Trung Cộng chuyển sang nhồi nhét ‘tư tưởng Tập Cận Bình’ cho học sinh tiểu học
Lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình muốn truyền lửa lòng trung thành cho tất cả công dân Trung Quốc – bắt đầu từ các học sinh tiểu học.
Khi các học sinh trên toàn quốc trở lại trường sau kỳ nghỉ hè vào tháng 9, các em sẽ thấy một khóa học nữa trong chương trình học của mình: “Tư tưởng Tập Cận Bình.”
Động lực mới để kiểm soát hệ tư tưởng sẽ bắt đầu từ cấp tiểu học cho đến cấp đại học. Sách giáo khoa bắt buộc, có nhan đề “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới,” sẽ có năm phiên bản, được dạy cho học sinh lớp 3, lớp 5, lớp 8 và lớp 10 hàng tuần.
Một thông báo gần đây của Bộ Giáo dục cho biết, cuốn sách nhắm đến việc “dần dần hình thành sự ủng hộ của học sinh sinh viên đối với sự lãnh đạo của Đảng và hệ thống xã hội chủ nghĩa.”
Các chuyên gia cho biết, biện pháp này, cùng với việc gia tăng kiểm soát chặt chẽ các tài liệu phương Tây ở học đường, cho thấy Bắc Kinh muốn tăng cường kiểm soát hệ tư tưởng, bắt đầu bằng cách định hình thế giới quan của thế hệ trẻ nhất.
“Nếu quý vị kiểm soát giáo dục, trên thực tế, quý vị sẽ kiểm soát tư tưởng của toàn bộ dân chúng,” ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói với The Epoch Times.
Một ‘nhiệm vụ chính trị’
Tư tưởng Tập Cận Bình, hay còn gọi là “Chủ nghĩa X,” đã được viết vào điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Đại hội Đại biểu Toàn quốc năm 2017. Kể từ đó, giới cầm quyền Trung Quốc và các tổ chức được nhà nước hậu thuẫn đã thành lập 18 trung tâm nghiên cứu dành riêng cho việc nghiên cứu hệ tư tưởng này.
Khi năm học mới đang cận kề, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương đã tăng cường đào tạo để giáo viên tiếp cận nhanh với tài liệu mới, trong khi các hãng thông tấn nhà nước tăng cường tuyên truyền mở đường cho việc ra mắt các sách giáo khoa này. Theo tờ Nhật báo Hà Bắc do nhà nước điều hành, tại Hà Bắc, một tỉnh phía bắc Trung Quốc bao quanh Bắc Kinh, 20 chuyên gia đã giải thích các nguyên tắc quan trọng đằng sau cuốn sách này cho khoảng 44,000 giáo viên từ khắp tỉnh và hướng dẫn cách đứng lớp trong một cuộc hội thảo trực tuyến hôm 03/08.
Ông Hoàng Cường (Huang Qiang), người đứng đầu Nhà xuất bản Giáo dục Nhân dân do nhà nước điều hành, nơi xuất bản cuốn sách này, mô tả việc phát hành sách giáo khoa là “một nhiệm vụ chính trị quan trọng khác,” đồng thời nói thêm rằng đó là một “bước tiến thực chất” để đưa Tư tưởng Tập Cận Bình “vào đầu của học sinh sinh viên.”
Mô tả chi tiết nhất về khóa học này là của cô Đinh Lệ Lệ (Ding Lili), một giáo viên tiểu học công lập ở Thượng Hải, người đã thử dạy tài liệu này cho các học sinh của mình. Sau khi ca ngợi “sức hấp dẫn từ tính” của cuốn sách này, cô Đinh dẫn chứng một giai thoại tiết lộ cách cuốn sách này có thể đóng vai trò trong việc kích thích sự thù địch đối với phương Tây trong khi củng cố chủ nghĩa dân tộc, theo một bài báo ngày 01/08 trên Nhật báo Giáo dục Trung Quốc, một tờ báo do nhà xuất bản nói trên quản lý.
Trong một bài giảng có nhan đề “kích thước lớn không đồng nghĩa với sức mạnh,” vốn là một câu trích dẫn từ một bài diễn văn vào năm 2014 của ông Tập về tầm quan trọng của cải tiến công nghệ trong nước, cô Đinh cầm một chiếc điện thoại của đại công ty viễn thông Trung Quốc Huawei, nhà sản xuất có mảng hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh bị tàn phá do các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ – vốn đã cắt đứt quyền tiếp cận của công ty này với công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ, trong đó có bộ vi xử lý cao cấp – vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
“Khi những đứa trẻ nghe nói rằng thương hiệu quốc gia nổi tiếng như vậy đang gặp khó khăn vì bộ vi xử lý của hãng này là đối tượng mà người khác nhắm vào, chúng đã rất ngạc nhiên, bối rối và tức giận,” cô Đinh nói và cho biết thêm rằng sau đó cô đã đặt một loạt câu hỏi để thúc đẩy ý tưởng cho rằng người dân Trung Quốc phải có “công nghệ cốt lõi trong tay của chính chúng ta.”
Chặn nội dung từ hải ngoại
Cùng với việc thúc đẩy Tư tưởng Tập Cận Bình trong giới học sinh sinh viên, chính phủ này cũng đang thắt chặt giám sát các nội dung hải ngoại được giảng dạy trong các lớp học.
Các cơ quan quản lý giáo dục gần đây đã chấm dứt 286 quan hệ đối tác giữa các trường đại học Trung Quốc và ngoại quốc, chẳng hạn như Đại học New York, Viện Công nghệ Georgia, và Trường City thuộc Đại học London.
Trong một chỉ thị vào cuối tháng Bảy dường như nhằm giảm nhẹ khối lượng bài vở của học sinh, giới cầm quyền Trung Quốc cũng quy định việc các cơ sở dạy thêm bên ngoài trường học cung cấp dịch vụ dạy kèm từ ngoại quốc, hoặc tuyển dụng gia sư ngoại quốc là bất hợp pháp.
Sau chỉ thị này, đã có ít nhất 8 công ty dạy kèm đã ngừng bán dịch vụ dạy kèm từ ngoại quốc cho học sinh tại Trung Quốc, và một số công ty cho biết họ sẽ tập trung vào các khóa học thay thế như nói và đọc Hoa ngữ.
Quy định này đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ USD. Tính đến ngày 05/08/2021, Duolingo – một ứng dụng học ngoại ngữ phổ biến, không còn có thể tải xuống từ kho ứng dụng Android do Huawei và đại công ty công nghệ Trung Quốc Tencent điều hành. Theo tin từ giới truyền thông Trung Quốc, Wall Street English, một trung tâm đào tạo Anh ngữ cao cấp, đang đóng cửa.
Ông Frank Tạ Thiên, giảng viên của một chương trình MBA trực tuyến tại Đại học South Carolina–Aiken, cho biết nhà cầm quyền này – dưới một cảm giác “khủng hoảng ngay trước mắt” – có thể cảm thấy bị đe dọa bởi quyền của các công ty dịch vụ dạy kèm này trong việc tự do giảng dạy nội dung nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
“Họ muốn chặn mọi kênh có thể lan truyền tự do và sự thật,” ông nói với The Epoch Times.
Một số thành phố lớn của Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn một cách riêng biệt.
Tại Bắc Kinh, các quan chức giáo dục tái khẳng định một lệnh cấm cung cấp tài liệu giảng dạy từ bên ngoài Trung Quốc trong các trường tiểu học và trung học cơ sở. Thượng Hải, nơi đã yêu cầu các trường học của mình cũng làm điều tương tự vào đầu tháng Tám, cũng hủy bỏ các bài kiểm tra Anh ngữ dành cho các lớp từ lớp 3 đến lớp 5.
Theo nhà bất đồng chính kiến kiêm học giả độc lập Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), nhà cầm quyền này có mục đích cuối cùng là làm suy yếu khả năng tham gia vào cộng đồng quốc tế của người dân Trung Quốc bằng cách siết chặt việc học Anh ngữ của các học sinh.
Theo quan điểm của ông Ngô, giới cầm quyền Trung Cộng đang cố gắng “bắt trẻ em học ở mức tối thiểu mà các em cần và giảm tiếp xúc với các tài liệu Anh ngữ trong thời gian rảnh rỗi để các em có thể dành thời gian còn lại lắng nghe tư tưởng ông Tập.”
Ông nói với The Epoch Times, “Đây là cách thức hoạt động của tuyên truyền nhồi sọ.”
Cô Lý, một quản lý cấp trung của một công ty tài chính ở Thượng Hải, người đã yêu cầu tên đầy đủ của mình không được đưa ra sử dụng, cho biết cô gặp rắc rối với các chính sách mới sâu rộng của thành phố nơi cô ở.
Cô nói với The Epoch Times rằng, “Tôi không cho rằng Anh ngữ quá tuyệt vời, nhưng nó là một công cụ – một cửa sổ để nhìn ra thế giới. Chỉ khi nhìn vào cách các quốc gia khác nhau và những người khác nhau nhìn nhận cùng một vấn đề, quý vị mới có thể hình thành quan điểm riêng cho mình.”
Tuy nhiên, cô nghi ngờ liệu các bậc cha mẹ ở Trung Quốc, những người có xu hướng đầu tư nhiều vào việc học hành của con em họ để giúp chúng có lợi thế hơn trong cuộc sống, có sẵn sàng tuân theo và để con em họ “thua ngay từ vạch xuất phát” hay không.
“Các bậc cha mẹ không phải là những người ngớ ngẩn đâu,” cô nói.
Cô Eva Fu là một cây bút viết cho The Epoch Times có trụ sở tại New York, tập trung vào các chủ đề về Hoa Kỳ-Trung Quốc, tự do tôn giáo và nhân quyền.
Bài viết có sự đóng góp của Luo Ya
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: