Trung Cộng công bố quan chức cao cấp đầu tiên bị cách chức năm 2021
Trung Cộng mới đây đã công bố quan chức cao cấp đầu tiên bị cách chức năm 2021 trong một chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng.
Ông Lý Văn Hỷ, cựu Phó chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tỉnh Liêu Ninh, đã bị điều tra vì vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật, theo thông báo của cơ quan giám sát chống tham nhũng Trung Cộng hôm 25/01. CPPCC là cơ quan cố vấn chính trị của Trung Cộng.
Trước đó, một số đảng viên có liên quan với ông Lý đã bị cách chức. Ví dụ, nguyên Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh Bạch Nguyệt Tiên, và Phó chủ tịch CPPCC Lưu Quốc Cường, người đã làm việc cùng ông Lý trong nhiều năm, đã bị bắt hôm 23/01.
Theo thông tin công khai, ông Lý, quê ở thành phố Bản Khê, Liêu Ninh, đã bắt đầu làm giám đốc sở cảnh sát quê ông từ tháng 04/1994. Ông Lý thăng tiến trong bộ máy an ninh và trở thành giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Sở Công an Liêu Ninh. Tháng 03/2011, ông được thuyên chuyển sang làm phó chủ tịch CPPCC. Ông đã nghỉ hưu vào năm 2013.
Ông Lý hợp tác rất chặt chẽ với Bạc Hy Lai, một quan chức thất sủng bị kết án tù chung thân năm 2013 vì tội tham nhũng, khi ông này là Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh từ năm 2001 đến 2004. Ông ta đã tích cực tham gia vào cuộc đàn áp tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công ở khu vực Liêu Ninh, theo nghiên cứu của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức vô vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định và một bộ giáo lý tập trung vào nguyên lý Chân, Thiện, Nhẫn. Môn tu luyện đã trở nên phổ biến trong những năm 1990 với khoảng 70 triệu đến 100 triệu người theo học ở Trung Quốc theo ước tính chính thức tại thời điểm đó. Cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến của môn tu luyện, Trung Cộng dưới quyền lãnh đạo tối cao của Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch loại trừ có hệ thống, trong đó sử dụng toàn bộ bộ máy chính quyền chống lại những người thực hành môn tu luyện này vào năm 1999.
Ông Bạc và những người khác trong phe trung thành với Giang được khen thưởng vì đã tích cực tham gia cuộc đàn áp này. Ông Bạc về sau đã trở thành một phần trong âm mưu đảo chính nhằm lật đổ ông Tập Cận Bình và ngăn ông ta nắm quyền. Cuối cùng, ông Bạc và các đồng phạm thất bại và đã bị triệt hạ bởi chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập nhắm vào những kẻ thù chính trị của mình.
Theo hồ sơ của tổ chức WOIPFG, ông Lý là một trong những quan chức đã truy lùng học viên Pháp Luân Công Cao Dung Dung, một nhân viên của Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở thành phố Thẩm Dương. Cô đã bị bắt cóc và đưa đến Trại lao động cưỡng bức Long Sơn vì đức tin của mình.
Vào ngày 07/05/2004, một số nhân viên an ninh đã tra tấn cô Cao để buộc cô từ bỏ đức tin của mình. Họ dùng roi điện chích vào mặt cô từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối. Theo báo cáo điều tra của tổ chức WOIPFG, khuôn mặt cô bị phá hủy nghiêm trọng, sưng phù và đầy dấu phồng rộp. Cô Cao đã qua đời vào năm 2005 ở tuổi 37. Lúc đó ông Lý là giám đốc sở công an tỉnh Liêu Ninh.
Cộng sự cũ của ông Lý, Bạch Nguyệt Tiên, đã bị cách chức vào tháng 09/2020. Ông Bạch và ông Lý đã làm việc cùng nhau trong 11 năm. Ông Bạch đã thăng tiến trong bộ máy an ninh địa phương dưới sự nâng đỡ của ông Lý. Sau khi ông Bạch ngã ngựa thì ông Lý, người chống lưng cho ông ta, cũng bị điều tra.
Đồng nghiệp cũ của ông Lý là Lưu Quốc Cường mới đây cũng đã bị bắt vì bị tình nghi nhận hối lộ.
CCDI (Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc) đã tuyên bố rằng họ mới kết thúc cuộc điều tra về ông Lưu và phát hiện ra ông này “không tuân theo đảng, thiếu trung thành và trung thực với đảng, hai mặt, không có ý thức về luật lệ, mù quáng nghe theo ‘những kẻ dối trá chính trị’, đã chi số tiền lớn để hối lộ, tham nhũng và cố tình chống đối các cuộc kiểm điểm của tổ chức.”
CCDI nói thêm rằng tiếp theo ông Lưu sẽ bị truy tố.
Ông Lưu cũng thân thiết với ông Bạc Hy Lai, từng là phó Chủ tịch tỉnh Liêu Ninh dưới quyền ông Bạc. Trong thời gian ông Bạc và ông Lưu làm việc tại Liêu Ninh, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tại Trại lao động Mã Tam Gia, nơi nổi tiếng với điều kiện khắc nghiệt và các hình thức tra tấn dã man.
Mary Hong
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: