Trung Cộng cấm các chương trình giáo dục ngoại quốc nhằm duy trì kiểm soát tư tưởng
Một cuộc trấn áp mới lên ngành dạy thêm ngoài phạm vi nhà trường của chế độ cộng sản ở Trung Quốc đang diễn ra trong đó bao gồm lệnh cấm sử dụng tài liệu giảng dạy ngoại quốc.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng đó là một cách khác để nhà cầm quyền này thắt chặt kiểm soát tư tưởng đối với cách thức suy nghĩ của sinh viên Trung Quốc, bao gồm tất cả các phương diện của nền giáo dục.
Hôm 24/07, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chính thức phát hành một tài liệu nêu ra các quy định mới đối với các cơ sở dạy thêm ngoại khóa.
Văn bản này quy định nghiêm cấm các cơ sở đào tạo cung cấp các chương trình giảng dạy được xây dựng ở ngoại quốc. Hầu hết các cơ sở đào tạo hiện đang sử dụng tài liệu giảng dạy tự xuất bản, trong khi đó một số cơ sở đào tạo Anh ngữ đang sử dụng tài liệu giảng dạy ngoại quốc.
“Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng) đặc biệt cảnh giác với lĩnh vực đào tạo ngoài phạm vi trường học, một lĩnh vực mà sinh viên khao khát có được tri thức và ý nghĩa của công lý,” chuyên gia về Trung Quốc Tuyết Trì (Xue Chi) nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ.
Ông Tuyết nói rằng động cơ căn bản khiến Trung Cộng làm như vậy là nhằm từ chối các giá trị “phương Tây,” đặc biệt là các giá trị của Hoa Kỳ và Hiến pháp của nước này.
“Trung Cộng điều chỉnh quy định các cơ sở đào tạo ngoài giờ là nhằm củng cố pháo đài tư tưởng của họ,” ông Xue cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên nhà cầm quyền cộng sản này cấm sách giáo khoa từ ngoại quốc.
Vào tháng 06/2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra thông báo cho biết bốn môn thi AP, bao gồm lịch sử Hoa Kỳ, lịch sử thế giới, lịch sử Âu Châu và lịch sử nhân văn, sẽ bị đình chỉ từ năm 2020 tại các điểm thi công khai ở Trung Quốc.
Trước đó, vào tháng 09/2018, Bộ Giáo dục đã yêu cầu các sở giáo dục địa phương tiến hành khảo sát sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở, đồng thời cấm các trường dạy chương trình riêng và giáo trình từ ngoại quốc.
Bắc Kinh cũng đã áp đặt các quy định nghiêm ngặt khác, chẳng hạn như các tổ chức dạy thêm bị cấm huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các công ty niêm yết bị cấm đầu tư vào hoạt động dạy thêm và các nhà đầu tư ngoại quốc bị cấm đầu tư vào các doanh nghiệp dạy thêm thông qua việc sáp nhập, mua lại và thiết lập nhượng quyền thương mại.
Kết quả là cổ phiếu của China Concepts trong lĩnh vực giáo dục đã lao dốc vào hôm 23/07 trên cả thị trường chứng khoán Hồng Kông và Hoa Kỳ.
Một số nhà cung cấp dịch vụ đào tạo đã đình chỉ kế hoạch IPO của họ, trong đó gồm viện tổ chức dạy kèm Yuanfudao (Yuantiku), một cơ sở dữ liệu bài tập trực tuyến trị giá 15.5 tỷ USD và Zuoyebang, nền tảng dạy kèm trực tuyến do Alibaba Group Holding Ltd. hậu thuẫn, được định giá ít nhất 500 triệu USD.
Một báo cáo hôm 23/07 trên tờ The 21 Century Business Herald dẫn lời một nhà bình luận Trung Quốc nói rằng các quy định mới “về căn bản đã chặn đứng lộ trình của các công ty như Yuantiku, Zuoyebang và VIPKID.”
VIPKID là dịch vụ gia sư Anh ngữ trực tuyến một kèm một với sự tham gia của các giảng viên Bắc Mỹ.
China International Capital Corporation (CICC), ngân hàng đầu tư liên doanh giữa Trung Quốc và ngoại quốc đầu tiên ở Trung Quốc, nhận xét: “Việc quản lý quy định như vậy đối với ngành giáo dục và đào tạo là nghiêm ngặt chưa từng có.”
Ông Tuyết cho biết, việc Trung Cộng đại tu các cơ sở đào tạo có lẽ nhằm đạt được sự kiểm soát “tuyệt đối” và “toàn diện” tâm trí của sinh viên.
“Trung Cộng coi hệ tư tưởng và nền giáo dục là ‘mặt trận’ chiến lược, và giờ đây, việc đó ngày càng trở nên cực đoan hơn, với việc tẩy não bắt đầu ngay từ các em nhỏ.”
Đảo ngược chính sách về giáo dục của Trung Quốc
Chính sách giáo dục của Trung Quốc đã bị phân cực trong hai thập kỷ qua. Trái ngược với mệnh lệnh của ông Tập Cận Bình rằng các cơ sở giáo dục ngoài phạm vi nhà trường phải đăng ký là cơ sở bất vụ lợi, các chính sách giáo dục dưới thời cựu lãnh đạo Trung Cộng Giang Trạch Dân là thúc đẩy “công nghiệp hóa giáo dục,” trong đó các sản phẩm giáo dục phải được thương mại hóa, tiếp thị và thu về lợi nhuận.
Sau khi bà Trần Chí Lập (Chen Zhili) trở thành Bộ trưởng giáo dục Trung Quốc vào tháng 03/1998, học phí đã tăng lên đều đặn. Năm 2003, giáo dục tiểu học và trung học trở thành ngành mang lại lợi nhuận cao thứ hai ở Trung Quốc, sau bất động sản.
Một bài báo xuất bản vào tháng 07/2004 trên tờ China News Weekly tiết lộ rằng Trung Cộng đã thúc đẩy công nghiệp hóa giáo dục nhằm chuyển dời những áp lực mà Trung Cộng đang phải chịu lên hoạt động đầu tư giáo dục. Điều này đã chứng kiến sự sinh sôi nảy nở của các chương trình “làm giàu nhanh chóng” trong các sản phẩm và dịch vụ giáo dục mà có thể đặc trưng cho môi trường học tập trong khuôn viên trường và ngoài xã hội rộng lớn hơn.
Từ việc khuyến khích kiếm lợi nhuận trong ngành giáo dục đến việc cấm các cơ sở giáo dục ngoài phạm vi nhà trường thu lợi nhuận, chính sách giáo dục của Trung Cộng đã trải qua những thay đổi mang tính lật đổ trong hai thập kỷ qua. Nhưng xét về mặt kiểm soát tự do tư tưởng, thì các lý tưởng của Trung Cộng vẫn không hề thay đổi.
Việc nhà cầm quyền của ông Tập muốn thành lập các cơ sở đào tạo ngoài phạm vi nhà trường và cấm sinh viên sử dụng tài liệu giảng dạy ngoại quốc là nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các tư tưởng phương Tây.
Dưới thời của ông Giang, ông ta đã sử dụng quyền kiểm soát trực tiếp của nhà cầm quyền đối với nội dung sách giáo khoa của học sinh nhằm truyền bá đường lối của Đảng, vào thời điểm ông ta cần bảo đảm sự ủng hộ của toàn quốc đối với chính sách tiêu diệt môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công, mà lúc bấy giờ cứ 13 người Trung Quốc thì có một người theo học.
Do Jessica Mao thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: