Trung Quốc: 9 hậu quả từ lệnh cấm nhập than của Úc
Gần đây, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc đã bị cắt điện, thậm chí Bắc Kinh và Thượng Hải cũng đã đưa ra thông báo cắt điện. Đây là một trong những tác động tiêu cực do Bắc Kinh cấm nhập cảng than chất lượng cao từ Úc vào tháng 12 năm ngoái.
Úc từng là nhà cung cấp than lớn nhất của Trung Quốc. Than Úc có chất lượng tốt, ít tạp chất, tro và lưu huỳnh, nhiệt lượng và hiệu suất phát điện cao. Đây là loại than chất lượng cao phù hợp nhất trong sản xuất điện của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sau khi Úc đề nghị một cuộc điều tra độc lập truy xuất nguồn gốc của “virus Trung Cộng” vào tháng 4 năm ngoái, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã rất phẫn nộ và tiến hành một loạt các hành động trả đũa đối với Úc. Kể từ nửa cuối năm ngoái, Trung Quốc đã cắt giảm dần lượng than nhập từ Úc và ngưng hẳn vào tháng 12/2020.
Hậu quả là Bắc Kinh là tự lấy đá đập chân mình. Chỉ riêng về việc ngừng nhập cảng than chất lượng cao của Úc đã có ít nhất chín điều phản tác dụng.
1. Dự trữ than của Trung Quốc sẽ sớm chạm đáy
Theo CCTV đưa tin, bước sang tháng 8, lượng than dự trữ tại các công ty than trên cả nước giảm 26%, tại các cảng lớn giảm 21%, tại các nhà máy điện trọng điểm giảm 26.7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều người trong ngành cho biết, trước đây, lượng than dự trữ tại các nhà máy điện có thể dùng được trong khoảng 20 ngày, còn hiện chỉ chỉ cầm cự được dưới 5 ngày và có thể phải ngừng hoạt động do thiếu than.
2. Mua than bất chấp giá cả
Ngày 27/9, Hội đồng Điện lực Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc sẽ mua than bằng bất cứ giá nào để bảo đảm nguồn sưởi và điện trong mùa đông. Một cán bộ của nhà máy nhiệt điện cho biết, “dốc toàn lực mua than” đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà máy nhiệt điện hiện nay, chỉ cần mua được than mà không cần cân nhắc chi phí vận chuyển.
Nói cách khác, Bắc Kinh sẵn sàng mua than với giá đắt đỏ.
3. Mua than “mua đi bán lại” với giá cao
Theo báo giới Trung Quốc đưa tin, 25 quốc gia và khu vực đã trở thành “người bán hàng rong”, tức là sau khi mua than của Úc, họ dán nhãn nước mình và bán sang Trung Quốc với giá cao.
Tờ Australian News đưa tin, công ty khai thác than địa phương Whitehaven Coal cho biết, mặc dù Trung Quốc đã nhập cảng than của Nga, Indonesia, Nam Phi, Ấn Độ, Pakistan và các nước khác để lấp đầy khoảng trống, nhưng một điều thú vị là các nước này bắt đầu nhập cảng than từ Úc, rồi bán lại cho Trung Quốc. Bắc Kinh phải đi một đường vòng lớn và vẫn gián tiếp mua rất nhiều than của Úc.
Những điều tương tự đã xảy ra trong cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh phẫn nộ cấm nhập cảng đậu nành giá rẻ của Hoa Kỳ, kết quả là nhiều nước đã mua đậu nành từ Hoa Kỳ và sau đó bán lại cho Trung Quốc với giá cao.
4. Mua than Nga với giá cao
Ông Rory Simington, chuyên gia phân tích tại Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Năng lượng Wood Mackenzie, cho biết người tiêu dùng ở phía Nam Trung Quốc gần đây phải mua than của Nga với mức giá cao hơn gần 1.5 lần so với loại than tương tự của Úc.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh làm điều ngớ ngẩn như vậy. Vào tháng 3/2013, Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận cung cấp dầu trong 25 năm với tổng khối lượng 365 triệu tấn và tổng giá trị 270 tỷ USD, tương đương khoảng 101 USD/thùng. Tuy nhiên, kể từ tháng 6/2014, giá dầu quốc tế đã giảm mạnh, thậm chí xuống dưới 30 USD/thùng. Theo ước tính, Bắc Kinh đã thiệt hại hàng trăm triệu USD.
5. Đi vòng 15,700 km để mua than
Vào ngày 4/10, tỉnh Chiết Giang đã lần đầu tiên mua 136,000 tấn than từ Kazakhstan nằm ở Trung Á để giải quyết tình trạng thiếu điện và than ở tỉnh này. Tờ Nhật báo Chiết Giang đưa tin lượng than này được mua bởi Công ty Nhiên liệu Phú Hưng, một công ty con của Tập đoàn Năng lượng Chiết Giang. Tàu chở than đã đi vòng 8,501 hải lý (khoảng 15,700 km) trên biển trong suốt 30 ngày.
6. “Lách luật” để nhập than của Úc
Tờ Financial Times đã trích lời trưởng chuyên gia phân tích Nick Ristic của công ty vận tải biển Raemar ACM Shipbroking, vào tháng 9/2021, một số tàu Úc đang neo đậu ngoài cảng Trung Quốc, do lượng chiếm nước không đáng kể, chứng tỏ than đã được dỡ khỏi tàu, ước tính trọng lượng than vào khoảng 450,000 tấn. Đây được coi là biện pháp “lách luật” kể từ khi ĐCSTQ ra lệnh cấm nhập cảng than của Úc vào năm 2020. Rõ ràng là cuộc khủng hoảng thiếu điện của Trung Quốc đang khá trầm trọng.
Ngoài ra, cơ quan năng lượng Kpler cũng cho biết trong tháng 9, có tổng cộng 5 tàu chở hàng của Úc đã bốc dỡ hơn 380,000 tấn than tại cảng Trung Quốc.
7. Giá than tăng vọt
Về việc giá than tăng ở Trung Quốc, một số tờ báo Trung Quốc bình luận: Tân Hoa Xã mô tả đó là “cơn sốt than”, Economic Daily mô tả nó là “cơn sốt cao”, và tờ 21CBH dùng từ “điên cuồng tăng giá” để nói về tình trạng này. Kể từ đầu năm nay, giá than trên thị trường Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong một thập kỷ qua. Vào ngày 29/9, giá than nhiệt của Trung Quốc đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 1,376.8 NDT/tấn.
8. Thiếu điện trên diện rộng ở Trung Quốc
Gần đây, hơn 20 tỉnh ở Trung Quốc đã ban hành các biện pháp cắt giảm điện. Tại vùng Đông Bắc của Trung Quốc, tình trạng mất điện đột ngột đã xảy ra nhiều lần trong năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Có nơi bị cắt điện nhiều lần trong ngày, có nơi mỗi lần cắt điện trên 12 tiếng đồng hồ.
Việc cắt điện gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng đến mức độ nào? Báo giới Trung Quốc đưa tin, lấy tỉnh Hắc Long Giang làm ví dụ, nếu việc cắt điện tiếp tục kéo dài đến giữa đến cuối tháng 10, có thể ảnh hưởng đến mức tiêu thụ điện của người dùng lên tới 100 triệu kWh, mức ảnh hưởng đến ngành công nghiệp lên đến 1.63 tỷ NDT, ảnh hưởng đến giá trị gia tăng công nghiệp là 610 triệu NDT.
Vào ngày 27/9, công ty Morgan Stanley đã công bố một báo cáo cho hay, các ngành công nghiệp thép, nhôm và xi măng của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì chính sách cắt điện.
9. Than của Úc “đắt như tôm tươi”
Mất đi thị trường Trung Quốc nhưng than Úc đã tìm được thị trường mới ở Indonesia, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và nhiều nước khác.
Theo thống kê, năm 2020, khoảng 138.5 triệu tấn than ở New South Wales, Úc đã được vận chuyển đến 37 quốc gia, với tổng giá trị lên tới 16 tỷ AUD (khoảng 81.6 tỷ NDT). Ngoài ra, sau khi Trung Quốc ngừng mua than của Úc vào tháng 12 năm ngoái, xuất cảng than nhiệt của Úc đã tăng 25%, trong khi xuất cảng than cốc tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Cục Thống kê Úc, trong tháng 7 năm nay, xuất cảng than nhiệt của Úc đạt 19.33 triệu tấn, tăng 35.2% theo năm và 16.7% theo tháng, lập mức cao mới kể từ tháng 1/2020.
Kết luận
Tờ New York Times ngày 28/12 năm ngoái đưa tin, theo dữ liệu theo dõi thương mại cho thấy ước tính có khoảng 70 tàu chở than chứa từ 7 triệu đến 10 triệu tấn than của Úc đã cập cảng Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không cho các tàu chở than này nhập cảnh với lý do “than không đạt tiêu chuẩn kiểm dịch của Trung Quốc”, khiến thuyền viên bị mắc kẹt trên biển trong vài tháng.
Vào giữa tháng Giêng năm nay, tàu buôn JagAnand của Ấn Độ đã rời khỏi cảng Kinh Đường. Con tàu này đã bị mắc kẹt ở cảng Kinh Đường trong 7 tháng và cuối cùng đã cập cảng Nhật Bản vào ngày 18/1. Sau khi đến Nhật bản, thuyền viên người Ấn Độ trên tàu buôn này đã lên máy bay trở về Ấn Độ. Về tin tức trên, bản tin Thanh niên Trung Quốc đã đưa tin với tiêu đề “Sau 7 tháng “ăn không ngồi rồi” ở Trung Quốc, tàu than của Úc cuối cùng cũng đã rời đi.”
Trung Quốc không chỉ ban hành lệnh cấm nhập cảng than Úc vào tháng 12 năm ngoái, mà còn không cấp giấy thông quan cho các chuyến than được vận chuyển đến cửa khẩu theo hợp đồng. Khi tàu than buộc phải rời đi thì báo chí lại buông lời nhạo báng.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc cấm nhập than chất lượng cao của Úc đã dần lộ rõ những hậu quả và phản tác dụng. Chính sách
Do Cao Nghĩa thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: