Trung Quốc bắt buộc quân nhân chích ngừa, bất chấp các ca tử vong và hiệu quả thấp của vaccine Covid-19
Giới chức Trung Quốc đã lệnh cho tất cả các thành viên của quân đội phải chích ngừa trong bối cảnh có ngày càng có nhiều báo cáo tử vong do vaccine Trung Quốc gây ra ở Hồng Kông và đại lục.
Hiện ca tử vong của một binh sĩ Trung Quốc sau khi chích vaccine Sinovac của Trung Quốc, cùng các trường hợp tử vong khác liên quan đến vaccine, đang được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Hôm 15/04, một người dùng Weibo ở Thâm Quyến, có biệt danh là “Wild Foothill Flowers,” cho biết anh trai của cô, một binh sĩ, đã tử vong sau khi chích vaccine Sinovac.
“Anh trai tôi là một binh sĩ 28 tuổi không có tiền sử bệnh lý. Quân đội đã sắp xếp để mọi người được chích vaccine bất hoạt Sinovac được sản xuất tại Bắc Kinh. Liều đầu tiên được chích vào ngày 11/01. Liều thứ hai được chích vào ngày 08/02, tại Trung tâm Y tế Xã hội Phụ nữ và Trẻ em ở Đại lộ Tân Hà (Binhe) Thâm Quyến.”
Người phụ nữ cho biết anh trai cô xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, xuất huyết dưới da và chảy máu nướu răng. Hôm 24/03, anh này bị đau đầu và phải nhập viện sau khi bị xuất huyết não đột ngột. Anh ta đã qua đời hôm 15/04 và bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là “xuất huyết não do thiếu máu bất sản nghiêm trọng.”
“Tại sao chích ngừa lại gây ra bệnh thiếu máu bất sản được chứ?” người phụ nữ đặt câu hỏi.
Theo người phụ nữ này, cô đã bị “đe dọa” xóa bài đăng của mình. Sau đó cùng ngày, cô cho biết mình đã nhận được các cuộc gọi từ người đứng đầu cơ quan của anh trai cô cũng như Cục Y tế Phúc Điền (Futian), yêu cầu cô “nhận thức về sự ảnh hưởng.” Hai ngày sau đó, hôm 17/04, tất cả các bài đăng của cô về vụ việc đã bị xóa, nhưng ảnh chụp màn hình đã được chia sẻ trên mạng xã hội ở hải ngoại.
Một trường hợp khác, một công dân Nam Hàn sống ở Thượng Hải đã tử vong 3 ngày sau khi chích vaccine Sinovac. Trong một báo cáo hôm 22/04, Hãng Thông tấn Yonhap trích dẫn thông tin từ cộng đồng kiều bào Nam Hàn tại Thượng Hải cho biết một phụ nữ Nam Hàn xuất hiện triệu chứng buồn nôn và các phản ứng bất thường khác sau khi chích vaccine Sinovac tại một bệnh viện ở Thượng Hải hôm 19/04. Bà được phát hiện đã tử vong tại nhà ở Thượng Hải vào sáng ngày 22/04. Báo cáo cho biết người phụ nữ này khoảng 40 tuổi và không có bệnh lý nền.
Giới chức Trung Quốc đang chặn các báo cáo tử vong do vaccine của Trung Quốc
Theo thống kê của Epoch Times, tính đến ngày 20/04, 15 trường hợp tử vong do vaccine Sinovac đã được báo cáo ở Hồng Kông, một thành phố có khoảng 7 triệu dân. Tuy nhiên, Trung Quốc đại lục với dân số 1.4 tỷ người, chưa có báo cáo trường hợp nào xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong liên quan vaccine nội địa.
Một phụ nữ họ Tang ở thành phố Bành Lai, tỉnh Sơn Đông, nói với kênh NTD rằng đã có một số trường hợp tổn thương do vaccine tại Trung Quốc. Nhưng những thông tin liên quan đều đã bị giới hữu trách dập tắt nhanh đến nỗi ngay cả nhân viên y tế cũng không có cơ hội tìm hiểu về chúng. Bà cho biết chỉ có thân nhân mới biết về những trường hợp đó mà thôi.
Theo bà Tang, Trung Cộng đang quản lý dịch bệnh và các vấn đề liên quan đến vaccine một cách “bí mật.” Nếu một người nhập viện vì phản ứng bất lợi do vaccine, bệnh viện sẽ ngay lập tức cử nhân viên đặc biệt để giải quyết. Bà Tang cho hay những điều này được giấu kín với những người bình thường.
Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn được lan truyền thông qua các phương tiện truyền thông xã hội hoặc phương tiện truyền thông cá nhân ở hải ngoại. Ví dụ, hôm 27/03, một cư dân mạng đã đăng trên Twitter rằng một công nhân tại xưởng Công nghiệp nặng Sany ở Bắc Kinh đã được chích vaccine Sinovac vào ngày 21/03 và tử vong vào ngày 23/03.
Một cư dân mạng khác nói trong phần bình luận của một kênh truyền thông cá nhân rằng một người từ Bệnh viện số 1 Thiên Tân đã đột ngột qua đời hai ngày sau khi chích vaccine.
Đài phát thanh Sound of Hope nhận được một báo cáo vào ngày 14/04 từ một người dân ở Trung Quốc đại lục nói rằng vào cuối tháng 03/2021, ông Wang Dajun, một người dân làng 43 tuổi đến từ thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã tử vong cùng ngày ông ta được chích vaccine. Thân nhân đã liên hệ với giới hữu trách, và họ đã chặn thông tin này ngay lập tức.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến ngày 18/04, 192 triệu liều vaccine đã được cung cấp ở Trung Quốc đại lục. Không rõ có bao nhiêu người xuất hiện các triệu chứng bất thường sau chích ngừa vì nhà cầm quyền Trung Quốc đã kiểm soát loại thông tin này và truy quét “những kẻ làm rò rỉ.” Ví dụ, vào ngày 20/04, tài khoản Weibo có tên là “Cảnh sát Internet Nam Kinh Tuần tra và Thực thi Pháp luật” tiết lộ rằng Pan, một cư dân mạng ở thành phố Nam Kinh, đã bị giam 7 ngày vì đăng bình luận về việc vaccine gây thiệt mạng trên một nền tảng video ngắn.
Vaccine Trung Quốc đã nhận phải nhiều đánh giá tiêu cực
Trung Cộng đã sử dụng “ngoại giao vaccine” và giúp người ngoại quốc có thị thực dễ dàng hơn nếu chích vaccine do Trung Quốc sản xuất. Nhưng tại nhiều nước, tỷ lệ nhiễm COVID-19 đã tăng lên chứ không giảm sau đi khi sử dụng các vaccine này của Trung Quốc.
Ví dụ, ở Chile, 35% dân số đã được chích vaccine Sinovac, nhưng số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận đã tăng lên. Tính đến ngày 22/04, hơn 1.14 triệu người đã được chẩn đoán mắc COVID-19 tại quốc gia có dân số 18 triệu người này.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Chile cho thấy vaccine một liều Sinovac chỉ có hiệu quả 3% trong 28 ngày giữa liều đầu tiên và liều thứ hai, có nghĩa là liều đầu tiên hầu như không có tác dụng và những người được chích liều đầu tiên đã cũng dễ bị nhiễm virus như những người không được chích ngừa.
Theo nghiên cứu này, trong vòng hai tuần đầu tiên kể từ khi chích mũi Sinovac thứ hai, hiệu quả của vaccine chỉ đạt 27.7%. Hai hoặc nhiều tuần sau liều thứ hai, tỷ lệ hiệu quả tăng lên 56.5%.
Tại Brazil, trung tâm nghiên cứu Instituto Butantan đã công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 của Sinovac hôm 11/04, cho thấy hiệu quả của vaccine này chỉ là 50.4%, tương đồng với kết quả nghiên cứu ở Chile.
Và theo một phương tiện truyền thông Peru, hiệu quả của hai loại vaccine của Sinovac chỉ là 33% và 11.5% trong một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại địa phương.
Trong khi đó, tại Á Châu, Pakistan, quốc gia có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Cộng, đã bắt đầu chích vaccine Trung Quốc từ tháng 02/2021. Nhưng tỷ lệ lây nhiễm gần đây của quốc gia này đã tăng lên 11%, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát bắt đầu vào năm 2020. Tổng thống Pakistan Arif Alvi và Thủ tướng Imran Khan đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Trung Cộng sau khi chích vaccine Sinovac.
Các quan chức y tế đứng đầu của Trung Quốc thừa nhận vaccine sản xuất nội địa có hiệu quả thấp.
Vào ngày 10/04, ông Cao Phúc (Gao Fu), giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Cộng đã công khai thừa nhận rằng “hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine hiện có của Trung Quốc không cao” trong khi tham dự một hội thảo ở Thành Đô. Ông cho biết họ đang cân nhắc hai giải pháp. Một là tăng liều hoặc điều chỉnh khoảng thời gian giữa hai mũi chích. Hai là pha trộn với các loại vaccine được phát triển bằng các công nghệ khác nhau.
Ngày hôm sau, trong một cuộc phỏng vấn với Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, ông Cao đã cố gắng “đính chính” tuyên bố của mình, nói rằng sự “cường điệu hóa” dẫn đến việc ông thừa nhận rằng hiệu quả bảo vệ vaccine của Trung Quốc thấp hoàn toàn là một sự hiểu lầm. Tuy nhiên, ông Wang Huaqing, chuyên gia chính về chương trình chích ngừa của CDC, đã không phủ nhận tuyên bố ban đầu của ông Cao khi trả lời câu hỏi của các phóng viên trong cuộc họp báo của Hội đồng Nhà nước vào cùng ngày.
Các quan chức tuyên bố ‘chỉnh đốn việc chích ngừa bắt buộc’, nhưng toàn bộ quân nhân vẫn phải được chích ngừa
Hiệu quả và tính an toàn của vaccine Trung Quốc đang bị nghi ngờ rộng rãi và người dân Trung Quốc không muốn chích ngừa các vaccine này. Tuy nhiên, Trung Cộng đã sử dụng phương pháp tiếp cận cây gậy và củ cà rốt để thúc đẩy các loại vaccine nội địa. Họ hứa cho trứng, bột mì, phiếu giảm giá, và thậm chí cả tiền mặt để dụ dỗ người dân đi chích ngừa. Những người từ chối chích vaccine phải đối mặt với nhiều hình phạt trá hình khác nhau.
Đối mặt với áp lực dư luận trong và ngoài nước, hôm 11/04, bà Mi Feng–phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Cộng–cảm thấy có nghĩa vụ phải hồi đáp khi nói rằng, “Việc chích ngừa bắt buộc cho toàn dân phải được kiên quyết chấn chỉnh.” Đó là sự thừa nhận gián tiếp về những cố gắng của Trung Cộng trong việc bắt buộc chích ngừa.
Trở lại hồi tháng 06/2020, các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã nhận được sự chấp thuận của quân ủy Trung Cộng để sử dụng khẩn cấp loại vaccine đặc biệt có tên là Convidecia. Đây là vaccine vector virus adeno do Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc và CanSino Biologics Inc. phát triển. Vaccine này chỉ cần chích một liều. Hôm 25/02, Convidecia đã được Trung Cộng chấp thuận chính thức sử dụng có điều kiện. Sau 14 ngày chích một liều, mà không cung cấp bất kỳ dữ liệu lâm sàng nào, các quan chức tuyên bố rằng vaccine này có hiệu quả tổng thể là 68.83%.
Vài ngày sau khi bà Mi Feng đưa ra tuyên bố về việc chích ngừa bắt buộc cho toàn dân cần phải được kiên quyết chấn chỉnh, quân đội Trung Quốc đã tuyên bố rằng tất cả binh sĩ phải được chích ngừa. Một bài báo được xuất bản hôm 16/04 trên tờ People’s Liberation Army Daily trích lời các chuyên gia dự phòng và kiểm soát quân sự nói rằng quân nhân, là một nhóm cần thực hiện các nhiệm vụ khác nhau vào bất cứ lúc nào, vì thế “tất cả binh sĩ đều nên được chích ngừa,” ngoại trừ một số trường hợp chống chỉ định.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một nhà bình luận tại Hoa Kỳ và là chuyên gia về Trung Quốc cho biết, “Ngay cả các quan chức y tế đứng đầu của Trung Cộng cũng đã công khai thừa nhận rằng vaccine Trung Quốc không hiệu quả và sự an toàn của chúng đã bị nghi ngờ, với những trường hợp tử vong và cưỡng ép chích ngừa được báo cáo trong và ngoài nước. Giờ họ lại đang yêu cầu tất cả quân nhân phải chích ngừa. Mạng sống của người dân Trung Quốc quả thực là rẻ mạt.”
Do Winnie Han thực hiện
Thu Anh biên dịch
Xem thêm: