Trung Cộng bị ‘dồn vào chân tường’ khi thế giới thức tỉnh về những hành vi lạm dụng nhân quyền ở Trung Quốc
Theo ông Nury Turkel, Phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), hơn bao giờ hết, Trung Cộng đang bị dồn vào chân tường khi thế giới thức tỉnh trước những hành vi lạm dụng nhân quyền tàn bạo của đảng này.
“Trung Quốc chưa bao giờ bị cô lập trong ký ức gần đây, và sự cô lập đó đang khiến họ trở nên hiếu chiến,” ông Turkel nói với The Epoch Times tại Hội nghị thượng đỉnh Tự do Tôn giáo Quốc tế thường niên. “Đó là lý do tại sao họ hung hăng với những người sống sót trại tập trung,” ông cho biết thêm.
Ông Turkel đang đề cập đến những nỗ lực của các quan chức Trung Quốc nhằm công khai vũ nhục những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã kể lại câu chuyện của họ về các vụ lạm dụng tình dục tại các trại giam ở Tân Cương, nơi có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam cầm dưới danh nghĩa mà chế độ này tuyên bố là một chiến dịch “chống khủng bố.”
Trong một cuộc họp báo hồi tháng Hai, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã giơ những bức ảnh của những người từng bị giam giữ và gọi một trong số họ, cô Tursunay Ziyawudun, là một “nữ diễn viên” và cáo buộc cô đã “lan truyền những lời dối trá.”
Hành vi như vậy, đến từ một quan chức chính phủ, khó mà xứng với hình ảnh “đất nước mà mọi người đều phải nể sợ,” ông Turkel nói.
Cô Ziyawudun đã chia sẻ câu chuyện của mình trong lễ khai mạc ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh. Trong năm ở trại, bắt đầu từ năm 2018, cô Ziyawudun cho biết, cô đã chứng kiến cảnh sát bắt những người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ từ các phòng giam để làm “bất cứ điều gì họ muốn.” Một số phụ nữ đã được đưa trở lại phòng trong trạng thái gần như hấp hối. Một số người khác đã phát điên. Cô đã chứng kiến cảnh một cô gái Duy Ngô Nhĩ ở độ tuổi đôi mươi bị cưỡng hiếp, trong khi ba cảnh sát người Hán cũng làm như vậy với cô.
“Những ký ức này khiến trái tim tôi rỉ máu,” cô nói với những người tham dự hội nghị ngày 14/07.
Ông Turkel lưu ý rằng hầu như mọi diễn giả hôm 14/07 đều nêu bật cuộc đàn áp ở Tân Cương, điều mà, sau sự dẫn đầu của Hoa Kỳ, ngày càng có nhiều quốc gia đã công nhận là một “tội ác diệt chủng.”
“Với Bắc Kinh mà nói, đó là một tính toán sai lầm,” ông Turkel nói về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền này. “Họ nghĩ rằng họ có thể thoát khỏi điều này giống như họ đã làm với các học viên Pháp Luân Công và họ đã làm với người Tây Tạng trong nhiều năm.”
Sự phản đối kịch liệt trên toàn cầu đối với các hành vi lạm dụng nhân quyền tàn bạo ở Trung Quốc ngày càng tăng, với các nhà lập pháp thúc đẩy tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 từ bên trong chính phủ tương ứng của họ.
Trong tuần qua, Hoa Kỳ đã đưa vào danh sách đen hơn một chục tổ chức Trung Quốc có vai trò hỗ trợ các vụ lạm dụng ở khu vực Tân Cương và hiện đại hóa quân đội của Trung Cộng, đồng thời đưa ra cảnh báo về rủi ro kinh doanh ở Tân Cương. Cưỡng bức thu hoạch nội tạng, một thông lệ do nhà nước hậu thuẫn chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công và cả các tù nhân lương tâm khác, cũng đang thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Hình thế áp lực ngày càng tăng thêm không bị bỏ qua ở Bắc Kinh. Theo ông Turkel, đối với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, việc phải kêu gọi các quan chức cộng sản tạo ra một hình ảnh Trung Quốc “đáng mến”—bản thân điều này đã là một dấu hiệu của sự bất an.
“Họ đang bị dồn vào chân tường,” ông nói.
Là một luật sư người Mỹ gốc Duy Ngô Nhĩ, ông Turkel sinh ra trong một trại cải tạo của Trung Quốc ở Kashgar, nơi mẹ ông từng bị giam cầm. Khi ấy là thời kỳ đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa, một chiến dịch bạo lực kéo dài hàng thập kỷ đã cuốn Trung Quốc vào hỗn loạn và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
Ông Turkel đã không trở lại Trung Quốc kể từ khi đến Hoa Kỳ cách đây 26 năm. Hai năm sau khi ông rời đi, quân đội của Trung Cộng đã phá tan một cuộc biểu tình lớn ở quê hương của cha ông.
Trong mắt ông, sự phản kháng toàn cầu đã đến “hơi muộn.”
Ông nói “lẽ ra không cần đến một cuộc diệt chủng” và lẽ ra không cần đến dấu chấm hết cho nền dân chủ Hồng Kông “để cộng đồng quốc tế có sự thức tỉnh đột ngột này.”
Một báo cáo của Viện Brookings, được công bố năm ngoái (2020), ước tính rằng Trung Cộng đã xuất cảng các nền tảng giám sát hàng loạt của mình tới hơn 80 quốc gia kể từ năm 2008. Ảnh hưởng của Trung Quốc tại phương Tây ở “khắp mọi nơi,” trong lĩnh vực kinh doanh, truyền thông, học thuật và chính phủ, ông Turkel cho biết.
Ông Turkel nói, với việc chế độ này tiếp tục đưa ra câu chuyện của mình trên toàn thế giới, thì thay vì [quan tâm đến việc ấy], Hoa Kỳ nên thoát ra khỏi khuôn khổ đó và ngừng lo lắng về “cách mà Trung Cộng thực hiện mọi việc.”
“Với tư cách là một quốc gia tự do, một dân tộc tự do, chúng ta nên làm những gì đúng đắn,” ông nói và cho biết thêm rằng “cuối cùng, điều này sẽ buộc họ phải thay đổi.”
Do Eva Fu thực hiện
Bình Hòa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: