Trung Cộng ra lệnh những người đang di lưu ở miền Bắc của Miến Điện lập tức về nước, học giả tiết lộ lý do đằng sau
Mặc dù diễn biến đại dịch COVID-19 ở Miến Điện đang ngày một phức tạp, nhưng Trung Cộng không ngần ngại thay đổi thông lệ: thay vì kiểm soát chặt chẽ việc công dân về nước như trước đây, nhiều chính quyền địa phương đã ban hành thông báo, yêu cầu công dân Trung Quốc di lưu ở miền bắc Miến Điện phải về nước trước ngày 30/6 năm nay, nếu không sẽ huỷ bỏ hộ tịch của họ. Một số học giả Trung Quốc nói rằng, vì ở miền Bắc Miến Điện xuất hiện các căn cứ và lực lượng vũ trang tự do chống lại Trung Cộng, điều này khiến Trung Cộng lo lắng như đứng đống lửa, như ngồi đống than.
Theo truyền thông Đại Lục đưa tin, vào ngày 1/6, tài khoản Wechat chính thức của thị trấn Can Dịch, thành phố Thiên Môn, tỉnh Hồ Bắc đã ban hành một thông báo. Thông báo đã liệt kê tên, số chứng minh nhân dân và địa chỉ hộ khẩu của 33 người bị chính quyền cho là “tội phạm tình nghi vượt biên Trung Quốc – Miến Điện”. Đồng thời nêu rõ, bất kỳ ai chủ động liên hệ và trình báo trước ngày 15/6/2021, sau khi trở về Trung Quốc sẽ được giảm nhẹ hình phạt. Nếu không, họ sẽ bị tuyên bố mất tích, chết hoặc thậm chí hủy hộ khẩu và phải chịu một loạt các hình thức kỷ luật khác.
Sau đó, nhiều địa phương khác như Bình Dương ở Quảng Tây, Thuỵ Dương, Tu Thuỷ, Phàn Dương ở Giang Tây, Dư Can, Ninh Viễn ở Hồ Nam, Lạc Dương ở Hà Nam, v.v cũng lần lượt công bố danh sách và thông báo tương tự.
Kể từ tháng 5, chính quyền các tỉnh Giang Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Quý Châu, Tứ Xuyên và nhiều nơi khác đã ban hành các chỉ thị kêu gọi những người còn đang ở Miến Điện về nước. Chỉ thị lấy lý do là chống gian lận mạng viễn thông, chấn chỉnh tội phạm xuyên biên giới dọc biên giới Trung Quốc – Miến Điện, do đó yêu cầu những người còn đang lưu lạc ở miền bắc Miến Điện phải về nước trước ngày 30/6, nếu không sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc.
Miền bắc Miến Điện còn được gọi là “Thượng Miến Điện”, gồm các tỉnh Magway, Mandalay, Sagaing, và Bang Chin, Bang Kayah, Bang Shan và Bang Kachin. Trong đó, Bang Shan từ lâu đã trở thành nơi sinh sống của người Vân Nam di cư đến. Nhưng hiện nay khu vực này có tình hình khá phức tạp và nhạy cảm, nguyên nhân chủ yếu đến từ làn sóng nhập cư mới của người Trung Quốc những năm gần đây. Bang Shan hiện có 4 đặc khu, trước đây đều do Đảng Cộng sản Miến Điện cai trị, bao gồm Đặc khu số 1 Kokang, Đặc khu số 2 Bang Wa, Đặc khu số 3 Kachin và Đặc khu số 4 Mengla.
Anh Lưu Quân làm nghề tài xế (hóa danh) nhiều năm trước đã vượt biên đến đặc khu thứ 4 Mengla thuộc miền Bắc Miến Điện. Anh từng tiết lộ với phóng viên Epoch Times rằng, kể từ tháng 5, người Trung Quốc ở miền bắc Miến Điện hầu như đều nhận được điện thoại của trưởng thôn hoặc đồn công an ở quê nhà gọi đến, yêu cầu họ về nước trong thời hạn nhất định. Lưu Quân nói rằng, việc khuyên về nước được thực hiện theo từng đợt, cảnh sát còn có danh sách chi tiết thông tin từng người một, nhưng cụ thể bao nhiêu người thì anh không rõ. Tuy nhiên, hiện có hơn 100,000 người Đại Lục đang sinh sống ở miền bắc Miến Điện.
Vương Hồng (nickname) mở khách sạn ở Đặc khu số 2 Bang Wa cũng nói với phóng viên Đại Kỷ Nguyên rằng, công an Trung Cộng đã tìm thấy người nhà của họ tại Trung Quốc, bắt họ phải về nước, còn phải báo cáo cho họ lộ trình về nước, đi qua những cửa khẩu nào và thời gian cách ly, công an sẽ đến đón họ và dẫn họ đi.
Các nhà chức trách Trung Cộng nêu rõ trong thông báo rằng, những người không chịu về nước sẽ gây liên lụy cho người nhà họ, bao gồm ảnh hưởng đến việc học hành, công việc, tiền lương, tài khoản ngân hàng, v.v.
Kể từ khi phát hành các chỉ thị trên, theo báo trong nước đưa tin, càng sát hạn về nước, những người di lưu ở Miến Điện trở về càng đông. Họ ồ ạt xếp hàng dài gần các cửa khẩu để làm thủ tục đăng ký và chờ cách ly; những người mở siêu thị, quán ăn ở miền bắc Miến Điện cũng gấp gáp thanh lý hàng hóa, chuyển nhượng cửa hàng, để kịp về Trung Quốc trước cuối tháng.
Một cư dân mạng từng di lưu ở miền bắc Miến Điện đã chia sẻ quá trình xếp hàng về nước: Đầu tiên, bạn phải đến nơi làm việc của chính quyền địa phương Miến Điện xếp hàng lấy số. Tốt nhất bạn nên đi từ lúc ba đến bốn giờ sáng, thậm chí là sớm hơn. Sau khi đi cách ly tại điểm kiểm dịch Miến Điện trong 3 ngày và làm xét nghiệm acid nucleic hai lần thì sẽ nhận được báo cáo xét nghiệm acid nucleic. Sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc, phải ở cửa khẩu cách ly 21 ngày, những người từng vượt biên trái phép còn bị phạt tiền.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Trung Cộng không cho phép người Trung Quốc sinh sống ở nước ngoài về nước. Vào khoảng tháng 4 năm ngoái, nhiều video đăng tải cho thấy, những người Hoa ở nước ngoài muốn trở về Trung Quốc nhưng đã bị chính quyền Trung Cộng từ chối.
Các học giả tiết lộ lý do đằng sau trò “khuyên về nước” của Trung Cộng
Viên Hồng Binh, một nhà luật học người Trung Quốc sống ở Úc, giáo sư ngành luật học tại Đại học Bắc Kinh, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ báo Secretchina vào ngày 11/6 cho biết, tại miền Bắc Miến Điện đã thiết lập một căn cứ chính trị chiến đấu vũ trang phản đối Trung Cộng. Căn cứ này do hơn 10 tổ chức và đoàn thể hình thành, trong đó có một nhóm gọi là “Lữ đoàn V”.
Viên Hồng Binh nói, vào tháng 9 năm ngoái, Lữ đoàn V đã đăng tải một video tuyên ngôn chính trị. Họ bày tỏ cần áp dụng hình thức cách mạng dân chủ, chiến đấu vũ trang để khởi nghĩa chống lại chế độ chuyên chế, sau đó tiêu diệt chính quyền Trung Cộng. Viên Hồng Binh nói: “ Lời tuyên bố chính trị này là để thiết lập một vị thế chính trị cho toàn bộ căn cứ chiến đấu vũ trang tại miền Bắc Miến Điện, cùng nhau kháng chiến chống lại chế độ chuyên chế Trung Cộng.”
Viên Hồng Binh còn nói, trước đó Trung Cộng không ngừng bôi nhọ lực lượng này, mô tả khu vực miền bắc Miến Điện là nơi tập trung nhóm tội phạm, lừa đảo, buôn bán ma túy, buôn lậu súng. “Nói tóm lại, họ muốn mượn công cụ tuyên truyền giả dối trong và ngoài nước, tạo thành bức màn đen tối để che đậy sự thật. Trên thực tế, nhóm người này đã xây dựng một căn cứ chính trị tại miền Bắc Miến Điện để chiến đấu vũ trang chống lại sự chuyên chế của Trung Cộng”.
Ông cho biết, một lý do quan trọng khác khiến Trung Cộng dè chừng Lữ đoàn chữ V là vì sợ rằng Lữ đoàn V sẽ trở thành hình mẫu và tấm gương cho các cuộc nổi dậy có thể diễn ra sau này.
Ông phân tích rằng, điều mà Lữ đoàn V cần phát huy là “sử dụng ý chí chiến đấu kiên cường, dẫn dắt toàn bộ người dân xã hội Trung Quốc, toàn bộ người dân Trung Quốc, thoát khỏi sự sợ hãi đối với bóng ma Trung Cộng tàn bạo”.
Ông nói, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chế độ Trung Cộng có thể tiếp tục đến này nay là Trung Cộng đã sử dụng bạo lực khủng bố, tạo ra sự sợ hãi trên diện rộng, nhưng ý chí kiên cường chiến đấu của Lữ đoàn V sẽ lãnh đạo nhân dân thoát khỏi nỗi sợ hãi đó.
Dịch bệnh nghiêm trọng ở Miến Điện
Tính đến ngày 15/6, số ca nhiễm virus Trung Cộng (virus COVID-19) ở Miến Điện đã lên đến 145.826 người, số người tử vong là 3.248 người.
Theo kênh Reuters đưa tin vào ngày 4/6, sau cuộc đảo chính tại Miến Điện ngày 1/2, dịch vụ y tế và xét nghiệm sụp đổ khiến số mắc lại tăng cao đến đỉnh điểm và làm gia tăng lo ngại về việc tình hình dịch ở gần biên giới Miến Điện-Ấn Độ sẽ tiếp tục xấu đi.
Ngày 4/6, Miến Điện báo cáo có 212 ca nhiễm trên cả nước, đây là con số khá thấp so với nhiều quốc gia láng giềng, nhưng lại là mức cao nhất trong hơn bốn tháng qua.
Vì nhiều ca nhiễm đến từ Bang Chin, giáp biên giới với Ấn Độ, khiến người dân hết sức lo lắng rằng, biến thể virus tìm thấy ở khu vực này có thể sẽ lây lan nhanh chóng trong đất nước Miến Điện.
Do Dương Diệc Huệ, Từ Diệc Dương thực hiện
Minh Phương biên dịch
Tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: