Trung Cộng kết thúc cuộc tập trận ở Biển Đông, Mỹ điều 4 máy bay quân sự đến
Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại biển Đông đang trở nên căng thẳng hơn. Vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận quân sự bên Trung Cộng, ít nhất 4 chiếc máy bay quân sự của Hoa Kỳ đã bay vào vùng không phận thuộc biển Đông, được ghi nhận là chuyến bay đến biển Đông gần đây nhất.
Ngày 29/8, tin tức từ diễn đàn “Nhận thức tình hình chiến lược biển Đông” tại Đại học Bắc Kinh đã cho thấy, vào buổi sáng hôm ấy đã có 4 chiếc máy bay quân sự Hoa Kỳ tiến nhập vào biển Đông, gồm 1 chiếc EP-3E máy bay trinh sát điện tử, 2 chiếc P-8A máy bay tuần tra chống tàu ngầm, 1 chiếc KC-135R máy bay tiếp nguyên liệu trên không.
Theo tin tức từ Cục An toàn Hàng hải Hải Nam của Trung Cộng, 29/8 là ngày tập trận quân sự cuối cùng trên biển Đông. Thông báo này nêu rõ cuộc diễn tập bắt đầu tại khu vực biển ở phía Đông Nam đảo Hải Nam từ 0h sáng ngày 24/8 đến hết 24h ngày 29/8.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận Trung Cộng, “Trong ngày cuối cùng của đợt tập huấn hải quân biển Hải Nam, hoạt động trinh sát của không quân Mỹ đã được tăng cường ghê gớm”, và cho rằng vấn đề này phải được làm rõ.
Một số chuyên gia Trung Quốc cho biết 4 chiếc máy bay quân sự của Mỹ đã xuất hiện ở biển Đông lần này, được coi là lần xuất hiện gần đây nhất của quân Mỹ.
Gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang không ngừng xung đột tại biển Đông, khiến thế cuộc trên biển Đông càng trở nên căng thẳng.
Ngày 25/8, quân đội Trung Cộng tuyên bố rằng 1 máy bay trinh sát tầm cao U-2 của Mỹ đã “tự ý xâm nhập” vào vùng trời cấm bay đang diễn tập quân sự bắn đạn thật, nên đề nghị “đàm phán nghiêm túc” v.v.
Tuy nhiên, quân đội Hoa Kỳ đã trả lời rằng máy bay trinh sát U-2 ở Thái Bình Dương đã tuân thủ các quy tắc và điều lệ được quốc tế công nhận. Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục điều động máy bay đến bất kỳ nơi nào được luật pháp quốc tế cho phép.
Ngày 26/8, Trung Cộng đã phóng 4 tên lửa ra biển Đông mà không thông báo với thế giới.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố rằng những cuộc tập trận quân sự của Trung Cộng tại các vùng lãnh thổ đang bị tranh chấp ở biển Đông là phản tác dụng trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định trong khu vực. Hành vi Trung Cộng thử phóng tên lửa đã tiến thêm một bước trong việc phá hoại thế cục của Biển Đông, đồng thời vi phạm lời hứa năm 2002 của Trung Cộng: “Tránh các hoạt động khiến tranh chấp leo thang và phức tạp hóa, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.”
Ngày 27/8, tàu hải quân USS Mustin đã tiến vào quần đảo Hoàng Sa thuộc biển Đông để thực hiện “nhiệm vụ tự do hàng hải”.
Tác giả: Trương Đốn