Trung Cộng đang ‘Hán hóa’ Cơ Đốc Giáo và những tín ngưỡng khác để ‘uốn nắn’ theo tư tưởng của mình
Theo một mục sư người Mỹ gốc Hoa, với việc mở màn “chiến dịch Hán hóa” kéo dài 05 năm của Trung Cộng trong năm 2018, nhà cầm quyền này đã đang nỗ lực “tái tạo” những tín ngưỡng tinh thần phù hợp với hệ tư tưởng của mình.
Mục sư Phó Hy Thu (Bob Fu), người sáng lập kiêm chủ tịch của Hiệp hội Viện trợ Trung Quốc – một tổ chức bất vụ lợi của Cơ Đốc Giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times trong một email rằng tổ chức của ông đã “nhận thấy rõ ràng sự bức hại gia tăng hàng năm” kể từ năm đầu tiên của chiến dịch.
Là người đã từng lãnh đạo sinh viên trong các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989 và là một người lãnh đạo nhà thờ tư gia ở Bắc Kinh, ông Phó cho hay “Chính quyền Trung Cộng dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã tăng cường đàn áp những người có đức tin bằng chiến dịch Hán hóa, hoặc tái tạo tôn giáo để phù hợp hơn với lý tưởng của Trung Cộng.” Ông Phó và vợ đã đào thoát sang Hoa Kỳ theo diện tị nạn tôn giáo vào năm 1997.
Ông Phó nói thêm rằng chiến dịch Hán hóa này đã “ảnh hưởng đến những người thuộc mọi tín ngưỡng ở Trung Quốc. Phật tử Tây Tạng, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia và những người theo Công Giáo, đều là mục tiêu của nhà cầm quyền Trung Cộng, bởi vì niềm tin tôn giáo của họ.”
Chỉ còn vài tháng nữa là đến Thế vận hội Mùa đông 2022, ông Phó nói rằng thật “quá tệ” khi Trung Cộng sẽ đăng cai Thế vận hội bất chấp hồ sơ về “những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của họ.” Ông Phó tuyên bố Thế vận hội Bắc Kinh 2022 “sẽ là một bài khảo nghiệm lương tâm của thế giới, xem chúng ta phản ứng như thế nào.”
Hán hóa Cơ Đốc Giáo
Theo ông Phó, việc Hán hóa Cơ Đốc Giáo “có liên kết trực tiếp” đến cuộc đàn áp ngày càng trầm trọng đối với các Cơ Đốc nhân tại gia. Ông Phó cho rằng hành động của việc Hán hóa là tập trung vào việc giành được “quyền kiểm soát” — mục tiêu chính mà Trung Cộng “thèm muốn nhất.”
Ông Phó cho biết, “Quá trình Hán hóa mang lại cho Trung Cộng một cơ hội để định hình lại Cơ Đốc Giáo với chính quyền là trọng tâm của tôn giáo này. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy các bức chân dung của Chúa Jesus được thay thế bằng Mao và Tập trong các nhà thờ được nhà nước công nhận.”
Tuy nhiên, ông Phó nói thêm rằng vô luận là Trung Cộng đã “gắng hết sức mình” để đàn áp các tín đồ Cơ Đốc Giáo thế nào, thì “Cơ Đốc Giáo vẫn không ngừng phát triển nhanh chóng.”
Một tuần sau khi Trung Cộng đánh dấu kỷ niệm 100 năm thành lập của mình, Phong trào Ái quốc Tam Tự do nhà nước kiểm soát đã tổ chức một hội nghị toàn quốc vào ngày 08/07, nơi các nhà thờ đã được cung cấp “một bài thuyết giáo kiểu mẫu” dựa trên bài diễn văn kỷ niệm 100 năm ngày 01/07 của ông Tập.
Theo Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến về tự do tôn giáo và nhân quyền ở Trung Quốc, các mục sư này đã được hướng dẫn ca ngợi “Đảng Cộng sản Trung Quốc vĩ đại, vinh quang và đúng đắn muôn năm.” Vài ngày sau, trong một hội nghị khác vào ngày 13/07 tại Thượng Hải, những người tham gia hội nghị trên đã thảo luận về việc đẩy nhanh quá trình “Hán hóa Cơ Đốc Giáo,” cũng theo tạp chí này.
Trung Cộng đã đạt đến giai đoạn then chốt của việc bóp méo tín ngưỡng Cơ Đốc trong những năm dài đàn áp. Chỉ trong năm 2020, hơn 900 cây thánh giá đã bị dỡ bỏ khỏi các nhà thờ và các cuốn Kinh Thánh đã bị tịch thu. Ngoài việc phá bỏ các cây thánh giá, Trung Cộng cũng đã tiến hành đột kích và đóng cửa nhiều nhà thờ tư gia, bao gồm cả các nhà thờ do nhà nước quản lý.
Ông Phó nói: “Vào năm 2020, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các vụ việc liên quan đến việc các quan chức chính quyền đe dọa hoặc giam giữ những người theo đạo Kitô Giáo, cấm đoán các nhà thờ tư gia, cũng như gia tăng việc phá dỡ các tòa nhà và thánh giá của nhà thờ. Năm 2020 là năm đàn áp tồi tệ nhất kể từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc.”
Cũng trong năm đó, có thông tin cho rằng một trường đại học do nhà nước sở hữu ở Trung Quốc đã bóp méo một câu chuyện kinh thánh từ John 8 về việc Chúa Jesus tha thứ cho một người phụ nữ đã phạm tội gian díu như thế nào. Được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học và Công nghệ Điện tử, nội dung đã thay đổi khẳng định rằng Chúa Jesus đã ném đá vào người phụ nữ này, nói “Ta cũng là một tội nhân. Nhưng nếu luật pháp chỉ có thể được thi hành bởi những người đàn ông không tì vết, thì luật pháp ấy sẽ tiêu vong,” Bitter Winter đưa tin.
Theo UCA News, những người theo Công Giáo ở Trung Quốc rất “đau lòng” trước sự việc trên. Trong bài báo này, một linh mục ẩn danh cho biết rằng việc bóp méo đoạn trích [kinh thánh] gốc như vậy “là vi phạm đạo đức và luật pháp.” Một người theo Công Giáo khác ở Trung Quốc nói rằng những sự kiện bóp méo đức tin và lịch sử Cơ Đốc Giáo “mỗi năm đều lặp lại,” nhưng Giáo hội chưa bao giờ nhận được “sự tôn trọng và xin lỗi đáng có.”
Ông Phó cũng không lấy làm ngạc nhiên. “Thật đáng buồn là tôi không ngạc nhiên khi Trung Cộng trải qua những khoảng thời gian dài như vậy, để thay đổi sách Phúc Âm,” ông nói với The Epoch Times, đồng thời nói thêm rằng những lời dạy chân chính kêu gọi “sự thay đổi mang tính hy sinh” cũng như kêu gọi mọi người hãy đặt đời mình vào Thần Phật, “chứ không phải Trung Cộng.”
Một số trường hợp Kitô giáo bị Hán hóa khác bao gồm: việc thay thế bức tranh Đức Mẹ và Chúa Hài đồng bằng bức chân dung của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, các tín đồ tôn giáo bị buộc phải tham gia khóa đào tạo bắt buộc, để ghi nhớ những câu nói của ông Tập, và một bức chân dung của Chúa Jesus và Đức Mẹ Maria trong trang phục cổ đại của Trung Quốc, Bitter Winter đưa tin.
“Tôi tròn mắt khi nhìn thấy Đức Mẹ Maria với mái tóc được búi cao như một phụ nữ Trung Quốc cổ xưa. Thật là kỳ quái,” một người đi nhà thờ Tam tự nói với Bitter Winter sau khi xem các bức tranh minh họa về Chúa Jesus và Đức Mẹ Maria được đăng trên Tian Feng [Điền Phong], một tạp chí Cơ Đốc hàng tháng.
Một Cơ Đốc nhân 70 tuổi khác tuyên bố: “Trung Cộng luôn nói về việc phi phương Tây hóa; họ không cho phép người Trung Quốc tin vào Chúa của người ngoại quốc, nhưng tôi không hề mong chờ rằng Chúa Jesus và các vị thánh qua các thời đại sẽ biến đổi thành người Trung Quốc. Trung Cộng đã hoàn toàn điên mất rồi.”
Theo một báo cáo năm 2019 của Bitter Winter, một nhà thờ Tam Tự ở tỉnh Giang Tây đã “hoàn toàn bị thay đổi.” Trong báo cáo, một nhà lãnh đạo của một nhà thờ cho biết rằng quá trình Hán hóa nhằm mục đích “xóa bỏ các tín ngưỡng tôn giáo thuần túy.”
“Mục tiêu cuối cùng là loại bỏ Cơ Đốc Giáo, và cũng là loại bỏ Đạo Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo, cuối cùng chỉ còn lại chủ nghĩa cộng sản,” nhà lãnh đạo ẩn danh khẳng định.
Hán hóa các tôn giáo khác
Chiến dịch Hán hóa của Trung Cộng là đa mục tiêu; Phật tử và người Hồi giáo Tây Tạng cũng không được dung thứ.
Ví dụ, theo Bitter Winter, Hội Hồi Giáo Trung Quốc ở huyện Bộc Dương, tỉnh Hà Nam, đã đưa ra thông báo trong năm 2019 rằng các mái vòm và cấu trúc kiểu Ả Rập của các nhà thờ Hồi giáo phải được thay đổi thành kiến trúc kiểu Trung Quốc cổ xưa để phù hợp với phần còn lại của các tòa nhà nằm trên Đường Vành đai phía Nam. Việc tháo dỡ các mái vòm và tháp nhọn đã bắt đầu sau đó.
“Điều này xảy ra trên toàn quốc. Bất cứ thứ gì có các biểu tượng này phải bị thay đổi. Nếu các người cản trở [công việc tháo dỡ này], thì nhà thờ Hồi giáo sẽ bị phá bỏ,” một quan chức của Ủy ban tôn giáo nói với những người Hồi giáo tại địa phương, theo báo cáo.
Trong một báo cáo khác, một thầy tế nói với Tạp chí này rằng để buộc các nhà lãnh đạo tôn giáo tuân theo các hệ tư tưởng của Trung Cộng về chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa vô thần, họ được yêu cầu trải qua khóa đào tạo tại Học viện Khoa học Xã hội Ninh Hạ ở thành phố Ngân Xuyên.
“Nhà cầm quyền không cho phép chúng tôi thuyết giảng theo những lời dạy của Kinh Qur’an và yêu cầu chúng tôi nói về các chính sách của nhà nước trước khi giảng kinh,” vị thầy tế này cho biết thêm rằng lời giảng của họ phải được ghi âm lại và gửi cho chính quyền.
Chiến dịch Hán hóa đã tác động tương tự đến Phật giáo Tây Tạng kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Theo Bitter Winter, Trung Cộng kể từ đó đã tăng cường phá hủy các ngôi chùa và dỡ bỏ các biểu tượng liên quan đến Phật giáo Tây Tạng.
Vào tháng 06/2020, chính quyền thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, đã ban hành lệnh che giấu một bảo tháp Phật giáo Tây Tạng màu trắng trên Núi Tiểu Long vì bảo tháp khiến người lái xe mất tập trung và “ảnh hưởng đến giao thông trên đường cao tốc gần đó.”
Cũng theo báo cáo này, các yếu tố hoặc từ ngữ khác liên quan đến tôn giáo cũng bị loại bỏ. “Đôi mắt trí tuệ” được vẽ trên một tấm biển treo ở lối vào của một ngôi chùa ở tỉnh Sơn Đông, đã bị sơn đỏ đè lên.
Cũng trong năm đó, chính quyền tỉnh Hà Bắc đã chỉ thị loại bỏ các chữ Tây Tạng khỏi Chùa Hưng Quốc, được xây dựng vào thời nhà Tấn (1115–1234), theo báo cáo.
Jocelyn Neo là một nhà văn tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc và những câu chuyện trong cuộc sống truyền cảm hứng về hy vọng và tình người.
Bản tin có sự đóng góp của Arshdeep Sarao
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: