Trung Cộng tuyển dụng hơn 20 triệu “chiến binh mạng trẻ tuổi” ở độ tuổi trung bình 19
Khi nói đến quân đội mạng Trung Quốc, nhiều người có thể nghĩ ngay đến đội quân “năm hào” có mặt ở khắp mọi nơi. Từ việc lên mạng viết thật nhiều tin rác cho loãng diễn đàn, cho đến công kích cá nhân, họ dường như hiểu sâu sắc về các mục tiêu tuyên truyền của Trung Cộng.
Ông Ryan Fedasiuk, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET) thuộc Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, gần đây đã đưa ra một bài báo nói rằng ngoài các dư luận viên trực tuyến chuyên nghiệp, Trung Cộng còn dựa vào một đội quân “chiến binh mạng trẻ tuổi” gồm hơn 20 triệu người, phát động cuộc chiến dư luận từ nhiều phía. Phóng viên Gia Ngạo của Đài Á Châu Tự Do đã phỏng vấn ông Fedasiuk hôm thứ Tư (14/04) và đề nghị ông giới thiệu về đội quân mạng Trung Quốc mà ông biết.
Phóng viên (PV): Khi nói về dư luận viên trực tuyến, tôi nghĩ điều đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến chính là “đảng năm hào.” Theo ông, thuật ngữ “đảng năm hào” có thể tóm tắt đầy đủ thân phận của những đội quân mạng này không?
Fedasiuk: Tôi nghĩ thuật ngữ “đảng năm hào” đã hơi lỗi thời, dùng vào thời kỳ đầu có thể phù hợp hơn. Khi đó, đảng ủy các cấp đã cố gắng thuê một số dư luận viên trực tuyến và thành lập một số nhóm nhỏ như vậy, rồi trực tiếp hướng dẫn công việc cho họ. Nhưng trong những năm gần đây, đi cùng với sự mở rộng dần dần của hệ thống này, đặc biệt là sau khi Bộ Giáo dục Trung Quốc và Trung ương Đoàn Thanh niên liên kết ban hành các văn bản chỉ thị vào năm 2015, Trung Cộng không chỉ thuê dư luận viên, mà còn bắt đầu dựa vào một số lượng lớn tình nguyện viên.
PV: Trong bài báo đăng trên trang web của Quỹ Jamestown tại Hoa Thịnh Đốn, ông đã đề cập rằng Trung Quốc ngoài việc có hơn 2 triệu dư luận viên làm thuê ra còn có hơn 20 triệu tình nguyện viên về văn minh Internet. Ông có thể giới thiệu một chút về thân phận của những tình nguyện viên này không?
Fedasiuk: Nhiều tình nguyện viên về văn minh mạng đều là sinh viên đại học, vì văn kiện hướng dẫn này do Trung ương đoàn và Bộ Giáo dục liên kết ban hành vào năm 2015 yêu cầu các chi bộ đảng trong các trường đại học trên toàn quốc, bao gồm cả Hồng Kông, thành lập nhóm dư luận viên nhỏ để phát triển công tác tình nguyện viên mạng văn minh.
Hầu hết họ còn rất trẻ. Nếu bạn nhìn vào danh sách tình nguyện viên do một số chi bộ đảng của trường đại học đưa ra, thì bình quân họ chỉ có 19 tuổi. Những người này được yêu cầu kiêm nhiệm việc đăng các bài có tính công kích trên Internet để “thanh lọc” không gian mạng.
PV: Ông đã sử dụng từ “tình nguyện viên” trong bài viết của mình, nhưng ông cũng đề cập rằng họ chỉ xuất hiện sau khi chính quyền thiết lập hạn ngạch tình nguyện viên cho văn minh mạng tại địa phương. Ông nghĩ họ rốt cuộc là tự nguyện hay bị ép phải tham gia?
Fedasiuk: Tôi cho rằng nhóm từ “bị tự nguyện” sẽ mô tả kỹ hơn tính chất công việc của họ. Trung ương đoàn và Bộ Giáo dục đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó nêu rõ các trường này phải tuyển đủ một số lượng tình nguyện viên nhất định. Vì vậy, mặc dù họ được gọi là “tình nguyện viên,” nhưng ban chấp hành đoàn các trường đại học cần phải tuyển đủ người.
PV: Làm tình nguyện viên về văn minh mạng có thể thu được những lợi ích gì?
Fedasiuk: Tôi muốn hỏi ngược lại: Lợi ích của việc trở thành đoàn viên Thanh niên cộng sản là gì? Rất nhiều tình nguyện viên hy vọng một ngày nào đó sẽ được làm việc trong các cơ quan đảng và chính quyền hoặc trong các doanh nghiệp nhà nước. Tham gia các hoạt động này sẽ giúp hồ sơ của họ trông hào nhoáng hơn. Ban chấp hành đoàn của các trường đại học này có một hệ thống tính điểm, có thể đánh giá số lượng bài viết được đăng của những tình nguyện viên và cũng chấm điểm cho những biểu hiện của họ.
PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về công việc hàng ngày của những tình nguyện viên này?
Fedasiuk: Đội quân mạng này cần phải like, chuyển tiếp và bình luận về nội dung của các trang web như Weibo, blog và các diễn đàn…, để dẫn dắt xu hướng của dư luận trên mạng một cách hiệu quả. Các dư luận viên do Cơ quan quản lý không gian mạng trung ương thuê cũng cần xóa “thông tin xấu,” hoặc chủ động chống lại và phản bác lại các tin đồn trên mạng, trấn áp “thông tin xấu” và truyền bá các nội dung có lợi cho Trung Cộng.
PV: Mặc dù quy mô đội quân mạng của Trung Quốc rất lớn, tại sao ông lại cho rằng Trung Cộng không thành công trong việc gây ảnh hưởng đến những dư luận quốc tế có liên quan đến vấn đề Trung Quốc?
Fedasiuk: Tôi đã đề cập trong bài báo rằng cư dân mạng Trung Quốc chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ công tác tuyên truyền của Trung Cộng. Trong nhiều trường hợp, một số thành viên của đội quân Internet khuyến khích các công ty Internet đóng tài khoản của những người dùng không đồng ý với họ. Nhưng đối với các nền tảng như Twitter, Facebook và YouTube, chính quyền Trung Cộng và bộ máy tuyên truyền của họ vẫn chưa thể tạo ra tác động lớn như vậy đối với cư dân mạng ở nước ngoài. Việc Trung Cộng ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và hành vi gây hấn của nó ở Biển Đông đã khiến cộng đồng quốc tế nhận thức được ý đồ và khả năng thực sự của chính quyền Bắc Kinh, nên tôi nhận thấy mặc dù đội quân mạng làm được bao nhiêu việc, cũng không cách nào thay đổi được nhận thức của họ.
PV: Theo ông, tại sao chúng ta phải chú ý đến những việc làm của các tình nguyện viên này?
Fedasiuk: Tôi nghĩ rằng các hoạt động dày đặc hơn trong thời gian gần đây của đội quân mạng Trung Quốc ở nước ngoài chỉ mới bắt đầu. Những cuộc tấn công của những người này nhằm vào các công ty nước ngoài như H&M và Uniqlo, cũng như các nhà nghiên cứu nước ngoài như Vicky Xu thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc, chỉ là những phát súng đầu tiên của họ. Trung Cộng đang phát động cuộc chiến dư luận với người nước ngoài ở nhiều nơi hơn để cải thiện những dư luận quốc tế liên quan đến Trung Quốc một cách hiệu quả.
PV: Cảm ơn ông đã nhận lời phỏng vấn.
Do Gao Jing thực hiện
Đăng lại từ Đài Á Châu Tự Do
Sương Sương biên dịch
Xem thêm: