Trung Cộng không phải là Trung Quốc, cũng không đại diện cho người dân Trung Quốc
Hầu hết mọi người ở phương Tây đều tin rằng Trung Quốc, người dân Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đều là một. Suy nghĩ này hoàn toàn là sai lầm. Đã đến lúc thế giới cần thức tỉnh trước sự thật rằng Trung Cộng không phải là Trung Quốc, họ cũng không đại diện cho người dân Trung Quốc.
Chính trị gia đầu tiên chỉ ra được sự thật này là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Mike Pompeo. Trong một bài diễn văn tại Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California vào tháng 07/2020, ông Pompeo đã nói: “Người dân Trung Quốc là hoàn toàn khác biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lời xảo ngôn lớn nhất mà họ nói ra là để [mọi người] nghĩ rằng họ đang lên tiếng cho 1.4 tỷ người. Trung Cộng sợ những tiếng nói trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào khác.”
Hôm 01/09, giáo sư Miles Yu (Dư Mậu Xuân), cựu cố vấn cho ông Pompeo về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc, đã đi nghỉ giữa lịch trình bận rộn của mình và dành cho tôi một cuộc phỏng vấn độc quyền tại nơi nghỉ ngơi của ông ở Maryland. Ông đã giải thích tại sao Trung Cộng và người dân Trung Quốc không phải là một.
Ông Dư, người từng sinh ra ở Trung Quốc và đã rời khỏi đất nước này vào giữa những năm 1980, luôn hiểu được rằng cuộc sống dưới sự cai trị của Trung Cộng là như thế nào.
“Bất cứ ai có kinh nghiệm sống ở Trung Quốc sẽ ngay lập tức kết luận rằng những lợi ích của Đảng và của người dân là không như nhau. Chẳng hạn, người dân muốn có quyền tự do nhưng đều bị khước từ với cái cớ là an ninh quốc gia.”
Theo ông Dư, thật mỉa mai rằng mặc dù những lợi ích của Trung Cộng luôn trái ngược với lợi ích của người dân, thì họ lại tuyên bố một cách trơ trẽn rằng cái Đảng này đang đại diện cho 1.4 tỷ người dân Trung Quốc. Bất cứ khi nào Bắc Kinh tranh cãi với các cường quốc phương Tây, họ sẽ cáo buộc rằng những quốc gia này đang “làm tổn thương tình cảm của người dân Trung Quốc.” Nói cách khác, Trung Cộng đang cố gắng đe dọa phương Tây bằng quy mô dân số khổng lồ dưới sự kiểm soát của họ.
Theo quan điểm của ông Dư, điều này giống như bắt cóc người Trung Quốc để đòi tiền chuộc. “Trong khi Trung Cộng bịt miệng người dân và trói tay họ, thì họ lại tuyên bố đang đại diện cho những người mà họ bắt làm con tin — đây chính xác là đặc trưng của một chế độ gian tà.”
Trung Cộng đã nổi đóa trước lời tuyên bố của ông Pompeo. Kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo dài cáo buộc ông Pompeo “đang cố gắng gây chia rẽ giữa Trung Cộng và người dân Trung Quốc.”
Hơn nữa, gia tộc họ Dư ở tỉnh An Huy đã gạch bỏ tên ông Miles ra khỏi gia phả dòng họ theo lệnh của chính quyền địa phương. Theo truyền thống Trung Hoa, đây được coi là một nỗi nhục lớn đối với gia tộc họ Dư và là một hình phạt nặng nề về “đạo đức” dành cho ông Miles.
Từ phản ứng gay gắt của Trung Cộng, ông Dư suy ra rằng chính mình và ông Pompeo đã trực tiếp chạm vào chỗ đau của Trung Cộng.
Trung Cộng hiểu rằng sự khác biệt này giữa bản thân họ và người dân có thể phải trả giá bằng tính chính danh của họ. Trước khi Trung Cộng lên nắm quyền vào 100 năm trước, họ đã áp dụng chiến thuật tương tự để làm suy yếu Quốc Dân Đảng đương thời cầm quyền, sau cùng đã dẫn đến sự sụp đổ của đảng này.
“Do đó, họ rất nhạy cảm khi chúng tôi chỉ ra rằng thực tế họ không đại diện cho người dân Trung Quốc,” ông Dư giải thích.
Thật vậy, khái niệm “gây chia rẽ” đó đang khiến Trung Cộng thấy khó chịu. Hôm 03/09/2020, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình đã có bài diễn văn trong lễ kỷ niệm 75 năm Chiến tranh chống Nhật Bản (1937–1945) và nói rằng, “Người dân Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào đang cố gắng gây chia rẽ giữa Trung Cộng và người dân.”
Chủ đề tương tự này cũng được đưa ra trong cuộc gặp gỡ Trung-Mỹ ở Alaska vào đầu năm nay, khi ông Dương Khiết Trì, quan chức hàng đầu về các vấn đề ngoại giao của Trung Quốc, đã đề ra cái gọi là lằn ranh đỏ đối với Hoa Kỳ, cảnh báo nước này không được chất vấn về tính hợp pháp của họ.
Ông Dư nói, trước đây, bất cứ khi nào Bắc Kinh phàn nàn rằng một chính sách nào đó của Hoa Kỳ “đang gây tổn hại đến tình cảm hoặc lợi ích của 1.4 tỷ người dân”, thì Hoa Thịnh Đốn sẽ đều giảm bớt lập trường của mình một chút. Nhưng bắt đầu từ thời ông Pompeo, luận điệu này không còn hữu hiệu nữa bởi vì “chúng tôi biết rằng Trung Cộng không hề đại diện cho người dân Trung Quốc.”
Ở cấp độ chính sách, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã từng tách biệt rõ ràng giữa người dân Trung Quốc và Trung Cộng. Mặc dù chính phủ này hoan nghênh các công dân Trung Quốc đến Hoa Kỳ học tập, nhưng lại áp đặt các hạn chế không cho một số đảng viên cụ thể của Trung Cộng được nhập cảnh vào nước này.
“Chúng tôi trừng phạt Trung Cộng vì đã làm tổn thương Hồng Kông, vì tội diệt chủng ở Tân Cương, vì đe dọa Đài Loan, và vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Tất cả những biện pháp này thực sự là vì lợi ích của người dân Trung Quốc nhưng lại đi ngược lại những lợi ích của Trung Cộng,” ông Dư nói.
Ông Dư tin rằng bằng cách chỉ ra cái sự thực hiển nhiên rằng Trung Cộng không đồng nghĩa với Trung Quốc hay người dân Trung Quốc, điều này sẽ giúp tiến một bước dài trong việc chấm dứt thứ tình cảm nhân nhượng, ủng hộ đối với Bắc Kinh.
Ông còn giải thích rằng thẳm sâu trong nền văn hóa Hoa Kỳ, đã có một sự đồng cảm mạnh mẽ đối với người dân Trung Quốc – nhờ những nhà truyền giáo Cơ đốc ban đầu, những người đã chứng kiến cảnh ngộ và tình trạng lạc hậu của những người dân thường này. Lòng trắc ẩn đối với những người Hoa khốn khổ đã được phản ánh rõ nhất trong tác phẩm “The Good Earth” của nữ nhà văn Pearl Buck.
Thật không may, lòng nhân từ này đối với những công dân bình thường của Trung Quốc đã bị Trung Cộng khéo léo biến đổi đi, thông qua việc tuyên truyền và các chiến thuật mặt trận thống nhất, để phục vụ cho lợi ích của chính họ. Điều này đã dẫn đến một tình cảm nhân nhượng mạnh mẽ đối với Trung Cộng.
Ông Dư cho biết: “Chính sách nhân nhượng này đã tồn tại qua tám đời tổng thống, cho đến thời Tổng thống Donald Trump.” Ông tin rằng sự nhân nhượng đó sẽ tự nhiên tan biến một khi mọi người nhận ra rằng Trung Cộng và người dân Trung Quốc có những lợi ích hoàn toàn trái ngược nhau.
Ông Dư kết luận rằng: “Trong hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta đã bị lời tuyên truyền của Trung Cộng lừa gạt để tin rằng Trung Cộng và Trung Quốc đều là một. Lần đầu tiên, chúng tôi đã phá vỡ được câu chuyện hoang đường này và điều này sẽ có một tác động đáng kể trong những tháng ngày sắp tới.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Trình Tường (Ching Cheong) tốt nghiệp Đại học Hồng Kông. Trong sự nghiệp báo chí hàng thập niên của mình, ông chuyên viết về tin tức chính trị, quân sự và ngoại giao ở Hồng Kông, Bắc Kinh, Đài Bắc, và Singapore.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: