nhiều bình luận hơn từ cư dân mạng.
Một người có biệt danh “Susu” nói, “Tại sao phải xin lỗi? Đó chỉ là một sự thật vô tình được tiết lộ: Đó là một quy tắc bất thành văn – một bí mật được nhiều người biết đến; nếu quý vị không có tiền thì chẳng thể đi đến bất cứ nơi đâu trong bệnh viện.”
Một người khác, sử dụng tên “Bạn có biết” viết, “Đừng bận tâm giải thích. Nếu không có hiện tượng này, thì làm sao một băng rôn như vậy có thể được trưng lên? … Nó liên quan đến vấn đề phong bao lì xì trong phòng mổ của bệnh viện. Tôi đã gặp tình huống này khi người nhà tôi bị ốm… bác sĩ phẫu thuật trưởng, bác sĩ gây mê, và tất cả các bác sĩ hỗ trợ khác, quý vị sẽ cần đưa cho mỗi người bọn họ một phong bao lì xì. Đó là luật bất thành văn mà ai cũng biết.”
“Phong bao lì xì” là một phong tục đón năm mới của người Trung Quốc khi người lớn tuổi mừng ngày lễ này bằng cách cho trẻ em tiền lì xì trong một phong bao màu đỏ. Dưới chế độ cộng sản này, nó cũng là một thuật ngữ để chỉ hành vi hối lộ.
Cư dân mạng “Demolition” viết, “Bệnh viện cho biết băng rôn này xuất phát từ ý tốt của các y tá nhằm tạo ra một bầu không khí thư giãn. Nhưng làm thế nào mà câu nói đó có thể làm thư giãn? Bệnh viện được xây dựng để thu lợi nhuận, không phải để cứu người. Thật đáng xấu hổ.”
Còn cư dân mạng “Big Game” thì tuyên bố, “Băng rôn này chính là nói lên cái tâm của họ. Làm sao mà các y tá lại quyết định dùng một băng rôn như thế? Nếu không có sự chấp thuận của người quản lý thì nó sẽ không có ở đấy được.”
Bệnh viện ra thông cáo nói rằng các nhân viên phòng mổ đã tự phát tổ chức tụ tập đi ăn tất niên. “Để tạo không khí ăn uống thoải mái”, một số y tá đã làm băng rôn, treo trong phòng ăn; bệnh viện đã “xin lỗi” công chúng vì “nội dung không phù hợp” của băng rôn.
Được thành lập vào tháng 09/2002, bệnh viện Khang Hoa là một bệnh viện tư nhân cao cấp có năng lực nghiên cứu, tại thành phố Đông Quản của Quảng Đông, một tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc.
Một bác sĩ Trung Quốc kể về bí mật đen tối của bệnh viện
Nói về thái độ của bệnh viện đã treo băng rôn này, bác sĩ Lâm Tú Yên (Lin Xiuyan, bí danh), một bác sĩ đến từ tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc, đã tiết lộ mặt tối của hệ thống y tế đại lục với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 28/01.
Theo bác sĩ Lâm, thu nhập của một bác sĩ bao gồm tiền lương, tiền thưởng, và tiền thuốc. Kê đơn một số loại thuốc nhất định là một khoản thu nhập xám, “có thể tăng thêm một khoản trung bình 10,000 USD một năm,” cô nói.
Bác sĩ Lâm cho biết, “Các bệnh viện dựa vào thuốc, thiết bị, và vật tư để kiếm tiền.”
Hiện tượng “phong bao lì xì” luôn tồn tại trong các bệnh viện ở Trung Quốc. Tất cả các bác sĩ tham gia vào một ca phẫu thuật sẽ nhận được một phong bao – bác sĩ ký tên, bác sĩ phẫu thuật trưởng, và bác sĩ gây mê. Bác sĩ Lâm nói: “Những bệnh nhân giàu có ở miền bắc sẽ cho nhiều hơn, thường là hàng ngàn dollar.
Cô cho biết, “Trước đây một cuộc tiểu phẫu thường rất đơn giản, dùng thuốc an thần là đủ. Nhưng bây giờ họ sử dụng gây mê toàn thân, đi kèm với nhiều xét nghiệm máu khác nhau, máy thở, tầm soát bệnh mạch máu, điện não đồ, v.v. Tổng chi phí có thể lên đến hàng ngàn dollar. Đó là lý do tại sao phòng mổ đầy tiền.”
Bác sĩ cho biết các bệnh viện dùng mọi cách có thể để tăng viện phí cho bệnh nhân. Một số bác sĩ thậm chí còn làm đại lý bán thuốc để kiếm thêm thu nhập.
Cô tiết lộ rằng tấm băng rôn thực sự nói lên một khía cạnh khác của tâm lý: các nhà chức trách hy vọng rằng tất cả các phòng mổ đều sẽ kiếm được tiền. Cô Lâm cho biết, “Tôi nghe nói rằng một số chính quyền địa phương đã vay tiền từ các bệnh viện để trả lương cho công chức.”
Theo truyền thông Trung Quốc, các công chức Trung Quốc đã bị giảm lương tới 25% trong năm nay vì các chính quyền địa phương đang dần cạn kiệt tiền mặt.
Do Cổ Thanh Nhi (Gu Qing-er) và Lý Tân An (Xinan Li) thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the Epoch Times
Xem thêm: