Trung Cộng thúc đẩy phát triển thẻ căn cước internet, chính quyền quyết định cả việc lên mạng?
Bộ Công an Trung Cộng đã bắt đầu phổ biến “Thẻ căn cước internet” tại Phúc Kiến, Quảng Châu. Các hãng thông tấn của Hoa Kỳ đặt ra nghi vấn rằng, với “Thẻ căn cước internet”, khả năng về sau người dân Trung Quốc đại lục muốn lên mạng internet cần phải được sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Hội chợ triển lãm “Ánh sáng internet” được tổ chức từ ngày 22-24/11 tại Ô Trấn (Trung Quốc). Tại hội chợ lần này, Sở Nghiên cứu số 1 của Bộ Công an Trung Cộng đã đưa ra “chứng chỉ nhận dạng cư dân trên mạng Internet” (còn gọi là Thẻ căn cước internet, Thẻ chứng nhận internet, hoặc CTID).
Người dùng muốn được cấp thẻ căn cước internet cần phải cung cấp cho cảnh sát các thông tin sinh học và cá nhân, như hình ảnh khuôn mặt, vân tay và chip thẻ căn cước công dân. Sau khi được Bộ Công an Trung Cộng xác minh mới được cấp.
“Thẻ căn cước internet” sẽ thay thế cho việc điền các thông tin xác nhận khi người dùng cá nhân dùng các loại dịch vụ trực tuyến, ứng dụng, …
Nhân viên của Viện Nghiên cứu số 1 của Bộ Công an Trung Cộng tham gia hội chợ đã nói với các hãng thông tấn ở Trung Quốc đại lục rằng, “Thẻ căn cước internet” không phải là dùng thử nghiệm, mà là đã được áp dụng ở các vùng Phúc Kiến, Quảng Châu. Tương lai hẳn sẽ được áp dụng rộng rãi trong cả nước.
Ngày 27/11, đài Á Châu Tự do đưa tin, rất nhiều dịch vụ ở Trung Quốc đại lục đều yêu cầu đăng ký bằng tên thật, ngoài các thủ tục phiền phức, thì cũng thường dễ tiết lộ thông tin cá nhân ra ngoài. “Thẻ căn cước internet” cũng có thể sẽ trở thành “Thẻ chứng nhận lương dân”, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào ngôn luận của người tham gia internet thông qua “Thẻ căn cước internet” để kiểm duyệt tư cách lên mạng.
Các thông tin dẫn lời ông Tăng Di Thạc, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh Thông tin tác chiến không gian mạng thuộc Viện nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, cho rằng các công nghệ của “Thẻ căn cước internet” có liên quan đến việc thu thập các đặc điểm sinh học của công dân, đang tồn tại những tranh cãi về mặt luân lý. Vấn đề lớn nhất là, “Thẻ căn cước internet” đem tất cả thông tin tập trung vào một cơ quan chứng nhận.
Ông Tăng Di Thạc nói: “Trong này liên quan đến những thông tin cá nhân bí mật và nhạy cảm nhất về sức khỏe, cùng một số thông tin về đặc điểm sinh học con người. Nếu như tôi muốn thay đổi mục đích sử dụng, liệu tôi có cần phải thông báo trước một tiếng hoặc là được sự đồng ý trước hay không? Đây là việc tập trung dữ liệu với quy mô rất lớn. Khó có thể bảo đảm rằng những thông tin nhạy cảm này 100% là không thể thâm nhập và tiết lộ ra ngoài được. Giám sát theo hình thức phân tán luôn tốt hơn giám sát theo kiểu toàn trị rất nhiều.”
Ông Ngô Cường, nguyên là giảng viên hệ chính trị trường đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) cho rằng, cũng không ngẫu nhiên mà Bộ Công an của Trung Cộng hiện đang khai triển “Thẻ căn cước internet”.
Ông nói: “Cái gọi là trọng điểm trấn áp tội phạm viễn thông của Bộ Công an Trung Cộng trong năm nay chính là lấy lý do trấn áp tội phạm ngày càng tăng để xâm phạm quyền tự do thông tin của tất cả mọi người. Hình thức này rất giống với hình thức quản lý trong thời gian dịch bệnh bùng phát, ví dụ như ở Thiên Tân, Thượng Hải, khi có một người bị lây nhiễm bệnh dịch thì lập tức đóng cửa cách ly toàn thành.”
Ông cũng nói hệ thống công an lấy cảnh sát mạng làm trung tâm và không ngừng mở rộng, tin chắc rằng việc chính thức hạn chế người dân lên mạng của Trung Cộng sẽ ngày càng mở rộng ra toàn quốc, trở thành một trạng thái bình thường và cuối cùng trở thành một loại quy định.