Trừng phạt Trung Cộng vì thu hoạch nội tạng cưỡng bức
Phần 3 của loạt bài gồm 4 phần ‘Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức’.
Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức bàn về các biện pháp ngăn chặn hành vi tàn bạo này, gồm cả một tuyên bố chung, các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và cấm cung cấp đào tạo quốc tế cho các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép từ Trung Quốc.
Các nhà tổ chức hội nghị này, được tổ chức từ ngày 17/09 đến ngày 26/09, đã kêu gọi ngành lập pháp và cộng đồng quốc tế nhìn nhận nghiêm túc hơn các bằng chứng không thể chối cãi về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức và chấm dứt nạn lạm dụng cấy ghép thông qua các biện pháp pháp lý cụ thể, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt cá nhân theo đạo luật Magnitsky đối với các thủ phạm tàn ác nhất của ĐCSTQ, các luật pháp quốc gia hình sự hóa những người tham gia trong nước, và chấm dứt việc đào tạo quốc tế cho các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép từ Trung Quốc. Trang web của hội nghị tuyên bố, “[Chúng tôi] kêu gọi ngành lập pháp chấm dứt tội ác chống lại loài người không thể chấp nhận được này.”
Tiến sĩ Weldon Gilcrease, trưởng khoa Ung bướu tại Trường Y Đại học Utah, kêu gọi quy trách nhiệm cho tất cả các chuyên gia y tế và những người khác đã cộng tác trong nhiều năm với hệ thống cấy ghép bất hợp pháp của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ R. Scalettar, cựu chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ, cũng cần phải có những thay đổi về các mối quan hệ thương mại. Ông nói: “Không nên có xung đột lợi ích như việc chi trả cho và thương mại hóa các ca cấy ghép.” Điều này có thể được đưa thành yêu cầu của luật pháp quốc gia và quốc tế.
Israel, Tây Ban Nha, Đài Loan, Ý, Bỉ, Na Uy và Nam Hàn đã đi đầu trong việc ban hành luật ngăn chặn du lịch ghép tạng, theo Thượng nghị sĩ Philip Hunt của Anh Quốc, và hai luật sư nhân quyền quốc tế, ông David Matas đến từ Canada và ông Carlos Iglesias Jimenez đến từ Tây Ban Nha.
Điều này có thể bao gồm cả việc khiển trách và tước giấy phép của các chuyên gia y tế đồng lõa, cũng như khiếu kiện, theo Tiến sĩ Scalettar. Nếu quý vị vi phạm y đức trong việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức, ông nói, “quý vị không được hành nghề nữa.”
Ông Jiminez kêu gọi người dân cùng các chính phủ lên tiếng và xây dựng luật chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức quốc tế. Ông nói: “Chế độ độc tài của ĐCSTQ hoạt động rất hiệu quả, bằng cách mua chuộc ý chí của mọi người, hoặc bằng cách hối lộ, đe dọa người ta. Họ có thể làm được điều đó với một nhóm nhỏ, nhưng họ không thể làm được điều đó với hàng triệu người, những con người dũng cảm [thấy mình có nghĩa vụ] buộc phải lên tiếng.”
Với ông Jiminez, im lặng là đồng lõa. Ông nói, “Công lý, trong tương lai, sẽ không chỉ xét xử những ai phạm phải những tội ác này, mà còn phán xét tất cả những người đồng lõa trong im lặng đã tạo điều kiện cho tất cả những hành vi tàn ác này có thể xảy ra. Họ sẽ phải trả lời trước công lý.”
Bà Châu Uyển Kỳ (Theresa Chu), một luật sư của Nhóm Luật sư Pháp Luân Công Đài Loan, đã đưa ra ý tưởng về Tuyên bố chung về Chống lại và Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (UDCPFOH), một tài liệu quốc tế tố cáo ĐCSTQ thu hoạch nội tạng cưỡng bức, và đề xướng các biện pháp ngăn không cho ĐCSTQ “vi phạm nghiêm trọng giá trị tồn tại của con người.” Theo các nhà tổ chức, tài liệu này chính thức được phát hành vào ngày 26/09/2021, ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh này.
Theo bà Châu, “Tài liệu UDCPFOH được xây dựng trên nền tảng các quyền bất khả xâm phạm không thể bị tước đoạt bởi bất kỳ cá nhân hay chế độ nào và đặt ra các nguyên tắc cốt lõi đối với các giá trị phổ quát, bao gồm quyền bất khả xâm phạm đến nhân phẩm và sự bảo vệ cơ bản đối với tính mạng, thân thể, và sự tự do của con người.” Tài liệu này kêu gọi các quốc gia và các tổ chức quốc tế “cấm cửa bất kỳ người nào được biết đến là trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thu hoạch nội tạng cưỡng bức,” bà Châu nói. Nó kêu gọi “các chuyên gia y tế không đào tạo bác sĩ hoặc nhân viên y tế Trung Quốc về phẫu thuật cấy ghép, và sẽ thúc giục các tạp chí y khoa từ chối các ấn phẩm về ‘kinh nghiệm của Trung Quốc’ trong y học cấy ghép.”
Bà Châu đã công bố sớm Điều 8 của bản UDCPFOH này. Điều này nêu rõ, “Tất cả các chính phủ sẽ hối thúc Đảng-Nhà nước Trung Quốc ngừng đàn áp, bỏ tù và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công và bất kỳ tù nhân lương tâm nào khác; chấm dứt việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với tất cả các tù nhân; mở tất cả các trung tâm và trại giam giữ để quốc tế điều tra một cách tự do và độc lập về tội ác thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”
Bà Châu khuyến nghị ban hành một “Đạo luật Chung Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức.”
Thẩm phán Song Kim, thuộc Tòa án Hành chính Seoul, Nam Hàn, đề nghị sử dụng Các biện pháp Trừng phạt Magnitsky Toàn cầu để ngăn chặn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc. Với việc Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và 193 thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ khó đồng thuận về một nghị quyết chống thu hoạch nội tạng cưỡng bức, ông Song lập luận rằng “các biện pháp trừng phạt tự chủ động của từng quốc gia” hoặc một “liên minh Magnitsky” là một mục tiêu ngắn hạn tốt hơn.
Ví dụ, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ có thể cấm bất kỳ ai đồng lõa trong việc cấy ghép nội tạng cưỡng bức nhập cảnh. Bà Châu chỉ ra rằng điều này có nhiều ảnh hưởng hơn mức bình thường được thừa nhận. Bà Châu trích dẫn số liệu thống kê rằng trong năm 2017, 85% quan chức cấp cao ở Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đào tẩu ra nước ngoài. Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2008, bà nói rằng hơn 18,000 quan chức Trung Quốc đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc và mang theo 145 tỷ USD. Bà nói: “Vì vậy, việc đóng băng tài sản ở nước ngoài và cấm họ nhập cảnh vào nước ngoài có thể là một lời răn đe đáng kể đối với họ. Điều đó có nghĩa là tham gia vào việc lạm dụng nhân quyền như thu hoạch nội tạng cưỡng bức có thể là một rủi ro lớn cho tương lai của họ.”
Tiến sĩ Andre Gattolin, một thượng nghị sĩ Pháp và là đồng chủ tịch của Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc (IPAC), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh này rằng IPAC đã đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ Trung Quốc, nhưng “vẫn đang gặp khó khăn trong việc giải quyết … vấn đề can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc vào giới học thuật và khoa học của phương Tây, và vụ bê bối thu hoạch nội tạng cưỡng bức và đàn áp bạo lực những người theo Pháp Luân Công trên lãnh thổ Trung Quốc trong hai mươi hai năm qua.”
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ John A. Hoffman nói rằng ông đã làm việc với các nhà lập pháp khác “để ủng hộ một nghị quyết kêu gọi quốc gia chúng ta bước ra phản đối những vi phạm nghiêm trọng đối với các quyền cơ bản của con người này. Những nỗ lực đó vẫn chưa thành công và có thể là do các mối liên hệ với thủ phạm gây ra tội ác này. Mối liên hệ đó [là] sự ràng buộc kinh tế với nhiều quốc gia, mà… một số lại muốn hành xử nhẹ nhàng, vì những hành động khủng khiếp tồn tại trong sự im lặng có chủ ý của cộng đồng quốc tế, để [chỉ] một số ít người biết chuyện gì đang xảy ra.”
Ông Gattolin giải thích rằng ở Pháp, “khi một người thắc mắc về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, người đó nhanh chóng có nguy cơ bị gán cho là chống Cộng hoặc bài Trung.” Ông nói rằng việc nêu ra câu hỏi “gần như cấm kỵ” này khiến bản thân người đó phải chịu “những lời phủ nhận gay gắt và phẫn nộ và đôi khi thậm chí là phải chịu những lời đe dọa trả đũa thương mại hoặc chính trị từ Bắc Kinh.” Ông gọi kết quả này là “ngoại giao của sự im lặng.”
Để vượt qua sự im lặng này, cần có một số biện pháp. Đầu tiên, phải có sự giáo dục công chúng về thực trạng thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, và việc tội ác này đặc biệt nhắm đến các học viên Pháp Luân Công như thế nào. Thứ hai, các nền dân chủ và các đồng minh của họ phải ban hành luật pháp cứng rắn hơn chống lại sự hợp tác trong nước đối với việc lạm dụng cấy ghép toàn cầu, bao gồm thông qua các luật mạnh mẽ hơn chống lại du lịch ghép tạng. Thứ ba, các biện pháp trừng phạt Magnitsky cần phải được áp dụng đối với các cá nhân lãnh đạo và các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép liên quan đến việc khởi xướng và thực hiện thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Các biện pháp trừng phạt này nên bao gồm cả những người đứng đầu hệ thống bộ sậu của ĐCSTQ, bao gồm tất cả các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ. Thứ tư, các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế nên được áp đặt cho nền kinh tế Trung Quốc nói chung, để ngăn chặn những gì được coi là một cuộc diệt chủng trong y khoa vì lợi nhuận. Và thứ năm, các chính phủ trên thế giới nên nỗ lực phối hợp để công khai công nhận và hỗ trợ các nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng bởi nạn lạm dụng cấy ghép gây sốc nhất này.
Quý vị theo dõi phần 1 tại đây và phần 2 tại đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Anders Corr có bằng cử nhân/thạc sĩ khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và tiến sĩ về chính phủ tại Đại học Harvard (2008). Ông là người đứng đầu Corr Analytics Inc., nhà xuất bản của Tạp chí Rủi ro Chính trị, và đã thực hiện các nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu. Ông là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt vào năm 2021 có nhan đề “The Concentration of Power” (“Tập Trung Quyền Lực”) và “No Trespassing” (“Không Xâm Phạm”), đồng thời đã biên tập cuốn sách “Great Powers, Grand Strategies” (“Những Quyền Lực Lớn, Những Chiến Lược Lớn”).
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: