Trung Cộng dự định hủy hoại các quyền tự do dân chủ của chúng ta như thế nào
Không thể nào hình dung được Hồng Kông cách đây chỉ một thập niên trước từ hình ảnh của Hồng Kông ngày nay. Với việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bận rộn sửa lại các chương trình giảng dạy đại học, lòng yêu nước tập thể đã thay thế cho quyền tự do cá nhân; lòng trung thành với Bắc Kinh không chỉ là kỳ vọng, mà là điều bắt buộc. Nếu ai đó từ chối tuân theo, một cách thường xuyên, thì hậu quả sẽ là sự trừng phạt.
Cho đến nay, cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Hồng Kông vẫn tàn bạo như cái cách mà nó bao trùm. Hồi tháng Bảy, năm nhà trị liệu ngôn ngữ đã bị bắt vì một cáo buộc “âm mưu phân phát các tài liệu xúi giục nổi loạn.” Trên thực tế, năm cá nhân này, tất cả đều là thành viên của Tổng Liên đoàn các Nhà trị liệu Ngôn ngữ Hồng Kông, đã xuất bản một số sách ảnh dành cho trẻ em. Theo ĐCSTQ, những nhà trị liệu này đã cố gắng “khuấy động lòng căm thù” ở trẻ em. Giám đốc Cao cấp của Cảnh sát Hồng Kông Steve Li nói với các thành viên của báo chí như sau, “Đừng nghĩ rằng đây là những cuốn truyện đơn giản. Ba cuốn sách này có rất nhiều tài liệu xúi giục nổi loạn bên trong đó.” Họ đã không làm vậy. Năm nhà trị liệu này chỉ đơn giản là vẽ một bức tranh chính xác về Hồng Kông. Các chế độ độc tài, như chúng ta đều biết, hầu như không quan tâm đến sự thật.
Hồng Kông, một nơi từng được ca ngợi vì lòng khoan dung và sự cởi mở, đang nhanh chóng trở thành một nơi không thể bao dung và thiển cận, chính trị đảng phái. Hôm 19/09, thành phố này ngày càng xoáy sâu hơn vào vực thẳm phi dân chủ. Theo đúng hệ thống “chỉ dành cho những người yêu nước” của ĐCSTQ, giới tinh hoa chính trị, không khác gì “những kẻ múa rối” cho những người ở Bắc Kinh, đã bắt đầu lựa chọn ra một ủy ban mới mà cuối cùng sẽ chọn ra người lãnh đạo mới của Hồng Kông do ĐCSTQ hậu thuẫn.
Một khi Bắc Kinh thông qua luật Hồng Kông ấy, thì vùng lãnh thổ này sẽ bắt đầu biến thành một “xã hội gần giống như những mô tả của Orwellian về Trung Quốc đại lục, nơi mà sự bất đồng chính kiến nhanh chóng bị dập tắt và bị trừng phạt,” theo ông Kevin Drew, trợ lý biên tập viên chính tại U.S. News. Nói cách khác, Hồng Kông không hề khác với bất kỳ nơi nào ở Trung Quốc đại lục.
Ông Drew đã nói chuyện với ông Dennis Kwok, một nhà nghiên cứu tại Trường Chính phủ Kennedy thuộc Đại học Harvard và là cựu nhà lập pháp ở Hồng Kông. Khi được hỏi về sự sụp đổ của vùng lãnh thổ này, ông Kwok cho biết, “Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế rõ ràng đều coi Hồng Kông như là… một lời cảnh báo về các thỏa thuận quốc tế mà quý vị đã ký với Trung Quốc và những hệ quả của nó.” Ông tiếp tục: “Tôi không chắc chúng ta nên xem Hồng Kông một cách tách biệt. Chúng ta nên xem xét toàn bộ tình hình liên quan đến chính sách của Trung Quốc ở trong nước, cho dù ở Tân Cương, ở Hồng Kông, hay… chính sách của nước này đối với Đài Loan và Biển Đông.”
Ông Kwok cũng thảo luận về sự phản đối của ĐCSTQ đối với Úc, cũng như việc giam giữ tùy tiện hai người Canada, ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor (tháng trước, hai người này đã được phép trở về quê hương của họ). “Tôi nghĩ rằng tất cả những điều đó cần được xem xét trong bối cảnh toàn diện để hiểu được những gì Trung Quốc đang làm,” ông nói thêm.
Tất nhiên, ông Kwok nói đúng. Những gì xảy ra ở Hồng Kông không còn chỉ ở Hồng Kông nữa. Khao khát thống trị toàn cầu của ĐCSTQ không còn là suy diễn tưởng tượng của chúng ta. Đó là một thực tế. Với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường”), Trung Quốc đã khiến một số quốc gia làm những gì mà họ muốn. Theo một báo cáo do Trung tâm BRI Xanh đưa ra, trong 18 tháng qua, “do đại dịch COVID-19 gia tăng,” ngày càng có nhiều khách hàng của BRI, “đã thấy không thể chống đỡ được khoản nợ chính phủ của họ.” Các quốc gia như Congo, Djibouti, và Angola đang nợ Bắc Kinh rất nhiều. Không chỉ riêng họ: Pakistan nợ Bắc Kinh 20 tỷ USD; Kenya nợ 7.5 tỷ USD; Ethiopia nợ 6.5 tỷ USD; và CHDCND Lào, với GDP 18 tỷ USD, hiện nợ 5 tỷ USD.
Diễn giải theo lời của nhà văn Pháp François Rabelais, thì nợ và dối trá thường là hai mặt của cùng một đồng tiền. Với sáng kiến BRI của mình, Trung Quốc đã bán cho một số quốc gia những lời nói dối đắt đỏ. Những nạn nhân này không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải thanh toán hoá đơn. Sau đó, một lần nữa, giống như vụ Evergrande, họ có thể lựa chọn không trả nợ. Chúng ta hãy hy vọng là họ sẽ làm vậy.
Dù bằng cách nào đi nữa, cho dù các quốc gia nói trên có trả được những món nợ khổng lồ của họ hay không, thì ảnh hưởng của Bắc Kinh là không thể phủ nhận. Trên thực tế, sự hiện diện của ĐCSTQ có thể được cảm nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Để khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn, như nhà báo John Xie đã lưu ý, Bắc Kinh hiện kiểm soát “nhiều cảng vận chuyển hơn bất kỳ quốc gia nào khác.” Với “100 cảng ở ít nhất 60 quốc gia,” ĐCSTQ đang bận rộn tìm kiếm thêm nữa. Tầm quan trọng của các trung tâm vận tải này không lời nào có thể mô tả đầy đủ. Như các nghiên cứu cho thấy, các cảng biển đóng một vai trò thiết yếu trong sự ổn định kinh tế của một quốc gia. Xét cho cùng thì, bên nào kiểm soát được đường thuỷ thì sẽ kiểm soát được thế giới.
Sự kìm kẹp của ĐCSTQ đối với xã hội là không biết giới hạn. Không chỉ kiểm soát ở một số quốc gia hùng mạnh, mà ĐCSTQ còn gây ra ảnh hưởng bất chính đối với một số tổ chức quyền lực nhất thế giới. Như Quỹ Nghiên cứu Người quan sát đã chỉ ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc chính là những đối tác mật thiết trong việc gây ra tội ác, khi tổ chức này giúp Trung Cộng che đậy nguồn gốc của COVID-19.
Năm ngoái, Trung Quốc, một trong những nước vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên hành tinh này, đã được trao một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Chuyện viễn tưởng cũng không thể sánh nổi với thực tế. Trao cho Trung Quốc một vị trí trong hội đồng này tương đương với việc trao giải Nobel Hòa bình cho Alexander Lukashenko, nhà độc tài Belarus. Gần đây hơn, theo một số báo cáo có độ tin cậy cao, các nhân viên tại Ngân hàng Thế giới đã thay đổi dữ liệu để cải thiện xếp hạng của Trung Quốc. Chúng tôi được cho biết những thay đổi đó đã được thực hiện theo lệnh của ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đương thời, và bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành khi đó. Một báo cáo nữa cho rằng phía Bắc Kinh đã gây áp lực rất lớn đối với cả ông Kim và bà Georgieva.
Điều này đưa chúng ta trở lại tình trạng đang xấu đi của các vấn đề ở Hồng Kông — không nên xem xét các sự kiện ở đó một cách riêng biệt. Trên thực tế, không bao giờ nên xem xét những gì mà ĐCSTQ làm một cách riêng biệt. Những người nào mà còn nghi ngờ sức ảnh hưởng quốc tế đang gia tăng của chính quyền Trung Quốc thì sẽ phải gắng mà thức dậy.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác xuất bản. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: