Trung Cộng khởi động vòng ngoại giao sói chiến mới trước dịp kỷ niệm 100 năm
Bình luận
Dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trung Cộng vào ngày 01/07 sắp tới là một sự kiện chính trị lớn đối với ông Tập Cận Bình và Trung Cộng. Để tiếp thêm khí thế, thì chính sách ngoại giao “sói chiến” của nhà cầm quyền này đã đến lúc cần phát huy tác dụng.
Ngoại giao sói chiến là một cách tiếp cận mang tính đối đầu và quyết liệt hơn mà các nhà ngoại giao Trung Quốc sử dụng để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.
Đối đầu với Hoa Kỳ tại Alaska
Hôm 18/03, ông Dương Khiết Trì, một ủy viên Bộ Chính trị Trung Cộng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Công tác Ngoại sự, đã có một màn thể hiện nảy lửa tại buổi khai mạc cuộc họp cấp cao Hoa Kỳ-Trung Quốc ở Alaska. Ông đã mắng mỏ Hoa Kỳ trong một bài diễn văn dài 17 phút, nói rằng “Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ thế thượng phong.” Điều này hoàn toàn khác với cuộc gặp gỡ giữa cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và ông Dương tại Hawaii vào ngày 16/06/2020. Các hãng thông tấn của Trung Cộng tuyên bố một cách vô liêm sỉ rằng ông Dương đã kết thúc nỗi nhục quốc thể 120 năm trước, khi nhà Thanh ký Bản bồi thường chiến phí sau phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
Các biện pháp trừng phạt trả đũa cho vấn đề bông Tân Cương
Bắc Kinh đang tiến hành các đòn trả đũa đối với Liên minh Âu Châu (EU), Anh Quốc, Hoa Kỳ và Canada. Hôm 22/03, phản ứng trước những vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, EU đã khởi xướng các biện pháp trừng phạt lần đầu tiên kể từ vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, tiếp theo là Anh Quốc, Canada, và Hoa Kỳ. Cùng ngày, Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với EU. EU đã nhắm vào bốn quan chức Trung Cộng và một tổ chức ở Tân Cương, trong khi Trung Cộng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 10 viên chức và bốn tổ chức của EU, bao gồm các chính trị gia, học giả, các tổ chức cố vấn, và các tổ chức chính trị.
Hôm 26/03, Trung Cộng đã ban hành các biện pháp trừng phạt đối với chín viên chức và bốn tổ chức của Anh Quốc. Hôm 27/03, Bộ Ngoại giao đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), bà Gayle Manchin và ông Tony Perkins, Nghị sĩ Quốc hội Canada, ông Michael Chong, và Tiểu ban Nhân quyền Quốc tế của Ủy ban Thường trực về Đối ngoại và Phát triển Quốc tế của Hạ viện Canada.
Tẩy chay thương hiệu H&M
Trung Cộng đã kích động công chúng tẩy chay thương hiệu H&M. Hôm 24/03, Đoàn Thanh niên Cộng sản đã chỉ trích tuyên bố cách đây một năm của H&M về việc cấm bông Tân Cương vào hồi năm ngoái. Các công ty thương mại điện tử lớn của Trung Quốc đã gỡ các sản phẩm và cửa hàng H&M khỏi nền tảng của họ.
Cuộc tẩy chay cũng đã lan sang các thương hiệu quốc tế như Nike, UNIQLO, Adidas, GAP, FILA, New Balance, ZARA và Under Armour. Hàng chục nghệ sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, Hồng Kông, và Đài Loan đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với những thương hiệu đó.
Liên tục đe dọa Đài Loan
Kể từ đầu năm nay, quân đội của Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan, mà đỉnh điểm là vào ngày Hoa Kỳ và Đài Loan ký biên bản ghi nhớ thành lập một nhóm hoạt động bảo vệ bờ biển hôm 25/03. Hai mươi chiến đấu cơ của Trung Quốc bay gần Vùng nhận dạng Phòng Không ở đông nam Đài Loan để tiến hành các cuộc tập trận hộ tống, phóng hỏa tiễn, và gây nhiễu định hướng. Theo báo cáo của các hãng thông tấn Trung Quốc, lực lượng xâm nhập gồm các phi cơ tuần tra hàng hải, phi cơ Cảnh báo Sớm trên không, oanh tạc cơ, trinh sát cơ, và các tiêm kích cơ phản lực khác. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Trương Triết Bình (Chang Zhe-Ping) đã gọi sự kết hợp các phi cơ này là “một dấu hiệu của việc điều động quân sự gây hấn.”
Tăng cường tranh chấp lãnh thổ trên biển
Luật Hải cảnh của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/02, cho phép các quan chức sử dụng vũ khí nhắm vào các tàu thuyền của chính phủ hoặc của dân thường nước khác mà không cần cảnh báo. Về vấn đề này, Nhật Bản cho biết đó là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.” Philippines đã phản đối, cho rằng đó là “một lời đe dọa gây chiến đối với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo luật này.” Hoa Kỳ, Việt Nam, và Indonesia đã bày tỏ lo ngại về luật này.
Đồng thời, Trung Cộng đã tạo ra những căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đặc biệt là, hôm 20/03, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines đưa ra một tuyên bố nói rõ rằng đã quan sát thấy khoảng 220 tàu Trung Quốc đang neo đậu theo đội hình tại Rặng san hô Julian Felipe trong vùng đặc quyền kinh tế của Manila. Trung Cộng trả lời rằng các tàu cá này đang tạm trú ẩn tránh thời tiết và phủ nhận rằng họ là lực lượng dân quân hàng hải của Trung Quốc. Phó tư pháp cao cấp đã nghỉ hưu Antonio Carpio lo lắng rằng đó có thể là “khúc dạo đầu” cho sự chiếm đóng của Trung Quốc. Báo cáo của trang Inquirer.net cho biết: “Trung Quốc có thể lặp lại các hành động trong khi giành quyền kiểm soát đảo san hô Đá Vành Khăn vào năm 1995, tại đó Trung Quốc bắt đầu bằng việc xây dựng các khu trú ẩn cho ngư dân trên bãi đá ngầm này đến cuối cùng thì tuyên bố chủ quyền và biến nó thành một căn cứ hải quân.”
Các sự kiện gần đây cho thấy tâm ý của Trung Cộng đối với cộng đồng quốc tế đã thay đổi. Nhà cầm quyền này cảm thấy hài lòng khi họ tin rằng virus Trung Cộng, còn được gọi virus corona mới, đã gây thiệt hại cho Hoa Kỳ và Âu Châu, và các tranh chấp về kết quả bầu cử năm 2020 đã làm suy yếu Hoa Kỳ. Trung Cộng đã đi đến kết luận rằng thời gian đang ủng hộ họ và họ có thể quyết liệt hơn trong việc đối phó với Hoa Kỳ.
Trong tương lai, chính sách ngoại giao sói chiến của Trung Cộng đã không dừng lại ở đây mà còn tiến xa hơn trên ít nhất ba biên giới.
Liên minh với Bắc Hàn
Hôm 11/01, ông Tập Cận Bình đã gửi một bức điện chúc mừng ông Kim Jong-un được bầu làm Tổng bí thư Đảng Công nhân Triều Tiên (WPK) tại Đại hội WPK lần thứ 8.
Hôm 22/03, ông Tống Thao, Vụ trưởng Vụ Quốc tế của Ủy ban Trung ương Trung Cộng, và ông Ri Ryong Nam, Đại sứ Bắc Hàn tại Trung Quốc, đã trao đổi thông điệp thay mặt ông Tập và ông Kim khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh.
Liên minh với Iran
Hôm 27/03, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị và người đồng cấp Iran Javad Zarif đã chính thức ký một kế hoạch hợp tác toàn diện Trung Quốc-Iran tại Tehran, trong đó bao gồm cả hợp tác chính trị, chiến lược, và kinh tế. Theo The New York Times, “Iran đã không công khai các chi tiết của thỏa thuận trước khi ký kết. Nhưng, các chuyên gia cho biết nó chủ yếu không thay đổi so với một bản thảo 18 trang trước đó.” Và “dự thảo đó nêu chi tiết các khoản đầu tư của Trung Quốc trị giá 400 tỷ USD vào hàng chục lĩnh vực, bao gồm cả ngân hàng, viễn thông, cảng, đường sắt, chăm sóc sức khỏe, và công nghệ thông tin, trong vòng 25 năm tới. Đổi lại, theo một quan chức Iran và một nhà kinh doanh dầu mỏ, Trung Quốc sẽ nhận được một nguồn cung ổn định dầu mỏ Iran với chiết khấu lớn.” Tờ Iran International đưa tin Đại sứ Iran tại Brazil Hosein Gharibi mô tả văn bản này là “điểm khởi đầu của một trật tự thế giới mới.”
Liên minh với Nga
Hôm 22/03, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Trung Quốc. Trước chuyến thăm này, Bộ trưởng Lavrov nói với thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến rằng “Moscow và Bắc Kinh nên làm việc cùng nhau để chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ bằng cách trở nên tự chủ hơn về khoa học và công nghệ và tránh dùng đồng USD để giao dịch thương mại.” Ông nói thêm, “Chúng ta cần giảm rủi ro của các lệnh trừng phạt bằng cách tăng cường độc lập về công nghệ và chuyển sang sử dụng đồng tiền của chính chúng ta và các khoản thanh toán tiền tệ toàn cầu thay vì đồng USD của Hoa Kỳ.”
Hãng thông tấn của Trung Cộng, Thời báo Hoàn cầu đã viết, “Thời điểm chuyến thăm của Bộ trưởng Lavrov rất đáng chú ý vì điều này có nghĩa là Nga là quốc gia đầu tiên mà Trung Quốc chia sẻ thông tin và các quan điểm về những vấn đề quan trọng sau cuộc đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc-Hoa Kỳ, điều này cho thấy Trung Quốc và Nga có sự tin tưởng chiến lược sâu sắc đối với nhau và ủng hộ nhau về các lợi ích cốt lõi.”
Trung Cộng dự định thành lập một liên minh chống lại Hoa Kỳ. Theo cách này, cục diện chiến lược quốc tế đã tăng tốc thành cuộc đối đầu Trung Quốc-Hoa Kỳ.
Tác giả Vương Hà (Wang He) có bằng thạc sĩ về luật và lịch sử. Ông đã nghiên cứu về phong trào cộng sản quốc tế. Ông từng là giảng viên đại học và là viên chức điều hành của một công ty tư nhân lớn ở Trung Quốc. Ông Vương hiện sống ở Bắc Mỹ và đã xuất bản các bài bình luận về các vấn đề thời sự và chính trị của Trung Quốc kể từ năm 2017.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Wang He thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Xem thêm: