Trung Cộng đốt sách tôn giáo, cầm tù tín đồ trong cuộc chiến chống lại đức tin
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Trung Cộng vẫn tiếp tục tấn công rộng rãi vào tín ngưỡng, không những đốt và vứt sách tôn giáo, mà còn bỏ tù những tín đồ tôn giáo vì đã sở hữu tài liệu tôn giáo.
Mặc dù chế độ vô thần Trung Cộng chính thức công nhận năm tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Công giáo và Cơ đốc giáo, nó vẫn áp đặt các quy tắc nghiêm ngặt về việc các tổ chức tôn giáo này hoạt động như thế nào và thường bố trí các cán bộ đảng kiểm soát các tổ chức này, buộc hàng triệu tín đồ tôn giáo phải hoạt động bí mật.
Theo ước tính của nhóm vận động nhân quyền Freedom House, vào năm 2017, ít nhất 100 triệu người, hoặc khoảng một phần ba tín đồ ở Trung Quốc đã phải đối mặt với mức độ bức hại “cao” hoặc “rất cao.” Nhóm này cho biết, vào năm ngoái (2020), hoàn cảnh của họ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.
Đối với những tín đồ như Phật tử Tây Tạng, Cơ đốc nhân, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ hoặc học viên Pháp Luân Công, thì việc đọc, in hoặc phân phát tài liệu tôn giáo có thể dẫn đến án tù, lao động khổ sai và các hình thức lạm dụng khác. Nhiều người phải chịu sự giám sát và sách nhiễu thường xuyên của các đặc vụ nhà nước, những người thường đột kích vào nhà của họ mà không báo trước để thu giữ và hủy kinh sách của họ.
Những vi phạm quyền tự do tôn giáo này đã khiến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định chế độ Trung Cộng là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” hàng năm trong hơn hai thập kỷ.
Các chính sách đàn áp đã ngày càng dữ dội trong những năm gần đây. Vào năm 2016, chế độ này đã thông qua, một quy định công khai cấm khoảng 90 triệu đảng viên của họ có tín ngưỡng tôn giáo, tham gia vào các hoạt động “mê tín phong kiến” hoặc ủng hộ những người cực đoan tôn giáo hoặc những người ly khai chủng tộc, là thuật ngữ họ thường gợi ra sau này để mô tả các nhóm thiểu số tôn giáo như người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương hay Phật tử Tây Tạng.
Điều này xảy ra ngay cả khi Hiến pháp Trung Quốc bảo đảm công dân có quyền “tự do tín ngưỡng tôn giáo” và tham gia vào “các hoạt động tôn giáo bình thường.”
Chế độ này thường xuyên bày tỏ ác cảm với tôn giáo thông qua các phương tiện truyền thông thuộc sở hữu của đảng và trong các văn bản của chính phủ.
Chỉ vài ngày trước, trong một định hướng chính sách hàng đầu ở Bắc Kinh, việc thúc đẩy chủ nghĩa xã hội và thanh trừng “mê tín dị đoan” đã được đưa vào trong số các ưu tiên hàng đầu để hiện đại hóa đất nước.
Vào năm 2016, một ấn phẩm do chính quyền kiểm soát đã tuyên bố, các đảng viên lựa chọn theo hướng duy vật do đảng đã định là “xung khắc với các tư tưởng mê tín như lửa và nước.”
Đốt sách tôn giáo
Vào tháng 10/2019, một thư viện công ở huyện Trấn Nguyên thuộc tỉnh Cam Túc nằm phía tây bắc Trung Quốc đã bị chỉ trích vì tiến hành đốt công khai hàng chục ấn phẩm hoặc báo chí có nội dung tôn giáo hoặc có “khuynh hướng” bất hợp pháp. Cư dân mạng đã so sánh khung cảnh với những ngày Cách mạng Văn hóa, nơi sách bị đốt cháy và các hiện vật tôn giáo bị đập phá, khi Trung Cộng cố gắng tiêu diệt văn hóa truyền thống Trung Hoa và thắt chặt kiểm soát tư tưởng đối với người dân.
Nhưng hành động của thư viện này hầu như không phải là một sự cố cá biệt.
Khoảng hai thập kỷ sau Cách mạng Văn hóa, vào năm 1999, Trung Cộng đã phát động chiến dịch lớn nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, môn tu luyện tinh thần dựa trên nguyên lý đạo đức chân, thiện và nhẫn. Chỉ qua một đêm, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công ở quốc gia này bị dán nhãn là kẻ thù của nhà nước, phải đối mặt với việc giam giữ, tra tấn, sách nhiễu và cưỡng bức thu hoạch nội tạng nếu họ không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Ngay sau đó, các học viên Pháp Luân Công đã bị buộc phải giao nộp sách và băng video liên quan đến môn tập. Những tài liệu này sau đó bị nghiền nát dưới máy nghiền bột, xe lu, hoặc bị đốt, thường là phô bày công khai mà sau này được sử dụng cho mục đích tuyên truyền.
Trang Minh Huệ, trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ theo dõi cuộc bức hại Pháp Luân Công cho biết, dựa trên báo cáo của các nhà báo nước ngoài, phương tiện truyền thông nhà nước và lời kể của các nhân chứng, ước tính có hàng triệu ấn phẩm đã bị hủy.
Một thông báo vào tháng 07/2019 được đăng trên trang web của chính phủ Minh Tích Lâm Quách Lặc (Xilingol League) ở khu vực Nội Mông đã đưa ra phần thưởng bằng tiền dao động từ 50 đến 500 nhân dân tệ (7.73USD đến 77.30USD) cho bất kỳ ai báo cáo về tờ rơi, sách, đồ lưu niệm, bài đăng trên mạng xã hội hoặc biểu ngữ liên quan đến Pháp Luân Công và các nhóm khác mà Trung Cộng cho là bất hợp pháp. Nó cũng đưa ra mức tiền thưởng lên đến 300,000 nhân dân tệ (46,392USD) cho những ai cung cấp manh mối để “phá hủy” chúng.
Mặc dù Phật giáo và Cơ đốc giáo là những tôn giáo được chính thức công nhận, nhưng những tín đồ của họ vẫn không được bảo vệ trước áp lực của chính phủ. Theo một báo cáo vào tháng 12 của Bitter Winter, tạp chí về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, tại thành phố Cảnh Đức Trấn thuộc tỉnh Giang Tây, một trụ trì Phật giáo đã kể lại cách chính quyền địa phương đặt tất cả đĩa CD của các ngôi chùa ở địa phương trên đường và dùng máy xúc để nghiền nát chúng như thế nào. Bài báo cho biết, vào tháng 10 năm ngoái, các quan chức ở phía bắc tỉnh Sơn Tây đã đóng cửa ngôi đền Fengci ở địa phương này và tịch thu khoảng 882 pound sách tôn giáo cùng hàng chục ngàn đĩa CD.
Tạp chí này đưa tin, tại tỉnh An Huy, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4/2020, ít nhất 250 nhà thờ được chính phủ công nhận đã bị dỡ bỏ thánh giá, thường với lý do “quá cao, quá lớn, quá rộng hoặc quá bắt mắt.” Các quan chức tuyên bố hành động này là một phần của chiến dịch rộng lớn nhằm loại bỏ các biểu tượng tôn giáo.
Vào tháng 02/2019, anh Ôn Vĩ Quyền (Wen Weiquan), một tín đồ Cơ đốc giáo tại gia ở huyện Ngũ Phong thuộc tỉnh Hồ Bắc, đã tự kết liễu đời mình sau khi cảnh sát buộc anh giao nộp Kinh thánh và ném những cây thánh giá trong nhà anh vào hố lửa.
“Nhà lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình và chế độ của ông ta đã bày ra cuộc bức hại tôn giáo tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa của Chủ tịch Mao vào những năm 1960,” ông Bob Fu, một mục sư Hoa Kỳ gốc Hoa và là người sáng lập tổ chức China Aid, tổ chức bất vụ lợi Cơ đốc giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times trong một email.
‘Cuộc chiến chống lại chính tín’
Các chính sách tôn giáo sâu rộng của chế độ này vẫn tiếp diễn trong bối cảnh đại dịch, như việc các tín đồ ở Trung Quốc tiếp tục phải chịu sự trừng phạt của chính phủ chỉ vì lưu giữ, sản xuất hoặc lưu hành tài liệu liên quan đến tín ngưỡng của họ.
Ông Fu cho biết, “Chế độ của ông Tập liên tục sử dụng đại dịch như một cái cớ để đàn áp hơn nữa đối với bất kỳ tín ngưỡng hoặc tôn giáo độc lập nào ở Trung Quốc.”
Ông chỉ ra việc đình chỉ các buổi thờ phượng trực tuyến tại một nhà thờ tư gia ở Tứ Xuyên, và trường hợp của mục sư Lý Tuấn Tài (Li Juncai) ở tỉnh Hà Nam đã nhận bản án 5 năm rưỡi vào tháng Một vì cố gắng ngăn cản cờ và các biểu ngữ tuyên truyền của Trung Cộng được đặt trong nhà thờ của mình.
Vào tháng 10/2020, ông Trần Du (Chen Yu), chủ một cửa hàng sách Cơ đốc giáo trực tuyến ở thành phố Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án 7 năm tù và bị phạt 200,000 nhân dân tệ (29,450USD). Các khách hàng của ông từ ba tỉnh cho biết cảnh sát đã đột kích vào nhà họ và thu giữ sách tôn giáo. Ông Du bị buộc tội bán sách tôn giáo nhập cảng từ các nước khác [mà] chưa được phê duyệt.
Tháng 9 năm ngoái, một tòa án Thượng Hải đã kết án 16 người vì điều hành một cơ sở kinh doanh “bất hợp pháp” in hơn 200,000 cuốn sách có chủ đề về tôn giáo mà không có giấy phép, bao gồm cả kinh Phật là “Kinh Kim Cương.
Vào tháng 12 năm ngoái, học viên Pháp Luân Công Quách Tố Linh, lúc đó 77 tuổi, đã bị tuyên án ba năm quản chế vì bị nghi ngờ treo ba biểu ngữ Pháp Luân Công ở các địa điểm công cộng, trong khi bà Tôn Thiến, người có hộ chiếu Canada, bị kết án tám năm tù vào tháng 6 năm ngoái. Cảnh sát đã bắt giữ bà Tôn sau khi đột kích vào nhà của bà ở Bắc Kinh và tìm thấy các sách Pháp Luân Công.
Theo trang Minh Huệ, vào tháng 11, một học viên khác là bà Tôn Trung Cầm, ở tỉnh Liêu Ninh, đã bị kết án ba năm rưỡi tù giam vì đã phân phát lịch và cuốn sách nhỏ liên quan đến Pháp Luân Công.
Theo bản tin vào tháng 10/2020 của Đài Á Châu Tự do, không muốn sách của mình lọt vào tay nhà chức trách, một số người Hồi giáo Kazakhstan ở vùng viễn xa miền tây Tân Cương đã bỏ những cuốn kinh Quran của họ vào trong túi nhựa và ném xuống sông Ile, với hy vọng rằng chúng có thể đến được nước láng giềng Kazakhstan và được bảo quản.
Theo tổ chức China Aid, để tránh kiểm duyệt internet, hai nhóm Cơ đốc giáo được chính phủ chấp thuận đã thay thế các thuật ngữ tôn giáo trong hiệu sách trực tuyến của họ bằng cách viết tắt, chẳng hạn như bằng cách thay đổi từ “Ky tô”—phát âm là “Ji Du” trong tiếng Hoa thành “JD” và “Kinh thánh” thành “SJ,” là kiểu viết tắt của thuật ngữ “Sheng Jing” trong tiếng Hoa.
Ông Fu cho biết, “Đây là một cuộc chiến chống lại chính tín. Lịch sử đã cho chúng ta biết cuộc chiến này chắc chắn sẽ thất bại.”
Do Eva Fu thực hiện
Từ Huệ biên dịch
Xem thêm: