Trung Nghĩa truyện: Trương Khiên hai lần đi sứ Tây vực hoàn thành sứ mệnh mở đường
Ở biên giới phía Tây của đế quốc nhà Hán, có một lối giao thông tự nhiên dài, hẹp và sâu, nằm ở phía tây sông Hoàng Hà, nổi tiếng với tên gọi “hành lang Hà Tây”. Hơn hai nghìn năm trước, một sứ đoàn một trăm người do một người Hán tên là Trương Khiên dẫn đầu đã lần đầu tiên ngang qua đây.
Trương Khiên đã dành 13 năm để đo lường phạm vi Tây vực bằng bước chân của mình, phác họa ra mạng lưới giao lưu giữa dân tộc Hoa Hạ với các nước Trung và Tây Á. Kể từ đó, ông đã trở thành nhân vật truyền kỳ đầu tiên trong triều đại nhà Hán khám phá Tây vực đồng thời đả thông sự liên hệ giữa Trung Nguyên với Tây vực.
Năm Nguyên Sóc thứ ba (126 TCN), Trương Khiên đưa thê thất cùng với các phó sứ từ Tây Vực trở về nhà Hán, mang theo những thông tin quý giá mà Hán triều trước nay chưa hề biết đến về Tây vực. Truyền kỳ về ông vẫn tiếp tục ở đế quốc phát triển mạnh mẽ này.
Dẫn quân chinh phạt, hai lần tiến đánh Hung Nô
Từ lúc Trương Khiên đi Tây Vực, hơn mười năm nay vẫn không có tin tức gì, Hán Vũ Đế ngày đêm trông ngóng cầu mong ông trở về. Trong sự chờ đợi lâu dài và lo lắng, Hán Vũ Đế đã làm rất nhiều việc. Vào năm thứ 5 sau khi Trương Khiên đi sứ Tây vực – mùa xuân năm Nguyên Quang thứ 2 (133 TCN), Hán Vũ Đế đã tiến hành các cuộc thảo luận trong triều đình và lên kế hoạch âm mưu Mã Ấp, triệt để kết thúc chính sách hòa thân và cống nạp kéo dài hơn 60 năm nay của Hán triều đối với Hung Nô. Mối quan hệ hòa bình tế nhị nhưng mỏng manh được miễn cưỡng duy trì giữa Hán triều với Hung Nô cũng hoàn toàn tan vỡ.
Bốn năm sau, vào năm Nguyên Quang thứ sáu (129 TCN), Hung Nô ồ ạt xâm lược phía Bắc nhà Hán, đại chiến hết sức căng thẳng. Hán Vũ Đế sớm đã gom góp thế lực chờ thời cơ hành động, cuối cùng cũng đến thời khắc lĩnh quân tiến đánh Hung Nô. Ông nói rằng: “Trẫm đang chuẩn bị thảo phạt Hung Nô, không ngờ chúng lại tự dẫn xác đến!” Một vị thiên tử anh minh sẽ không bao giờ đánh trận mà không có sự chuẩn bị từ trước. Những năm gần đây, ông huấn luyện ngựa tốt, sung mãn kho vũ khí, khuếch trương đội quân tinh nhuệ, lựa chọn những vị tướng tài ba, lập nên một quân đoàn kỵ binh dũng mãnh thiện chiến. Quan trọng hơn cả là hai thiên tài quân sự Vệ Thanh và Hoắc Khứ Bệnh xuất hiện như những chiến thần xuất thế, lần lượt trở thành những võ tướng được Hán Vũ Đế xem trọng nhất. Hai người họ ở trên chiến trường đã cùng nhau phá vỡ huyền thoại bất khả chiến bại của quân Hung Nô, thực hiện lý tưởng khắc chế Hung Nô của triều Hán.
Cũng trong năm này, Hán Vũ Đế phái 4 vị tướng quân là Vệ Thanh, Công Tôn Ngao, Công Tôn hạ và Lý Quảng phân thành các hướng đột kích Hung Nô. Kết quả, trong 4 đại quân, chỉ có binh mã của tướng quân Vệ Thanh là chiến đấu xuất chúng. Ông đại phá đội quân tinh nhuệ của Hung Nô, bắt được 700 tù binh, đánh sập thánh địa thờ cúng của Hung Nô, tạo nên một trận chiến ngoạn mục ở Long Thành. Sự thất bại của ba đạo quân còn lại chủ yếu là do người Hán không quen thuộc với địa hình của Tây Vực và đặc điểm tác chiến của quân Hung Nô. Tuy nhiên, những quyết định sách lược ban đầu của Hán Vũ Đế đã đặt nền móng cho thắng lợi hoàn toàn của cả đại quân. Trương Khiên trong thời gian bị bắt làm tù binh ở Hung Nô đã trở thành người đầu tiên hiểu rõ về Hung Nô cũng như thông thạo địa lý của Tây Vực..
Lúc Trương Khiên vẫn còn trong triều, nhà Hán và Hung Nô đã trải qua nhiều lần đại chiến. Tướng quân Vệ Thanh đảm nhiệm thống soái, lần lượt đại thắng các trận Nhạn Môn, Hà Nam, Mạc Nam, Đinh Tương… từng bước tiến đến thời kỳ hưng thịnh mở mang lãnh thổ, uy chấn tứ hải của Hoàng đế nhà Hán. Trong trận chiến Đinh Tương lần thứ 2 vào năm Nguyên Sóc thứ 6 (123 TCN), những thành viên mới sáng giá đã xuất hiện trong quân đội nhà Hán. Một vị tiểu tướng 17 tuổi tên gọi là Hoắc Khứ Bệnh lần đầu tiên xuất trận giết giặc đã bộc lộ tài năng xuất chúng. Người thứ hai là Trương Khiên đã quay trở về Hán triều, sau ba năm nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe, ông một lần nữa dẫn đại quân xuất chinh về hướng Tây.
Lần xuất quân về hướng Tây đến Trường An này trong lòng của Trương Khiên có một tâm thái rất lạ . Mười mấy năm trước, bên cạnh ông ngoài một người Hung Nô dẫn đường, thì chỉ có hơn 100 tùy tùng cũng giống như ông đối với Tây Vực hoàn toàn xa lạ. Một khi đã đặt chân đến vùng đất xa xôi mênh mang mù mịt thì mỗi bước đi trong lòng đều thấy lo lắng, chỉ một chút bất cẩn có thể khiến bản thân ôm hận nơi xứ người. Và giờ đây, tuy không phải là nhân vật chủ chốt trong đoàn, nhưng ông không chỉ tự tin chinh phục vùng đất này mà còn cảm nhận được phong thái rạng rỡ của hai vị tướng lĩnh dũng mãnh nhất của nhà Hán cùng với 10 vạn quân tinh nhuệ này.
Ông có lẽ thầm thán phục rằng trong mười mấy năm ảm đạm nhất của cuộc đời, không chỉ tình thế của các nước Tây Vực biến đổi khó lường, mà triều đại nhà Hán cũng trải qua những thay đổi đáng kinh ngạc như vậy! Trương Khiên thật may mắn biết bao, ông đã nắm bắt được cơ hội tuyệt vời khi Hán Vũ Đế quyết tâm mở mang bờ cõi và sự thịnh vượng của đế quốc nhà Hán; ông cảm thấy vô cùng tự hào, biến những đau khổ và thử thách do số phận ban tặng thành một vũ khí sắc bén trong chiến sự, biến đội quân bách chiến bách thắng của Vệ Thanh trở nên ngày càng hùng mạnh, mọi sự đều thuận lợi.
Sử sách ghi lại một cách cô đọng và hùng hồn về những thành tích chói lọi có một không hai của Trương Khiên: “Khiên với quân hàm Hiệu Úy cùng với tướng quân tiến đánh Hung Nô, biết nơi sông nước, cỏ cây, đội quân đầy đủ, được phong là Bác Vọng Hầu”. Trương Khiên vô cùng quen thuộc với hoàn cảnh sinh hoạt và thói quen tác chiến của quân Hung Nô. Dưới sự lãnh đạo của ông, đội quân nhà Hán có thể dễ dàng tìm thấy một ốc đảo với cây cối tươi tốt và nguồn nước ở nơi hoang mạc, có được nguồn cung cấp kịp thời để đảm bảo thắng lợi của cuộc chiến sự. Cũng chính nhờ những công trạng đạt được trong trận chiến này mà Trương Khiên được phong danh hiệu: “Bác Vọng Hầu”.
Vào năm Nguyên Thú thứ hai (121 TCN), Hán Vũ Đế đã phát động chiến tranh Hà Tây, với tham vọng triệt để đánh đuổi Hung Nô ra khỏi hành lang Hà Tây, đả thông con đường kết nối với Tây Vực. Trương Khiên xuất chinh ra trận cùng với 4,000 nhân mã dưới sự thống lĩnh của “Phi Tướng quân” Lý Quảng, hình thành đội quân phía đông tấn công Hung Nô tại Hữu Bắc Bình. Đáng tiếc, mặc dù quân Hán một lần nữa đánh bại được Hung Nô, nhưng vinh quang này chỉ thuộc về lực lượng kỵ binh chủ lực do Hoắc Khứ Bệnh chỉ huy. Quân đội của Lý Quảng bị vây kích bởi 4 vạn quân Hung Nô, thương vong nặng nề. Công tội bù trừ, quân đội của Trương Khiên vì thời gian quân sự chậm trễ, theo luật lẽ ra phải bị xử tử, cuối cùng ông đã chuộc tội bằng cách bị bãi chức Bác Vọng Hầu, giáng xuống làm thường dân.
Lần thứ hai đi Tây Vực, một lần nữa mong đợi kỳ tích
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Trương Khiên thành công cũng từ chiến tranh, mà thất bại cũng do chiến tranh, từ một liệt hầu tiền đồ rộng mở cho đến làm thường dân áo vải vô danh. Sau khi trải qua sự biến đổi to lớn từ trên đỉnh cao rớt xuống đáy vực, ông đại khái cũng đã trải qua khoảng thời gian do dự và bất lực. Tuy nhiên, ông càng lý trí nhận thức ra rằng chiến thắng hay thất bại của một nhà chiến lược quân sự nhiều lúc đều là do ý trời, sân khấu cuộc đời của ông có lẽ không nằm trên chiến trường.
Sau trận Hà Tây, Hán Vũ Đế đã nắm toàn quyền kiểm soát Hành lang Hà Tây và thiết lập hai quận Vũ Uy và Tửu Tuyền. Một môi trường tương đối ổn định đã xuất hiện ở biên giới phía tây của nhà Hán. Trận quyết chiến sinh tử giữa quân Hán và Hung Nô lên đến cao trào. Chiến tranh Mạc Bắc vào năm Nguyên Thú thứ 3 (120 TCN) được xem là cuộc viễn chinh tiêu diệt quy mô lớn với khoảng cách hành quân dài nhất và huy hoàng nhất trong lịch sử. Nhưng Trương Khiên đã không xuất hiện trong số những người tùy tùng, và sử sách sau này cũng không có ghi chép về việc tòng quân của Trương Khiên. Tuy nhiên, Hán Vũ Đế là vị vua biết trọng dụng nhân tài, ông chưa bao giờ quên vị trung thần thông thuộc Tây Vực và có chuyên môn ngoại giao độc đáo này.
Vào năm sau, Hán Vũ Đế nhiều lần triệu tập Trương Khiên về tình thế của các nước ở Tây Vực, với hy vọng tìm ra phương pháp tốt nhất để loại bỏ Hung Nô bằng cách kết hợp với thế lực của Tây Vực. Mặc dù đã bị mất đi tước vị vinh hiển, nhưng tấm chân tình của Trương Khiên đối với triều đình nhà Hán vẫn không thay đổi, ông càng cảm thấy vui mừng thanh thản hơn khi có thể giúp hoàng đế giải nghi phân ưu. Dựa trên phán đoán của mình đối với Tây Vực, ông chủ yếu nói với Hán Vũ Đế về lai lịch của nước Ô Tôn.
Vương tử hiện tại của Ô Tôn hiệu là Côn Mạc, lúc nhỏ đã trải qua những sự việc phi thường, khi ông vừa sinh ra đời thì cầm thú chim muông liền chủ động đến dâng thức ăn cho ông, như thể ông được thần linh che chở phù hộ. Mặc dù nhà vua Thiên Vu của Hung Nô đã giết phụ thân của ông nhưng lại đích thân nhận nuôi ông. Sau khi Côn Mạc trưởng thành, ông đã chiến đấu vì Thiên Vu và nhiều lần lập nên công trạng, và ông đã có thể giành được bách tính thuộc bộ tộc của mình từ tay Thiên Vu. Sau đó, ông lãnh đạo người dân thành lập nước Ô Tôn, và người Hung Nô không cách nào kiểm soát được ông, vì vậy họ chỉ có thể xem Ô Tôn như là nước thuộc địa của mình.
Trương Khiên cũng đề cập rằng phong tục của tộc man di là tham lam tài vật của Hán triều, nếu Hán triều tận dụng cơ hội này tặng lễ vật phong phú cho Ô Tôn, thuyết phục họ di chuyển về phía đông, trở về quê hương của họ từng bị người Hung Nô chiếm lĩnh, đồng thời kết huynh đệ với Hán triều, thì có thể thực hiện mục tiêu chiến lược “chặt đứt cánh tay phải của Hung Nô”. Liên minh giữa Hán triều và Ô Tôn cũng có thể chứng tỏ uy phong của Đại Hán, thu hút Đại Hạ và các nước khác ở phía tây đến yết kiến và trở thành thuộc địa ngoại bang. Hán Vũ Đế rất tán thành với đề nghị của Trương Khiên, và ông lại có ý tưởng chiến lược mới để loại bỏ họa hoạn Hung Nô, đó là kết hợp với Ô Tôn, cùng đối kháng Hung Nô.
Vì vậy, hành động đi sứ sang Tây Vực lần thứ 2 này của nhà Hán là rất cấp bách và khẩn thiết, đảm nhiệm chức sứ giả thì chỉ có Trương Khiên là sự lựa chọn tốt nhất và cũng là duy nhất, Hán Vũ Đế một lần nữa phong ông làm Trung Lang Tướng. Trong hệ thống võ tướng của nhà Tây Hán, tướng quân chỉ được gia phong khi lãnh binh xuất trận, Trung Lang Tướng là chức vị cao nhất trong hàng ngũ võ quan, lộc 2000 thạch, nắm giữ đội cảnh vệ Hoàng gia, địa vị vô cùng tôn quý. Hán Vũ Đế bằng cách này để cho Trương Khiên biết rằng mình trước nay chưa bao giờ nghi ngờ năng lực của Trương Khiên, lâu nay vẫn luôn kỳ vọng ở ông.
Trương Khiên lại một lần nữa sự nghiệp hoạn lộ như diều gặp gió, ông dường như được hồi sinh sau cơn suy sụp tinh thần, vẻ mặt rạng rỡ phấn chấn, hào quang tỏa sáng, và đôi mắt cô quạnh của ông lại bộc lộ sự quyết đoán và trí tuệ. Tất nhiên, quan lộc không phải là nhân tố thôi thúc ông chấn chỉnh lại tinh thần. Nhờ việc tiếp nhận sứ mệnh mới, Trương Khiên có thể trở lại vũ đài nơi ông có thể thể hiện tài năng cũng như có thể tiếp tục thực hiện giá trị nhân sinh đời mình. Là một thần dân, còn điều gì đáng vui mừng phấn khởi hơn việc có thể vì quốc gia mà đảm đương trọng trách cơ chứ?
Năm này là năm Nguyên Thú thứ 4 (119 TCN),Trương Khiên trịnh trọng tiếp nhận phù tiết của Hán triều từ tay Hán Vũ Đế, khởi hành về phía Tây Vực. Lần đi sứ này, bên cạnh ông còn có một vài vị phó sứ trung thành, cùng thống lĩnh sứ đoàn hùng tráng gồm 300 người, cùng với hơn 600 con ngựa, hàng chục nghìn gia súc, dê cừu, cùng với những tài vật giá trị hàng ngàn vạn bạc như tơ lụa, trà, vải, tiền…. Sự hoành tráng về nhân sự và tài vật là chưa từng có trước đây. Khởi đầu long trọng như vậy cho thấy mối quan hệ giữa Hán triều và Tây Vực sẽ bước vào giai đoạn huy hoàng, và Trương Khiên cũng sẽ đạt đến đỉnh cao của đời mình.
Hành trình đi sứ vòng quanh Tây Vực
Ra khỏi Tây Bắc Trường Thành, thế giới rộng lớn và khí hậu khắc nghiệt không còn khiến người ta sợ hãi mà thay vào đó là sự khích lệ cho những lý tưởng hào hùng vượt qua núi sông, sừng sững trên thế gian. Nhờ công lao mở mang bờ cõi của Hán Vũ Đế, cờ hiệu của nhà Hán đã được cắm khắp nơi đến tận cả những nơi xa xôi hẻo lánh, lệnh Phi tướng Long Thành nổi tiếng khắp vùng Tây bắc. Sứ đoàn Trương Khiên từ hành lang Hà Tây tiến sâu vào nội địa Tây Vực, dù ngày hay đêm đều không gặp bất kể trở ngại gì. Ông ta chỉ cần đi bộ dọc theo ốc đảo một cách bình tĩnh dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, và không còn cần phải lo lắng về sự tập kết và bắt bớ của binh lính Hung Nô.
Trương Khiên thuận lợi đến Ô Tôn và gặp quốc vương Côn Mạc. Ô Tôn Vương lần đầu tiên tiếp các sứ thần nhà Hán, lễ tiết đơn giản chậm chạp, như phương thức mà ông bái kiến vua Thiên Vu của Hung Nô. Nhìn thấy sứ thần cũng giống như nhìn thấy hoàng đế, làm sao có thể so sánh Thiên Vu với Hán triều thiên tử cơ chứ? Trương Kiên đối với việc này cảm thấy rất xấu hổ, bèn lợi dụng tâm lý thèm muốn tài vật Hán triều của người ngoại tộc, tỏ thái độ cứng rắn nói: “Đại Hán Thiên tử ban thưởng lễ vật. Nếu đại Vương không muốn bái tạ vậy chi bằng hãy trả lại”. Côn Mạc lúc này mới cung kính bái tạ, hoàn thành lễ tiết nên làm. Trương Khiên lúc này mới vào chủ đề chính, để thúc đẩy quan hệ liên minh giữa hai nước, Hán triều nguyện ý đưa công chúa đến để hòa thân.
Côn Mạc lắc đầu không đồng ý. Ông nay tuổi tác đã lớn, không còn là vị anh hùng được người người kính nể như thần thánh nữa, ông cho rằng Ô Tôn thần phục Hung Nô đã lâu, Hán triều lại ở xa xôi vạn dặm, Ô Tôn lại không biết rõ thực lực của Hán triều như thế nào, do đó không dám liên minh với Hán triều, đắc tội với Hung Nô . Ngoài ra, quân đội đất nước của ông bị chia làm ba do các hậu duệ của ông tranh quyền đoạt vị, một mình Côn Mạc không thể nắm giữ toàn bộ binh quyền; quần thần của Ô Tôn cũng không dám di cư đi nơi khác vì sợ Hung Nô báo thù.
Thái độ mập mờ không rõ ràng của quốc vương Ô Tôn đã khiến Trương Khiên một lần nữa không thể hoàn thành sứ mệnh quân sự của mình với tư cách là một sứ thần. Nhưng ông không nản lòng, Phó sứ trong sứ đoàn vẫn có thể đảm đương những nhiệm vụ quan trọng hơn. Sau đó, Trương Khiên đã quy hoạch ra rất nhiều các tuyến đường và phân chia các phó sứ đến Đại Uyển, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, An Tức (Iran), Thân Độc (Ấn Độ) và các quốc gia khác. Chuyến viếng thăm của Hán triều chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đế quốc nhà Hán với Tây Vực và Trung Á, đồng thời lan tỏa khắp nơi những sản vật phong phú và nền văn hóa Hoa Hạ sâu sắc của Hán Triều. Mặt khác, những thứ như tuấn mã, vật dụng, thực phẩm, nghệ thuật và những thứ khác độc đáo của phương Tây cũng được Trương Khiên mang về phương Đông, làm phong phú thêm nền văn hóa và đời sống sinh hoạt của người dân Hán triều.
Sau khi sống ở Tây Vực được bốn năm, Trương Khiên trở về Trường An vào năm Nguyên Đỉnh thứ hai (115 TCN). Trên đường trở về, quốc vương Ô Tôn người dẫn đường và thông dịch viên hộ tống sứ đoàn của Trương Khiên, đồng thời phái sứ giả đi cùng ông đến Trường An để đáp tạ Hán Vũ Đế. Ông cũng dặn dò sứ giả khảo sát kỹ lưỡng phong mạo và thực lực của Hán triều. Các sứ giả Ô Tôn này là những người tây Vực đầu tiên trong sử sách xuất hiện tại Trung Hoa vương triều, bọn họ cũng trở thành những người tiên phong đầu tiên của Tây Vực mở mang tầm mắt đối với phương Đông.
Hán Vũ Đế rất coi trọng những sứ thần này, không những nhiệt tình khoản đãi mà còn đưa họ đi khắp nơi lãnh hội về phong cảnh Hán địa. Sứ thần Ô Tôn nhanh chóng bị khuất phục bởi sự hào hoa phong nhã và thời tiết của thành Trường An với đất đai rộng lớn, dân cư đông đúc và sản vật phong phú. Khi họ trở về nước phục mệnh, quốc vương Ô Tôn thậm chí còn xem Hán triều như là thiên quốc với quốc độ xinh đẹp giàu có. Quốc vương Ô Tôn đối với Hán Vũ Đế và Hán triều hết mực tín phục, nhanh chóng một lần nữa phái sứ giả đến Trường An bày tỏ nguyện vọng hòa thân và kết huynh đệ với nhà Hán. Từ đó về sau, Hán triều và Ô Tôn thiết lập quan hệ liên minh tốt đẹp và ổn định, Ô Tôn trở thành lực lượng chủ chốt của nhà Hán kiềm hãm quân Hung Nô ở phía Tây, và nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu giữa phương Đông và phía tây.
Về phần Trương Khiên nhờ vào công trạng lập được trong lần đi sứ này, đã được Hán Vũ Đế thọ phong làm “ Đại Hành Lệnh”, phụ trách các vấn đề ngoại giao của đất nước với các nước thuộc địa. Điều khá gay cấn là Trương Khiên trong cả hai lần đi sứ sang Tây Vực đều không thực hiện được mục đích quân sự ban đầu, nhưng lại vô tình thành tựu được sự giao lưu và tiếp xúc sâu rộng hơn về các phương diện như ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa v.v giữa phương Đông và phương Tây. Đôi khi qũy đạo quá trình phát triển của lịch sử cũng thật giàu dư vị, bất ngờ nhưng tưởng chừng như đã được âm thầm định sẵn.
Lời kết:
Trương Khiên dường như được sinh ra để đả thông Tây Vực. Sau khi đến tuổi trưởng thành, phần lớn thời gian của cuộc đời ông đều trải qua ở Tây Vực. Ông trở thành người trung gian kiến lập mối liên hệ giữa Hán triều và Tây Vực. Nhưng đến năm thứ 2 sau khi nhận chức Đại Hành Lệnh, Trương Khiên đã dừng lại cuộc hành trình của mình, khép lại đôi mắt khám phá Tây Vực, đi hết cuộc đời đầy thăng trầm của mình.
Đời người có hạn, sân khấu cuộc đời của Trương Khiên mặc dù đã hạ màn, nhưng sức ảnh hưởng của ông đối với Đế quốc nhà Hán và Tây Vực vẫn như một bông hoa cẩm tú cầu càng nở càng rực rỡ. Các phó sứ mà ông phái đi về sau đã liên tiếp đưa sứ thần từ nhiều nước trở lại Trường An, từ đó Hàn triều và Tây Vực có được mối quan hệ qua lại mật thiết.
Trong một thời gian dài sau khi Trương Khiên qua đời, Hán triều hàng năm đều phái sứ đoàn đến Tây Vực, ít thì 5-6 đoàn, nhiều thì mười mấy đoàn, số người từ một đến vài trăm. Bởi vì mối quan hệ qua lại này là do Trương Khiên khởi phát, do đó các đoàn sứ thần của nhà Hán dưới danh nghĩa Bác Vọng Hầu của ông đều nhận được sự tín nhiệm của tất cả các nước. Trong thành Trường An tập trung rất nhiều nhân sĩ đến từ các nước Tây Vực, họ mang theo đặc sản của nước mình, đến bái kiến hoàng đế, làm ăn với người Hán, biến kinh thành vốn dĩ đã sầm uất trở thành đại đô thị quốc tế với vị thế trung tâm của thế giới.
Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên tán dương sự tích hai lần đi sứ Tây Vực của Trương Khiên là “tạc không”. “ Tạc không” có nghĩa là từ không đến có, mở mang đường lối. Con đường kết nối giữa nhà Hán và Tây Vực, mà phần chủ yếu là Hành lang Hà Tây, là bộ phận cấu thành quan trọng của con đường tơ lụa cổ đại. Sự hình thành cuối cùng của Con đường Tơ lụa chính thức bắt đầu với cuộc hành trình mở mang của Trương Khiên dưới thời Hán Vũ Đế. Đây là một con đường đất bắt đầu từ phía đông của Trường An và đến phía tây biển Địa Trung Hải, và kết thúc ở đường giao thông trên đất liền của đế quốc La Mã Cổ Đại. Trước đây, giữa phương Đông và phương Tây chỉ có những cuộc giao lưu với quy mô nhỏ và lẻ tẻ, nhưng sau khi nhà Hán mở cửa với Tây Vực, các sứ thần, các đoàn thương lái, tăng lữ, nghệ thuật gia của nhà Hán và các nước phương Tây thường xuyên trao đổi qua lại trên con đường chính này.
Những người đi trước luôn là những người gặp nhiều khó khăn nhất, nhưng thành tích của họ là đáng ngưỡng mộ nhất. Sứ giả, Tây Vực là những nhãn hiệu chói sáng nhất trong cuộc đời của Trương Khiên, và cũng là chủ đề mà hậu thế sau này không ngừng ca tụng ông. Trương Khiên là tấm gương mẫu mực xuất sắc cho thế nhân về việc một người có thể bảo vệ và hoàn thành sứ mệnh của mình hoàn hảo đến mức nào.
- Tài liệu tham khảo:Sứ Ký, Hán Thư
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: