Trung Cộng thu hồi giấy phép hai luật sư bào chữa cho các nhà hoạt động Hồng Kông
Giới chức Trung Cộng đã thu hồi giấy phép hành nghề của hai luật sư Trung Quốc sau khi họ đại diện cho hai trong số 12 người Hồng Kông cố gắng bỏ trốn trên một chiếc thuyền vào ngày 23/08 năm ngoái (2020).
Trên đường đến Đài Loan, tất cả 12 người đã bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc chặn lại và giam giữ ở Trung Quốc đại lục.
Mười người trong số họ đã bị đưa ra xét xử vào tuần trước (28/12/2020). Các nhà chức trách Trung Quốc quyết định không buộc tội hai trẻ vị thành niên vào thời điểm họ bị bắt. Họ đã được hồi hương trở lại Hồng Kông hôm 30/12/2020.
Hai luật sư bị thu hồi giấy phép, ông Lục Tư Vĩ (Lu Siwei) và ông Nhậm Toàn Ngưu (Ren Quanniu) lần lượt đại diện cho hai nhà hoạt động Quinn Moon và Wong Wai-Yin.
Anh Quinn bị kết án 02 năm tù giam vì tội “tổ chức cho người khác vượt biên trái phép.” Còn anh Wong nằm trong số tám người bị kết án 07 tháng tù giam vì “vượt biên trái phép.” Bị cáo thứ mười, anh Tang Kai Yin, bị kết án 03 năm tù giam.
Giấy phép bị thu hồi
Hôm 04/12/2020, Sở Tư pháp của tỉnh Tứ Xuyên thuộc tây nam Trung Quốc đã đưa ra một thông báo, cáo buộc ông Lục “đưa ra những bình luận không phù hợp trên mạng nhiều lần.” Hơn nữa, Sở cho rằng những bình luận của ông Lục đã “làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của giới luật sư” và có “những tác động tiêu cực đến xã hội.” Do đó, Sở này cho biết họ có quyền thu hồi giấy phép của ông theo quy định của pháp luật địa phương.
Thông báo trên cho biết thêm rằng ông Lục có quyền tự bào chữa bằng cách yêu cầu Sở tổ chức một phiên điều trần. Luật sư Lục hiện có ba ngày để đệ trình đơn xin điều trần, nếu không ông sẽ bị coi là đã từ bỏ quyền điều trần của mình.
Luật sư Lục nói với truyền thông Hồng Kông rằng ông sẽ nộp đơn xin điều trần và lên án “cuộc đàn áp vô lý” của Sở Tư pháp Tứ Xuyên. Ông cũng kêu gọi Sở “ngay lập tức trở lại hành xử đúng hướng.”
Ông cho biết có khả năng công việc có liên quan đến 12 nhà hoạt động Hồng Kông của ông đã dẫn đến quyết định của nhà chức trách, nhưng nói thêm rằng ông không hối hận vì đã tiếp nhận vụ việc.
Cũng trong ngày thứ Hai (04/01), Chu Khải Địch (Eddie Chu), một cựu nghị sỹ Hồng Kông, người đã giúp đỡ các gia đình của 12 nhà hoạt động, đã lên trang Facebook của mình để tiết lộ rằng luật sư Nhậm cũng đã bị thu hồi giấy phép.
Trong một thông báo đề ngày 31/12/2020 của Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam, các cáo buộc đã được đưa ra đối với luật sư Nhậm vì những hành động của ông trong phiên tòa xét xử một thân chủ họ Trương vào ngày 07/11/2018. Ông Nhậm cũng có ba ngày để quyết định xem liệu ông có muốn một phiên điều trần để kháng cáo việc thu hồi giấy phép hay không.
Khoảng 30 phút sau bài đăng trên Facebook của cựu nghị sỹ Chu, luật sư Nhậm cũng đăng tải thông báo nói trên lên tài khoản Twitter của mình.
Ông Nhậm viết rằng hành động của chính quyền Trung Cộng là “tà ác,” chỉ ra rằng họ đã sử dụng lời nói của một luật sư trước tòa như một tội danh [chống lại người ấy], bất chấp những quy định của pháp luật. Ông không nói liệu ông có kháng cáo việc thu hồi giấy phép hay không.
Một nhóm những người quan tâm tới vụ việc 12 nhà hoạt động Hồng Kông có trụ sở tại đặc khu tự trị này đã lên án quyết định thu hồi giấy phép của hai luật sư từ phía chính quyền Trung Cộng.
“Giới chức Trung Quốc đang sử dụng trường hợp của hai luật sư Lục và Nhậm làm ví dụ nhằm đe dọa các luật sư nhân quyền khác, để không ai dám can dự vào các vụ án nhạy cảm về chính trị nữa,” nhóm này viết trong một tuyên bố trên Facebook.
Nhóm này cũng cho biết gia đình của những người đang bị giam giữ rất biết ơn ông Lục, ông Nhậm và các luật sư nhân quyền khác ở Trung Quốc, vì họ đã phải đối mặt với “áp lực từ các cấp chính quyền thành phố, tỉnh và quốc gia.”
“Mặc dù họ luôn phải đối mặt với những trở ngại vô lý ở mọi bước từ phía chính quyền ở Thâm Quyến và Diêm Điền, nhưng những luật sư này vẫn kiên định bảo vệ các quyền cơ bản của Nhóm Mười Hai, duy trì tính chuyên nghiệp và liêm chính, đồng thời vạch trần những việc làm bất công và trái pháp luật của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình đó,” nhóm này nói thêm.
Vào tối thứ Hai (04/01), gia đình của anh Quinn đã đưa ra một tuyên bố cầu chúc cho ông Lục được bình an vô sự. Ngoài ra, họ cũng chỉ trích luật sư do chính quyền Trung Cộng chỉ định, nói rằng luật sư này đã không phản hồi các cuộc gọi của họ.
Gia đình của anh Wong cho biết rằng họ rất sửng sốt khi biết về tình hình của luật sư Nhậm, chỉ ra rằng đây sẽ là thiệt hại cho Trung Quốc nếu giấy phép của ông ấy bị thu hồi.
Đàn áp
Hồi tháng 09/2020, luật sư Lục đã bị từ chối tiếp cận thân chủ của mình lúc đó đang bị giam giữ tại nhà tù Diêm Điền ở Thâm Quyến, với lý do nhà chức trách đã chỉ định hai luật sư khác đại diện cho anh Quinn. Không thể gặp thân chủ của mình, luật sư Lục cho biết ông dự định gửi đơn khiếu nại lên cơ quan an ninh và văn phòng công tố địa phương về quyết định này.
Hồi tháng 11/2020, một cơ quan tư pháp quận ở Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên, đã yêu cầu công ty luật mà ông Lục đang làm việc bàn giao các hồ sơ liên quan đến các vụ án do ông đại diện kể từ tháng 02/2019 để xem xét, theo Weiquan Wang, một trang web tiếng Trung chuyên đưa tin về các nhà hoạt động nhân quyền.
Nhóm những người quan tâm tại Hồng Kông cũng lên án việc các nhà chức trách Trung Quốc đã từ chối công nhận luật sư do các gia đình thuê, nói rằng chính quyền Trung Quốc muốn “duy trì sự kiểm soát hoàn toàn đối với các thủ tục pháp lý của vụ việc.” Nhóm này cũng bày tỏ lo ngại rằng ông Lục, ông Nhậm và các luật sư khác có thể phải đối mặt với sự đàn áp hơn nữa từ phía chính quyền.
Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đã bị quốc tế chỉ trích về việc xử lý vụ 12 người Hồng Kông.
Trước những đối xử của chính quyền đối với ông Lục và ông Nhậm, Nhóm vô vụ lợi ở Hồng Kông quan tâm đến Luật sư Nhân quyền Trung Quốc (CHRLCG) cảnh báo rằng điều này có thể báo trước một xu hướng đáng báo động ở Trung Quốc.
“[Chính quyền] Trung Quốc hiện đang sử dụng một hình thức đàn áp tinh vi hơn. Đó là trừng phạt hành chính, bao gồm việc thu hồi hoặc làm mất hiệu lực giấy phép hành nghề của luật sư, từ đó tước đoạt quyền hành nghề luật sư của họ,” tổ chức vô vụ lợi viết.
Lịch sử về nhân quyền
Cả hai luật sư Lục và Nhậm đều đã từng đại diện cho các vụ án nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc.
Ông Lục từng bảo chữa cho luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), người đã bị kết án 04 năm tù vào tháng 06/2020 vì tội “kích động chống phá nhà nước.”
Ông Nhậm là luật sư bào chữa cho nhà báo công dân Trương Triển (Zhang Zhan), người vừa bị kết án 04 năm tù vì “gây gổ và kích động.”
Vào ngày 29/12/2020, Liên minh Châu Âu đã đưa ra một tuyên bố, bày tỏ lo ngại về các trường hợp của ông Vương và cô Trương, cũng như các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền Trung Quốc khác bị giam giữ và bị kết án như luật sư Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng).
Frank Fang
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: