Trung Quốc ảnh hưởng ông Musk? ‘Như Quái vật hồ Loch Ness ghé thăm Quảng trường Thời Đại’
Giờ đây khi ông Elon Musk đã hoàn tất thương vụ mua Twitter với giá 44 tỷ USD, có nhiều suy đoán mới cho rằng Trung Quốc có thể có năng lực chi phối đối với vị giám đốc điều hành tỷ phú của Tesla Motors này.
Phóng viên Mike Forsythe của New York Times đã gây ra một làn sóng suy đoán, khi đăng một tweet trên Twitter nói rằng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến ông Musk khi ông sắp trở thành chủ sở hữu chính thức của nền tảng truyền thông xã hội này.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của hãng Tesla, trong khi các nhà sản xuất pin ở Trung Quốc là những nhà cung cấp chính cho xe hơi của Tesla. Ông cũng nhận xét rằng sau khi chính quyền Trung Quốc cấm Twitter vào năm 2009, “chính quyền ở đó hầu như không có quyền gì đối với nền tảng này.”
“Có thể điều đó vừa thay đổi,” ông nói.
Lời bình luận này đã thu hút sự chú ý của cựu giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, người đã hỏi liệu Trung Quốc có đạt được “một chút ảnh hưởng đối với quảng trường [cách gọi của ông Musk về Twitter]” hay không.
“Câu trả lời của riêng tôi cho câu hỏi này có lẽ là không. Kết quả có thể xảy ra trong vấn đề này là sự phức tạp ở Trung Quốc đối với Tesla, hơn là sự kiểm duyệt ở Twitter,” ông Bezos viết trong một tweet trên Twitter. “Nhưng chúng ta sẽ biết thôi. Ông Musk rất giỏi trong việc giải quyết loại phức tạp này.”
Những người chỉ trích cho rằng chính quyền Trung Quốc có thể cố gắng thúc ép ông Musk kiểm duyệt những người chỉ trích cách đối xử của họ với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hoặc quảng bá các tài khoản ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
ĐCSTQ có thể cố gắng tạo ra những trở ngại đối với nhà máy Tesla ở Thượng Hải hoặc đưa ra các tuyên bố về quyền sở hữu trí tuệ (IP) để cưỡng chế ông Musk phải thực hiện những gì mà chính quyền này ra lệnh.
“Nếu ông Elon Musk nghĩ rằng vì ông ấy là người đàn ông giàu nhất thế giới nên ông ấy có thể nói với Trung Quốc rằng hãy biến đi nếu Bắc Kinh bắt đầu cầu cạnh ông ấy về Twitter, thì ông ấy sẽ biết được nhà nước Trung Quốc có thể nuốt gọn nhà máy Tesla ở Thượng Hải đó hiệu quả như thế nào, lấy đi cùng với nó càng nhiều quyền sở hữu trí tuệ càng tốt,” phóng viên Melissa Chan của Vice News viết trên Twitter. “Có rất ít quốc gia đạt được hiệu quả trong chính sách ngoại giao liên kết như Trung Quốc.”
Nhưng không phải ai cũng đồng ý rằng Bắc Kinh sẽ nắm quyền đối với ông Musk và thương vụ mua lại mạng xã hội mới nhất của ông.
“Việc ông Elon Musk mua lại Twitter là một chiến thắng lớn cho quyền tự do ngôn luận. Và tôi không tin rằng chiến thắng đó sẽ nhượng lại bất kỳ quyền lực nào cho Trung Quốc đối với nền tảng này,” Dân biểu Chris Stewart (Cộng Hòa-Utah) cho biết trong một tuyên bố. “Tiền đề việc mua lại của ông Musk là để giải cứu Twitter khỏi những người đã cho phép công ty truyền thông xã hội này trở thành một cơ quan thực thi tư tưởng, trái ngược với một nền tảng truyền thông tự do và cởi mở.”
“Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc có bất kỳ tác động kiểm soát nào đối với các giao dịch kinh doanh hoặc việc ra quyết định của ông ấy. Trung Quốc là một nhà nước đàn áp quyền tự do ngôn luận, và ông Musk là một người ủng hộ cho điều đó.”
Theo ông Eric Schiffer, chủ tịch công ty cổ phần tư nhân có trụ sở tại Los Angeles, Patriarch Organization, không chắc là Bắc Kinh sẽ tác động ông Musk.
“Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với ông Musk có lẽ giống như việc Quái vật hồ Loch Ness ghé thăm Quảng trường Thời Đại sau đại dịch,” ông Schiffer nói với The Epoch Times.
Ông cho biết các nền tảng công nghệ cũng thường xuyên thực hiện các điều chỉnh đối với các dịch vụ truyền thông của họ khi giao dịch với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
“Tôi có thể nói rằng hầu hết các dịch vụ truyền thông công nghệ lớn khi giao dịch với Trung Quốc đều đã thực hiện một số sửa đổi,” ông Schiffer nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ có một sự sửa đổi có thể làm ảnh hưởng đến người dùng hoặc trải nghiệm hoặc an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Nó sẽ bị giới hạn trong phạm vi địa lý của chính Trung Quốc.”
Ông Musk cũng đã công khai chỉ trích chính quyền Trung Quốc, cho rằng phản ứng của họ đối với đại dịch virus corona là “phát xít.”
“Để mà yêu cầu rằng [mọi người] không thể rời khỏi nhà của họ, và họ sẽ bị bắt nếu làm vậy, thì đây là chủ nghĩa phát xít,” ông Musk nói với các phóng viên trong cuộc gọi hội nghị của Tesla hồi tháng 04/2020. “Điều này không hề mang tính dân chủ. Đây không phải là tự do. Hãy trả lại cho mọi người sự tự do [từ tục tĩu] của họ.”
Năm ngoái (2021), ông Musk đã bị chỉ trích rộng rãi sau khi ông phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì lo ngại rằng các vệ tinh Starlink SpaceX của ông có thể làm hỏng trạm vũ trụ của nước này.
Tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đệ trình một đơn khiếu nại (pdf) lên Liên Hiệp Quốc, khi lưu ý rằng trạm không gian Thiên Cung đã có hai lần “tiếp xúc ở khoảng cách gần” với vệ tinh Starlink vào ngày 01/07/2021 và ngày 21/10/2021.
Trong những năm gần đây, ông Musk đã đẩy mạnh hoạt động sang Trung Quốc và chính quyền này đã tạo điều kiện cho nhà sản xuất xe điện này có đất giá rẻ, các ưu đãi về thuế, và các khoản vay lãi suất thấp.
Dường như các công ty xe điện của Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh thất vọng và xem Tesla như một giải pháp thay thế xe năng lượng mới tuyệt vời để khởi động lại ngành công nghiệp xe hơi đang xuống cấp của Trung Quốc.
Kết quả là, ông Musk hiện đang có một nhà máy ở Thượng Hải, sản xuất nhiều xe hơn so với nhà máy tương tự ở California. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu và các đợt phong tỏa mới cũng như các biện pháp hạn chế về đại dịch đã cản trở năng suất chung của nhà máy này. Tesla đã khởi động lại việc sản xuất Model 3 và Model Y hồi tuần trước, mặc dù nhà máy này đã bị làm cho tê liệt bởi các giao thức nghiêm ngặt liên quan đến dịch bệnh virus corona, chẳng hạn như tạm thời yêu cầu các công nhân ở lại nhà máy và không được trở về nhà.
Ông Musk, người đàn ông thường hay thẳng tính này đã không bình luận gì về các biện pháp “zero COVID” mới nhất này.
Tesla cũng đã thành lập một phòng trưng bày ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Đây là khu vực mà chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc đang điều hành các trại tập trung và các chương trình đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, hành động mà Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chỉ định là tội ác diệt chủng.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã chặn quyền truy cập vào Twitter. Thay vào đó, Trung Quốc đại lục dựa vào một phiên bản Hoa ngữ có tên Sina Weibo, tích hợp các tính năng của Twitter, Facebook, và Medium.
Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times