[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 25-28/03/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 25-28/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 21-24/03/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Thủ tướng Đức làm rõ bình luận của Tổng thống Biden về thay đổi chế độ ở Nga
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói rằng cả NATO và Tổng thống Joe Biden đều không nhắm đến việc thay đổi chế độ ở Nga.
Tổng thống Biden đã nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài diễn văn hôm thứ Bảy (26/03) rằng “người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.” Tòa Bạch Ốc và các quan chức Mỹ khác đã gấp rút làm rõ rằng ông Biden không thực sự kêu gọi lật đổ ông Putin.
Khi được hỏi trong một lần xuất hiện hôm Chủ Nhật (27/03) trên kênh truyền hình ARD rằng liệu việc lật đổ ông Putin có thực sự là mục đích thực sự hay không, ông Scholz đã trả lời: “Đây không phải là mục tiêu của NATO và cũng không phải là mục tiêu của tổng thống Mỹ.”
Ông Scholz nói thêm: “Cả hai chúng tôi đều hoàn toàn đồng ý rằng việc thay đổi chế độ không phải là mục tiêu và đích đến của chính sách mà chúng tôi cùng theo đuổi.”
Khi được hỏi liệu ông Biden có phạm sai lầm nguy hiểm với bình luận của mình hay không, ông Scholz trả lời: “Không.” Ông nói rằng “ông ấy đã nói những gì mà ông ấy nói” và Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã làm rõ rằng ông ấy không nói về việc thay đổi chế độ.
Anh tự tách mình khỏi lời kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga của Tổng thống Biden
Chính phủ Anh đã tự tách khỏi điều dường như là một lời kêu gọi thay đổi chế độ ở Nga của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.
Trong một bài diễn văn ở Warsaw, Ba Lan hôm 26/03, ông Biden đã đề nghị rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên bị bãi nhiệm.
Ông nói, “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.”
Khi được hỏi hôm 27/03 rằng liệu chính phủ Anh có đồng ý với ông Biden về khả năng thay đổi chế độ ở Nga, Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi nói rằng điều đó là “tùy thuộc vào người dân Nga.”
Anh tuyên bố các biện pháp trừng phạt có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút quân khỏi Ukraine
Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể được dỡ bỏ nếu Nga rút các lực lượng xâm lược khỏi Ukraine và hứa sẽ không thực hiện bất kỳ “hành động gây hấn nào nữa”, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Sunday Telegraph, bà Truss cho biết các lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ với “một lệnh ngừng bắn và rút lui hoàn toàn” và “cam kết rằng sẽ không có hành động gây hấn nào nữa.”
Bà nói: “Các biện pháp trừng phạt tái lập” sẽ nhanh chóng được tái áp đặt nếu Nga thực hiện “hành vi gây hấn hơn nữa” trong tương lai.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Zelensky: Ukraine sẵn sàng thảo luận về việc thông qua tình trạng trung lập trong thỏa thuận hòa bình với Nga
Hôm Chủ Nhật (27/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong một tuyên bố được phát sóng trên truyền hình rằng, Ukraine đã sẵn sàng thảo luận về việc áp dụng tình trạng trung lập như một phần của thỏa thuận hòa bình với Nga nhưng một hiệp ước như vậy sẽ phải được các bên thứ ba bảo đảm và đưa ra trưng cầu dân ý.
Ông Zelensky đã nói chuyện với các ký giả Nga trong một cuộc gọi video dài 90 phút, một cuộc phỏng vấn mà chính phủ Moscow đã cảnh báo trước với các phương tiện truyền thông Nga là không nên đưa tin. Ông Zelensky nói bằng tiếng Nga xuyên suốt cuộc phỏng vấn này, như ông đã làm trong các bài diễn văn trước đây khi nhắm đến khán giả Nga.
Ông Zelensky nói rằng cuộc xâm lược của Nga đã gây ra sự phá hủy các thành phố nói tiếng Nga ở Ukraine, và nói rằng thiệt hại còn tồi tệ hơn các cuộc chiến của Nga ở Chechnya.
“Các bảo đảm an ninh và tính trung lập, tình trạng phi hạt nhân hóa của quốc gia chúng tôi. Chúng tôi đã sẵn sàng để thực hiện. Đây là điểm nguyên tắc đầu tiên của Liên bang Nga. Và theo như tôi nhớ, họ đã bắt đầu chiến tranh vì điều này… Vấn đề bảo đảm an ninh cho Ukraine đang được thảo luận. Nó đang được thảo luận một cách kỹ lưỡng,” ông Zelensky nói.
Không phát hiện rò rỉ chất phóng xạ ở các nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Zaporizhzhia
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine cho biết không có vụ rò rỉ chất phóng xạ nào được phát hiện kể từ khi xe tăng Nga bắn vào các nhà máy điện hạt nhân ở Chernobyl và Zaporizhzhia, nhưng những cơn ác mộng về thảm họa hạt nhân khiến ông thức trắng đêm.
Trong một cuộc phỏng vấn với một trong những phóng viên của Corriere della Sera ở Kyiv, ông German Galushchenko được dẫn lời nói rằng các nhà máy hạt nhân của đất nước ông “là một nỗi lo thường trực.”
Ông Galushchenko, người cũng là một quan chức của công ty quốc doanh quản lý bốn nhà máy điện hạt nhân của quốc gia cho biết: “Tôi đã mất ngủ suốt một đêm vì cơn ác mộng về thảm họa hạt nhân.”
Đề cập đến các cơ sở Chernobyl và Zaporizhzhia, ông Galushchenko nói rằng “may mắn là cả hai cơ sở vẫn nằm trong tay các kỹ thuật viên của chúng tôi, nhưng các thiết vận xa của Nga đã bắn vào các cơ sở này.” Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ Nhật (27/03), ông gọi những hành động đó là “tội ác” và “hoàn toàn vô trách nhiệm.”
Tổng thống Zelensky đã ký luật hạn chế đưa tin về việc di chuyển binh lính và thiết bị quân sự
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký một đạo luật hạn chế việc đưa tin về việc chuyển quân và thiết bị quân sự trừ khi thông tin đó đã được bộ tổng tham mưu quân sự công bố hoặc chấp thuận.
Hãng thông tấn nhà nước Ukrinform đưa tin hôm Chủ Nhật (27/03) rằng luật này kêu gọi thực hiện các án tù có thể kéo dài từ ba đến tám năm nếu vi phạm.
Ukrinform cho hay, luật cấm “phổ biến thông tin trái phép về phương hướng, sự di chuyển của hoạt động hỗ trợ quân sự quốc tế cho Ukraine, việc hành quân, điều động hoặc khai triển của Lực lượng Vũ trang Ukraine hoặc các lực lượng quân sự khác của Ukraine, được thực hiện trong tình trạng thiết quân luật hoặc tình trạng khẩn cấp.”
Tổng thống Erdogan kêu gọi ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh sự cần thiết của việc ngừng bắn ở Ukraine trong cuộc điện đàm hôm Chủ Nhật (27/03) với Tổng thống Nga Vladimir Putin, văn phòng của ông Erdogan cho biết trong một tuyên bố.
Theo tuyên bố trên, ông Erdogan cũng kêu gọi cải thiện tình hình nhân đạo trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo đồng ý cuộc gặp tiếp theo giữa các quan chức Nga và Ukraine sẽ được tổ chức tại Istanbul, mà không đưa ra khung thời gian cụ thể.
Trong khi đó, một thành viên của phái đoàn Ukraine đang đàm phán với Nga cho biết hôm Chủ Nhật rằng hai bên đã quyết định gặp mặt trực tiếp bắt đầu vào thứ Hai (28/03). Tuy nhiên, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ bắt đầu vào thứ Ba (29/03). Hai bên đều không cho biết nơi các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức.
Ukraine tiếp tục đàm phán trực tiếp với Nga
Một thành viên của phái đoàn Ukraine đang đàm phán với Nga về việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài một tháng cho biết hai bên đã quyết định gặp mặt trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào thứ Hai (28/03).
Ông Davyd Arakhamia, lãnh đạo tại nghị viện thuộc Đảng Đầy Tớ Của Người Dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết trên Facebook rằng các cuộc đàm phán trực tiếp đã được thống nhất trong một cuộc tham vấn qua video. Ông không cho biết thêm chi tiết.
Tuy nhiên, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp sẽ bắt đầu vào thứ Ba, thay vì thứ Hai.
Nga cảnh báo truyền thông không đưa tin về cuộc phỏng vấn với Tổng thống Ukraine
Hôm Chủ Nhật (27/03), cơ quan giám sát truyền thông của Nga đã thông báo với truyền thông Nga rằng họ phải hạn chế đưa tin về cuộc phỏng vấn được thực hiện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cho biết họ đã bắt đầu một cuộc điều tra vào các hãng thông tấn đã phỏng vấn nhà lãnh đạo Ukraine này.
Trong một tuyên bố ngắn gọn do cơ quan giám sát này phát hành trên mạng xã hội và đăng trên trang web của mình, họ cho biết một loạt các hãng thông tấn của Nga đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với Tổng thống Zelensky.
Họ nói, “Roskomnadzor cảnh báo giới truyền thông Nga về sự cần thiết của việc hạn chế công bố cuộc phỏng vấn này.” Họ không đưa ra lý do cho lời cảnh báo của mình.
Nga hạn chế quyền truy cập vào trang web của tờ báo Bild của Đức
Hôm Chủ Nhật (27/03), Nga cho biết họ đã hạn chế quyền truy cập vào trang web của tờ báo Bild của Đức theo yêu cầu của các công tố viên.
Cơ quan giám sát truyền thông của Nga cho biết trên trang web của mình rằng họ đã chặn quyền truy cập vào trang web này của những người bên trong Nga sau một yêu cầu hôm 26/03 từ các công tố viên.
Hiện không rõ ngay tại sao các công tố viên yêu cầu hạn chế này. Không thể liên lạc với văn phòng tổng công tố để yêu cầu bình luận ngoài giờ làm việc bình thường.
“Việc các nhà kiểm duyệt Nga chặn Bild.de khẳng định chúng tôi tham gia hoạt động báo chí vì dân chủ, tự do và nhân quyền,” Tổng biên tập Johannes Boie của tờ Bild cho biết trên trang web của họ.
“Và việc này khuyến khích chúng tôi tạo cho công dân Nga nhiều cơ hội hơn nữa để thông báo cho họ những tin tức và sự thật ngoài tuyên truyền của chính phủ Nga.”
Một tuần sau cuộc xâm lược ngày 24/02, Nga đã thông qua một đạo luật áp dụng án tù lên đến 15 năm cho hành động cố ý lan truyền tin “giả” về quân đội.
Tổng thống Macron tránh bình luận về nhận xét của ông Biden về ông Putin
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tránh bình luận về nhận xét của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden rằng ông Vladimir Putin “không thể tiếp tục nắm quyền”. Ông đang thúc giục các nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng.
Ông Macron, người đã nói chuyện nhiều lần với Tổng thống Nga trong các nỗ lực xây dựng hòa bình không thành công cho đến nay, dự kiến sẽ nói chuyện với ông Putin một lần nữa vào Chủ Nhật hoặc thứ Hai (28/03).
“Chúng ta nên thực tế và… làm mọi thứ để tình hình không vượt quá tầm kiểm soát,” ông Macron nói hôm Chủ Nhật trên kênh truyền hình France-3, khi được hỏi về nhận xét của ông Biden.
Ông Macron nói, “Tôi sẽ không sử dụng những ngôn từ đó, bởi vì tôi tiếp tục nói chuyện với Tổng thống Putin, bởi vì những gì chúng tôi muốn cùng làm là chúng tôi muốn ngăn chặn cuộc chiến mà Nga đã tiến hành ở Ukraine, mà không gây chiến và không leo thang.”
Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ vẫn là một đồng minh quan trọng khi cho biết, “Chúng tôi chia sẻ nhiều giá trị chung, nhưng người sống bên cạnh Nga là người Âu Châu.”
Ông Macron cho biết ông sẽ nói chuyện với ông Putin về một hành lang nhân đạo được đề nghị cho thành phố bị bao vây Mariupol, vốn cũng đã được thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Tổng thống Zelensky: Phương Tây cần thêm ‘lòng can đảm’ trong việc giúp Ukraine chống lại Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc NATO và phương Tây thiếu can đảm để cung cấp nhiều hỗ trợ hơn trong bối cảnh xung đột với Nga, đồng thời đưa ra một lời thỉnh cầu khác đối với chiến đấu cơ và nhiều thiết bị quân sự hơn.
“Hôm nay, tôi đã nói chuyện với những người lính đang bảo vệ Mariupol. Tôi thường xuyên liên lạc với họ. Quyết tâm, tinh thần anh dũng, và sự kiên định của họ thật đáng kinh ngạc,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn qua video hôm Chủ Nhật (27/03), đề cập đến thành phố Biển Đen bị bao vây. “Giá mà những người đã suy nghĩ trong 31 ngày về cách bàn giao hàng chục phản lực cơ và xe tăng có 1% lòng can đảm của những người lính này.”
Ukraine nói Nga muốn chia cắt đất nước, kêu gọi thêm vũ khí
Nga muốn chia cắt Ukraine thành hai phần, như đã xảy ra với Bắc và Nam Hàn, giám đốc tình báo quân sự Ukraine cho biết hôm Chủ Nhật (27/03).
Tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây cung cấp cho Ukraine xe tăng, phi cơ và hỏa tiễn để giúp đẩy lùi quân đội Nga, mà chính phủ Kyiv cho rằng họ đang ngày càng nhắm vào các kho nhiên liệu và thực phẩm.
Hôm Chủ Nhật (27/03), một lãnh đạo địa phương của Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng cho biết khu vực này có thể sớm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, giống như đã xảy ra ở Crimea sau khi Nga chiếm bán đảo Ukraine vào năm 2014.
Người dân Crimea đã bỏ phiếu áp đảo để ly khai với Ukraine và gia nhập Nga — một cuộc bỏ phiếu mà phần lớn thế giới từ chối công nhận.
Ông Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine, cho biết trong một tuyên bố, đề cập đến sự chia cắt của Bắc Hàn sau Đệ nhị Thế chiến: “Thực tế, đó là một nỗ lực nhằm tạo ra Nam và Bắc Hàn ở Ukraine.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ukraine cũng bác bỏ bàn luận về bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào ở miền đông Ukraine.
Ông Oleg Nikolenko nói với Reuters: “Tất cả các cuộc trưng cầu dân ý giả tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đều vô hiệu và sẽ không có giá trị pháp lý.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ngoại trưởng Blinken làm rõ Hoa Kỳ không cố gắng lật đổ Tổng thống Putin
Trong một chuyến thăm tới Jerusalem hôm Chủ Nhật (27/03), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Tòa Bạch Ốc không có chiến lược thay đổi chế độ ở Nga.
Quan chức cao cấp này đã nhanh chóng nhấn mạnh rằng Tổng thống Joe Biden không kêu gọi việc thay đổi chính phủ ngay lập tức ở Moscow khi ông nói trong bài diễn văn của mình: “Chúa ơi, người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền.”
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin Dmitry Peskov đã bác bỏ nhận xét này, nói rằng “việc quyết định ai sẽ tiếp tục nắm quyền ở Nga không phụ thuộc vào tổng thống Mỹ và không phụ thuộc vào người Mỹ.”
Ông Blinken nói với truyền thông ở Jerusalem: “Đối với vấn đề đó, chúng tôi không có chiến lược thay đổi chế độ ở Nga hay bất kỳ nơi nào khác.”
Ông cho biết thêm, “điều đó phụ thuộc vào người dân của nước được đề cập đến. Việc đó là tùy thuộc vào người dân Nga.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga xác nhận bắn trúng kho nhiên liệu ở Lviv
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov đã xác nhận trong một tuyên bố hôm Chủ Nhật (27/03) rằng hỏa tiễn hành trình được phóng từ trên không của Nga đã bắn trúng một kho nhiên liệu và một nhà máy quốc phòng ở Lviv, gần biên giới với Ba Lan, vào thứ Bảy.
Ông Konashenkov cho biết thêm rằng một cuộc tấn công khác bao gồm hỏa tiễn phóng từ biển đã phá hủy một kho đạn chứa hỏa tiễn phòng không ở Plesetsk, ngay phía tây thủ đô Kyiv của Ukraine.
Theo ông Konashenkov, trong chiến dịch hôm thứ Bảy, 67 cơ sở quân sự của Ukraine đã bị quân đội Nga nhắm tới.
Tổng thống Putin chúc mừng Lực lượng Vệ binh Quốc gia nhân kỷ niệm 6 năm thành lập
Hôm Chủ Nhật (27/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga nhân kỷ niệm sáu năm kể từ khi thành lập.
Ông Putin đặc biệt đề cập đến các quân nhân của các đơn vị Vệ binh Quốc gia tham gia vào “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbas và Ukraine.”
“Tôi nhận thức rõ cách quý vị hành động trong tình huống này: rất can đảm và chuyên nghiệp, khéo léo và không sợ hãi, quý vị giải quyết những nhiệm vụ phức tạp nhất đặt ra trước mắt quý vị một cách thành thạo và chính xác trong khi thể hiện chủ nghĩa anh hùng cá nhân,” ông Putin nói trong video của mình.
Lực lượng Vệ binh Quốc gia được ông Putin thành lập vào năm 2016 như một lực lượng quân sự nội bộ báo cáo trực tiếp với tổng thống.
Với số lượng hơn 300,000 thành viên, quân chủng này tham gia cùng với các lực lượng an ninh khác trong việc chống khủng bố và tội phạm có tổ chức, bảo vệ các cơ sở của nhà nước, kiểm soát việc luân chuyển vũ khí và kiểm soát bạo loạn.
Một người đàn ông bị bắt giữ tại địa điểm xảy ra các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tại Lviv
Thống đốc vùng Lviv cho biết một người đàn ông đã bị bắt giữ vì tình nghi hoạt động gián điệp tại địa điểm xảy ra một trong hai vụ tấn công bằng hỏa tiễn làm rung chuyển thành phố hôm thứ Bảy (26/03).
Ông Maksym Kozytskyy cho biết cảnh sát phát hiện người đàn ông này đã ghi hình một hỏa tiễn bay về phía mục tiêu và trúng mục tiêu. Cảnh sát cũng tìm thấy trên điện thoại của anh ta những bức ảnh chụp các trạm kiểm soát trong khu vực, mà ông Kozytskyy nói rằng đã được gửi đến hai số điện thoại Nga.
Hỏa tiễn đã bắn trúng một cơ sở chứa dầu và một cơ sở công nghiệp không xác định, khiến ít nhất năm người bị thương. Một đám khói dày đặc và ngọn lửa cao ngất có thể được nhìn thấy ở vùng ngoại ô của Lviv vài giờ sau các cuộc tấn công này.
Tổng thống Biden diễn thuyết tại Warsaw
Hôm thứ Bảy (26/03), Tổng thống Joe Biden cho biết đất nước ông sẽ luôn sát cánh cùng Ukraine trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Nga, trong một bài diễn văn kết thúc chuyến công du tại Âu Châu.
Tổng thống Biden đã trình bày tại Lâu đài Hoàng gia Warsaw trước hàng trăm quan chức dân cử và sinh viên Ba Lan cùng nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ.
Tổng thống Biden cho biết NATO là một liên minh phòng thủ an ninh chưa bao giờ tìm cách khiến Nga sụp đổ, đồng thời nói thêm rằng người Ukraine “đang ở tiền tuyến” trong cuộc chiến vì các nguyên tắc dân chủ.
Ông nói rằng cuộc xâm lược này là một thất bại chiến lược đối với Nga, nhưng nó vẫn là một thách thức đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đe dọa đưa Âu Châu trở lại “nhiều thập niên chiến tranh”.
Thị trưởng Lviv báo cáo về cuộc không kích tiếp theo sau khi hỏa tiễn tấn công vùng ngoại ô của thành phố
Thị trưởng Lviv cho biết một hỏa tiễn khác đã bắn trúng thành phố Lviv ở miền tây Ukraine vào thứ Bảy (26/03), không lâu sau khi hai quả hỏa tiễn tấn công vùng ngoại ô của thành phố này trong những gì dường như là các cuộc tấn công đầu tiên trong phạm vi thành phố kể từ khi cuộc chiến với Nga bắt đầu.
Lviv, cách biên giới Ba Lan khoảng 60 km (40 dặm), cho đến nay đã thoát khỏi các trận pháo kích và giao tranh vốn đang tàn phá một số thành phố của Ukraine gần Nga hơn kể từ khi Moscow tiến hành cuộc xâm lược hôm 24/02.
Nhưng vào thứ Bảy (26/03), Thống đốc Maksym Kozytskyy cho biết hai hỏa tiễn đã tấn công vùng ngoại ô phía đông của thành phố vào giữa buổi chiều và yêu cầu người dân đi trú ẩn.
Sau đó, Thị trưởng Andriy Sadoviy cho biết đã có một cuộc không kích khác. “Lại một cuộc tấn công hỏa tiễn nữa vào Lviv,” ông nói trong một bài đăng trực tuyến.
Ông không chia sẻ chi tiết về địa điểm. Ông cho biết cuộc không kích đã làm hư hại cơ sở hạ tầng chứ không phải các tòa nhà dân cư.
Trước đó ông Sadoviy cho biết, các cuộc tấn công đầu tiên đã phóng hỏa một cơ sở công nghiệp lưu trữ nhiên liệu, nhưng không ảnh hưởng đến các khu dân cư.
Ông Kozytskyy cho biết có năm người đã bị thương trong cuộc tấn công đó, trích dẫn các số liệu sơ bộ.
“Hãy ở yên trong hầm trú ẩn! Đừng ra đường!” ông cảnh báo.
Khói đen dày đặc đã bốc lên từ phía đông bắc của thành phố này.
Các quan chức Ukraine ‘lạc quan một cách thận trọng’ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Biden
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết ông cảm thấy “lạc quan một cách thận trọng” sau các cuộc hội đàm với các nhân vật chủ chốt của chính phủ Hoa Kỳ, do Tổng thống Joe Biden dẫn đầu tại Warsaw, hôm thứ Bảy (26/03).
Tổng thống Biden đã gặp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Ukraine hôm thứ Bảy tại Ba Lan trong chặng cuối của chuyến đi tới Âu Châu của mình. Cuộc nói chuyện của Tổng thống Biden với Bộ trưởng Ngoại giao Dmytro Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với các quan chức Ukraine trong chuyến công du của ông.
Ông Kuleba cũng cho biết đất nước ông đã nhận được “những lời hứa bổ sung từ Hoa Kỳ về việc hợp tác quốc phòng của chúng ta sẽ phát triển như thế nào.” Ông cũng tiết lộ rằng Kyiv và Hoa Thịnh Đốn đã đồng ý về những cách thức tiềm năng để gây áp lực lên các quốc gia Liên minh Âu Châu nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Tổng thống Biden gặp gỡ các quan chức Ukraine tại Ba Lan
Hôm thứ Bảy (26/03), Tổng thống Joe Biden đã gặp các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Ukraine tại Ba Lan trong chặng cuối của chuyến công du tới Âu Châu. Cuộc nói chuyện của Tổng thống Biden với Ngoại trưởng Dmytro Kuleba và Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với các quan chức Ukraine trong chuyến công du của ông.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nhà tài phiệt Nga được chào đón tại nước này
Các nhà tài phiệt Nga được chào đón ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phải tuân thủ luật pháp quốc tế để tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết hôm thứ Bảy (26/03).
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine nhưng phản đối các biện pháp trừng phạt mà các đồng minh NATO của họ áp đặt trên nguyên tắc.
“Nếu các nhà tài phiệt Nga… hoặc bất kỳ công dân Nga nào muốn đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, tất nhiên họ có thể,” ông Cavusoglu nói khi trả lời câu hỏi tại hội nghị quốc tế Diễn đàn Doha.
“Nếu ý của quý vị là liệu những nhà tài phiệt này có thể tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không, thì tất nhiên nếu việc đó là hợp pháp và không trái với luật pháp quốc tế, tôi sẽ xem xét nó,” ông nói và cho biết thêm, “Nếu việc đó trái với luật pháp quốc tế thì đó là một câu chuyện khác.”
WTO: Xung đột Ukraine có thể dẫn đến bạo loạn lương thực ở các nước nghèo
Người đứng đầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết giá lương thực toàn cầu tăng vọt do hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine có thể châm ngòi cho các cuộc bạo động về lương thực từ những người bị đói ở các nước nghèo.
Tổng thống Biden kêu gọi phương Tây ‘đoàn kết và quyết tâm’ trong bài diễn văn tại Warsaw
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ có bài diễn văn tại Warsaw vào thứ Bảy (26/03), đồng thời Tòa Bạch Ốc cho biết tổng thống sẽ đưa ra lời kêu gọi phương Tây đoàn kết và quyết tâm khi đối mặt với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Tổng thống Biden hiện đang ở Ba Lan, nơi mà vào thời điểm phát hành bản tin này, ông đang có cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.
Vào cuối ngày, ông Biden sẽ gặp gỡ các quan chức Ba Lan khác và những người tị nạn Ukraine ở Warsaw, để có cái nhìn trực tiếp về các nỗ lực nhân đạo của Hoa Kỳ khi đối mặt với làn sóng ồ ạt những người đi chạy nạn tránh chiến tranh.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga cảnh báo phương Tây: Vài ngày nữa phải thanh toán hóa đơn khí đốt bằng đồng rúp
Hôm thứ Sáu (25/03), Nga cảnh báo phương Tây rằng việc thanh toán bằng rúp cho hàng tỷ dollar xuất cảng khí đốt tự nhiên sang Âu Châu có thể chỉ còn cách vài ngày nữa. Đây là phản ứng cứng rắn nhất của Moscow cho đến nay trước các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine.
Với việc nền kinh tế Nga đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất kể từ những năm sau sự tan rã của Liên Xô, Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Tư (23/03) đã đáp trả phương Tây, ra lệnh rằng xuất cảng khí đốt của Nga phải được thanh toán bằng đồng rúp.
Hôm thứ Sáu (25/03), Điện Kremlin cho biết ông Putin đã ra lệnh cho Gazprom, công ty khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới cung cấp 40% khí đốt cho Âu Châu, chấp nhận thanh toán xuất cảng bằng đồng rúp và chỉ còn bốn ngày để tìm cách thực hiện.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Có một chỉ thị cho Gazprom từ Tổng thống Liên bang Nga để chấp nhận thanh toán bằng đồng rúp. Thông tin này sẽ được cung cấp cho những người mua các sản phẩm của Gazprom.”
Những người mua khí đốt đã tìm kiếm hướng dẫn về cách họ có thể nhận được đồng rúp để thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào như vậy, do mức độ của các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông Jonathan Stern, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói với Reuters: “Việc thanh toán bằng đồng rúp nằm ở đâu đó giữa mức độ rất khó khăn và bất khả thi đối với phần lớn người mua Âu Châu, và chắc chắn sẽ càng khó thực hiện khi không có thời gian chuẩn bị.”
Các khoản thanh toán bằng rúp sẽ làm tăng giá trị đồng tiền của Nga, vốn đã giảm mạnh kể từ cuộc xâm lược vào ngày 24/02. Bài diễn văn của ông Putin đã nâng giá đồng rúp lên 9% so với đồng dollar vào hôm thứ Tư (23/03).
Trong khi đó, giá khí đốt của Hà Lan, dùng làm tiêu chuẩn của Âu Châu, đã tăng đột biến do lo ngại về việc liệu các quốc gia có sẵn sàng hoặc thậm chí có thể thanh toán bằng đồng rúp hay không.
Hành động của ông Putin, được công bố ngay khi Liên minh Âu Châu đang tranh luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, là một trong những bước ngoặt lớn nhất trong chính trị khí đốt của Nga kể từ khi Liên Xô xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến Âu Châu từ Siberia vào đầu những năm 1970.
‘Hungary đứng về phía Hungary,’ Thủ tướng Orban đáp lại Tổng thống Zelensky
“Hungary đứng về phía Hungary,” Thủ tướng Viktor Orban cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (26/03), đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Budapest chọn bên mà nước này ủng hộ trong cuộc xung đột giữa Kyiv và Moscow.
Ông Orban nói thêm rằng đất nước của ông không thể “thờ ơ” với cuộc xung đột đang diễn ra bên trong nước láng giềng của ông, nhưng Hungary sẽ quan tâm đến lợi ích của mình trước tiên. Ông nói thêm rằng tuy nhiên, Hungary đã cung cấp viện trợ cho những người gặp khó khăn trong cuộc xung đột này.
Quân đội Nga chiếm giữ thị trấn nơi nhân viên Chernobyl sinh sống; giao tranh nổ ra ở trung tâm Mariupol
Thống đốc vùng Kyiv cho biết hôm thứ Bảy (26/03), quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát một thị trấn nơi các nhân viên làm việc tại nhà máy hạt nhân Chernobyl sinh sống, nhà máy này này hiện đã ngừng hoạt động. Giao tranh cũng được báo cáo trên đường phố ở cảng bị bao vây Mariupol ở phía nam.
Thống đốc vùng Kyiv Oleksandr Pavlyuk cho biết quân đội Nga đã chiếm giữ thị trấn Slavutych, gần biên giới với Belarus và là nơi các nhân viên tại nhà máy Chernobyl sinh sống.
Slavutych tọa lạc ngay bên ngoài vùng gọi là khu vực cấm xung quanh Chernobyl — địa điểm xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986 — nơi các nhân viên Ukraine vẫn tiếp tục làm việc ngay cả sau khi nhà máy bị quân Nga chiếm giữ ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu hôm 24/02.
Ở phía bên kia của đất nước, tại Mariupol, Thị trưởng Vadym Boichenko cho biết tình hình tại thành phố bị bao vây này vẫn rất nguy cấp, với giao tranh đang diễn ra trên đường phố tại khu vực trung tâm.
Cuối ngày thứ Sáu (25/03), ông Zelensky đã thúc đẩy các cuộc đàm phán khác với Moscow sau khi Bộ Quốc phòng Nga cho biết giai đoạn đầu của chiến dịch gần như đã hoàn tất và giờ họ sẽ tập trung vào khu vực Donbas giáp biên giới với Nga, nơi có các khu vực ly khai ủng hộ Moscow.
Hơn nữa, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết đã đạt được thỏa thuận thiết lập 10 hành lang nhân đạo vào thứ Bảy (26/03) để di tản dân thường khỏi các điểm nóng ở tiền tuyến.
Nga tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên quần đảo tranh chấp với Nhật Bản
Hôm thứ Bảy (26/03), truyền thông Nhật Bản cho biết Nga đang tiến hành các cuộc tập trận trên quần đảo mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, vài ngày sau khi Moscow dừng các cuộc đàm phán hòa bình với Nhật Bản vì các lệnh trừng phạt của nước này đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Quân khu Phương Đông của Nga cho biết họ đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên quần đảo Kuril với hơn 3,000 quân và hàng trăm thiết bị quân sự, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin hôm thứ Sáu (25/03).
Hãng thông tấn này không cho biết nơi nào trên chuỗi đảo này, vốn nối bán đảo Kamchatka của Nga và đảo chính Hokkaido ở cực bắc của Nhật Bản, đang có các cuộc tập trận diễn ra. Truyền thông Nhật Bản cho biết họ đang ở trên lãnh thổ mà Liên Xô chiếm giữ vào cuối Đệ nhị Thế chiến mà Tokyo tuyên bố chủ quyền.
Không thể liên lạc với Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Văn phòng Thủ tướng ngoài giờ làm việc để yêu cầu bình luận về các cuộc tập trận.
Tranh chấp lãnh thổ đối với bốn hòn đảo nhỏ — mà Nga nói là một phần của chuỗi đảo Nga gọi là Kuril và Nhật Bản gọi là Chishima — đã ngăn cản Tokyo và Moscow đạt được một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt xung đột.
Nhật Bản đã phản ứng giận dữ vào thứ Ba (22/03) sau khi Nga rút khỏi các cuộc đàm phán hiệp ước đã kéo dài từ lâu và đóng băng các dự án kinh tế chung liên quan đến quần đảo này, để trả đũa việc Nhật Bản gia nhập các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược cách đây hơn một tháng của Moscow.
Interfax cho biết các cuộc tập trận của Nga liên quan đến việc đẩy lùi chiến tranh đổ bộ, bao gồm tiêu diệt phi cơ quốc phòng chở quân và kiểm tra kỹ năng vận hành hệ thống điều khiển hỏa lực của hỏa tiễn dẫn đường chống tăng.
“Ngoài ra, các đơn vị của Lực lượng Phòng không đang thực hiện một loạt các biện pháp để phát hiện, xác định và tiêu diệt phi cơ của một kẻ thù giả định sẽ thực hiện một cuộc tấn công đường không,” hãng thông tấn này trích dẫn dịch vụ báo chí của Quân khu Phương Đông cho biết.
Ukraine cho biết đạt được thỏa thuận 10 hành lang nhân đạo cho các khu vực tiền tuyến
Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập 10 hành lang nhân đạo vào thứ Bảy (26/03) để di tản dân thường khỏi các điểm nóng tại tiền tuyến ở các thị trấn và thành phố của Ukraine.
Trình bày trên truyền hình quốc gia, bà cho biết thường dân cố gắng rời cảng Mariupol bị bao vây ở phía nam sẽ phải đi bằng xe hơi riêng, vì quân đội Nga không cho xe buýt đi qua các trạm kiểm soát của họ đặt quanh thành phố cảng phía nam.
Reuters không thể xác minh thông tin này một cách độc lập.
Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau khi các hành lang nhân đạo không hoạt động trong những tuần gần đây.
Thủ đô Ukraine công bố lệnh giới nghiêm mới kéo dài 35 giờ
Giới chức ở thủ đô Kyiv của Ukraine đã công bố lệnh giới nghiêm mới kéo dài 35 giờ trong thành phố này.
Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu từ 8 giờ tối theo giờ địa phương vào thứ Bảy (26/03) đến 7 giờ sáng thứ Hai (28/03), với việc người dân địa phương chỉ được phép rời khỏi nhà của họ để đến một hầm tránh bom.
Ông Klitschko nói rằng các cửa hàng, hiệu thuốc, trạm xăng, và phương tiện giao thông công cộng sẽ không hoạt động trong thời gian giới nghiêm.
Việc Phần Lan xin gia nhập NATO sẽ dẫn tới nguy cơ căng thẳng với Nga
Tổng thống Phần Lan nói rằng đất nước của ông có thể sẽ là mục tiêu của chiến tranh mạng từ phía Nga và có thể phải đối mặt với các vụ xâm phạm biên giới nếu nước này quyết định xin gia nhập NATO.
Một số cuộc thăm dò trong những tuần gần đây cho thấy phần lớn người Phần Lan hiện ủng hộ tư cách thành viên NATO, tăng từ mức cao nhất là 25% trước khi Nga xâm lược Ukraine. Tổng thống Sauli Niinisto cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Bảy (26/03) với đài truyền hình công cộng YLE rằng lợi ích lớn nhất sẽ là “đạt được hiệu quả phòng ngừa.”
Tuy nhiên, ông đã chỉ ra nguy cơ Nga có hành vi gây rối trong quá trình gia nhập, vốn sẽ cần ít nhất vài tháng.
Ông cho biết việc đệ đơn xin gia nhập sẽ dẫn đến căng thẳng tại biên giới dài 1,340 km (830 dặm) của Phần Lan với Nga, bao gồm khả năng bị xâm phạm biên giới và lãnh thổ “mạnh mẽ” — không chỉ từ phi cơ Nga, như Phần Lan đã từng trải qua trong quá khứ.
Ông Niinisto nói: “Chúng tôi thậm chí còn không biết tất cả [các khả năng] về ảnh hưởng [tổng hợp] mà ai đó có thể phát minh ra. Toàn bộ thế giới công nghệ thông tin đều dễ bị tấn công. Ngay cả một số chức năng xã hội quan trọng cũng có thể bị gián đoạn.”
Moscow cho biết họ sẽ coi việc hai thành viên Liên minh Âu Châu là Phần Lan và nước láng giềng Thụy Điển gia nhập NATO là một hành động thù địch sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về quân sự và chính trị.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ: Vật thể giống mìn được phát hiện tại Bosphorus đã được vô hiệu hóa
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một vật thể “giống mìn” đã được “vô hiệu hóa” ở lối vào phía bắc của Eo biển Bosporus.
Việc phát hiện một vật thể có khả năng là thủy lôi hải quân xảy ra hôm thứ Bảy (26/03) theo sau cảnh báo rằng các quả mìn đặt tại các lối vào các cảng của Ukraine có thể trôi dạt ra ngoài trong điều kiện thời tiết xấu và vào Biển Đen.
Đài truyền hình NTV đã chiếu những hình ảnh về một vật thể đang nhấp nhô trên sóng ngoài khơi quận Sariyer của Istanbul, trên bờ biển Âu Châu của Bosporus. Một tàu tuần duyên đang đóng quân gần đó.
Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các thợ lặn đã được điều động để giải quyết vật thể này. Theo hãng thông tấn Demiroren, các ngư dân đã phát hiện ra nó.
Hôm 18/03, Thổ Nhĩ Kỳ khuyến cáo các tàu nên “thận trọng” và báo cáo bất kỳ quả mìn nào có thể đã trôi dạt từ các cảng của Ukraine.
Năm ngoái (2021), khoảng 38,500 tàu đã đi qua Eo biển Bosporus, nối Biển Đen và Địa Trung Hải. Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Ankara đã đóng cửa eo biển này đối với các tàu quân sự.
Tổng thống Zelensky bất ngờ xuất hiện tại Diễn đàn Doha, kêu gọi các nước sản xuất năng lượng tăng sản lượng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bất ngờ xuất hiện trên video tại Diễn đàn Doha của Qatar.
Trong bài diễn văn trên video hôm thứ Bảy (26/03), ông Zelensky đã chỉ trích cuộc chiến đang diễn ra của Nga đối với quốc gia của mình. Ông kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các cường quốc trên thế giới hỗ trợ Ukraine.
“Họ đang phá hủy các cảng của chúng tôi,” ông Zelensky nói. “Việc không có hàng xuất cảng từ Ukraine sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nước trên toàn thế giới.”
Ông nói thêm: “Tương lai của Âu Châu nằm trong những nỗ lực của quý vị.” Ông kêu gọi các nước tăng cường xuất cảng năng lượng — một điều đặc biệt quan trọng vì Qatar là quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất cảng khí đốt tự nhiên.
Ông chỉ trích Nga vì những gì ông mô tả là họ đang đe dọa thế giới bằng vũ khí hạt nhân.
Ông cũng lưu ý những người theo đạo Hồi ở Ukraine sẽ phải chiến đấu trong tháng ăn chay Ramadan sắp tới.
Ông nói: “Chúng ta phải bảo đảm rằng tháng Ramadan thiêng liêng này không bị lu mờ bởi sự khốn khổ của người dân Ukraine.”
Tổng thống Erdogan nói chuyện với Tổng thống Zelensky, cho biết Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói chuyện với Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine qua điện thoại, thảo luận về tình hình ở Ukraine và các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kyiv, văn phòng của ông Erdogan cho biết vào cuối ngày thứ Sáu (25/03).
Ông Erdogan nói với người đồng cấp rằng ông đã nêu lên sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO gần đây, nơi ông nhắc lại các nỗ lực ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc gặp trực tiếp với các nhà lãnh đạo khác, theo một tuyên bố từ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.
Ankara, quốc gia có quan hệ thân thiết với cả Nga lẫn Ukraine, đã định vị mình như là một bên trung lập, tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến.
Quân đội Nga dường như chuyển trọng tâm khỏi việc tấn công Kyiv
Quân đội Nga ở Ukraine dường như đã chuyển trọng tâm của họ từ một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Kyiv sang ưu tiên những gì Moscow gọi là giải phóng khu vực Donbas đang bị tranh chấp, cho thấy một giai đoạn mới của cuộc chiến này.
Hôm thứ Sáu (25/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã một lần nữa kêu gọi Nga đàm phán chấm dứt chiến tranh, nhưng ông cho biết Ukraine sẽ không đồng ý từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào của mình vì hòa bình.
Phó tổng tham mưu trưởng Nga hôm thứ Sáu cho biết lực lượng của ông đã đạt được phần lớn “các mục tiêu chính” của giai đoạn đầu mà Moscow gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Ukraine đang kêu gọi phương Tây tạo ra một chương trình cho vay-cho thuê mới
Tham mưu trưởng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kêu gọi phương Tây tạo ra một chương trình cho vay-cho thuê (lend-lease) mới dành cho Ukraine, đề cập đến nỗ lực gửi nguồn tiếp tế của Hoa Kỳ cho Liên Xô để giúp nước này chống lại Đức Quốc Xã trong Đệ nhị Thế chiến.
Ông cho biết những gì Ukraine cần nhất là thông tin tình báo thời gian thực và vũ khí hạng nặng.
Ông Yermak cũng lặp lại lời kêu gọi của tổng thống Ukraine về việc giúp đóng cửa không phận Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và ném bom của Nga. Phương Tây đã từ chối áp đặt vùng cấm bay vì sợ chiến tranh lan rộng.
Ông cho biết các lựa chọn bao gồm cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không hoặc chiến đấu cơ, hoặc tạo ra một “lực lượng cảnh sát không quân để bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự.”
Spotify cho biết sẽ tạm dừng dịch vụ ở Nga
Spotify đang tạm dừng các dịch vụ của mình ở Nga theo luật truyền thông mới của quốc gia này.
Hành động của công ty phát trực tuyến âm nhạc Thụy Điển này diễn ra sau khi các công ty khác rút khỏi Nga do luật truyền thông mới của nước này. Luật áp dụng các bản án lên đến 15 năm tù đối với những người lan truyền thông tin đi ngược lại quan điểm của chính phủ Nga về cuộc chiến.
Nga đặt mục tiêu hạn chế hơn: ‘Giải phóng’ Donbass
Hôm thứ Sáu (25/03), trong khi trình bày ngắn gọn các mục tiêu chiến dịch quân sự của mình, Nga cho biết giai đoạn đầu của cuộc chiến đã gần như hoàn tất và họ sẽ tập trung vào việc “giải phóng” hoàn toàn khu vực ly khai phía đông Donbas của Ukraine.
Thông báo trên dường như chỉ ra rằng Moscow có thể đang chuyển sang các mục tiêu hạn chế hơn sau khi vấp phải sự kháng cự quyết liệt của Ukraine trong một tháng chiến tranh.
Bộ Quốc phòng cho biết lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn hiện kiểm soát 93% khu vực Luhansk của Ukraine và 54% khu vực Donetsk. Cả hai vùng này tạo nên Donbas.
“Các mục tiêu chính trong giai đoạn đầu tiên của chiến dịch này nhìn chung đã được hoàn tất,” ông Sergei Rudskoi, người đứng đầu chỉ huy bộ phận tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Nga, cho biết trong một bài diễn thuyết.
“Tiềm lực chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Ukraine đã bị giảm đáng kể, điều mà tôi nhấn mạnh một lần nữa, giúp chúng ta có thể tập trung vào các nỗ lực cốt lõi để đạt được để đạt được mục tiêu chính… giải phóng Donbas.”
Tổng thống Vladimir Putin cho biết quân đội Nga đang thực hiện một chiến dịch đặc biệt nhằm phi quân sự hóa và “phi phát xít hóa” Ukraine.
Nga cũng cho biết họ sẽ kiên quyết yêu cầu Ukraine chấp nhận mất Crimea mà Nga đã chiếm giữ vào năm 2014 và công nhận sự độc lập của Donbas, nơi quân ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiến đấu với quân đội Ukraine trong tám năm qua.
Ukraine cho biết họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh nhưng sẽ không đầu hàng hoặc cúi đầu trước các tối hậu thư.
Ông Rudskoi cho biết quân đội Nga đã cân nhắc việc giới hạn hoạt động của mình chỉ ở Donbas nhưng đã chọn mở rộng khắp Ukraine để gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng quân sự của nước này và giữ chân các lực lượng để ngăn họ củng cố ở phía đông.
Ông nói, Nga không loại trừ việc tấn công các thành phố, nhưng khi quân đội của họ hoàn thành nhiệm vụ thì “lực lượng và nguồn lực của chúng tôi sẽ tập trung vào việc chính – giải phóng hoàn toàn Donbass.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Cựu Tổng thống Nga Medvedev: Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không làm Điện Kremlin nao núng
Thật là “ngờ nghệch” khi tin rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các doanh nghiệp Nga có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đối với chính quyền Moscow, cựu tổng thống Nga kiêm phó chủ tịch hội đồng an ninh Dmitry Medvedev cho biết hôm thứ Sáu (25/03).
Ông Medvedev nói với hãng thông tấn RIA của Nga trong một cuộc phỏng vấn rằng các lệnh trừng phạt sẽ chỉ củng cố xã hội Nga và không khiến công chúng bất mãn với chính quyền.
Phương Tây đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine, nhưng một tháng sau cuộc chiến, Điện Kremlin cho biết họ sẽ tiếp tục cuộc tấn công cho đến khi hoàn thành mục tiêu “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” Ukraine.
Cựu tổng thống Medvedev cho biết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ¾ người Nga ủng hộ quyết định của Điện Kremlin trong việc thực hiện một chiến dịch quân sự ở Ukraine và thậm chí còn ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin hơn nữa.
Ông đả kích những người Nga đã lên tiếng chống lại cuộc xâm lược khi ở bên ngoài nước Nga:
“Quý vị có thể không hài lòng với một số quyết định của chính quyền, chỉ trích các nhà chức trách — điều này là bình thường,” ông nói.
“Nhưng quý vị không thể chống lại nhà nước trong một tình huống khó khăn như vậy, bởi vì đây là hành động phản quốc.”
Tổng thống Putin: Phương Tây đang cố gắng xóa sổ Nga
Hôm thứ Sáu (25/03), Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc phương Tây đang cố gắng xóa sổ nước Nga và người dân Nga.
“Giờ đây họ đang muốn xóa sổ cả một đất nước ngàn năm văn hiến, dân tộc ta. Tôi đang nói về sự phân biệt đối xử ngày càng tăng đối với mọi thứ liên quan đến Nga,” ông Putin nói.
Ông so sánh những nỗ lực bị cáo buộc là cấm các nhà soạn nhạc và đại văn hào của Nga với việc đốt sách ở Đức Quốc Xã trong những năm 1930.
Ông Putin nói: “‘Văn hóa xóa sổ’ tai tiếng đã trở thành một cuộc bãi bỏ văn hóa.”
Dường như ông cũng so sánh quan điểm của Nga với quan điểm của tác giả Harry Potter, bà J.K. Rowling.
Trước đó nhà văn này đã bị chỉ trích công khai vì quan điểm của bà về giới tính.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga cho biết 1,351 binh sĩ đã thiệt mạng ở Ukraine
Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cho biết 1,351 binh sĩ Nga đã thiệt mạng ở Ukraine.
Trung tướng Sergei Rudskoi cũng cho biết hôm thứ Sáu (25/03) rằng 3,825 người đã bị thương.
Hôm thứ Tư (23/03), NATO ước tính rằng có 7,000 đến 15,000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong bốn tuần chiến tranh ở Ukraine.
Con số của Nga dường như không bao gồm lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn đang chiến đấu ở miền đông Ukraine, và không rõ liệu con số này có bao gồm các lực lượng Nga không thuộc Bộ Quốc phòng, chẳng hạn như Vệ binh Quốc gia, hay không.
Tổng thống Biden thăm quân đội Hoa Kỳ ở Ba Lan, sẽ gặp người Ukraine
Hôm thứ Sáu (25/03), Tổng thống Joe Biden đã đến thăm quân đội Hoa Kỳ đóng quân gần biên giới của Ba Lan với Ukraine và trực tiếp chứng kiến phản ứng nhân đạo ngày càng lớn đối với hàng triệu người Ukraine đang chạy sang Ba Lan để thoát khỏi cuộc xung đột ở Ukraine.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden là các thành viên của Sư đoàn Dù số 82 của Quân đội Hoa Kỳ. Ông sẽ đến thăm một tiệm cắt tóc và cơ sở ăn uống được thiết lập cho quân đội, nơi ông ngồi và ăn pizza cùng các quân nhân. Các quân nhân Mỹ đang ngồi ăn cùng binh lính Ba Lan.
Ông đến đã phi trường vào chiều hôm thứ Sáu (25/03) ở Rzeszow, thành phố lớn nhất thuộc miền đông nam Ba Lan, nơi đóng quân của một số binh lính Hoa Kỳ.
Nga bác bỏ suy đoán về vàng dự trữ giữ ở hải ngoại
Hôm thứ Sáu (25/03), Ngân hàng Trung ương Nga đã bác bỏ suy đoán của giới truyền thông rằng vàng dự trữ đã được đưa ra khỏi đất nước và đang được giữ ở hải ngoại.
Để ứng phó với việc các nhà chức trách Hoa Kỳ và EU ám chỉ việc có thể áp các biện pháp trừng phạt vào vàng của Nga, cơ quan quản lý Nga tuyên bố trên trang web của mình, “tất cả vàng từ kho dự trữ ngoại hối và vàng của chúng tôi đều nằm trong kho của Ngân hàng Trung ương Nga trên lãnh thổ của đất nước chúng ta.”
Tòa Bạch Ốc: Hoa Kỳ sẽ không sử dụng vũ khí hóa học ‘trong bất kỳ trường hợp nào’
Hôm 25/03, một quan chức hàng đầu Hoa Kỳ cho biết Mỹ không có kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học ngay cả khi Nga sử dụng chúng ở Ukraine.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên trên Không Lực Một khi trên đường bay đến Âu Châu: “Nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học thì họ sẽ phải trả giá đắt cho việc đó.”
Ông Sullivan nói thêm, “Tôi sẽ không đi xa hơn điều đó ngoài việc nói rằng Hoa Kỳ không có ý định sử dụng vũ khí hóa học, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chấm hết.”
Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ hoặc NATO sẽ đáp trả nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin khai triển vũ khí hóa học.
Nga tăng thuế xuất cảng ngũ cốc
Bộ Nông nghiệp Nga cho biết thuế đối với lúa mì xuất cảng của Nga sẽ tăng từ 86.4 USD/tấn lên 87 USD trong thời gian từ ngày 30/03-05/04/2022.
Theo tuyên bố, thuế xuất cảng đối với lúa mạch và ngô sẽ lần lượt lên tới 75.6 USD và 58.3 USD/tấn.
Ký giả bị thương Benjamin Hall của Fox News đã được chuyển từ Ukraine đến bệnh viện Texas
Ký giả Benjamin Hall của Fox News, người bị thương ở Ukraine, đang hồi phục sau một số cuộc phẫu thuật tại một cơ sở y tế quân sự ở Texas, giám đốc điều hành của công ty xác nhận hôm thứ Sáu (25/03).
Giám đốc điều hành Suzanne Scott cho biết trong một tuyên bố, “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và lo lắng về anh Benjamin Hall, vì vậy tôi muốn chia sẻ thông tin cập nhật ngắn gọn với mọi người. Hôm qua Ben đã được chuyển từ Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl ở Đức đến Trung tâm Y tế Quân đội Brooke (BAMC), đặt tại Căn cứ Liên hợp San Antonio-Fort Sam Houston, Texas.”
“BAMC là một cơ sở y tế quân sự hàng đầu và Ben đang được chăm sóc chu đáo trong khi anh ấy tiếp tục hồi phục sau những vết thương nghiêm trọng sau nhiều cuộc phẫu thuật,” bà tiếp tục cho biết trong tuyên bố của mình, được đưa ra hơn một tuần sau khi anh Hall bị thương trong một cuộc tấn công gần Kyiv.
Các quan chức Ukraine đã cáo buộc rằng quân đội Nga phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công, khiến một phóng viên nhiếp ảnh của Fox News và một ký giả địa phương thiệt mạng. Cô Oleksandra “Sasha” Kuvshinova và nhiếp ảnh gia Pierre Zakrzewski sau đó được xác nhận là hai người thiệt mạng trong vụ việc này.
Tổng thống Erdogan cho biết Ukraine và Nga dường như đang đạt được tiến triển trong bốn vấn đề đang được đàm phán
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ukraine và Nga dường như đang đạt được tiến triển trong bốn vấn đề đang được đàm phán để chấm dứt chiến tranh nhưng vẫn còn khác biệt về hai vấn đề chính khác.
Trao đổi với các phóng viên khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh NATO vào cuối ngày thứ Năm (24/03), ông Erdogan cho biết Kyiv đã bày tỏ sự sẵn sàng từ bỏ mong muốn gia nhập NATO, sẵn sàng chấp nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức, và cũng có thể chấp nhận “một số nhượng bộ nhất định” liên quan đến việc giải trừ quân bị và “an ninh tập thể”.
Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết Ukraine “không thoải mái lắm” về các yêu cầu của Nga đối với Crimea mà Moscow sáp nhập vào năm 2014 và khu vực phía đông Donbas, nơi Nga đã công nhận các vùng ly khai này là độc lập. Bình luận của ông đã được báo Hurriyet và hãng thông tấn khác của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin hôm thứ Sáu (25/03).
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, đang cố gắng cân bằng các mối quan hệ của mình với cả Ukraine và Nga, tự định vị mình là trung gian hòa giải giữa hai bên. Quốc gia này đã tổ chức một cuộc họp giữa các ngoại trưởng hai nước hồi đầu tháng này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Điện Kremlin: Hoa Kỳ nói về khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học để đánh lạc hướng
Hôm thứ Sáu (25/03), Điện Kremlin cho biết, việc Hoa Kỳ nói Nga có khả năng sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine là một chiến thuật để đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những câu hỏi khó dành cho Hoa Thịnh Đốn.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong một cuộc họp với các phóng viên rằng quân đội sẽ đệ trình các đề nghị lên Tổng thống Vladimir Putin về cách Nga nên tăng cường phòng thủ để ứng phó với việc NATO tăng cường lực lượng ở sườn phía đông.
Ông Peskov cho biết thêm, không có quan điểm chính thức nào về việc liệu Nga có xây dựng lại các thị trấn và thành phố của Ukraine như Mariupol hay không.
Anh: Ukraine đã giành lại các thị trấn phía đông Kyiv
Hôm thứ Sáu (25/03), Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố Ukraine đã giành lại các thị trấn và các vị trí phòng thủ cách Kyiv xa nhất là 35 km (21 dặm) về phía đông, do quân đội Nga phải đối mặt với các đường tiếp tế bị quá tải.
EU phản đối quyết định bán khí đốt bằng đồng rúp của Nga
Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết Brussels sẽ không cho phép Moscow khống chế các lệnh trừng phạt bằng cách yêu cầu các nước EU trả tiền cho dầu và khí đốt của Nga bằng đồng rúp.
Bình luận này được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố vào ngày hôm trước rằng các khoản thanh toán cho xuất cảng khí đốt tới các quốc gia ‘không thân thiện’ sẽ được chuyển sang đồng rúp.
Qatar nói thay thế khí đốt của Nga là việc không thể
Bộ trưởng Năng lượng Qatar, Saad al-Kaabi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNN hôm thứ Năm (24/03) rằng “không thể thay thế khí đốt tự nhiên của Nga trên thị trường Âu Châu.
Điện Kremlin tuyên bố ‘sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra’ nếu Nga bị trục xuất khỏi G-20
Hôm thứ Sáu (25/03), Điện Kremlin cho biết sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra nếu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ thành công trong việc trục xuất Nga khỏi Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20), vì dù sao thì nhiều thành viên của G-20 cũng đang có chiến tranh kinh tế với Moscow.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đang bình luận về nhận xét của Tổng thống Joe Biden, người nói rằng ông ủng hộ việc Nga bị loại khỏi G-20 sau khi nước này điều hàng chục ngàn quân vào Ukraine.
“Thể thức G20 rất quan trọng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, khi hầu hết các bên tham gia đang trong tình trạng chiến tranh kinh tế với chúng ta, sẽ không có gì khủng khiếp xảy ra,” ông Peskov nói với các phóng viên khi trả lời câu hỏi về khả năng Nga bị trục xuất.
Ông Peskov cho biết thế giới đa dạng hơn nhiều so với Hoa Kỳ và Âu Châu, đồng thời dự đoán rằng những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm cô lập Moscow, mà theo ông là cho đến nay chỉ có hiệu quả một phần, sẽ thất bại.
Ông cho biết một số quốc gia đang áp dụng một cách tiếp cận đúng mức hơn với Nga và không cắt đứt mối liên hệ với nước này và Moscow sẽ xây dựng các định hướng chính sách mới trong tất cả các lĩnh vực.
Nga áp đặt hạn chế đối với tài sản của các quốc gia ‘không thân thiện’
Hôm thứ Sáu (25/03), Ngân hàng Trung ương Nga đã áp đặt các hạn chế đối với việc chuyển tiền tới các quốc gia có các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga liên quan đến hoạt động quân sự của nước này ở Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov: Nga đang đối mặt với ‘cuộc chiến tranh toàn diện’ từ phương Tây
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Nga đang phải đối mặt với cuộc chiến toàn diện do phương Tây bắt đầu.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết tại một cuộc họp hôm thứ Sáu (25/03) rằng, “Hôm nay chúng ta đã bị tuyên chiến, một cuộc chiến tranh hỗn hợp thực sự, một cuộc chiến tranh tổng lực.” Ông cho biết mục tiêu là “phá hủy, phá vỡ, hủy diệt, bóp nghẹt nền kinh tế Nga và toàn bộ nước Nga.”
Trong tháng đầu tiên mà Nga mô tả là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine, phương Tây đã áp đặt các biện pháp cứng rắn nhằm vào nền kinh tế và hệ thống tài chính của Nga cũng như Tổng thống Vladimir Putin và các nhà tài phiệt Nga.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định Nga không bị cô lập.
Ông Lavrov nói: “Chúng tôi có nhiều bạn bè, đồng minh, đối tác trên thế giới, một số lượng lớn các hiệp hội mà Nga đang hợp tác với các quốc gia ở tất cả các châu lục và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy.” Ông nói thêm rằng đại đa số các quốc gia sẽ không tham gia chính sách trừng phạt của phương Tây đối với Nga.
Đại sứ Nga đệ đơn kiện nhật báo Ý vì bài báo thảo luận về sát hại ông Putin
Hôm thứ Sáu (25/03), Đại sứ Nga tại Ý Sergey Razov cho biết, ông đang kiện tờ báo La Stampa của Ý về một bài báo nói về khả năng sát hại Tổng thống Vladimir Putin.
“Khỏi phải nói, điều này đi ngược lại các quy tắc của báo chí và đạo đức,” ông Razov nói với các phóng viên trước văn phòng công tố ở Rome sau khi ông đệ đơn kiện.
Hôm 22/03, La Stampa đã xuất bản một bài phân tích với nhan đề “Nếu hạ sát bạo chúa là lựa chọn duy nhất.” Bài báo cho biết nếu tất cả các lựa chọn khác không ngăn chặn được cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, thì giải pháp duy nhất là ai đó sẽ sát hại vị tổng thống này.
Nói chuyện thông qua một phiên dịch viên, ông Razov cho biết đơn kiện của ông cáo buộc tờ báo này đang khuyến khích và dung túng cho một tội ác.
La Stampa đã không hồi đáp ngay yêu cầu bình luận.
Thủ tướng Ba Lan cho biết có ba nước EU sẽ không cắt đứt quan hệ thương mại với Nga
Hôm thứ Sáu (25/03), Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nêu tên ba quốc gia Âu Châu – Đức, Áo, và Hungary – phản đối việc ngăn cấm quan hệ thương mại với Nga, và đã hành động như “những chiếc phanh” liên quan đến các lệnh trừng phạt nhằm đáp trả cuộc tấn công của nước này vào Ukraine.
Chính quyền thành phố Mariupol: 300 người thiệt mạng trong cuộc không kích vào nhà hát
Chính quyền thành phố Mariupol của Ukraine tuyên bố có 300 người đã thiệt mạng trong cuộc không kích của Nga vào một nhà hát được sử dụng làm nơi trú bom hôm 16/03.
Bài đăng hôm thứ Sáu (25/03) trên kênh Telegram của chính quyền thành phố dẫn lời các nhân chứng cho biết tổng số người thiệt mạng là “khoảng 300”. Hiện vẫn chưa rõ liệu các nhân viên cấp cứu đã hoàn thành việc khai quật hiện trường hay chưa hay các nhân chứng đã đi đến kết luận về số người thiệt mạng nói trên như thế nào.
Khi nhà hát bị tấn công, một dòng chữ lớn có nội dung “TRẺ EM” được dán bên ngoài bằng tiếng Nga, để có thể nhìn thấy từ bầu trời phía trên.
Ngay sau cuộc không kích, ủy viên nhân quyền của Nghị viện Ukraine Ludmyla Denisova cho biết hơn 1,300 người đã trú ẩn trong tòa nhà này.
Chính quyền thành phố Mariupol: Đảng chính trị chính của Điện Kremlin mở một văn phòng chính trị tại trung tâm mua sắm
Chính quyền thành phố Mariupol cho biết đảng chính trị chính của Điện Kremlin đã mở một văn phòng chính trị tại một trung tâm mua sắm ở khu vực ngoại ô của thành phố bị bao vây này.
Theo bài đăng trên kênh Telegram của thành phố, văn phòng Nước Nga Thống Nhất đang phân phát tài liệu quảng cáo cũng như thẻ điện thoại di động cho một nhà mạng hoạt động tại các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở gần đó.
Tất cả các đường dây liên lạc của Mariupol đã bị cắt đứt kể từ khi cuộc bao vây bắt đầu hồi đầu tháng Ba.
Các nhà lãnh đạo EU cho biết yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Nga vi phạm hợp đồng
Lời đe dọa của Tổng thống Vladimir Putin về việc các quốc gia “không thân thiện” chỉ trả tiền cho xuất cảng khí đốt tự nhiên của Nga bằng đồng rúp kể từ khi thông báo đã nhận được phản hồi không mấy thân thiện từ các quốc gia Liên minh Âu Châu.
Một số nhà lãnh đạo EU đã lên tiếng nói rằng đó sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng đối với các hợp đồng của họ. Từ Thủ tướng Đức Olaf Scholz đến Thủ tướng Ý Mario Draghi, họ đều nói rằng họ sẽ không đáp ứng những yêu cầu như vậy.
Mối đe dọa từ Nga là rất lớn vì EU nhập cảng 90% lượng khí đốt tự nhiên dùng để sản xuất điện, sưởi ấm cho các gia đình, và làm nhiên liệu cho ngành công nghiệp, mà Nga thì lại cung cấp gần 40% lượng khí đốt cho EU.
Các nhà kinh tế cho rằng một hành động như vậy dường như được đưa ra nhằm cố gắng hỗ trợ đồng rúp, đồng tiền đã sụt giảm so với các đồng tiền khác kể từ khi Nga xâm lược Ukraine và các nước phương Tây đáp trả bằng các lệnh trừng phạt chống lại Moscow.
Mỹ và EU ký thỏa thuận LNG trong bối cảnh Âu Châu tìm cách cắt giảm khí đốt của Nga
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã công bố một quan hệ đối tác mới nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Âu Châu vào năng lượng của Nga. Các quan chức hàng đầu cho rằng đây là bước khởi đầu của một sáng kiến sẽ kéo dài nhiều năm nhằm cô lập Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine.
Tổng thống Joe Biden hôm thứ Sáu (25/03) khẳng định rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sử dụng năng lượng để “ép buộc và thao túng các nước láng giềng của mình” và sử dụng lợi nhuận từ các thương vụ này để “điều khiển cỗ máy chiến tranh của mình.”
Tổng thống Biden cho biết mối quan hệ đối tác mà ông đã công bố cùng Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen sẽ đảo ngược nỗ lực của ông Putin bằng cách giảm sự phụ thuộc của Âu Châu vào các nguồn năng lượng của Nga, cũng như nhu cầu về khí đốt của châu lục này nói chung.
Theo kế hoạch, Hoa Kỳ và các quốc gia khác sẽ tăng xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng sang Âu Châu thêm 15 tỷ mét khối trong năm nay. Các lô hàng lớn hơn nữa sẽ được giao trong tương lai.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Thủ tướng Anh Johnson: Có bằng chứng cho thấy Nga đang cố gắng né tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vàng
Hôm thứ Năm (24/03), Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết có bằng chứng cho thấy Nga đang cố gắng né tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng lượng vàng dự trữ của mình.
“Có bằng chứng cho thấy người Nga có thể đang cố gắng né tránh – người Nga rõ ràng sẽ cố gắng né tránh – các biện pháp trừng phạt đối với vàng của họ và chúng tôi đang thực hiện các bước để cố gắng bảo đảm rằng không có lỗ hổng, không có thỏi vàng nào được bán vào các thị trường trên thế giới,” ông Johnson nói với các phóng viên tại Brussels.
Phần Lan tạm ngừng các chuyến tàu đến St. Petersburg
Công ty đường sắt quốc gia của Phần Lan cho biết họ sẽ tạm ngừng các dịch vụ giữa Helsinki và thành phố St. Petersburg của Nga từ cuối tuần này (26-27/03), đóng cửa một trong những tuyến giao thông công cộng cuối cùng cho những người Nga nào muốn đến Liên minh Âu Châu.
Trích dẫn các lệnh trừng phạt đối với Nga, người đứng đầu bộ phận vận chuyển hành khách của tập đoàn quốc doanh Topi Simola VR, nói rằng “những người muốn rời khỏi Nga đã có đủ thời gian để rời đi.”
Chỉ có chuyến tàu buổi sáng từ Helsinki đến St. Petersburg sẽ hoạt động vào Chủ Nhật trong khi chuyến tàu buổi chiều sẽ bị hủy. Cả hai tuyến từ St. Petersburg sẽ được khai thác. Sau đó, các chuyến tàu sẽ bị tạm ngừng cho đến khi có thông báo mới.
VR cho biết khách hàng có thể hủy vé miễn phí.
Điện Kremlin cho biết chủ câu lạc bộ Chelsea đóng vai trò ban đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine
Hôm thứ Năm (24/03), Điện Kremlin cho biết tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã đóng một vai trò ban đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, nhưng tiến trình này hiện đang nằm trong tay các nhóm đàm phán của hai bên.
Ông Abramovich đã được Ukraine nhờ giúp làm người hòa giải.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Ông ấy đã tham gia ở giai đoạn đầu. Giờ đây các cuộc đàm phán là giữa hai bên, người Nga và người Ukraine.”
Trong nỗ lực buộc Tổng thống Vladimir Putin phải lùi bước về vấn đề Ukraine, phương Tây đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các tỷ phú Nga như ông Abramovich, các công ty Nga cũng như các quan chức Nga.
Nga nói rằng phản ứng của phương Tây cho thấy họ vừa đồi bại vừa lừa lọc và đã thẳng thừng cảnh báo rằng cuộc thử nghiệm sau năm 1991 trong việc hướng về phương Tây đã kết thúc.
Là một nhà giao dịch cổ phiếu hàng hóa, ông Abramovich đã mua lại cổ phần của công ty dầu khí Sibneft, nhà sản xuất nhôm Rusal, và hãng hàng không Aeroflot mà sau đó ông đã bán đi.
Dưới thời ông Putin, ông Abramovich từng là thống đốc vùng Bắc Cực hẻo lánh Chukotka ở Viễn Đông nước Nga trước khi mua lại Câu lạc bộ Bóng đá Chelsea vào năm 2003.
Ông Abramovich đã bị Anh, Liên minh Âu Châu, và Canada trừng phạt, ngoại trừ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, một số doanh nhân Nga cho rằng phương Tây thật ngây thơ nếu họ tin rằng những tỷ phú như ông Abramovich có thể gây ảnh hưởng đến Điện Kremlin về các vấn đề địa chính trị.
Đức giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga
Bộ trưởng Kinh tế Đức cho biết đất nước ông đã đạt được được các hợp đồng với các nhà cung cấp mới cho phép nước này giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than, khí đốt, và dầu của Nga trong những tuần tới.
Hôm thứ Sáu (25/03), ông Robert Habeck nói với các phóng viên tại Berlin rằng dầu của Nga sẽ chiếm khoảng 25% nhập cảng của Đức trong những tuần tới, giảm từ mức khoảng 35% hiện nay.
Ông Habeck cho biết nhập cảng than của Nga sẽ giảm một nửa từ khoảng 50% tổng số than của Đức xuống còn 25% trong những tuần tới.
Ông cho biết Đức cũng hy vọng có thể trở nên gần như hoàn toàn độc lập với khí đốt của Nga vào giữa năm 2024. Để làm được điều này, chính phủ đã bảo đảm việc sử dụng ba bến “nổi” có khả năng chuyển LNG lại thể khí khi tàu đưa vào và đang nỗ lực xây dựng các bến LNG cố định để nhập cảng dài hạn.
Nga cáo buộc Ba Lan phá hủy mối quan hệ song phương với việc trục xuất, thề đáp trả mạnh mẽ
Hôm thứ Năm (24/03), Nga cáo buộc Ba Lan cố gắng phá hủy quan hệ song phương bằng cách trục xuất 45 nhà ngoại giao của nước này, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả mạnh mẽ.
Đại sứ Nga cho biết Ba Lan, quốc gia cho biết hôm thứ Tư (23/03) rằng họ sẽ trục xuất các nhà ngoại giao vì nghi ngờ làm việc cho tình báo Nga, cũng đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết việc trục xuất là “một bước đi có chủ đích tiến tới sự hủy diệt cuối cùng của quan hệ song phương, điều mà các ‘đối tác’ Ba Lan của chúng ta đã thực hiện một cách có hệ thống trong một thời gian dài.”
Họ cho biết thêm: “Nga sẽ không bỏ qua cuộc tấn công thù địch này mà không có sự đáp trả, vốn sẽ khiến những kẻ khiêu khích người Ba Lan ngẫm nghĩ và khiến họ bị tổn thất.”
Nga hôm thứ Tư đã lên án điều mà nước này gọi là một đề nghị liều lĩnh của thành viên NATO Ba Lan về việc cử các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế có vũ trang tới Ukraine.
Đại sứ Nga tại Warsaw Sergey Andreev cho biết các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán đã bị phong tỏa trên cơ sở chúng có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: “Tôi chỉ có thể nói một cách chung chung rằng chúng tôi đang giải quyết việc phong tỏa các quỹ của Liên bang Nga.”
Hungary từ chối lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Tổng thống Zelensky
Hôm thứ Sáu (25/03), Thủ tướng Hungary đã từ chối lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng như ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.
Thủ tướng Viktor Orban cho biết trong một video đăng trên mạng xã hội rằng các yêu cầu của ông Zelensky “đi ngược lại lợi ích của Hungary”, và các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga “có nghĩa là nền kinh tế Hungary sẽ chậm lại và sau đó nhanh chóng dừng lại.”
Lời từ chối này được đưa ra sau khi ông Zelensky hôm thứ Năm (24/03) trình bày tại một cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Brussels, khi ông đặc biệt hướng tới ông Orban, người được nhiều người coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong EU.
“Nghe này, Viktor, anh có biết điều gì đang diễn ra ở Mariupol không?” ông Zelensky nói. “Tôi muốn cởi mở một lần cuối cùng — anh nên tự quyết định anh ủng hộ ai.”
Hungary, quốc gia duy nhất trong số các nước EU có biên giới với Ukraine, đã từ chối cung cấp vũ khí cho nước láng giềng và từ chối cho phép các chuyến hàng vũ khí quá cảnh biên giới của mình để vào Ukraine.
Hôm thứ Sáu (25/03), ông Orban nói rằng 85% khí đốt của Hungary và hơn 60% dầu của nước này đến từ Nga, và việc chặn xuất cảng năng lượng của Nga sẽ buộc người Hungary phải “trả giá cho cuộc chiến này”.
Người đứng đầu NATO cho biết việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân ‘sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của chiến tranh’
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng bất kỳ việc sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân nào “sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc chiến ở Ukraine. Đó sẽ là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Ông Stoltenberg đã trình bày trong chuyến thăm tới cuộc diễn tập Phản Ứng Lạnh đã được lên kế hoạch từ lâu ở Na Uy, quê hương ông và gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là “một thời điểm bước ngoặt”.
Cuộc tập trận diễn ra ở phía đông nam, vùng trung tâm, và phía bắc Na Uy này có khoảng 30,000 quân từ 27 quốc gia. Các thành viên không thuộc NATO là Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia. Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 14/03 và kết thúc vào ngày 01/04.
Cuộc tập trận Phản Ứng Lạnh đầu tiên được tổ chức vào năm 2006. Nó được tiến hành hai năm một lần.
Nga bắn hỏa tiễn vào đơn vị quân đội Ukraine
Cuối ngày thứ Năm (24/03), quân đội Nga đã bắn hai hỏa tiễn nhằm vào một đơn vị quân đội Ukraine ở ngoại ô Dnipro, thành phố lớn thứ tư của nước này, các dịch vụ khẩn cấp khu vực cho biết.
Các cuộc tấn công đã phá hủy các tòa nhà và gây ra hai đám cháy, trong khi số người thiệt mạng và bị thương vẫn đang được xác định.
Dnipro nằm ở phía tây của các vùng dọc theo biên giới Nga bị lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn kiểm soát kể từ năm 2014.
Tổng thống Zelensky thỉnh cầu các nhà lãnh đạo EU nhanh chóng cho phép Ukraine trở thành thành viên
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn các nhà lãnh đạo EU đã làm việc cùng nhau để hỗ trợ Ukraine và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, bao gồm cả quyết định của Đức trong việc ngăn chặn Nga cung cấp khí đốt tự nhiên cho Âu Châu thông qua đường ống Nord Stream 2 mới.
Nhưng ông than thở rằng các bước này không được thực hiện sớm hơn, nói rằng nếu như vậy thì có khả năng Nga sẽ cân nhắc kỹ về việc xâm lược.
Sau đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo EU, những người đã tập trung tại Brussels hôm thứ Năm (24/03), nhanh chóng giải quyết đơn xin gia nhập khối của Ukraine. “Tôi thỉnh cầu các vị đừng chậm trễ,” ông Zelensky nói qua video từ Kyiv. “Đối với chúng tôi, đây là một cơ hội.”
Sau đó, ông liệt kê 27 quốc gia thành viên, lưu ý những quốc gia mà ông nói là “ủng hộ chúng tôi.” Ông đã kêu gọi Đức và đặc biệt là Hungary không ngăn chặn nỗ lực gia nhập khối của Ukraine.
Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu lên án Nga vì cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết quy trách nhiệm cho Nga vì đã gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và bảo vệ hàng triệu dân thường cũng như nhà cửa, trường học, và bệnh viện thiết yếu đối với sự sống còn của họ.
Cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm (24/03) về nghị quyết này cho ra kết quả 140–5 với chỉ Belarus, Syria, Bắc Hàn, và Eritrea cùng Nga phản đối biện pháp này. Có 38 phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc.
Nghị quyết lên án các cuộc pháo kích, không kích, và “sự bao vây” của Nga đối với các thành phố đông dân cư, bao gồm cả thành phố phía nam Mariupol, đồng thời yêu cầu tiếp cận viện trợ nhân đạo không bị cản trở.
Cuộc bỏ phiếu gần như giống với cuộc bỏ phiếu cho nghị quyết ngày 02/03 mà hội đồng đã thông qua yêu cầu Nga lập tức ngừng bắn và rút toàn bộ lực lượng của mình, đồng thời yêu cầu bảo vệ tất cả dân thường và cơ sở hạ tầng không thể thiếu cho sự sống còn của họ. Cuộc bỏ phiếu đó đã có kết quả 141–5 với 35 phiếu trắng.
Nga cung cấp lối đi an toàn cho các tàu bị mắc cạn
Quân đội Nga cho biết họ sẽ cung cấp lối đi an toàn cho các tàu ngoại quốc bị mắc cạn tại các cảng của Ukraine.
Hôm thứ Năm (24/03), Đại tướng Mikhail Mizintsev cho biết Nga đang đề nghị cho phép các tàu ngoại quốc đến tập trung ở Biển Đen cách cảng Illichivsk 20 dặm (32 km) về phía đông nam và sau đó đi men theo một con đường “hành lang nhân đạo” dài 80 dặm (129 km) đến nơi an toàn. Ông nói thêm rằng tuyến đường an toàn này sẽ mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối theo giờ Moscow (5 giờ sáng đến 4 giờ chiều giờ GMT) bắt đầu từ hôm thứ Sáu (25/03).
Ông nói rằng 67 tàu từ 15 quốc gia đã bị mắc cạn tại các cảng của Ukraine. Ông Mizintsev cáo buộc những con tàu đó đã không thể rời đi do mối đe dọa từ các cuộc pháo kích của Ukraine và sự hiện diện của các loại thủy lôi do quân đội Ukraine khai triển.
Quân đội Ukraine tuyên bố phá hủy một tàu chiến lớn của Nga
Một tàu đổ bộ của Nga đã bị phá hủy và hai tàu khác bị hư hỏng tại thành phố cảng Berdyansk của Ukraine, theo các quan chức Ukraine.
Hôm 24/03, quân đội Ukraine đăng một đoạn video tuyên bố lực lượng của họ đã phá hủy tàu Orsk.
“Tàu đổ bộ lớn Orsk của Hạm đội Biển Đen của quân chiếm đóng đã bị phá hủy ở cảng Berdyansk do Nga chiếm giữ,” hải quân Ukraine cho biết trên Facebook.
Quân đội Nga chưa đưa ra bình luận công khai để đáp lại và The Epoch Times không thể xác minh ngay tuyên bố đó.
Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, đầu tuần này (21-27/03), các lực lượng vũ trang Nga xác nhận rằng con tàu đã cập cảng Berdyansk, một thành phố cảng trên Biển Đen, để khai triển các thiết bị quân sự.
Nga đã kiểm soát Berdyansk kể từ ngày 27/02.
Tổng thống Biden không loại trừ trường hợp Ukraine nhượng bộ lãnh thổ
Hôm thứ Năm (24/03), Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên tại trụ sở NATO rằng nếu Ukraine muốn từ bỏ bất kỳ lãnh thổ nào để đàm phán chấm dứt xung đột với Nga, thì đó là lựa chọn của chính họ mà Hoa Thịnh Đốn sẽ tôn trọng.
Đó là “một quyết định hoàn toàn dựa vào Ukraine,” ông Biden nói khi trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có cần phải nhượng lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào để có được một lệnh ngừng bắn với Nga hay không.
Đồng minh Belarus của Nga cảnh báo về Đệ tam Thế chiến
Lãnh đạo Belarus đã cảnh báo rằng đề nghị của Ba Lan về việc khai triển lực lượng gìn giữ hòa bình của phương Tây ở Ukraine có thể kích hoạt Đệ tam Thế chiến.
Tổng thống Alexander Lukashenko hôm thứ Năm (24/03) đã chỉ ra lời đề nghị được đưa ra vào tuần trước của Ba Lan về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình, nói rằng “nó sẽ có nghĩa là Đệ tam Thế chiến.”
“Tình hình rất nghiêm trọng và rất căng thẳng,” ông nói thêm.
Bình luận của ông Lukashenko diễn ra sau lời cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin từ thuở đầu của cuộc xâm lược Ukraine rằng bất kỳ sự can thiệp nào của ngoại quốc vào hành động quân sự của Moscow sẽ gây ra phản ứng tức thì của Nga, dẫn đến “hậu quả mà quý vị chưa từng thấy trong lịch sử của mình”. Vài ngày sau khi bắt đầu cuộc xâm lược, ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga vào trạng thái trong nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt.
Tổng thống Biden muốn Nga bị loại khỏi G-20
Tổng thống Joe Biden nói rằng ông muốn Nga bị loại khỏi G-20.
Ông Biden đã đưa ra bình luận trên trong cuộc họp báo hôm thứ Năm (24/03) tại Brussels sau một loạt các cuộc họp khẩn cấp của NATO về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. G-20, hay Nhóm 20, là một diễn đàn liên chính phủ của 19 quốc gia và Liên minh Âu Châu làm việc về các vấn đề lớn toàn cầu. Ông cho biết ông đã nêu ra vấn đề này hôm thứ Năm (24/03) với các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Tổng thống Biden nói rằng ông muốn Nga bị loại khỏi nhóm, nhưng nếu Indonesia hoặc các quốc gia khác không đồng ý, ông sẽ yêu cầu các nhà lãnh đạo Ukraine được phép tham gia các cuộc họp.
Cùng ngày, Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây đã cam kết các biện pháp trừng phạt và viện trợ nhân đạo mới để đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Tuy nhiên hôm thứ Hai (21/03), phó thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia Dody Budi Waluyo cho biết tại một hội thảo rằng Indonesia luôn giữ lập trường trung lập, nhưng lưu ý nguy cơ chia rẽ về vấn đề này. Ông cho biết Indonesia sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo G-20 để cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Hoa Kỳ chào đón 100,000 người tị nạn Ukraine
Hoa Kỳ sẽ phân bổ 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho Ukraine trong khi chào đón tới 100,000 người tị nạn Ukraine chạy khỏi cuộc xung đột theo một kế hoạch mới được Tòa Bạch Ốc công bố hôm thứ Năm (24/03).
Phó thủ tướng Ukraine: Moscow và Kyiv trao đổi tù nhân dân sự và quân sự
Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine và Nga đã trao đổi tổng cộng 50 tù nhân quân sự và dân sự hôm thứ Năm (24/03).
Bà Vereshchuk cho biết trong một tuyên bố trên mạng xã hội rằng Ukraine đã đổi 10 “quân chiếm đóng bị bắt” lấy 10 quân nhân Ukraine.
Bà cũng tuyên bố rằng Ukraine đã trao trả 11 thủy thủ dân sự Nga mà Ukraine đã cứu từ một con tàu chìm ngoài khơi Odesa, đổi lại 19 thủy thủ dân sự Ukraine từ một tàu tìm kiếm và cứu nạn Ukraine. Con thuyền cũng sẽ được trả lại thông qua Thổ Nhĩ Kỳ, bà nói.
Trước đây đã có tin tức về các cuộc trao đổi tù nhân địa phương ở quy mô nhỏ hơn so với những gì được bà Vereshchuk công bố. Các cuộc trao đổi này bao gồm việc hoán đổi chín binh sĩ Nga cho một thị trưởng Ukraine bị bắt. Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Tư (23/03) cho biết hai vụ hoán đổi tù nhân đã diễn ra nhưng không cung cấp chi tiết về thời điểm xảy ra hoặc những ai có liên quan.
Quan chức Ukraine tuyên bố công dân đang bị ép buộc vào Nga
Ukraine tuyên bố hơn 400,000 công dân của họ đã bị cưỡng ép đưa đến Nga.
Thanh tra viên Ukraine Lyudmyla Denisova cho biết tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm (24/03) rằng người dân Ukraine đã bị quân đội Nga áp giải khỏi Mariupol và các thành phố Ukraine bị bao vây khác. Số lượng bao gồm 84,000 trẻ em. Bà khẳng định trẻ em bị đưa đi trong điều kiện sơ sài với ít thức ăn và nước uống.
Thống đốc vùng Donetsk Pavlo Kyrylenko cũng tuyên bố rằng người Nga đang tịch thu hộ chiếu của người Ukraine và đưa họ đến các trại sàng lọc, nơi các nhân viên cơ quan phản gián thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB) tiến hành kiểm tra an ninh trước khi chuyển họ đến các khu vực xa xôi khác nhau ở Nga.
Ông Kyrylenko tuyên bố rằng cư dân của Mariupol từ lâu đã bị chặn thông tin và người Nga đưa cho họ những tuyên bố sai sự thật về những thất bại của Ukraine để thuyết phục họ chuyển đến Nga.
Hôm thứ Tư (23/03), các quan chức Nga báo cáo rằng hơn 384,000 người Ukraine đã tự nguyện đến Nga để được cung cấp chỗ ở và các khoản thanh toán.
Đức kêu gọi một kế hoạch năng lượng khẩn cấp từ Liên minh Âu Châu
Trước yêu cầu của Tổng thống Nga rằng các quốc gia “không thân thiện” phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng rúp, Hiệp hội các Ngành công nghiệp Nước và Năng lượng Đức (BDEW) đã kêu gọi một thỏa thuận ở cấp Âu Châu về một giao thức khẩn cấp để phản ứng với thông báo của Moscow về cơ chế thanh toán khí đốt mới.
Theo hãng thông tấn Prime, người đứng đầu BDEW Kerstin Andreae cho biết: “Có những dấu hiệu chắc chắn và nghiêm trọng cho thấy chúng ta đang tiến tới tình hình cung cấp khí đốt xấu đi.”
NATO ra tuyên bố vạch rõ kế hoạch ‘sẵn sàng phòng thủ’ Nga
Hôm thứ Năm (24/03), NATO đã đưa ra một tuyên bố dài về học thuyết sẵn sàng phòng thủ chống lại Nga, lên án cuộc xâm lược của Moscow đối với Ukraine “bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể.”
Bản tuyên bố trước thềm hội nghị thượng đỉnh ở Brussels cho biết, “Chúng tôi, những nguyên thủ quốc gia và cũng là những người đứng đầu các chính phủ của 30 đồng minh NATO, đã gặp nhau hôm nay để ứng phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh Âu Châu-Đại Tây Dương trong nhiều thập niên. Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga đối với Ukraine đã phá vỡ hòa bình ở Âu Châu và đang gây ra sự đau khổ và hủy diệt to lớn cho con người.”
Tuyên bố của NATO kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin “ngay lập tức dừng cuộc chiến này” và rút quân khỏi Ukraine, đồng thời thúc giục Nga “kêu gọi Belarus chấm dứt hành động tiếp tay của họ.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Điện Kremlin bác bỏ thông tin Bộ trưởng Quốc phòng Nga mất tích
Điện Kremlin đã bác bỏ các bản tin và suy đoán cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã mất tích trong bối cảnh xung đột kéo dài nhiều tuần ở Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nói với các phóng viên hôm thứ Năm (24/03) rằng ông Shoigu đã không xuất hiện trước công chúng vì ông không có thời gian.
“Hiện tại Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có rất nhiều mối bận tâm. Một chiến dịch quân sự đặc biệt đang được tiến hành,” ông Peskov nói, sử dụng mô tả của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine. “Tất nhiên, giờ không phải là lúc dành cho các hoạt động truyền thông, điều này khá dễ hiểu,” ông nói trước câu hỏi về tình trạng sức khỏe và nơi ở của ông Shoigu.
G-7, Hoa Kỳ công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga
Các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy (G-7) quốc gia có nền kinh tế công nghiệp mạnh nhất đã thông báo rằng họ đang hạn chế Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng vàng trong các giao dịch, trong khi Hoa Kỳ công bố một vòng trừng phạt mới nhắm vào hơn 400 người thuộc giới tinh hoa và thành viên của Duma Quốc gia Nga.
Trước đây, các lệnh trừng phạt đối với giới tinh hoa Nga, Ngân hàng Trung ương nước này, và Tổng thống Vladimir Putin đã không ảnh hưởng đến kho dự trữ vàng của Nga mà ông Putin đã tích lũy trong vài năm. Nga nắm giữ khoảng 130 tỷ USD dự trữ vàng và Ngân hàng Trung ương Nga hôm 28/02 đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục mua vàng trên thị trường kim loại quý trong nước.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào 48 công ty quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước, 328 thành viên Duma (Hạ viện Nga) và hàng chục người trong giới tinh hoa Nga. Duma với tư cách là một tổ chức cũng được nêu tên trong các lệnh trừng phạt mới.
G-7 và Liên minh Âu Châu cũng công bố một nỗ lực mới nhằm chia sẻ thông tin và phối hợp các biện pháp đáp trả nhằm ngăn chặn Nga trốn tránh tác động của các lệnh trừng phạt mà các quốc gia phương Tây đã áp dụng kể từ cuộc xâm lược ngày 24/02.
Anh đưa con gái riêng của vợ ngoại trưởng Nga Lavrov vào danh sách trừng phạt mới
Anh đang trừng phạt thêm 65 công ty và cá nhân do Nga xâm lược Ukraine. Các mục tiêu bao gồm ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga và một người phụ nữ mà chính phủ Anh cho là con gái riêng của vợ Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết vòng trừng phạt mới nhắm vào các ngành chiến lược, ngân hàng, và giới tinh hoa kinh doanh. Trong số các mục tiêu bị trừng phạt có Alfa-Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất của Nga và Alrosa, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới.
Anh cũng nhắm đến tỷ phú Eugene Markovich Shvidler, người có quan hệ mật thiết với chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich và ông Herman Gref, giám đốc điều hành của Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga.
Cô Polina Kovaleva, người được mô tả là con gái riêng của vợ Ngoại trưởng Lavrov, cũng bị trừng phạt khi Anh mở rộng phạm vi trừng phạt để tiếp cận những người có liên quan đến những kẻ chịu trách nhiệm về “cuộc xâm lược của Nga”.
Anh cho biết họ đã trừng phạt hơn 1,000 cá nhân và công ty kể từ cuộc xâm lược. Tất cả các thực thể được nêu tên sẽ bị phong tỏa tài sản ở Anh và các cá nhân sẽ bị cấm đến hoặc đi khỏi Anh.
NATO gia hạn nhiệm kỳ cho Tổng thư ký Stoltenberg thêm một năm do cuộc xâm lược của Nga
Các nhà lãnh đạo NATO đang gia hạn nhiệm kỳ của Tổng thư ký Jens Stoltenberg thêm một năm để giúp lãnh đạo tổ chức quân sự 30 quốc gia này vượt qua cuộc khủng hoảng an ninh do chiến tranh gây ra ở Ukraine.
Ông Stoltenberg đã đăng trên Twitter hôm thứ Năm (24/03) rằng ông “rất vinh dự” trước quyết định gia hạn nhiệm kỳ của các nhà lãnh đạo NATO cho đến ngày 30/09/2023.
Cựu thủ tướng Na Uy được bổ nhiệm vào chức vụ dân sự hàng đầu này của NATO vào tháng 10/2014. Đây là lần thứ hai nhiệm kỳ của ông được gia hạn. Nhiệm kỳ của ông sẽ hết hạn vào tháng 09/2023.
Tổng thống Zelensky kêu gọi thêm viện trợ
Tổng thống Ukraine đã kêu gọi NATO hỗ trợ quân sự cho quốc gia đang gặp khó khăn của ông.
Trong một video trình bày trước hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm (24/03), ông Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine cần “hỗ trợ quân sự không giới hạn”, vì Nga đang “sử dụng toàn bộ kho vũ khí của mình” để tấn công Ukraine.
Ông Zelensky kêu gọi NATO cung cấp cho Ukraine “1% tổng số phi cơ của các vị, 1% tổng số xe tăng của các vị.” “Chúng tôi không thể cứ thế mà mua những thứ đó,” ông Zelensky nói. “Khi chúng tôi có tất cả những thứ này, chúng sẽ cung cấp cho chúng tôi, giống như các vị, 100% an ninh.”
Ukraine cũng đang rất cần các hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng, vũ khí chống hạm, và hệ thống phòng không, ông Zelensky nói. Ông đặt nghi vấn, “Liệu có thể tồn tại trong một cuộc chiến như vậy mà không có những vũ khí này?”
“Có cảm giác như chúng tôi đang trong một vùng xám, giữa phương Tây và Nga, bảo vệ các giá trị chung của chúng ta,” ông Zelensky xúc động nói. “Đây là điều đáng sợ nhất trong một cuộc chiến — không có câu trả lời rõ ràng cho các yêu cầu giúp đỡ.”
Điện Kremlin cho biết hành động trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ mới nhất của Nga là biện pháp bất đắc dĩ
Hôm thứ Năm (24/03), Điện Kremlin cho biết việc trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ mới nhất của Moscow là một biện pháp bất đắc dĩ, sau khi Hoa Thịnh Đốn hồi tháng trước cho biết họ sẽ trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga tại phái bộ Liên Hiệp Quốc của nước này ở New York vì những lo ngại về an ninh quốc gia.
Hôm thứ Tư (23/03), Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đã nhận được danh sách các nhà ngoại giao bị tuyên bố là “nhân vật không được chào đón”, theo những gì truyền thông Nga cho là phản ứng trước hành động của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Iran: Moscow, Tehran đang phát triển mạng lưới thay thế SWIFT
Hôm thứ Năm (24/03), Kazem Jalali, đại sứ Iran tại Nga, cho biết Tehran và Moscow đã hợp tác để kết nối các hệ thống gửi thông tin liên ngân hàng của họ nhằm bỏ qua mạng lưới giao dịch tài chính SWIFT.
‘Chúng tôi sẽ xem ai là bằng hữu,’ Tổng thống Zelensky nói khi các nhà lãnh đạo phương Tây gặp gỡ
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các quốc gia phương Tây đang tập trung tại Brussels hôm thứ Năm (24/03) thực hiện “các bước nghiêm túc” để giúp Kyiv chống lại cuộc xâm lược của Nga, khi lần đầu tiên trong lịch sử ba hội nghị thượng đỉnh của NATO, G-7, và EU diễn ra trong cùng một ngày.
Với mục đích duy trì sự đoàn kết của phương Tây, ngày hội nghị thượng đỉnh sôi nổi này đã khai mạc tại trụ sở NATO ở Brussels.
Trong khi các nhà lãnh đạo hứa sẽ tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, các nhà ngoại giao EU đã hạ thấp kỳ vọng về các lệnh trừng phạt lớn mới đối với Nga và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhắc lại rằng liên minh sẽ không gửi quân hoặc phi cơ đến Ukraine.
“Tại ba hội nghị thượng đỉnh này, chúng tôi sẽ xem ai là bằng hữu, ai là đối tác, và ai là người đã bán đứng và phản bội chúng tôi,” ông Zelensky nói trong một video được đăng vào sáng sớm ngày thứ Năm (24/03).
Ông cho biết ông mong đợi “các bước đi nghiêm túc” từ các đồng minh phương Tây, lặp lại lời kêu gọi lập vùng cấm bay đối với Ukraine và phàn nàn rằng phương Tây đã không cung cấp cho Ukraine phi cơ, hệ thống chống hỏa tiễn hiện đại, xe tăng hoặc vũ khí chống hạm.
Tổng thống Biden, lãnh đạo các nước đồng minh phương Tây khai mạc hội nghị thượng đỉnh thứ nhất trong số ba hội nghị cao cấp về khủng hoảng Ukraine
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới đã khai mạc cuộc họp đầu tiên trong bộ ba hội nghị thượng đỉnh tại Brussels tập trung vào việc gây sức ép buộc Nga chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Thủ đô ngoại giao của Âu Châu này đang tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, cũng như một cuộc họp của Nhóm Bảy (G-7) quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển nhất, và một hội nghị thượng đỉnh của 27 thành viên Liên minh Âu Châu.
Tổng thống Biden sẽ tham dự cả ba cuộc họp, bắt đầu với cuộc họp của NATO.
Tổng thống và các nhà lãnh đạo của các nước NATO khác đã gặp nhau để chụp một bức ảnh kỷ niệm cuộc họp khẩn cấp của họ trước khi bắt đầu cuộc họp, dự kiến sẽ kéo dài trong vài giờ.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã khai mạc cuộc họp hôm thứ Năm (24/03) bằng cách tuyên bố liên minh quyết tâm tiếp tục áp thêm nhiều phí tổn hơn nữa lên Nga.
Điện Kremlin: Bulgaria sẽ phải trả tiền cho khí đốt của Nga bằng đồng rúp, ‘dù họ có muốn hay không’
Hôm thứ Năm (24/03), Moscow đã bàn về những lo ngại của các quốc gia Âu Châu về kế hoạch chuyển các thỏa thuận giao khí đốt từ đồng euro sang đồng rúp.
Đáp lại Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic, người nói rằng quyết định của Moscow sẽ gây ra nhiều vấn đề vì Bulgaria, quốc gia mà qua đó khí đốt được cung cấp cho Serbia và Hungary, không sẵn sàng chuyển sang đồng rúp trong các khoản thanh toán khí đốt, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vấn đề này đã được thông báo và Bulgaria sẽ phải trả bằng rúp “dù họ có muốn hay không.”
Chứng khoán Nga tăng vọt khi giao dịch tiếp tục trở lại sau thời gian nghỉ kéo dài cả tháng
Chứng khoán Nga đã tăng vọt hôm thứ Năm (24/03), trong ngày đầu tiên giao dịch sau gần một tháng sau khi quân đội của họ tiến vào Ukraine, với sự tăng giá trong cổ phiếu hàng hóa bù trừ cho sự sụt giảm của một ngân hàng lớn và hãng hàng không hàng đầu, trong giao dịch biến động được hỗ trợ bởi lời hứa hỗ trợ từ quỹ đầu tư quốc gia.
Hôm 01/03, chính phủ Nga cho biết họ sẽ chuyển tới 1 ngàn tỷ rúp (10.5 tỷ USD) từ Quỹ Đầu tư Quốc gia (NWF) đã tiết kiệm được của họ để mua cổ phiếu của Nga do đợt bán tháo lớn vào tháng trước.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu số tiền đó đã được sử dụng hay chưa và Bộ Tài chính đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận.
Các thị trường đang dần mở cửa trở lại sau khi Tổng thống Vladimir Putin điều quân đội của mình sang nước láng giềng Ukraine cách đây bốn tuần, dẫn đến việc các thủ đô phương Tây áp đặt các biện pháp đáp trả với Moscow.
Tổng thống Zelensky trình bày trước Nghị viện Thụy Điển
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mời Thụy Điển giúp xây dựng lại đất nước của mình khi ông đánh dấu tròn một tháng diễn ra cuộc xâm lược của Nga trong một bài diễn văn trước Nghị viện Thụy Điển.
“Giờ đã là một tháng rồi,” ông Zelensky nói trong một bài diễn văn qua liên kết video hôm thứ Năm (24/03). “Chúng tôi chưa từng thấy sự tàn phá nào ở quy mô này kể từ Đệ nhị Thế chiến.”
Ông kêu gọi “các công ty và chính phủ Thụy Điển hãy đến xây dựng lại” Ukraine.
Bài diễn văn của ông đã được phát trực tiếp trước các thành viên của Nghị viện Thuỵ Điển – Riksdagen 349 ghế – nơi đã dành cho ông sự hoan nghênh nhiệt liệt.
Đại sứ Nga cho biết Ba Lan đã chặn các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga
Hôm thứ Năm (24/03), Đại sứ Nga tại Warsaw cho biết Ba Lan đã phong tỏa các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán Nga trên cơ sở chúng có thể được sử dụng để tài trợ cho hoạt động khủng bố hoặc rửa tiền.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Đại sứ Sergey Andreev cho biết trên kênh truyền hình nhà nước Channel 1 của Nga: “Các tài khoản của chúng tôi đã bị phong tỏa theo quyết định của bộ tài chính và sau đó là một quyết định của công tố viên Ba Lan.”
Ông cho biết lý do được đưa ra cho hành động này là “tiền từ tài khoản của chúng tôi bị cáo buộc có thể được sử dụng để rửa tiền thu được bất hợp pháp hoặc tài trợ cho hoạt động khủng bố.”
Hôm thứ Tư (23/03), Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết họ đã trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga bị tình nghi làm việc cho tình báo Nga. Nga gọi cáo buộc này là vô căn cứ.
Khi được hỏi về việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga và liệu quỹ của Đại sứ quán Nga có bị phong tỏa không, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết hôm thứ Năm (24/03): “Tôi chỉ có thể nói một cách chung chung rằng chúng tôi đang giải quyết việc phong tỏa quỹ của Liên bang Nga.”
Mối quan hệ giữa Nga và các nước Trung Âu từng là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của họ từ lâu đã trở nên căng thẳng nhưng cuộc xung đột Ukraine đã làm gia tăng đáng kể sự hoang mang và nghi ngờ về ý định của Moscow.
Nga đã gửi hàng chục ngàn quân vào Ukraine từ hôm 24/02 trong cái mà họ gọi là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và loại bỏ những người mà họ gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
Thị trường chứng khoán Nga tiếp tục giao dịch ở mức hạn chế
Thị trường chứng khoán Nga đã tiếp tục giao dịch ở mức hạn chế dưới những giới hạn nghiêm ngặt, gần một tháng sau khi giá lao dốc và thị trường đóng cửa sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Giao dịch một số lượng hạn chế các cổ phiếu bao gồm cả những đại công ty năng lượng Gazprom và Rosneft đã diễn ra dưới sự kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lặp lại của đợt bán tháo lớn diễn ra vào ngày 24/02 do nhà đầu tư kỳ vọng có các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây. Người ngoại quốc không thể bán và các nhà giao dịch bị cấm bán khống, hoặc giá đặt cược sẽ giảm. Chỉ số MOEX chuẩn đã tăng 8% trong những phút giao dịch đầu tiên.
Thủ tướng Anh Johnson cáo buộc ông Putin vượt qua ‘lằn ranh đỏ’
Các nhà lãnh đạo NATO từ chối loại trừ khả năng đáp trả Nga nếu nước này tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào Ukraine — nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Moscow đã đi quá xa.
“Thực tế là (Tổng thống) Vladimir Putin đã vượt qua lằn ranh đỏ để thực hiện những hành động dã man này,” ông Johnson nói với các phóng viên hôm thứ Năm (24/03) khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO.
Ông Johnson nói rằng “giờ đây NATO phải cùng nhau xem xét cuộc khủng hoảng kinh hoàng ở Ukraine, nỗi đau khổ kinh hoàng của người dân Ukraine và xem chúng ta có thể làm gì hơn nữa để giúp người dân Ukraine tự bảo vệ mình.”
Với tư cách là một tổ chức, NATO không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Liên minh 30 quốc gia từ chối gửi quân đến Ukraine, dù là để chiến đấu hay gìn giữ hòa bình, đồng thời cho biết họ sẽ không khai triển phi cơ để bảo vệ dân thường hoặc giám sát thi hành bất kỳ vùng cấm bay nào.
Nhưng các nước thành viên đang cung cấp vũ khí và các hỗ trợ khác, theo từng nước hoặc theo nhóm.
Thủ tướng Bỉ De Croo cảnh báo rằng “nếu vũ khí hóa học hoặc bất cứ thứ gì khác có thể được sử dụng, điều đó chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.” Chưa có nhà lãnh đạo NATO nào giải thích điều đó có nghĩa là gì.
Renault đình chỉ hoạt động tại Nga sau phản ứng dữ dội
Tối hôm thứ Tư (23/03), nhà sản xuất xe hơi Pháp Renault thông báo rằng họ sẽ đình chỉ “các hoạt động tại nhà máy Renault Moscow” với hiệu lực ngay lập tức.
Hành động này diễn ra vài giờ sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trình bày trước Nghị viện Pháp, kêu gọi Renault và các công ty Pháp khác có sự hiện diện tại Nga ngừng hỗ trợ gián tiếp cho cuộc chiến nhằm vào Ukraine.
Hội đồng quản trị Tập đoàn Renault đã họp hôm thứ Tư để quyết định ngừng sản xuất tại nhà máy sản xuất các mẫu SUV Arkana, Kaptur, Duster, và Nissan Terrano trong bối cảnh bị chỉ trích về sự hiện diện của hãng tại Liên bang Nga.
Tuy nhiên, thị phần của Renault tại Nga hiện diện thông qua công ty con AvtoVAZ, qua đó họ đã bán được gần 500,000 xe ở nước này vào năm 2021.
Renault nói rằng AvtoVAZ không rút lui ngay lập tức, nhưng họ đang “đánh giá các lựa chọn khả thi, có tính đến môi trường hiện tại, đồng thời hành động có trách nhiệm đối với 45,000 nhân viên của mình tại Nga.”
Pháp tuyên bố thử nghiệm thành công hỏa tiễn hạt nhân ASMP
Hôm thứ Tư (23/03), Bộ Quốc phòng Pháp thông báo nước này đã thử nghiệm thành công phiên bản hiện đại hóa của hỏa tiễn hạt nhân Không Đối Đất Tầm Trung ASMP (Air-Sol Moyenne Portée).
Trong một tuyên bố, họ nói rằng hỏa tiễn này đã được thử nghiệm “mà không có tải trọng quân sự” và được bắn từ một chiến đấu cơ hai động cơ đa nhiệm Rafale cất cánh từ Căn cứ Không quân Cazaux 120 ở miền tây nam nước Pháp.
Hỏa tiễn ASMP hạt nhân không đối đất tầm trung, được phát triển bởi nhà sản xuất vũ khí MBDA, đại diện cho một bộ phận không quân của khả năng răn đe hạt nhân của Pháp. Thông báo này được đưa ra vào thời kỳ cao điểm của cuộc chiến ở Ukraine, khi một số nhà quan sát lo ngại về khả năng Nga sẽ leo thang quân sự.
Ấn Độ nói mối quan hệ với Hoa Kỳ, Nga ‘có chỗ tốt và xấu của riêng mình’ bất chấp chiến tranh Ukraine
Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói với Nghị viện hôm thứ Năm (24/03), Ấn Độ có quan hệ hữu nghị với cả Hoa Kỳ và Nga, các mối quan hệ này có chỗ tốt và xấu của riêng mình, khi trả lời câu hỏi liệu cuộc chiến Ukraine có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Ấn Độ với Hoa Kỳ và Nga hay không.
Trong thập niên qua, Ấn Độ đã xích lại gần Mỹ hơn khi đối mặt với Trung Quốc đang trỗi dậy ở bên kia biên giới, nhưng Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của họ.
Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất thân Hoa Kỳ không lên án việc Nga xâm lược Ukraine hoặc áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với nước này.
“Ấn Độ đã kêu gọi chấm dứt ngay các hành động thù địch và quay trở lại con đường ngoại giao và đối thoại liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine,” Ngoại trưởng Meenakashi Lekhi nói trước Nghị viện.
Bà cho biết thêm: “Ấn Độ có quan hệ thân thiện và gần gũi với cả Hoa Kỳ và Nga. Các mối quan hệ này có chỗ tốt và xấu của riêng mình.”
Tuần này (21-27/03), Tổng thống Joe Biden cho biết Ấn Độ là nước duy nhất trong nhóm các quốc gia Bộ Tứ “có phần lung lay” trong hành động chống lại Nga. Với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc, nhóm này bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ.
Sau một chuyến thăm vào tuần này tới New Delhi, một nhà ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng giúp Ấn Độ cung cấp thêm khí tài quân sự và năng lượng để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga.
Tổng thống Zelensky kêu gọi NATO viện trợ ‘không hạn chế’
Trình bày trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi liên minh cung cấp viện trợ “hiệu quả và không hạn chế” cho Ukraine, bao gồm bất kỳ vũ khí nào mà nước này cần để chống lại cuộc xâm lược của Nga.
“Chúng tôi thỉnh cầu liên minh tuyên bố rằng họ sẽ hỗ trợ đầy đủ cho Ukraine để giành chiến thắng trong cuộc chiến này, loại bỏ những kẻ xâm lược khỏi lãnh thổ của chúng ta và khôi phục hòa bình ở Ukraine,” ông nói vào cuối ngày thứ Tư trong bài diễn văn hàng đêm qua video trước quốc gia.
Ông Zelensky sẽ trình bày trước hội nghị thượng đỉnh NATO qua video, văn phòng tổng thống cho biết.
Ông kêu gọi các nước phương Tây giữ đoàn kết khi đối mặt với những gì ông nói là nỗ lực của Nga trong việc “vận động các lợi ích của mình” với “một số đối tác” để đưa họ về phe mình.
“Chúng tôi sẽ xem ai là bằng hữu, ai là đối tác, và ai là người đã bán đứng và phản bội chúng ta,” ông nói. “Cùng nhau, chúng ta không nên cho phép Nga phá vỡ bất kỳ nước nào trong NATO, EU, hoặc G7, phá vỡ họ và kéo họ vào phe gây chiến.”
Giám đốc nhà hát được kính trọng nhất Ukraine bị người Nga bắt giữ
Bộ trưởng Văn hóa Ukraine Oleksandr Tkachenko cho biết, các binh lính Nga chiếm đóng thành phố Kherson ở miền nam Ukraine đã bắt giữ một trong những giám đốc nhà hát nổi tiếng nhất của đất nước “theo cách thức phát xít” và đưa ông đến một địa điểm không xác định.
Các nhân chứng cho biết chín xe quân sự của Nga đã đến nhà của ông Oleksandr Kniga vào sáng hôm thứ Tư (23/03) và đưa ông ra ngoài. Người Nga cảnh báo những người hàng xóm rằng nếu họ ra khỏi nhà mình, họ sẽ bị sát hại, các nhân chứng cho biết.
“Cả thế giới nên biết về điều này!” ông Tkachenko nói trên Facebook.
Ông Kniga, 62 tuổi, là một trong những giám đốc nhà hát quan trọng và được kính trọng nhất ở Ukraine. Ông đã thành lập liên hoan sân khấu quốc tế Melpomene of Tavria.
Ông là một trong số nhiều người ở Kherson phản đối sự chiếm đóng của Nga. Hôm thứ Hai (21/03), quân đội Nga đã sử dụng lựu đạn gây choáng và bắn lên không trung để giải tán một cuộc biểu tình.
Nga trục xuất thêm các nhà ngoại giao Mỹ
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Nga đã bắt đầu quá trình trục xuất thêm một số nhà ngoại giao khỏi đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow.
Bộ cho biết họ đã nhận được một danh sách các nhà ngoại giao hôm thứ Tư (23/03), những người bị Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố là “nhân vật không được chào đón”. Họ không cho biết có bao nhiêu nhà ngoại giao bị ảnh hưởng bởi lệnh này, vốn thường dẫn đến việc trục xuất những người bị nhắm mục tiêu trong vòng 72 giờ.
Hôm thứ Hai (21/03), Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan để phản đối việc Tổng thống Joe Biden mô tả Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “tội phạm chiến tranh” vì cuộc xâm lược Ukraine. Sau cuộc gặp đó, Nga cảnh báo rằng họ sắp cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, đây sẽ là một hành động chưa từng có tiền lệ.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gọi hành động hôm thứ Tư là “bước đi không có ích và không hiệu quả mới nhất của Nga” trong quan hệ giữa hai nước. Họ kêu gọi Nga “chấm dứt trục xuất phi lý các nhà ngoại giao và nhân viên Hoa Kỳ.”
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Rita Li, Katabella Roberts, Jack Phillips, Reuters, và The Associated Press.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: