Trung Cộng đưa ra những quy tắc thương mại mới để đáp lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ
Hôm 09/01, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành các quy định mới nhằm đẩy lùi các lệnh trừng phạt và những hạn chế do các chính phủ nước ngoài áp đặt lên các cá nhân và các công ty Trung Quốc.
Một điều lệnh về luật pháp nước ngoài “phi lý” được công bố trên trang web của Bộ này yêu cầu các tổ chức Trung Quốc phải báo cáo trong vòng 30 ngày nếu họ bị ảnh hưởng bởi các luật nước ngoài “cấm hoặc hạn chế trái phép” các công dân, công ty và tổ chức của Trung Quốc tiến hành “các hoạt động kinh tế, thương mại bình thường, và các hoạt động có liên quan với một quốc gia thứ ba hoặc công dân của quốc gia đó.”
Sau đó, Bộ này sẽ xác định liệu luật này có ảnh hưởng đến “chủ quyền quốc gia, an ninh, và các lợi ích phát triển” của Trung Quốc hay không. Nếu luật nước ngoài này bị đánh giá là “phi lý,” Quốc vụ viện của Trung Quốc có thể ban hành lệnh cấm “công nhận, thực thi, và tuân thủ” các luật nước ngoài đó.
Ngoài ra, theo điều lệnh này, các cá nhân và tổ chức Trung Quốc phải chịu “những thiệt hại đáng kể” do không tuân thủ các luật nước ngoài có quyền nhận được “sự hỗ trợ cần thiết” từ chính quyền Trung Quốc.
Điều lệnh cũng nói rằng Bắc Kinh có thể “thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết” để đáp lại những luật nước ngoài như vậy.
Theo những quy định mới, các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc nếu không “báo cáo trung thực” cách họ phải đối mặt với các hạn chế của nước ngoài trong kinh doanh hoặc tuân thủ các luật nước ngoài bất chấp lệnh cấm thì có thể bị phạt.
Mặc dù điều lệnh này không xác định bất kỳ quốc gia nước ngoài cụ thể nào, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng chỉ ra Hoa Kỳ.
Hôm 09/01, tờ Global Times, phương tiện truyền thông nhà nước có quan điểm cứng rắn của Trung Quốc cho biết trong một bài báo rằng lệnh mới này là “quyền tự vệ hợp pháp của Bắc Kinh, nhất là trước việc Hoa Kỳ bắt nạt Trung Quốc.” Bài báo nói thêm rằng các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc vì làm xói mòn các quyền tự do ở Hồng Kông và đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại là “các hành vi bắt nạt” của Tổng thống Donald Trump.
Hôm 10/01, Bộ Thương mại đã công bố bản sao của một phiên hỏi đáp trên phương tiện truyền thông, có sự tham gia của một quan chức ẩn danh. Quan chức này cho biết các quy tắc mới đã được đưa ra để đáp lại một “quốc gia” vô danh vốn cổ xúy cho “nhất vị luận” (unitarianism) và “cấm trao đổi kinh tế giữa công dân [Trung Quốc] với các quốc gia có liên quan.”
Trung Cộng thường xuyên cáo buộc chính phủ TT Trump là theo “nhất vị luận,” đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại 2018–2019.
Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố gửi cho The Epoch Times rằng, “Các quy định mới ở Trung Quốc là bằng chứng cho thấy các chính sách xuất cảng chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ đang khởi tác dụng trong việc hạn chế khả năng quân đội Trung Quốc có được công nghệ tiên tiến của Hoa Kỳ.”
Tháng 8 năm ngoái, chính phủ TT Trump đã đưa vào danh sách đen 11 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc, trong số đó có lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), vì vai trò của họ trong việc thực thi luật an ninh quốc gia hà khắc của Bắc Kinh, vốn trừng phạt những tội danh được xác định mơ hồ như lật đổ và ly khai với mức phạt tối đa là tù chung thân.
Bốn tháng sau, 14 quan chức khác trong cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Quốc có liên quan đến việc thực thi luật đó cũng bị nhắm là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức chịu trách nhiệm về các vụ bắt giữ 53 nhà hoạt động Hồng Kông, các cựu nhà lập pháp và các chính trị gia Hồng Kông.
Họ đã bị bắt vì tham gia vào một cuộc bỏ phiếu sơ bộ hồi tháng 7 năm ngoái để xác định các ứng cử viên ủng hộ dân chủ nào sẽ tranh cử trong các cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (LegCo). Cuộc bỏ phiếu đó hiện được cho là cấu thành “việc lật đổ quyền lực nhà nước” dựa theo luật an ninh quốc gia.
Tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào những công ty Trung Quốc bị Ngũ Giác Đài chỉ định là có liên hệ với quân đội Trung Quốc, với lý do đe dọa an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Một số công ty Trung Quốc nổi tiếng bị đưa vào danh sách đen dưới thời chính phủ TT Trump bao gồm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei và 152 chi nhánh của công ty này, nhà sản xuất vi mạch bán dẫn SMIC, nhà sản xuất camera giám sát Hikvision, và nhà sản xuất phi cơ không người lái DJI.
Ông Trần Nhất Tân (Chen I-hsin), giáo sư danh dự Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan, nói với nhật báo Đài Loan China Times rằng các quy định mới của Trung Quốc là một lời cảnh báo đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden rằng ông không nên noi theo ông Trump trong việc trừng phạt các tổ chức Trung Quốc.
Ông Trần cho biết vì các quy định của Trung Quốc sẽ không có thẩm quyền ở Hoa Kỳ, nên hiệu lực của chúng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể dùng đến các chiến thuật thông thường của họ là trừng phạt các quan chức Hoa Kỳ hoặc từ chối cấp thị thực cho người dân Hoa Kỳ để trả đũa.
Frank Fang
Cẩm An biên dịch
Xem thêm: