Trung Cộng một lần nữa thúc đẩy các thuyết âm mưu đổ lỗi cho Hoa Kỳ về đại dịch
Với việc cộng đồng tình báo Hoa Kỳ sẽ đưa ra một báo cáo về nguồn gốc COVID-19 trong vài tuần tới, Trung Cộng đã phát động một làn sóng tuyên truyền và thông tin sai lệch mới nhằm mục đích tô vẽ rằng Hoa Kỳ là nguồn gốc của đại dịch.
Trong vài tuần qua, Trung Cộng đã tăng gấp đôi những nỗ lực của mình để thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng virus có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Y tế về các Bệnh Truyền nhiễm của Quân đội Hoa Kỳ tại căn cứ quân đội Fort Detrick ở Maryland, một tuyên bố do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng lần đầu tiên đề xướng hồi năm ngoái, mà không hề có bằng chứng.
Sự thúc đẩy tuyên truyền có tính phối hợp nhịp nhàng này diễn ra khi Trung Cộng phải đối mặt với sự theo dõi sát sao của quốc tế về việc liệu virus COVID-19 có bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc ở Vũ Hán, nơi virus bắt đầu lây lan lần đầu tiên hay không. Trong khi đó, ở Trung Quốc, một biến thể lây lan nhanh của virus này mang tên Delta đang thách thức chiến lược phong tỏa tốn kém của Bắc Kinh.
Tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ thuộc sở hữu nhà nước, vốn được Trung Cộng mô tả là “một kênh quảng bá quan trọng cho các cơ quan trung ương của Trung Quốc,” hôm 29/07 đã đăng một bài báo trích dẫn World News Network, một trang tổng hợp tin tức bằng Anh ngữ có trụ sở tại Hoa Kỳ, cáo buộc rằng quân đội Hoa Kỳ làm lây lan chủng virus COVID-19 này đến Âu Châu qua một cuộc vận động hiến máu. Một hãng thông tấn của Ý dường như là nguồn gốc của thuyết âm mưu này.
Một bài báo khác hôm 04/08, do các phóng viên của World News Network viết bằng Anh ngữ trích dẫn các chuyên gia ẩn danh, đã cáo buộc mà không có bằng chứng rằng một số bệnh nhân mắc EVALI, một căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử ‘vaping,’ đã có thể là những bệnh nhân COVID-19 vào tháng 07/2019.
Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo quốc doanh khổ nhỏ nổi tiếng với giọng điệu hiếu chiến, đã tiến xa hơn bằng cách xây dựng một đơn kiến nghị kêu gọi một cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào phòng thí nghiệm Fort Detrick này. Bản kiến nghị này đã được tuyên truyền rộng rãi trên một kênh truyền thông khác của Trung Cộng. Kênh này tuyên bố trong ba tuần đã thu được tổng cộng 25 triệu chữ ký.
Các kênh thông tấn do nhà nước kiểm soát khác cũng lan truyền quan điểm tương tự. Đài truyền hình CCTV hôm 29/07 đã phát sóng một phân đoạn dài 20 phút cáo buộc Hoa Kỳ “tham gia vào hoạt động khủng bố truy tìm nguồn gốc.”
Những hình ảnh minh họa và meme chống Hoa Kỳ—chẳng hạn như một hình ảnh mô tả Hoa Kỳ là “quốc gia siêu lan truyền,” và một hình ảnh khác liệt kê tám điều mà Trung Cộng cho rằng Hoa Kỳ đã thất bại—cũng đã được các hãng truyền thông nhà nước tuyên truyền trên mạng xã hội Trung Quốc và quốc tế.
Chi nhánh ở nước ngoài của CCTV, CGTN, đã sản xuất một bộ phim hoạt hình gợi ý rằng lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm được bịa ra bởi Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA)—vốn bị kênh này gán cho cái tên là “Cơ quan Phát minh Thuyết âm mưu” (“Conspiracies Invented Agency”, CIA).
Đẩy mạnh tuyên truyền hiếu chiến
Tháng 01/2021, một nhóm do WHO dẫn đầu đã thực hiện một chuyến đi đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc của virus và trong một báo cáo chung với các nhà khoa học Trung Quốc sau đó đã cho biết khả năng sự bùng phát [của đại dịch] là kết quả của việc virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra.”
Kể từ đó, các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tính liêm chính của báo cáo WHO, do Trung Cộng đã không cung cấp cho các nhà điều tra dữ liệu thô quan trọng cũng như không cho phép truy cập vào các hồ sơ của Viện Virus học Vũ Hán (WIV).
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo hôm 15/07, “Chúng tôi đang yêu cầu Trung Quốc minh bạch, cởi mở và hợp tác, đặc biệt là về thông tin, dữ liệu thô mà chúng tôi đã yêu cầu trong những ngày đầu của đại dịch.”
Nhưng kết luận của bản báo cáo WHO này đã trở nên hữu dụng cho giới chức Trung Cộng và báo chí nhà nước trong nỗ lực đẩy lùi sự chú ý ngày càng gắt gao của quốc tế.
Coi bản báo cáo này như một cách thức để bác bỏ những chỉ trích từ bên ngoài, một số hãng thông tấn nhà nước khẳng định rằng Hoa Kỳ đã “bắt cóc các chuyên gia của WHO” để “bôi nhọ” Trung Quốc.
Một bài báo của China News đăng từ ngày 01/08 có đoạn viết, “Nung nấu âm mưu, đàn áp các nhà khoa học, chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc, Hoa Kỳ chắc chắn là một ‘kẻ bắt cóc chính trị’ đang cố gắng đổi trắng thay đen.” Ngay ngày hôm sau, bài báo này đã được đăng trên trang web chính thức Ủy ban Y tế Tỉnh Hà Bắc.
Tháng trước (07/2021), Trung Cộng đã từ chối một đề nghị của WHO về một cuộc điều tra nguồn gốc virus giai đoạn hai bao gồm việc kiểm tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Bắc Kinh sau đó đã đệ trình một “đề xướng của Trung Quốc,” trong đó họ kiên quyết yêu cầu cuộc điều tra mới này chuyển trọng tâm sang các khu vực khác trên thế giới và “những gì đã được tiến hành trong giai đoạn đầu” không nên lặp lại nữa.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia có trụ sở tại Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng, “Họ muốn lợi dụng cuộc điều tra thứ hai này để tiến hành thêm các hoạt động che đậy.”
Trên các nền tảng phương Tây như Twitter và Facebook, vốn vẫn bị chặn ở Trung Quốc, các nhà ngoại giao Trung Cộng đã tăng gấp đôi các phát ngôn hiếu chiến của mình nhằm vào Hoa Kỳ.
Ông Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, viết trong một tweet hôm 05/08, trong đó có một bức tranh biếm họa về một mầm bệnh virus đang cười nhạo Uncle Sam (một hình tượng nhân hóa của Hoa Kỳ) bị bịt mắt bằng một chiếc khẩu trang. Dòng tweet này đã có 1,400 lượt chia sẻ.
Ông Triệu đã trở nên tai tiếng hồi năm ngoái vì đã thúc đẩy một thuyết âm mưu rằng chủng virus này được quân đội Hoa Kỳ đem đến Vũ Hán.
Trong một cuộc họp báo gần đây, ông Triệu cũng đã yêu cầu một cuộc điều tra về Phòng thí nghiệm Baric tại Đại học North Carolina do nhà virus học Ralph Baric đứng đầu, người nổi tiếng với chuyên môn về tạo ra thay đổi trên virus trong phòng thí nghiệm. Ông không đề cập đến việc ông Baric, người hồi tháng 05/2021 đã ký vào một lá thư ủng hộ một cuộc điều tra sâu hơn về lý thuyết nguồn gốc rò rỉ trong phòng thí nghiệm, từng làm việc với WIV và cho xuất bản một bài báo khoa học năm 2015 về một loại virus giống SARS ở loài dơi móng ngựa của Trung Quốc, mà nhà virus học Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) của phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng là đồng tác giả.
Ông Trần, một nhà văn đến từ tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, người chỉ cung cấp họ của mình, đã nói với The Epoch Times rằng, “Những người này không phải là các nhà ngoại giao ngoại quốc, họ giống với những kẻ cầm đầu các nhóm khủng bố hơn, kiêu ngạo và hống hách.”
“Các vị chặn cuộc điều tra quốc tế bởi vì các vị cảm thấy lo lắng.”
Một số quốc gia phương Tây đang đẩy lùi các nỗ lực [lan truyền] thông tin sai lệch của Trung Cộng. Hôm 10/08, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc cho biết trên Twitter rằng một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ được nhiều hãng truyền thông Trung Quốc trích dẫn gần đây có thể không tồn tại và kêu gọi xóa bỏ “các tin tức sai lệch.” Các kênh thông tấn của Trung Quốc đã trích dẫn một người có tên là “Wilson Edwards,” một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ được cho là đã thảo luận về nguồn gốc của virus và chỉ trích sự độc lập của WHO.
Những trích dẫn này đã nhanh chóng bị xóa bỏ. Một bài báo của Thời báo Hoàn cầu đăng hôm 30/07 về những tuyên bố của ông Edwards đã lặng lẽ biến mất khỏi tầm nhìn. Trên tờ China Daily do nhà nước điều hành, hai đoạn văn trên một bài báo hôm 10/08 trích dẫn người gọi là nhà sinh vật học này cũng đã bị xóa bỏ.
Trung Cộng đã ‘trở nên bại hoại hơn’
Trong khoảng hai tuần nữa, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ sẽ báo cáo với Tổng thống Joe Biden về những phát hiện của một cuộc điều tra nguồn gốc virus kéo dài ba tháng.
Một báo cáo của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện vào ngày 02/08 đã tìm thấy “sự trội hơn của bằng chứng”—từ các nỗ lực “che giấu và che đậy” nghiên cứu được thực hiện tại WIV đến các giao thức an toàn trong phòng thí nghiệm lỏng lẻo—cho thấy rằng một vụ rò rỉ do tai nạn trong phòng thí nghiệm là nguồn có khả năng cao nhất gây ra đại dịch.
Tháng 05/2019, vài tháng trước khi dịch bùng phát, giám đốc phòng thí nghiệm P-4 của WIV, ông Viên Chí Minh (Yuan Zhiming), đã nêu lên những lo ngại về sự thiếu an toàn trong các phòng thí nghiệm sinh học cao cấp của Trung Quốc, nói rằng “cần nâng cao nhận thức về an toàn sinh học, kiến thức chuyên môn, và đào tạo kỹ năng vận hành” cho các nhân viên phòng thí nghiệm.
Theo nhà phân tích về Trung Quốc Tô Tử Vân, cho biết mặc dù Trung Cộng “có những hành động nhằm đổ lỗi,” nhưng sự tín nhiệm dành cho họ đã bị cản trở bởi một lịch sử che giấu thông tin bất lợi. Ông lưu ý rằng việc nhà cầm quyền này bưng bít thông tin về số người thiệt mạng thực sự và thiệt hại do trận lũ gần đây ở miền trung Trung Quốc là một ví dụ.
Ông nói, “Chúng ta cần lưu ý rằng bản chất của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không những không thay đổi mà còn trở nên bại hoại hơn.” Ông nói, hành động đình chỉ cấp hộ chiếu Trung Quốc do đại dịch gần đây của Bắc Kinh có thể là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng nội bộ lớn hơn.
Ông Trần, nhà văn người Trung Quốc, cũng tán thành lý thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm. Ông nói rằng giới chức Trung Cộng đã đang “đưa ra các cáo buộc phản bác sai” đối với các nhà phê bình phương Tây trong khi chặn họng những ý kiến bất đồng bên trong Trung Quốc.
“Ngay khi ai đó ở Trung Quốc đề cập đến nguồn gốc của đại dịch trong một cuộc trò chuyện trên WeChat hoặc QQ, các tài khoản và nhóm đó sẽ bị đình chỉ hoạt động,” ông nói khi đề cập đến hai ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc do Tencent sở hữu.
“Vấn đề này quá nghiêm trọng, và họ đang lo sợ. Vì vậy, họ sẽ trì hoãn, che giấu, nói dối và trốn tránh trách nhiệm lâu nhất có thể trong khả năng của mình.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times, chuyên đưa tin về Mỹ-Trung, tự do tôn giáo, và nhân quyền
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: