Trung Quốc áp đặt các quy tắc mới đối với việc niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc của các nền tảng lớn
Cơ quan giám sát không gian mạng của Bắc Kinh trong tuần này cho biết, bắt đầu từ ngày 15/02, các công ty nền tảng Trung Quốc nắm giữ dữ liệu cá nhân của hơn 1 triệu người dùng sẽ trải qua một cuộc đánh giá an ninh mạng trước khi niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc.
Biện pháp này diễn ra giữa bối cảnh của làn sóng thay đổi quy định nhằm thắt chặt sự kìm kẹp của chính phủ đối với các đại công ty công nghệ ở Trung Quốc.
Theo một tuyên bố hôm 04/01 do Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố, quy định này được thực thi là để “bảo vệ dữ liệu mạng và đảm bảo an ninh quốc gia.”
Quy định mới nêu rõ: “Có một nguy cơ rằng cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng, dữ liệu quan trọng hoặc một lượng lớn thông tin cá nhân có thể bị các chính phủ ngoại quốc tác động, kiểm soát, hoặc sử dụng với mục đích xấu sau khi một công ty niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc,” lặp lại mối lo ngại được đưa ra vào tháng Bảy năm ngoái (2021) khi các quy tắc an ninh mạng lần đầu tiên được đề nghị.
Theo Reuters, dẫn lời ông Alex Roberts, chuyên gia theo dõi chính sách dữ liệu của Trung Quốc tại công ty luật Linklaters có trụ sở tại Thượng Hải, dựa trên các quy định này, thì vẫn chưa rõ loại công ty nào sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Roberts cho biết: “Sự không rõ ràng này sẽ là mối lo ngại thực sự đối với các doanh nghiệp đa kênh thành công trong nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc trước tính không chắc chắn hiện tại của quá trình xem xét.”
Bắc Kinh đã đưa ra đánh giá an ninh mạng đầu tiên vào tháng 07/2021 để thăm dò đại công ty gọi xe Didi Global Inc. vì bị cáo buộc đã bất chấp các yêu cầu quy định để bảo đảm an ninh dữ liệu của công ty trước khi niêm yết ở ngoại quốc, chỉ vài ngày sau vụ phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 4.4 tỷ USD ở New York.
Vào thời điểm đó, CAC đã viện dẫn việc “ngăn ngừa rủi ro an ninh dữ liệu quốc gia, bảo vệ an toàn quốc gia, và đảm bảo lợi ích công cộng” là những lý do cho việc xem xét sự bảo đảm an ninh dữ liệu công ty, biện pháp từng diễn ra giữa căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh.
7 cơ quan quản lý, bao gồm các cơ quan giám sát an ninh nhà nước, an ninh công cộng, thuế, và giao thông, đã đến các văn phòng của Didi vào giữa tháng Bảy (2021) để tiến hành một cuộc điều tra tại chỗ. Vào tháng 12 (2021), Didi đã thông báo rằng họ sẽ hủy niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York và thay vào đó sẽ tìm kiếm một sự niêm yết ở Hồng Kông.
Bắc Kinh đã ban hành một loạt các quy định mới trong những tháng gần đây đối với các công ty nền tảng internet khi dữ liệu là mối quan tâm chính của họ.
Vào tháng 11, CAC đã yêu cầu các chương trình xử lý dữ liệu đăng ký để được xem xét về an ninh mạng trước khi niêm yết tại Hồng Kông.
Hôm 24/12, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã thông báo rằng họ sẽ yêu cầu các công ty có kế hoạch niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc trước hết đăng ký với ủy ban này, theo một hệ thống vốn cũng có hợp tác chặt chẽ với các cơ quan quản lý khác.
Hôm 27/12, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cho biết rằng các công ty trong các ngành nhạy cảm, chẳng hạn như tin tức và xuất bản internet, cần có sự chấp thuận của các cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc trước khi niêm yết cổ phiếu ở ngoại quốc.
Quy định về công nghệ khuyến nghị thuật toán
Hôm 04/01, CAC đưa ra một tuyên bố khác cho biết họ sẽ bắt đầu thực thi luật mới về công nghệ thuật toán được các doanh nghiệp nền tảng sử dụng vào ngày 01/03 và mở rộng giám sát đối với các nhà cung cấp tin tức trên internet.
Các ứng dụng do các công ty có nền tảng vận hành sử dụng rộng rãi công nghệ hướng dẫn thuật toán, bao gồm đại công ty thương mại điện tử Alibaba Group Holding, công ty dẫn đầu thị trường trò chơi điện tử và truyền thông xã hội Tencent Holdings và chủ sở hữu TikTok ByteDance.
Cơ quan quản lý này cho biết họ sẽ yêu cầu các nền tảng cho phép người dùng tắt các dịch vụ thuật toán trong các quy định mới.
Các nhà cung cấp tin tức trên trực tuyến cũng sẽ phải xin giấy phép cho các dịch vụ của họ và sẽ bị cấm xuất bản thông tin không có trong danh sách các nguồn tin tức được chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Hôm 20/10, CAC đã cập nhật danh sách 1,358 hãng tin được phê duyệt việc chia sẻ nội dung trên internet.
Katabella Roberts và Reuters đã đóng góp vào báo cáo này.
Do Fran Wang thực hiện
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: