Trung Quốc: Áp lực dư luận về một cuộc xung đột với công an khiến chính quyền địa phương phải nới lỏng hạn chế
Xung đột giữa một viên công an và hai cha con ở thành phố Đan Đông, đông bắc Trung Quốc đã khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ. Dưới áp lực của dư luận, chính quyền này buộc phải nới lỏng một số hạn chế trong thành phố hôm 24/06.
Một bước đi như vậy là một vấn đề lớn đối với một thành phố đã bị phong tỏa hơn 60 ngày để kiềm chế bùng phát COVID-19.
Hôm 22/06, một công dân cao niên ở địa phương muốn rời khỏi khu dân cư của mình, đã chỉ trích một số công an chặn ông lại. Ông nói: “Ngay cả chính quyền Bắc Hàn cũng sẽ không đối xử với người dân theo cách này.” Từ đoạn video được lan truyền rộng rãi hôm 23/06, người đàn ông họ Tống cho biết có những người cao niên cần được cấp cứu mỗi ngày trong khu phố của ông vì phong tỏa. Ông hỏi: “Chúng tôi đã phạm tội gì? Tại sao các vị lại đối xử với chúng tôi như vậy?”
Người đàn ông lớn tuổi này nói rằng cứ cách 65-90 feet (20-27 mét) thì chính quyền Trung Quốc lại lắp đặt hàng rào thép gai trong thành phố; và ngay cả ở quốc gia độc tài nhất trên thế giới này, chính quyền Bắc Hàn cũng cho người dân quyền tự do hạn chế và cho phép họ đi lại trong thành phố.
Phía đông Đan Đông nằm bên kia sông Áp Lục chảy từ Bắc Hàn và có dân số 2.19 triệu người.
Xung đột với công an
Một viên công an và hai cha con đã có một cuộc xung đột kịch tính trên đường phố ở Đan Đông hôm 21/06. Toàn bộ sự việc đã được những người dân gần đó quay video, một trong số họ đã đăng tải nó lên mạng. Video này đã nhanh chóng lan rộng trên khắp đất nước Trung Quốc.
Hồi tháng Tư, người cha đã được phẫu thuật do thủng dạ dày tá tràng và cho đến tháng Sáu, ông vẫn đang điều trị bằng thuốc.
Hôm 21/06, người cha và con gái của ông đều đã được xét nghiệm COVID-19 và được chính quyền khu phố chấp thuận cho rời khỏi khu nhà để mua thuốc từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối vào một ngày sau ngày nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
Trên đường đi, viên chức khu phố cho biết chính quyền đã xác nhận với bệnh viện nơi bệnh nhân sẽ đến mua thuốc, và nói rằng cô con gái có thể đến lấy. Chính quyền yêu cầu tất cả các trạm kiểm soát trên đường cho phép cô con gái đi qua, và chỉ định rằng cô này sẽ xuất trình kết quả xét nghiệm COVID âm tính của mình cho họ xem.
Vào khung giờ đã định, cô con gái lái xe cùng cha đến bệnh viện lấy thuốc.
Tại một trạm kiểm soát, một viên công an và hai nhân viên chính quyền đã chặn hai cha con này lại. Sau khi họ xuất trình giấy thông hành và kết quả xét nghiệm âm tính, công an đã từ chối cho họ đi qua vì mã số sức khỏe của họ có màu vàng.
Mã sức khỏe là mã QR trên điện thoại di động mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để kiểm soát việc đi lại của người dân. Mã của cư dân sống trong khu phố có bệnh nhân nhiễm COVID thì có màu vàng. Những người bị nhiễm bệnh và có bất kỳ tiếp xúc gần nào đều có mã màu đỏ. Những người không ghé thăm khu vực được cho là rủi ro này trong 14 ngày qua thì có mã màu xanh lục.
Vì không được phép đến bệnh viện nên hai cha con quyết định về nhà. Tuy nhiên, các viên chức đã không cho họ rời đi. Cô con gái sau đó đã rời khỏi xe và cố gắng nói chuyện với các viên chức. Sau đó một viên công an đã đẩy cô ngã xuống đất.
Khi người cha nhìn thấy con gái mình bị đẩy ngã xuống đất, ông đã nhanh chóng tiến đến để tát vào mặt viên công an. Ngay khi đó, viên công an ngồi xuống và lấy tay che mặt dù người cha chưa hề đánh trúng anh ta.
“Các vị có ghi hình lại [cái tát trên video] không?” viên công an hỏi một trong những nhân viên của chính quyền. Sau khi nghe một câu trả lời là có, anh ta đứng lên và giam giữ hai cha con cô gái.
Hôm 22/06, công an Đan Đông thông báo rằng cô con gái sẽ bị giam giữ trong 10 ngày vì không làm theo yêu cầu của công an, còn người cha thì bị bắt vì hành hung một sĩ quan. Ở Trung Quốc, một người sẽ bị kết án không quá ba năm nếu tòa án phát hiện ra rằng anh ta/cô ta đã hành hung một sĩ quan.
Phản ứng với đoạn video này
Sau khi video trên được lan truyền rộng rãi, ngay cả các phương tiện truyền thông nhà nước ở các thành phố khác cũng chỉ trích viên công an này. “Tại sao phần lớn cư dân mạng Trung Quốc lại ủng hộ hai cha con trong sự kiện Đan Đông? Bởi vì nó đã gây ra rất nhiều câu chuyện thương tâm khi công an từ chối cho bệnh nhân đến bệnh viện hoặc nhập viện trong thời gian xảy ra đại dịch,” Đài phát thanh Thành Đô của nhà nước bình luận trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm 23/06.
Cuộc xung đột giữa công an và bệnh nhân này làm người dân địa phương rất phẫn nộ.
“Làm thế nào mà viên công an dám khẳng định rằng người cha đã hành hung anh ta? Công an đã đẩy cô gái trẻ xuống đất trước. Và người cha không chạm vào mặt người công an này. Họ có giấy thông hành và kết quả âm tính, nhưng công an không cho phép họ mua thuốc,” người dân họ Yu ở Đan Đông nói với The Epoch Times qua điện thoại hôm 23/06. “Không có luật lệ, không có đạo đức, và không có lý do để người dân ủng hộ công an.”
Cô Lý, một người dân Đan Đông, nói với The Epoch Times hôm 23/06 rằng cô thông cảm với hai cha con và cô cũng đã phải chịu đựng rất nhiều từ việc phong tỏa.
“Mọi người biết đó khi tôi và gia đình tôi bị đói, tôi đã cố gắng đi ra ngoài mua hàng tạp hóa, nhưng đã bị chặn lại vài lần. Mọi người không biết việc phong tỏa tồi tệ như thế nào đâu,” cô Lý nói. “Thuốc còn cấp thiết hơn cả thức ăn.”
Nới lỏng phong tỏa một chút
Tạp chí nhà nước China News Weekly hôm 23/06 đưa tin Đan Đông đã bị phong tỏa từ tháng Ba do đợt bùng phát COVID-19 mới.
“Dịch vụ tàu hỏa đã bị dừng hồi đầu tháng Ba. Phi trường ngừng hoạt động hôm 02/04 và có kế hoạch mở cửa trở lại vào cuối tháng Bảy. Người dân chỉ có thể rời đi hoặc vào Đan Đông bằng cách lái xe hơi riêng [nếu họ có được một giấy thông hành],” tờ Weekly cho biết.
Các nhà chức trách đã nới lỏng một số hạn chế hôm 24/06, cho phép đi lại một chút trong thành phố với điều kiện người dân có xét nghiệm COVID âm tính trong vòng 48 giờ qua.
Người dân Đan Đông ghi nhận rằng không chỉ người dân không thể đi lại mà các bưu kiện cũng không thể được chuyển đến hoặc ra khỏi thành phố. Cuộc phong tỏa cực đoan này đã khiến người dân cảm thấy tuyệt vọng.
Chính quyền Trung Quốc sử dụng chính sách zero COVID-19 để hạn chế virus. Chính quyền đã phong tỏa hết khu phố này đến khu phố khác, hết thành phố này đến thành phố khác. Những người sống trong các khu vực bị phong tỏa không được phép rời khỏi khu dân cư hoặc nhà của họ. Hầu hết phàn nàn rằng họ không thể ra ngoài kiếm tiền nhưng vẫn phải trả giá cao cho thực phẩm và các nhu cầu sinh hoạt căn bản khác.
Bà Nicole Hao là một phóng viên sống và làm việc tại Hoa Thịnh Đốn. Bà chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước khi gia nhập Epoch Media Group hồi tháng 07/2009, bà từng là giám đốc sản phẩm toàn cầu cho một doanh nghiệp đường sắt ở Paris, Pháp.
Bản tin có sự đóng góp của Cố Hiểu Hoa và Hồng Ninh