Trung Cộng xin gia nhập CPTPP, Úc yêu cầu trước tiên hãy rút lại chính sách thuế quan mang tính trả đũa
Trong tuần qua, Trung Cộng đã chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Úc – một trong những quốc gia thành viên của hiệp định – cho biết trừ khi Bắc Kinh dỡ bỏ thuế quan trả đũa đối với các sản phẩm của Úc, nếu không họ sẽ không đàm phán về CPTPP với Trung Cộng.
Các kênh truyền thông đưa tin rằng Trung Cộng đã gửi một bức thư tới Quốc hội Úc vào tuần trước, đồng thời vận động hành lang để ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Nhưng chính sách vận động hành lang của Bắc Kinh chỉ tập trung vào tiềm năng hợp tác kinh tế to lớn giữa hai nước, mà tránh đề cập đến các biện pháp trừng phạt trả đũa của Bắc Kinh đối với hàng tỷ USD hàng hóa xuất cảng của Úc.
Theo tin từ Bộ Thương mại của Trung Cộng vào hôm thứ Năm (16/9), Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào vào cùng ngày đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand Damien O’Connor – cơ quan lưu chiểu của CPTPP, để chính thức xin gia nhập.
Úc: Trước tiên rút lại thuế quan trả đũa rồi mới thảo luận về việc gia nhập CPTPP
Đầu tiên, để tham gia CPTPP, Trung Cộng phải được sự đồng ý của tất cả 11 quốc gia thành viên, trong đó có Úc.
Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan đã trả lời vào hôm thứ Sáu (17/9) rằng: “Chúng tôi đã thông báo với phía Trung Quốc rằng đây là những vấn đề quan trọng, đòi hỏi sự tương tác giữa các Bộ trưởng”.
Ông cho biết, Úc phải có sự tin tưởng đối với hồ sơ thương mại tự do của Trung Quốc trước khi xem xét cho phép Trung Quốc tham gia. Các quốc gia thành viên hiện tại của CPTPP đều hy vọng có thể xác định rằng Trung Quốc sẽ thực hiện các cam kết thương mại tự do của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại hiện có.
Vào tháng 4 năm ngoái, sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Trung Cộng (viêm phổi Vũ Hán, COVID-19), Bắc Kinh đã áp dụng một loạt thuế quan thương mại, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu không chính thức đối với than và tôm hùm – những mặt hàng xuất cảng quan trọng của Úc, cùng thuế chống bán phá giá đối với rượu vang đỏ và lúa mạch, nhằm trừng phạt Úc về mặt kinh tế.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne hiện đang trong chuyến thăm sang Mỹ đã nói công khai rằng, chính phủ Úc đã gửi lời mời đối thoại tới Bắc Kinh từ lâu, nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi từ phía bên kia.
Nhật Bản: Cân nhắc xem có nên đàm phán với Trung Quốc hay không
Thứ hai, đơn xin gia nhập phải đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định. Nếu muốn tham gia, Bắc Kinh phải thực hiện các cải cách trong nước để đạt đủ điều kiện, chẳng hạn như: trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và các hành vi khác làm mất tính cạnh tranh công bằng là bị cấm theo Hiệp định.
Chính phủ Nhật Bản, nước là Chủ tịch luân phiên của CPTPP năm nay, đã nói rõ rằng họ sẽ xem xét cẩn thận xem có nên đàm phán với Trung Cộng, đồng thời nói rằng họ “phải xác định xem liệu Trung Quốc có thể tuân thủ các quy tắc cấp cao hay không”.
Khi nói về việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Katō Katsunobu tại cuộc họp báo vào sáng thứ Sáu (17/9) cũng tuyên bố rằng, Nhật Bản sẽ hợp tác thận trọng với các quốc gia thành viên để tiến hành ứng phó.
Ông Katō cho biết, CPTPP yêu cầu cao đối với mức độ tiếp cận thị trường và các tiêu chuẩn về thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và doanh nghiệp nhà nước. Ông giải thích: “Chúng tôi cần xác nhận liệu Trung Quốc có ý định đạt đến mức tiêu chuẩn cao như vậy hay không. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước liên quan để tiến hành ứng phó trên cơ sở các quy tắc của CPTPP”.
Tờ The Japanese Economic Review nhận xét rằng: “Do Trung Cộng chỉ đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, nên con đường gia nhập CPTPP sẽ vô cùng khó khăn”.
Do Vương Tường, Lí Hoàn Vũ thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: