Trung Cộng áp dụng xét xử vắng mặt để nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến hải ngoại
Truyền thông Trung Quốc đại lục đưa tin tòa án Tối cao Trung Quốc đã ban hành một công văn giải thích chi tiết luật tố tụng hình sự hôm 04/02, quy định rằng có thể áp dụng hình thức xét xử vắng mặt đối với các bị cáo “gây nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia” và hiện đang sinh sống bên ngoài Trung Quốc.
“Xét xử vắng mặt” là thủ tục tố tụng hình sự trong đó bị cáo không có mặt để tham gia thủ tục tố tụng nói trên.
Giới quan sát Trung Quốc lo ngại rằng hành động này nhắm đến những người bất đồng chính kiến với chính quyền Trung Cộng đang sinh sống ở nước ngoài.
Năm 2018, cơ quan lập pháp bù nhìn của Trung Cộng, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, đã ban hành các sửa đổi đối với luật tố tụng hình sự để cho phép nhiều tòa án xét xử vắng mặt hơn. Nhưng phải đến tháng này (02/2021), Tòa án Tối cao Trung Quốc mới đưa ra văn bản pháp lý chi tiết hướng dẫn thực thi quy trình này. Hướng dẫn này sẽ được áp dụng kể từ ngày 01/03.
Tòa án này định nghĩa “các tội danh gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” là “tổ chức, hoạch định và thực hiện chia rẽ đất nước, phá hoại đoàn kết dân tộc, kích động chia rẽ đất nước, lật đổ quyền lực nhà nước, lật đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng cách tung tin đồn thất thiệt, vu khống, v.v. và theo các phương thức khác nữa.”
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, nhà bình luận truyền thông sống ở Trung Quốc đại lục, ông Ngô Đặc (Wu Te), nói rằng bước đi trên của Trung Cộng rõ ràng là nhằm mục đích đe dọa những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài và hợp pháp hóa việc đàn áp về kinh tế của đảng này đối với những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc, chẳng hạn như đình chỉ lương hưu, tịch thu tài sản và đóng băng tài khoản ngân hàng của họ.
Ví dụ, bà Thái Hà (Cai Xia) là một cựu giáo sư Trường Đảng Trung ương Bắc Kinh, một trường đứng đầu trong việc đào tạo cán bộ cho Đảng. Bà Thái nghỉ hưu vào năm 2012 và chuyển đến Hoa Kỳ vào năm 2019. Kể từ khi nghỉ hưu, bà trở thành một người chỉ trích trực diện đối với Bắc Kinh.
Vào ngày 17/08/2020, bà Thái Hà đã bị khai trừ khỏi Đảng và thu hồi các phúc lợi hưu trí, sau khi bà có các bình luận chỉ trích Tổng Bí Thư Tập Cận Bình và Trung Cộng. Ba ngày sau, các nhà chức trách đã phong tỏa tài khoản ngân hàng của bà Thái.
Ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc hiện đang sống lưu vong tại Hoa Kỳ, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng những chiến thuật như vậy là thủ đoạn phổ biến để Bắc Kinh gây áp lực với những người chỉ trích. “Nếu những người bất đồng chính kiến không thể bị bịt miệng bằng các biện pháp chính trị, đảng sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế để tước đi nguồn sinh kế của họ. Trung Cộng lấy họ làm ví dụ để đe dọa những người khác—nếu quý vị không tuân theo, quý vị sẽ không có gì để ăn.”
Ông Trần cho biết đôi khi giới chức Trung Cộng cũng cắt thu nhập của các thành viên trong gia đình, họ hàng và bạn bè, và tịch thu tài sản của họ. Do đó, một số trí thức Trung Quốc sợ lên tiếng chống lại đảng này.
Nhà phê bình Ngô tin rằng mặc dù hành động của Trung Cộng sẽ gây tổn thất đáng kể cho các nhà bất đồng chính kiến hải ngoại có tài sản ở Trung Quốc, nhưng Trung Cộng không thể hoàn toàn bịt miệng họ; vì hầu hết những người bất đồng chính kiến này đang sinh sống ở nước ngoài, họ có quyền tự do ngôn luận. Ông Ngô cho hay, ngược lại, hành động mới nhất này của Trung Cộng sẽ chỉ khiến những người bất đồng chính kiến hải ngoại càng thêm tức giận và buộc họ phải cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Cộng.
Bản tin có sự đóng góp của Luo Ya và Xiao Lusheng.
Do Alex Wu thực hiện
Thanh Xuân biên dịch
Xem thêm: