Trung Quốc bắt giữ Mã Mỗ, người trù hoạch thành lập ‘Quốc hội lâm thời’
Hôm 03/05, Bắc Kinh đã chính thức công bố điều tra vụ án an ninh quốc gia liên quan đến một người họ Mã. Thông tin này này ngay lập tức khiến cổ phiếu của Alibaba giảm hơn 9% chỉ trong một ngày, vì mọi người tưởng rằng chuyện này là đang nói đến người đồng sáng lập của Alibaba, Jack Ma (Mã Vân), đã bị bắt.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin về ông Mã Mỗ (Ma Mou), người họ Mã nói trên, là một “thế lực thù địch ngoại quốc tham gia vào việc trù hoạch thành lập quốc hội lâm thời với ý định lật đổ quyền lực nhà nước.”
Bài báo này nói rằng tổ chức chống cộng sản của Mã Mỗ xây dựng một nghị trình chính trị kích động lật đổ quyền lực nhà nước, chủ yếu nhắm mục tiêu vào thanh niên và sinh viên.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng trước bản tin trên và cổ phiếu Alibaba đã giảm gần 10%, cho đến khi hãng thông tấn Anh ngữ của nhà nước làm rõ rằng vụ án này không liên quan gì đến ông Jack Ma (Mã Vân).
Đảng viên Đảng Cộng sản có ai ủng hộ Mã Mỗ không?
Bài báo của CCTV cho thấy Mã Mỗ sinh năm 1985, người Chiết Giang, là giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Phát triển (R&D) của một công ty công nghệ thông tin.
Bản tin trên cáo buộc rằng từ tháng Ba, Mã Mỗ đã tạo ra một nhóm trực tuyến ẩn danh để lan truyền tin đồn, và ban hành một bản tuyên ngôn độc lập.
Bài báo cho biết: “Ông Mã đã trù định xây dựng một chương trình tuyên truyền chống chính phủ, một quốc hội lâm thời, và một hệ thống luật pháp, với sự hỗ trợ của các thế lực ngoại quốc, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là lật đổ chế độ ĐCSTQ.
Bài báo trên cũng nói rằng chính quyền đã vào cuộc điều tra truy tìm tác động bất lợi của các hoạt động của ông Mã đối với quyền lực nhà nước và sự ổn định xã hội.
Thông qua một cuộc tìm kiếm trực tuyến, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã phát hiện ba nhóm trực tuyến mà Mã Mỗ đã thành lập trên Telegram. Một là bảo vệ nhân quyền bằng cách tham gia vào một cuộc chiến tuyên truyền chống lại nhà cầm quyền; nhóm thứ hai [được lập nên] nhằm xây dựng một ‘Quốc hội lâm thời Đại lục’; và nhóm thứ ba chỉ trích công khai lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đồng thời vạch trần các hành vi tội ác của nhà cầm quyền.
Hôm 22/04, Quốc hội lâm thời Đại lục [của ông Mã] đã đăng tải một bản tuyên ngôn độc lập trên Twitter.
Bản tuyên ngôn này liệt kê một số tội ác mà chế độ này đã vi phạm kể từ khi lên nắm quyền, trong đó có đề cập tới chính sách phong tỏa hiện thời khiến nhiều người Trung Quốc phải chịu cảnh đói khát, và thảm họa mà Đảng này đã mang đến cho thế giới thông qua sáng kiến kinh tế “Một vành đai, Một con đường” (hay còn gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường).
Nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) chia sẻ quan điểm của mình về vụ án. Ông nói, “Tinh thần chống cộng đang tăng lên, ngay cả trong Đảng.” Ông tiên liệu rằng những sự việc giống như thế này sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Nhà hoạt động dân chủ Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cho biết ông nghi ngờ rằng có những người trong Đảng ủng hộ các hoạt động của Mã Mỗ. Ông nói, “Chúng tôi biết đó là tín hiệu cho thấy có một số cuộc đấu tranh nội bộ đang diễn ra trong Đảng.”
Quốc hội lâm thời là sự kiện mang tính bước ngoặt
Nhà bình luận Vương Hách (Wang He) tin rằng vụ án này có ý nghĩa lớn đối với nội bộ chính quyền Trung Quốc, xét về trình độ kỹ năng công nghệ thông tin của Mã Mỗ. Ông nói rằng có một lượng lớn các chuyên gia công nghệ thông tin trẻ tuổi, đang chiếm lĩnh các hoạt động trực tuyến chính trên mạng internet Trung Quốc. Hiện nay các đại công ty công nghệ như Alibaba và Tencent đều sa thải nhân viên, vô hình trung đã tạo ra tình cảnh thất nghiệp và sự bất mãn ở Trung Quốc Đại lục.
Ông nói: “Những thanh niên trẻ tuổi này chưa từng trải qua các cuộc đấu tranh chính trị đàn áp tàn khốc của nhà cầm quyền. Ngoài ra, họ thường xuyên vượt tường lửa, có kiến thức về thế giới tự do ở hải ngoại, chưa kể bản thân họ cũng không ôm giữ một chủng tâm lý sợ hãi trời sinh đối với Đảng Cộng sản, vì vậy nhóm người này thực sự là một vấn đề khiến nhà cầm quyền đau đầu,” và cuộc đàn áp Mã Mỗ này có tác dụng như một lời cảnh báo gửi đến những người trẻ tuổi này.
Ông Vương tin rằng Quốc hội lâm thời có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó thể hiện sự thức tỉnh chính trị của các thế hệ trẻ, cũng như khát vọng thay đổi chế độ và môi trường chính trị bên trong Trung Quốc của họ.
Ông nói: “Không chỉ có duy nhất một Mã Mỗ, bởi vì nền tảng xã hội rất rộng lớn. Có một nhóm gồm những người thuộc giới tinh anh trong lĩnh vực công nghệ, nếu những người này hành động có thể sẽ là một thách thức lớn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Ngụy Kinh Sinh nhấn mạnh rằng chính sách zero COVID đã thức tỉnh nhiều người và khả năng Đảng này sụp đổ đang ngày càng lớn, thời gian cũng ngày càng đến gần.
Ông Lý Hằng Thanh cũng đồng tình rằng chính quyền Trung Quốc đang bước vào một thời kỳ đầy biến cố, với nhiều cuộc nổi dậy nữa sẽ xảy ra bên trong Trung Quốc.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lạc Á, và Thường Xuân
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: