Trung Quốc ăn cắp công nghệ quân sự của Hoa Kỳ để giám sát người dân
Bắc Kinh lợi dụng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” để thúc đẩy công nghệ giám sát cho các quốc gia độc tài.
Từ đăng ký hộ khẩu, túi hồ sơ, đến hệ thống chấm điểm tín dụng xã hội, các phương pháp kiểm soát người dân Trung Quốc của ĐCSTQ liên tục được cập nhật. ĐCSTQ cũng đã đưa ra một “Nền tảng tác chiến liên hợp tích hợp” với mục tiêu không chỉ để kiểm soát người dân Trung Quốc về mọi mặt mà còn thúc đẩy nó ra toàn cầu.
Để bảo vệ đảng, ĐCSTQ làm mọi cách để bắt cóc người dân Trung Quốc. Như Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã nói: “Nỗi sợ hãi của ĐCSTQ đối với những ý kiến chân thành của người dân Trung Quốc lớn hơn nỗi sợ hãi trước các đối thủ nước ngoài.
Để kiềm chế nỗi sợ hãi này, ĐCSTQ phải theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Chủ tịch Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-Trung Quốc Robin Cleveland và Phó Chủ tịch Carolyn Bartholomew chia sẻ với đài Fox News trong một phát ngôn chung hồi đầu tháng 8, ĐCSTQ với kỹ thuật tiên tiến đang “dốc sức sản xuất và sử dụng công nghệ để giám sát và kiểm soát người dân của mình”.
ĐCSTQ ăn cắp công nghệ quân sự của Hoa Kỳ để giám sát người dân
Gần đây Fox News đưa tin, với sự khuyến khích của ĐCSTQ, giám sát đã trở thành một ngành kinh doanh bùng nổ và một số lượng lớn các công ty công nghệ mới đã phát triển các sản phẩm giám sát để đáp ứng nhu cầu của “thị trường của ĐCSTQ”. Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành công cụ chính để ĐCSTQ đàn áp và ngược đãi người dân, đặc biệt là người ở các dân tộc thiểu số. Theo các tài liệu bị rò rỉ đầu năm nay, hoạt động giám sát kỹ thuật số của ĐCSTQ ở Tân Cương đã đạt đến mức độ tùy tiện vô lối.
ĐCSTQ sử dụng một hệ thống kiểm soát được gọi là Nền tảng tác chiến liên hợp tích hợp (Integrated Joint Operations Platform, gọi tắt là IJOP) ở Tân Cương, có khả năng kiểm duyệt nhân khẩu trong xã hội. IJOP do công ty Kỹ thuật Điện tử Trung Quốc phát triển. Nó đã được các nhà lý luận quân sự của ĐCSTQ sao chép và cải tiến sau khi nghiên cứu cách quân đội Hoa Kỳ sử dụng kỹ thuật thông tin trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Nếu một công dân dừng chân trước trạm kiểm soát của hệ thống, IJOP có thể lọc hàng tỷ điểm dữ liệu trong vài giây và tìm hiểu mọi thứ về người đó: ảnh, địa chỉ nhà, số chứng minh thư, trình độ học vấn, lịch sử sử dụng Internet và các mối quan hệ gia đình, …
Nền tảng này có thể nhanh chóng tạo ra một danh sách những người được phân loại là “phần tử khả nghi”, và do vậy họ sẽ bị đánh dấu là có khả năng bị giam giữ. Loại “khả nghi” này hoàn toàn phụ thuộc vào cách họ đi du lịch nước ngoài, ứng dụng di động mà họ cài đặt và các cụm từ khóa được sử dụng trong bài đăng (trên mạng xã hội) hoặc tin nhắn riêng tư, thậm chí những lời như hỏi thăm người khác có thể cầu nguyện ở đâu, đều có thể dẫn đến việc bị liệt vào danh sách đen của ĐCSTQ.
Theo ông Joseph Humire, giám đốc điều hành của Trung tâm Bảo hộ An toàn Tự do Xã hội, Tân Cương là “trung khu thần kinh trong hệ thống giám sát của ĐCSTQ”. IJOP yêu cầu dân chúng nhập thông tin nhận dạng, chẳng hạn như khi nào họ để râu, khi nào họ rời khỏi nhà hoặc nhóm máu,…
Ông Humire chia sẻ với Fox News rằng: “Các ứng dụng này đang cố gắng quyết định phương thức sinh hoạt của người dân. Nếu ĐCSTQ quyết định thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với lối sống của quý vị, nó sẽ tìm đến quý vị.”
ĐCSTQ xuất khẩu công nghệ giám sát, lôi kéo sự quan tâm của các quốc gia độc tài
Phương pháp giám sát này hướng tới toàn dân, tập trung vào bất kỳ ai có khả năng tư duy độc lập.
Ông Humire chỉ rõ, trung bình cứ 6 người ở Trung Quốc thì có một camera theo dõi, “điều này khiến Trung Quốc trở thành quốc gia bị giám sát nhiều nhất trên thế giới”.
Thật không may, nhờ có thể thu thập tùy ý dữ liệu lớn của 1.4 tỷ người, nên các công ty ĐCSTQ dễ dàng hơn trong việc phát triển các công nghệ giám sát và cho phép các công ty này đạt được tiến bộ đáng kể. Ông Zack Cooper, chuyên gia chính sách, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), nói với Fox News rằng: “Một số quốc gia độc tài coi ĐCSTQ là hình mẫu trong việc kiểm soát nhân khẩu với số lượng lớn.”
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong những năm gần đây ĐCSTQ đã chiếm lĩnh thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) và nhận dạng khuôn mặt (FR), đồng thời bắt đầu xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu, kiểm soát môi trường giám sát của công nghệ giám sát, để các công ty Trung Quốc này có thể thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu.
Bà Heather Heldman, đối tác thực hiện của Tập đoàn Luminae, một công ty dự báo rủi ro và địa chính trị, nhấn mạnh rằng các công cụ giám sát của ĐCSTQ được sử dụng phổ biến hơn trong lĩnh vực quân sự và thực thi pháp luật. Bà nói với Fox News rằng, “ĐCSTQ đang sử dụng nhiều công cụ kỹ thuật để giám sát quy mô lớn, từ việc phức tạp như đối chiếu DNA, đến giám sát mạng xã hội tiên tiến và các công cụ giám sát mạng như nhận dạng khuôn mặt, tất cả đều được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực quân sự hoặc thực thi pháp luật.”
Bà cũng đồng ý rằng nhiều quốc gia khác cũng đang mua công nghệ này, đặc biệt là ở châu Phi, “Nó được các nhà độc tài Phi Châu ca ngợi rộng rãi, đây là những người cố gắng duy trì quyền kiểm soát quyền lực”.
Bà Humire cũng suy đoán, công nghệ gây tranh cãi này sẽ được bán cho các nước Mỹ Latin, đặc biệt là Venezuela, đồng thời còn có Argentina, Uruguay, Brazil và các nước khác. Một báo cáo của Quỹ Carnegie cho thấy, về tổng thể, các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu công nghệ giám sát đến hơn 60 quốc gia trên thế giới, trong đó một số quốc gia có hồ sơ nhân quyền kém không được phép mua công nghệ giám sát từ hầu hết các quốc gia phát triển.
ĐCSTQ lợi dụng sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” để phát triển công nghệ giám sát
Bà Humire nhìn nhận, một nửa trong số các quốc gia chọn công nghệ giám sát của ĐCSTQ là tham gia vào sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” và những quốc gia này phụ thuộc vào các khoản vay cơ sở hạ tầng của ĐCSTQ. Ông nói với Fox News: “ĐCSTQ và Tập Cận Bình tin rằng trí tuệ nhân tạo là điều cần thiết cho sự cạnh tranh kinh tế và quân sự trong tương lai. Mọi người lo lắng ĐCSTQ trả đũa kinh tế vì nhiều nước trên thế giới đang mắc nợ Bắc Kinh rất nhiều.”
Thuận theo sự lây lan của virus Vũ Hán, nhiều chuyên gia lo ngại công nghệ giám sát sẽ được tăng cường với tốc độ kỷ lục. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Công dân, một nhóm nghiên cứu tập trung vào công nghệ và nhân quyền tại Đại học Toronto phát hiện, việc kiểm duyệt trực tuyến của ĐCSTQ đã đạt đến một cấp độ mới trong quá trình lây lan của virus Vũ Hán. Theo báo cáo, từ tháng Giêng đến tháng 5 năm nay, nền tảng WeChat đã tạo hơn 2,000 từ khóa liên quan đến virus Vũ Hán để theo dõi thông tin ngôn luận của người dân.
Đồng thời, Hoa Kỳ đang cố gắng kiềm chế sự giám sát không giới hạn của ĐCSTQ. Chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã cảnh báo các quốc gia khác đừng cho phép Huawei đưa hoạt động 5G ở trong biên giới nước mình.
Ngày 20/7, Hoa Kỳ đã ban hành một danh sách kiểm soát mới, 11 công ty Trung Quốc đã bị đưa vào danh sách đen vì bị nghi là xâm phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ngoài một số công ty dệt may, chính phủ Hoa Kỳ cho biết có 2 công ty đang tiến hành phân tích gen để đàn áp hơn nữa người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác.