‘Trung dung và mộng ảo’: Thí sinh Phạm Huy Di thắng Giải Vàng tại Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của Đài truyền hình NTD
Cô Phạm Huy Di (Bella Fan) từng tham gia Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế của Đài truyền hình NTD nhiều lần kể từ khi cô bắt đầu học vũ đạo cổ điển Trung Quốc.
Lần này, cô đã thắng Giải Vàng ở hạng mục nữ thanh niên, hoàn thành phần thi cuối cùng của mình.
“Mỗi năm mà tôi tham gia cuộc thi này thì đều đánh dấu một bước đột phá lớn đối với tôi,” cô Phạm chia sẻ. “Khi tôi nhìn lại mỗi lần tham dự cuộc thi, tôi thấy như mình đã thay đổi rất nhiều.”
“Cuộc thi này khác với những cuộc thi khác,” cô Phạm nói. Thay vì xem mỗi thí sinh là một đối thủ tranh tài, thì phía sau hậu trường, mọi người đều tương trợ lẫn nhau.
“Thông qua quá trình mọi người giúp đỡ lẫn nhau này, tất cả chúng tôi đều đạt được mục tiêu đề cao của mình, dù là học hỏi kỹ thuật mới “thân đới thủ, khố đới thối” (thân dẫn động tay, hông dẫn động chân), hay là nâng cao hiểu biết của chúng tôi về văn hóa truyền thống,” cô Phạm chia sẻ, và nhắc đến kỹ pháp vũ đạo do Giám đốc Nghệ thuật Shen Yun Ngài D.F. truyền dạy, được xem là đỉnh cao của kỹ năng vũ đạo.
Chung kết Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc tế lần thứ 10 của Đài truyền hình NTD
Ngay cả khi ở trong hàng ghế khán giả, các nghệ sĩ múa vẫn cổ vũ cho các đồng sự của mình bất cứ khi nào một trong số họ thực hiện được một động tác mà họ thấy khó khăn.
Cô Phạm giải thích rằng, việc giúp đỡ người khác cũng là cách mà cô trau dồi kỹ pháp “thân đới thủ, khố đới thối.” Khi kỹ thuật này lần đầu tiên được giới thiệu cho cô Phạm và lớp học của cô, đây quả là một thách thức to lớn để tìm ra cách vận dụng cho đúng. Tập luyện hàng giờ trước gương là vẫn chưa đủ; hiểu biết thực sự chỉ đến sau khi các bạn học cùng lớp phối hợp để chỉ dẫn giúp nhau.
Nhưng một khi họ hiểu được cách vận dụng kỹ pháp mới này rồi, thì nó không chỉ khuếch đại chuyển động của họ mà còn gia tăng sức mạnh biểu đạt của nghệ sĩ múa.
“Đó là kỹ pháp đòi hỏi tâm trí và cơ thể của một người hoạt động song song,” cô nói. Và khi điều đó xảy ra, “động tác sẽ rất trọn vẹn và hùng tráng.”
Từ tiêu cực đến tích cực
Cô Phạm biểu diễn tiết mục “Moonlight Mist” (Thanh Yên Mịch Ảnh), một điệu múa do chính cô sáng tác. Trong đó, tâm thái của nhân vật chuyển biến từ tiêu cực sang tích cực, khi họ học cách nhìn lại những mộng ảo của thế gian con người.
“Đối với tôi, tôi thích đắm mình vào bối cảnh của câu chuyện ngay khi bước lên sân khấu. Tôi ở đâu trong câu chuyện này? Tôi chỉ để trí tưởng tượng của mình bay bổng mà thôi,” cô bày tỏ.
Theo một cách nào đó, cô cảm thấy tiết mục của mình truyền tải đức trung dung. “Cổ nhân sống dựa theo đức hạnh này; bạn cũng có thể gọi đó là đạo lý ‘biết đủ,’ không làm gì thái quá. Đây là một tiêu chuẩn đạo đức,” cô cho biết.
Điều quan trọng với cô Phạm là vũ đạo của cô thể hiện điều gì đó có đạo đức, bởi vì vũ đạo Trung Hoa cổ điển là sự triển hiện của văn hóa truyền thống, cô giải thích.
“Như chúng tôi vẫn nói, vũ đạo phản ánh nhân cách của bạn. Nếu bạn thiếu tích cực, không ngay chính, thì bạn đang truyền tải điều gì cho khán giả khi bạn múa đây?” cô nói. “Xã hội có đủ kiểu người và không một ai hoàn hảo cả. Có thể người này giỏi hơn tôi ở phương diện này và kém hơn tôi ở phương diện khác. Nhưng chỉ cần chúng ta làm tốt những gì mình nên làm, điều quan trọng nhất vẫn là thế giới quan của bạn.”