Trung Cộng kiềm chế tiền ảo để ngăn tiền ‘chảy’ khỏi Trung Quốc
Trong nhiều năm, Trung Cộng đã mặc nhận các hoạt động tiền kỹ thuật số ở Trung Quốc. Nhưng vào năm 2018, đảng này bắt đầu hạn chế các giao dịch Bitcoin trong khi vẫn bí mật khuyến khích việc đào (mining) Bitcoin. Tuy nhiên, hiện nay khi một lượng tiền lớn đang chảy khỏi Trung Quốc thông qua các loại tiền ảo, giới hữu trách Trung Cộng dường như đã quyết tâm trấn áp tình trạng này.
Các loại tiền mã hóa (cryptocurrency), với đồng tiền tiêu biểu là Bitcoin, ngày càng thu hút được nhiều sự chú ý hơn trong những năm gần đây do tính bảo mật, quyền riêng tư và tính phi tập trung và phân quyền (decentralization) của chúng. Dữ liệu cho thấy đơn giá của Bitcoin đã vượt quá 60,000 USD, nhưng tính đến ngày 18/05/2021, đơn giá của Bitcoin đã rớt xuống còn 43,300 USD với mức vốn hóa thị trường là 811 tỷ USD. Khi giá Bitcoin và các loại tiền ảo khác tăng lên, nguồn lực của thế giới được đầu tư vào ngành đào tiền ảo cũng tăng lên đáng kể.
Trung Cộng không công nhận các loại tiền ảo và đã tích cực thực hiện các biện pháp cấm những giao dịch thông qua tiền kỹ thuật số. Thay vào đó, Trung Cộng đã giới thiệu đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do Trung Cộng kiểm soát.
Các loại tiền ảo như Bitcoin, vì lợi thế bảo mật và quyền riêng tư của chúng, đã trở thành mối quan tâm lớn đối với Trung Cộng, vốn hoạt động dựa trên sự kiểm soát tập trung.
Một điều nghịch lý là mặc dù Trung Cộng cấm giao dịch các loại tiền mã hóa như Bitcoin, nhưng lại không cấm việc đào các loại tiền mã hóa
Trong ngành đào Bitcoin trên toàn cầu, các thợ đào Trung Quốc chiếm phần lớn lượng khai thác trên thế giới.
Trong một nghiên cứu do Statista thực hiện vào năm 2020, Trung Quốc tiến hành 65% hoạt động đào Bitcoin trên thế giới. Hoa Kỳ đứng xa thứ hai, chỉ với 7.24%.
Việc khai thác (đào) tiền đề cập đến việc giải quyết các vấn đề toán học phức tạp để đổi lấy một số lượng Bitcoin nhất định. Việc đào thành công đưa Bitcoin mới vào lưu thông và cho phép các giao dịch được thực hiện một cách an toàn. Theo Nasdaq, trong tháng 04/2021, ngành công nghiệp đào Bitcoin đã mang về trung bình 56 triệu USD mỗi ngày.
Trong quá trình khai thác, hoạt động của máy điện toán không chỉ tiêu tốn nhiều điện năng mà người khai thác cũng cần cập nhật liên tục và phát triển các siêu máy điện toán phục vụ quá trình khai thác để tăng khả năng tính toán. Hiện tại, nhiều loại máy khai thác có mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng liên tục được giới thiệu trên thị trường.
Công thức tính lợi ích của việc đào coin là: giá trị của tiền mã hóa thu được trừ (điện sử dụng + chi phí của máy khai thác).
Các thợ đào tiền ảo của Trung Quốc tập trung chủ yếu ở miền Tây Trung Quốc, ở các khu vực như Mông Cổ và Tân Cương. Điều này là do các khu vực này có nhiều trạm thủy điện vừa và nhỏ, và do thiếu thiết bị phân phối điện phù hợp nên rất nhiều trạm thủy điện bị lãng phí, đặc biệt là vào mùa hè khi lũ quét bùng phát và các trạm thủy điện sẵn sàng cung cấp miễn phí điện cho người dân.
Điện ở những khu vực này rẻ do địa hình đồi núi và nhiệt độ thấp. Do đó, một số lượng lớn các thợ đào vừa và nhỏ đã định cư ở khu vực này để thực hiện các hoạt động đào Bitcoin của họ. Ngay cả những ông chủ của các nhà máy thủy điện cũng trở thành những thợ đào. Trong khi họ kiếm được trợ cấp năng lượng xanh từ chính phủ, họ cũng thu được lợi tức từ hoạt động đào coin với điện giá rẻ.
Các mỏ lớn có vốn đầu tư khổng lồ, thường tập trung ở Nội Mông và Tân Cương, nơi có điện rẻ và khí hậu đủ lạnh.
Trung Quốc không chỉ thống trị hoạt động đào tiền điện tử trên toàn cầu, mà việc chế tạo máy đào của họ cũng đang phát triển nhanh chóng. Hai đại công ty đào Bitcoin, Canaan Technology và Yibang International, đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hoa Kỳ vào năm 2019 và 2020.
Nói cách khác, phần lớn hoạt động đào Bitcoin diễn ra ở Trung Quốc. Trên toàn cầu, lượng điện được sử dụng nhiều nhất cho Bitcoin là ở Trung Quốc, nhiều máy móc nhất được sử dụng để khai thác là ở Trung Quốc, các máy khai thác tân tiến nhất được sản xuất ở Trung Quốc và số lượng bitcoin lớn nhất được kiểm soát ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các giao dịch Bitcoin lại là bất hợp pháp ở Trung Quốc.
Tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 03/2021, Trung Cộng đã nhấn mạnh các đề nghị nhằm tạo ra những lợi thế mới trong nền kinh tế kỹ thuật số và tham gia tích cực vào việc xây dựng các quy tắc quốc tế và tiêu chuẩn công nghệ kỹ thuật số như bảo mật dữ liệu, tiền tệ kỹ thuật số và thuế kỹ thuật số.
Trung Cộng hy vọng rằng nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cả blockchain (chuỗi khối), có thể đóng góp vào GDP của Trung Quốc và biến Trung Cộng trở thành “nhà lãnh đạo toàn cầu.” Đây là lý do tại sao Trung Cộng không cấm đào [coin].
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) có nguồn gốc từ Bitcoin, đồng thời là công nghệ quản lý và bảo vệ dữ liệu thông qua mã hóa và phi tập trung [và phân quyền] (decentralization).
Trung Cộng phát triển mạnh mẽ công nghệ blockchain và muốn kiểm soát ngôn luận trong công nghệ kỹ thuật số toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, khái niệm ban đầu về phi tập trung và phân quyền (decentralization) của công nghệ blockchain lại trái ngược với các đặc điểm chuyên chế của Trung Cộng. Do đó, Trung Cộng đang bắt đầu trấn áp hoàn toàn các loại tiền kỹ thuật số khác.
Giới hữu trách Trung Cộng gần đây đã và đang trấn áp [các loại tiền mã hóa]. Nhà cầm quyền Trung Cộng đã rà soát một số ngân hàng thương mại lớn và các nền tảng tài chính trực tuyến thuộc sở hữu của những đại công ty công nghệ như Alibaba và Tencent. Việc giám sát các loại tiền mã hóa cũng trở nên chặt chẽ hơn, chủ yếu để ngăn chặn các quỹ trong nước rửa tiền hoặc chuyển một lượng tiền khổng lồ thông qua tiền mã hóa.
Hôm 22/04/2021, Ngân hàng CITIC Trung Quốc ban hành thông báo cho biết để ngăn chặn rủi ro rửa tiền, tất cả các tài khoản tại ngân hàng được sử dụng cho các giao dịch như Bitcoin và Litecoin sẽ bị hủy bỏ.
Trước đó, Ngân hàng Trung ương của Trung Cộng đã phạt Ngân hàng CITIC Trung Quốc 4.5 triệu USD trong năm nay với danh nghĩa chống rửa tiền không hiệu quả. Mười bốn người có liên quan chịu trách nhiệm cũng bị trừng phạt. Hình phạt này nhắm tới việc rửa tiền liên quan đến tiền mã hóa.
Trong năm nay, tính đến ngày 12/04/2021, Ngân hàng Trung ương Trung Cộng đã phạt 97 triệu USD đối với 417 tổ chức tài chính và những người chịu trách nhiệm, hầu hết đều liên quan đến rửa tiền và chuyển khoản xuyên biên giới thông qua tiền mã hóa.
Ngay từ tháng 12/2013, Ngân hàng Trung ương Trung Cộng và năm bộ và ủy ban khác đã cùng ban hành một thông báo yêu cầu các tổ chức tài chính và tổ chức thanh toán không thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến bitcoin. Vào tháng 04/2014, 13 ngân hàng bao gồm 5 ngân hàng lớn của Trung Quốc (Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Truyền thông) cũng thông báo rằng các tài khoản [khách hàng] của họ sẽ bị cấm sử dụng cho Bitcoin và Litecoin.
Ngừng chuyển tiền ra hải ngoại
Truyền thông Trung Quốc đã nhiều lần đưa tin rằng các loại tiền mã hóa được các cá nhân và công ty sử dụng để chuyển các khối lượng tài sản khổng lồ và các công cụ rửa tiền ra hải ngoại, và phương pháp này rất khó theo dõi và giám sát.
Hôm 01/05/2021, tiền mã hóa đã được liệt kê là một trong những phương thức gây quỹ bất hợp pháp mà Trung Cộng muốn chấm dứt ở trong Trung Quốc.
Tính thanh khoản cao của các loại tiền mã hóa như Bitcoin thậm chí còn vượt cả thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu được công bố bởi ông Liang Xinjun, một trong những người sáng lập Fosun Group, vào tháng 04/2020, giá trị thị trường của Bitcoin chỉ là 158.9 tỷ USD, bằng 3.5% [quy mô] thị trường của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch hàng năm của Bitcoin tương đương với ba lần khối lượng giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Tính thanh khoản cao của tiền mã hóa tạo điều kiện rất thuận tiện cho việc chuyển các khoản tiền khổng lồ xuyên quốc gia.
Theo báo cáo chống rửa tiền thường niên năm 2020 của công ty bảo mật blockchain PeckShield, giá trị của tiền mã hóa di động xuyên biên giới không được kiểm soát của Trung Quốc đạt 17.5 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 51% so với 11.4 tỷ USD vào năm 2019. Con số này vẫn đang tăng lên nhanh chóng.
Báo cáo của Lu Media xác nhận rằng các tài sản nội địa của Trung Quốc đã được chuyển ra hải ngoại thông qua các loại tiền mã hóa, và các khoản tiền bất hợp pháp đã được rửa thông qua các loại tiền mã hóa. Tuy nhiên, bất chấp sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng của Trung Cộng, số lượng các giao dịch tiền mã hóa gần đây đã tăng lên.
Theo tính toán của PeckShield về dòng luân chuyển tiền, trước khi có sự quản lý chặt chẽ chính thức khởi động từ tháng 01/2020 đến tháng 10/2020, số lượng bitcoin chảy từ các sàn giao dịch tiền ảo trong nước của Trung Quốc ra ngoại quốc mỗi tháng là từ 89.400 đến 166.900. Tuy nhiên, vào tháng 11/2020 và tháng 12/2020 sau khi Trung Cộng bắt đầu kiểm soát chặt chẽ, số lượng bitcoin chảy ra hải ngoại lần lượt tăng lên 231.700 và 254.100, tăng gần 40% so với mức đỉnh trước đó.
Nếu tính trên cơ sở đơn giá của Bitcoin là 50,000 USD thì vào tháng 11/2020 và tháng 12/2020, số tiền chảy từ Trung Quốc dưới dạng Bitcoin ra hải ngoại lần lượt là 10.58 tỷ USD và 12.7 tỷ USD.
Trong quá trình rửa tiền, một “nền tảng vận hành phụ” đã được tạo ra. Điều này đòi hỏi phải sử dụng mã thu tiền của WeChat và Alipay của người sử dụng hoặc thẻ ngân hàng để thu tiền thanh toán cho những người tìm cách gửi vốn ra ngoài Trung Quốc, từ đó kiếm được hoa hồng từ việc thực hiện giao dịch. Thông qua việc sử dụng tiền ảo làm phương thức thanh toán, rửa tiền xuyên biên giới có thể được thực hiện một cách bí mật.
Vào tháng 05/2020, một âm mưu rửa tiền lớn đã được điều tra ở Hàng Châu, Trung Quốc. Các nhà chức trách phát hiện hoạt động này đã rửa hơn 7 tỷ USD, thu tiền thông qua AliPay, WeChat Pay và các tài khoản ngân hàng. Trong quá trình hoạt động, 4.6 tỷ USD đã được gửi ra hải ngoại.
Có nhiều quốc gia trên thế giới ngăn chặn tiền ảo, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và Ấn Độ.
Ông Quách Văn Quý (Guo Wengui), tỷ phú Trung Quốc lưu vong nổi tiếng, cho biết trong một video mà ông đăng trên kênh YouTube của mình hôm 07/05/2021 rằng ông tin rằng các quốc gia này sợ rằng tiền ảo sẽ thách thức vị thế của đồng tín tệ có chủ quyền hợp pháp của họ. Nhưng ông tin rằng nỗi sợ hãi của Trung Cộng là khác. Trung Cộng sợ rằng tiền của Trung Quốc sẽ chảy ra hải ngoại. Theo quan điểm của ông, ở Trung Quốc đại lục, sự giàu có tăng lên tương quan với sự gia tăng bất an và các mối đe dọa. Ông tuyên bố rằng những người giàu ở Trung Quốc luôn tìm cách chuyển tài sản của họ ra hải ngoại một cách an toàn và bí mật. Đối với những mục đích này, tiền ảo là cách tốt nhất.
Tôi nghĩ rằng phân tích của ông ấy có lý. Các loại tiền ảo như Bitcoin về bản chất là tiền tệ phi tập trung và phân quyền (decentralization), được ví như vàng. Tiền tệ có chủ quyền hiện đại là tín tệ do chính phủ có thể tạo ra. Đây là chìa khóa của tiền tệ kỹ thuật số. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số do Trung Cộng phát triển sử dụng blockchain nhưng vẫn lưu lại tất cả những khiếm khuyết của kiểm soát tập trung và tín tệ. Hầu hết các chuyên gia tài chính phương Tây không lạc quan về đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.
Tác giả Alexander Liao là một nhà bình luận và là một ký giả, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ông đã xuất bản một số lượng lớn các báo cáo, bài bình luận và các chương trình video trên các tờ báo và tạp chí tài chính Hoa ngữ ở Hoa Kỳ và Hồng Kông.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Alexander Liao thực hiện
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: