Trung Cộng sẽ không diễu binh trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập
Phân tích
Trung Cộng mới đây đã tuyên bố rằng sẽ không có duyệt binh trong lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung Cộng vào ngày 01/07 năm nay, mặc dù nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã tổ chức 5 cuộc diễu binh kể từ khi ông nhậm chức.
Vào ngày 23/03, ông Vương Hiểu Phi, Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền Trung ương Trung Cộng, đã thông báo về việc bố trí tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung Cộng, bao gồm tám hoạt động như các cuộc mít tinh kỷ niệm và giáo dục về lịch sử của Trung Cộng. Tuy nhiên, các hoạt động này không bao gồm một cuộc diễu binh.
Sau đó, ông Lê Quân, trợ lý Cục trưởng Cục Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương Trung Cộng (CMC), cũng tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không có cuộc duyệt binh nào nằm trong kế hoạch của sự kiện lần này.
Không có diễu hành quân đội trong Lễ kỷ niệm là một điều bất thường
Trước đây, Trung Cộng không bao giờ tổ chức các cuộc duyệt binh để kỷ niệm ngày thành lập đảng. Chế độ này tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm một lần. Tuy nhiên, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, thông lệ này đã thay đổi và ông Tập đã tổ chức buổi lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập đảng vào năm 2016.
Cho đến nay, ông Tập đã tổ chức 5 cuộc duyệt binh, bao gồm trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng cuộc kháng chiến chống Nhật vào năm 2015 và lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Cộng vào năm 2017.
Vào ngày 01/02, ông Tập đã nói rõ ràng tại một hội nghị chuyên đề dành cho những nhân vật nổi tiếng không phải đảng viên Trung Cộng rằng ông sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung Cộng một cách trọng đại. Nhiều người tin rằng sẽ có một cuộc duyệt binh tại lễ kỷ niệm này, bởi vì cuộc duyệt binh là một sự kiện thể hiện niềm tự hào quân đội cao nhất.
Vì vậy, khi Trung Cộng chính thức tuyên bố rằng sẽ không có cuộc duyệt binh cho lễ kỷ niệm sắp tới, điều này đã thu hút sự chú ý của quốc tế.
Đối diện áp lực lớn, ông Tập buộc phải hủy bỏ cuộc duyệt binh
Theo chuyên gia về Trung Quốc kiêm nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lê Yến Minh, ông Tập đã buộc phải hủy bỏ cuộc duyệt binh, đó là dấu hiệu cho thấy ông ta giương cờ trắng. Có ba lý do cho điều này.
Thứ nhất, Trung Cộng đang trong một cuộc đối đầu quân sự căng thẳng với các quốc gia và khu vực láng giềng. Ngoài ra, chế độ này đã rơi vào tình thế bị động sau các cuộc đàm phán cao cấp với Hoa Kỳ ở Alaska. Trung Cộng lo ngại rằng cuộc duyệt binh sẽ chọc giận Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác cách đây không lâu, công khai phát đi tín hiệu đoàn kết với các đồng minh và kiềm chế Trung Cộng. Trung Cộng cũng đang phải đối mặt với các vấn đề cấp bách và nan giải ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, quần đảo Điếu Ngư (hay quần đảo Senkaku, theo cách gọi của Nhật Bản) và bán đảo Triều Tiên. Nếu Trung Cộng lại tổ chức một cuộc diễu binh nữa, điều này nhất định sẽ khiến Hoa Kỳ và các đồng minh tức giận.
Thứ hai, việc diễu hành quân đội có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan của đại dịch trong quân đội Trung Cộng. Virus Trung Cộng đã hoành hành thế giới hơn một năm qua, và chính quyền Trung Cộng đang cố gắng che đậy đại dịch ở Trung Quốc, và bức tranh thực sự về đại dịch trong quân đội Trung Cộng đã được giữ tuyệt mật. Một cuộc duyệt binh quy mô lớn chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm nguy cơ lây lan virus trong quân đội. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng quân sự ngày càng leo thang, chính quyền Trung Cộng không dám và không thể chịu được rủi ro lớn này.
Thứ ba, cuộc duyệt binh sẽ là một rủi ro chính trị đối với ông Tập, khi các cuộc đấu đá chính trị nội bộ trong Trung Cộng leo thang giữa các cấp lãnh đạo cao nhất của đảng này. Năm tới là Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Trung Cộng, và cuộc đấu đá nội bộ giữa các phe phái đứng đầu của nó đang dữ dội hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh khó khăn cả trong lẫn ngoài như trên, cuộc duyệt binh của ông Tập sẽ không chỉ đối mặt với những rủi ro ngoại giao và quân sự không thể kiểm soát, mà còn tạo cơ hội cho kẻ thù chính trị của ông ta gây rắc rối hay thậm chí là một cuộc đảo chính, điều sẽ đe dọa trực tiếp đến việc tái đắc cử của ông Tập và việc bố trí nhân sự cao cấp.
Tháng 12 năm ngoái (2020), các nguồn tin thân cận với giới chóp bu của Bắc Kinh nói với The Epoch Times rằng ông Tập Cận Bình đã đi lệch khỏi chính sách của ông Đặng Tiểu Bình là che giấu năng lực của Trung Quốc và chờ đợi thời cơ chín muồi, lại còn quá tham vọng, và bộc lộ quá sớm tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, làm thu hút sự phản kháng mạnh mẽ và các biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ. Kết quả là, ông Tập đã bị chỉ trích nặng nề trong nội bộ Trung Cộng, và một số lãnh đạo cao cấp thời đầu thậm chí còn yêu cầu ông ta từ chức.
Cố vấn hàng đầu của ông Tập tiết lộ nội tình
Ông Kim Thiền Vinh, giám đốc Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân Dân Trung Quốc, được biết đến với tư cách là cố vấn hàng đầu của ông Tập, đã công khai những tham vọng và âm mưu thao túng Hoa Kỳ của ông Tập vào năm 2016.
Vào tháng 07/2016, ông Kim đã có một bài giảng có tựa đề “Triết lý chiến lược Trung Quốc-Hoa Kỳ” tại Khách sạn Câu lạc bộ Phương Nam ở Quảng Châu. Trong bài giảng này, ông nói rằng mục tiêu của ông Tập Cận Bình rất rõ ràng, và “đó là sự phục hồi sinh lực cho quốc gia… Giờ đây, việc vượt qua Anh Quốc đã được hiện thực hóa, điều còn lại đối với chúng ta là bắt kịp Hoa Kỳ.”
Ông Kim giải thích rằng vượt qua Anh và bắt kịp Hoa Kỳ có nghĩa là “chúng ta đã đạt được vị thế bình đẳng với Hoa Kỳ trong thế hệ này, và nhiệm vụ của thế hệ tiếp theo là thao túng Hoa Kỳ.”
“Tôi tin rằng đối với Tổng Bí thư Tập, sự phục hồi sinh lực quốc gia có nghĩa là vượt qua Anh và bắt kịp Hoa Kỳ,” ông Kim nói.
Trong những năm gần đây, ông Tập đã nhiều lần nói về việc “xây dựng một cộng đồng vì tương lai chung của nhân loại” và “hệ thống quản trị toàn cầu,” đó là những cách diễn đạt trong các báo cáo tuyên truyền chính thức của Trung Cộng. Ông Tập đã tuyên bố tại hai phiên họp kết thúc mới đây của Trung Cộng rằng giờ đây chế độ Trung Cộng có thể “đưa thế giới đi lên.” Những nhận định này phù hợp với lời nói của ông Kim ở trên.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Winnie Han thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: