Trung Quốc: 149 thành phố đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số trầm trọng
Hiện Trung Quốc đã có hơn 149 thành phố “bị già hóa trầm trọng”. Các nhà phân tích nói với báo Epoch Times rằng vấn đề già hóa dân số ở Trung Quốc khác với các quốc gia khác. Vì nó còn kéo theo nhiều rủi ro khác như lương hưu bị thâm hụt do tham nhũng, cơ cấu dân số bị biến dạng do kế hoạch hóa gia đình. Hiện cuộc khủng hoảng lương hưu vẫn chưa được cải thiện.
Gần đây, Tạp chí Kinh doanh CBN của Trung Quốc đưa tin, trong cuộc điều tra dân số đợt 7 (năm 2020) phát hiện tính đến năm 2020, có 149 thành phố trong 336 thành phố của Trung Quốc nằm trong danh sách già hóa sâu sắc, cụ thể là dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm 14%.
Xét về khu vực phân bố, 149 thành phố này tập trung ở khu vực Đông Bắc, Trung Bộ, đồng bằng sông Dương Tử, trung và hạ lưu sông Hoàng Hà và vùng đô thị Thành Đô-Trùng Khánh. Trong số đó, khu vực ven biển phía Đông có 41 thành phố (chiếm 27.5%), khu vực Đông Bắc có 36 thành phố (chiếm 24.2%); miền Trung và miền Tây có 72 thành phố (chiếm 48.3%).
Xét về thành phố thuộc tỉnh, 149 thành phố này phân bố ở 22 tỉnh, trong đó số lượng lớn nhất là tỉnh Tứ Xuyên, với 17 thành phố.
Chuyên gia: Vấn đề già hóa dân số Trung Quốc rất đặc thù
Trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times ngày 8/9, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc Hà Quân Tiều cho biết già hóa dân số vốn là vấn đề toàn cầu, nhưng vấn đề già hóa ở Trung Quốc còn đi kèm với vấn đề khủng hoảng lương hưu và thâm hụt quỹ hưu trí và ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Hà phân tích, từ năm 1949-1979, Trung Cộng không hề thiết lập một hệ thống lương hưu nào. Sau cải cách mở cửa mới hình thành hệ thống lương hưu. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng nghiêm trọng trong nội bộ Trung Cộng khiến một lượng lớn của cải bị thất thoát, dẫn đến quỹ hưu trí bị thâm hụt nặng nề.
Ông cho biết: “Khủng hoảng lương hưu có tác động rất lớn đến nền kinh tế Trung Quốc. Trong vài năm tới, việc chi trả lương hưu sẽ bước vào thời kỳ cao điểm. Tôi rất e ngại rằng liệu Trung Cộng có thể đối phó được cuộc khủng hoảng lương hưu này không. Vấn đề này nặng tựa thái sơn, nhìn qua tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra lại vô cùng rắc rối. Vì không phải chỉ có thành phố nào đó đang đối mặt với vấn đề già hoá, mà đây là vấn đề của cả nước. Đây là một rắc rối rất lớn.”
Ông Hà dự đoán rằng trong 3-5 năm tới, vấn đề khủng hoảng lương hưu sẽ trở nên trầm trọng.
Theo Báo cáo Đạo luật Lương hưu Trung Quốc 2019-2050 do Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố năm 2019, có 16 tỉnh ở Trung Quốc không được chi trả lương hưu trong năm 2019. Trong đó gồm Nội Mông, Cát Lâm, Liêu Ninh , Thanh Hải, Hắc Long Giang,v.v. Những tỉnh này đều nằm trên ranh giới cảnh báo, nhưng mới trả lương hưu cho chưa đầy ba tháng. Trong 10 năm tới, số tỉnh nằm trên ranh giới cảnh báo sẽ tăng dần theo từng năm.
Chuyên gia: Không cách nào cải thiện vấn đề hưu trí ở Trung Quốc.
Ông Hà nhận định, trong tình hình hiện tại, cuộc khủng hoảng lương hưu của Trung Quốc không thể được cải thiện. Ông nói: “Đây là một vấn đề kinh tế, còn là bài toán kinh tế rất nan giải. Giống như một tảng băng trôi trên biển, chúng ta chỉ nhìn thấy một chút phần nổi bình thường, nhưng phần chìm lại tiềm ẩn mối đe dọa khủng khiếp. Những khoản chi trả lương hưu khổng lồ, tham nhũng nặng nề, cộng với vấn đề xung đột kinh tế, chính trị giữa Trung Quốc và các nước phương Tây, khiến Trung Quốc không cách nào giải quyết được vấn đề lương hưu.”
Nhà kinh tế người Mỹ gốc hóa Lý Hằng Thanh cũng cho biết trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên Epoch Times vào ngày 8/9 rằng, vấn đề già hóa ở Trung Quốc là một gánh nặng rất lớn đối với sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai. Hiện không có biện pháp nào có thể giải quyết được, chế độ độc tài Trung Cộng đã nhào nặn Trung Quốc thành một xã hội biến dạng.”
Ông Lý phân tích, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng đối mặt với già hóa dân số, nhưng mức độ nghiêm trọng của Trung Quốc nằm ở chỗ “già trước khi giàu”. Cũng tức là nói, tốc độ phát triển kinh tế không theo kịp tốc độ già hóa của toàn xã hội. Đây thực sự là một vấn đề nan giải.
“Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Cộng khiến tỷ lệ sinh giảm chóng mặt, cơ cấu dân số mất cân bằng. Hiện được phép sinh 2 đến 3 con, nhưng các khía cạnh về giáo dục, y tế, v.v vẫn chưa được bảo đảm. Thanh niên không muốn sinh con cũng là một vấn đề đáng lo ngại”, ông nói.
“Trước đây, để thúc đẩy kế hoạch hóa gia đình, Trung Cộng tuyên truyền ‘sinh một con, chính phủ sẽ lo cho người già’. Sau này đổi thành con cái chăm sóc cha mẹ già. Hiện tại lại nói con cái không chăm sóc người già là vô trách nhiệm với xã hội. Điều này nói lên nền kinh tế Trung Quốc đã xuống dốc, Trung Cộng không còn đủ khả năng chi trả lương hưu.”
Ông Lý nói, từ đánh giá tổng thể nền kinh tế, phải mất ít nhất 20 năm để đào tạo một lực lượng lao động, vì vậy vấn đề này không cách nào cải thiện được. “Chính sách kế hoạch hóa gia đình của Trung Cộng đã gây ra thảm kịch rất lớn cho toàn bộ đất nước Trung Quốc.”
Ông Văn Quán Trung, Giáo sư danh dự Khoa Kinh tế tại Đại học Trinity, Hoa Kỳ nói với đài RFA hôm 7/9 rằng từ các số liệu về dân số có thể thấy được cuộc khủng hoảng kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt.
Ông nói rằng con đường mà Trung Quốc từng đi trước đây là dựa vào lao động giá rẻ để sản xuất các sản phẩm cần nhiều lao động, xuất khẩu với số lượng lớn, đến nay đã không còn khả thi nữa. Chế độ chuyên chế của Trung Cộng cũng không có nhiều cơ hội cho sự độc lập và tự do sáng tạo, lại thêm quan hệ ngày càng sa sút giữa Trung Quốc và các nước phát triển, nguồn công nghệ gặp nhiều cản trở, khiến “Trung Quốc sẽ gặp phải những vấn đề ngày càng lớn hơn.”
Do Lý Khung, Lạc Á, Trương Ngọc Khiết thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: