[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 21-24/03/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 21-24/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 17-20/03/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Dự thảo nghị quyết của Nga về viện trợ Ukraine thất bại tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc
Một nghị quyết do Nga soạn thảo về tiếp cận viện trợ và bảo vệ dân thường ở Ukraine không đề cập đến vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng đã thất bại tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư (23/03), khi chỉ có Nga và Trung Quốc bỏ phiếu đồng ý và 13 thành viên còn lại bỏ phiếu trắng.
“Nếu Nga quan tâm đến tình hình nhân đạo, nước này sẽ ngừng ném bom trẻ em và chấm dứt chiến thuật bao vây của họ. Nhưng họ đã không làm như vậy,” Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Barbara Woodward nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu. Nga phủ nhận việc tấn công dân thường.
Một nghị quyết của Hội đồng Bảo an cần ít nhất chín phiếu thuận và không bị Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, hoặc Hoa Kỳ phủ quyết để được thông qua. Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nga Vassily Nebenzia cáo buộc các nước bỏ phiếu trắng hôm thứ Tư đã làm như vậy “vì lý do chính trị”.
Anh tặng Ukraine thêm hàng ngàn hỏa tiễn
Anh sẽ gửi thêm hàng ngàn hỏa tiễn tới chính phủ Ukraine khi Thủ tướng Boris Johnson hối thúc các đồng minh phương Tây tăng cường cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Thủ tướng Johnson sẽ tới Brussels vào thứ Năm (24/03) để hội đàm với NATO và các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy (G-7). Ông dự kiến sẽ cung cấp thêm chi tiết về khoản viện trợ mới của Anh trong chuyến thăm này, trong đó có việc tặng thêm 6,000 hỏa tiễn gồm vũ khí chống tăng và vũ khí nổ mạnh.
Ông Johnson nói: “Vương quốc Anh sẽ làm việc với các đồng minh của chúng tôi để tăng cường hỗ trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, củng cố khả năng phòng thủ của họ khi họ lật ngược tình thế trong cuộc chiến này.”
Anh đã gửi hơn 4,000 vũ khí chống tăng tới Ukraine.
Hoa Kỳ cảnh báo Trung Quốc không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt
Chính phủ Tổng thống Biden đang tìm cách ngăn cản chính quyền Trung Quốc hỗ trợ nước Nga hiện đang bị trừng phạt. Hôm thứ Tư (23/03), họ cảnh báo Bắc Kinh không nên tận dụng các cơ hội kinh doanh do các lệnh trừng phạt tạo ra, giúp Moscow né tránh các biện pháp kiểm soát xuất cảng hoặc giải quyết các giao dịch tài chính bị cấm.
Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng các nước G7 sẽ sớm công bố một phản ứng thống nhất để bảo đảm Nga không thể trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với cuộc xâm lược Ukraine với sự giúp đỡ của Trung Quốc hoặc bất kỳ nước nào khác.
Trình bày trên chuyên cơ Không Lực Một (Air Force One) trên đường tới Brussels, nơi Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, ông Sullivan nói, “Đó không phải là nói cụ thể về Trung Quốc, nhưng phản ứng này sẽ áp dụng cho mọi nền kinh tế quan trọng và các quyết định mà bất kỳ nền kinh tế nào trong số này sẽ thực hiện, một cách có chủ đích và tích cực, nhằm hủy hoại hoặc làm suy yếu các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã đưa ra.”
Ông cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã truyền tải thông điệp này tới chính quyền Trung Quốc, và “Chúng tôi mong đợi sự truyền tải tương tự từ Liên minh Âu Châu và mỗi quốc gia Âu Châu riêng lẻ.”
Bắc Kinh yêu cầu doanh nhân Trung Quốc lấp đầy khoảng trống ở thị trường Nga
Đại sứ Trung Quốc tại Nga đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở Moscow phát triển doanh nghiệp của họ bằng cách tận dụng cuộc khủng hoảng Ukraine, vì các lệnh trừng phạt quốc tế cứng rắn đã làm tê liệt nền kinh tế Nga sau cuộc xâm lược.
Đại sứ Trương Hán Huy (Zhang Hanhui) đã kêu gọi các doanh nhân Trung Quốc ở Moscow tận dụng tốt cuộc chiến Nga-Ukraine hiện nay khi ông gặp các đại diện hồi đầu tuần. Theo một bài đăng trên mạng xã hội hôm 21/03 của Hiệp hội Quảng bá Văn hóa Khổng Tử Nga, đại sứ này nói với các lãnh đạo doanh nghiệp rằng đừng lãng phí thời gian và hãy “lấp đầy khoảng trống” trong nền kinh tế Nga.
Theo bài đăng nói trên, ông đã nói tại cuộc họp rằng, “Tình hình quốc tế hiện nay rất phức tạp. Các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt với những thách thức lớn hoặc thậm chí là sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và khả năng thanh toán.”
Bản tóm tắt hội nghị không đề cập đến các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng ông Trương cho biết đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo ra sự khác biệt.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Hoa Kỳ chính thức cáo buộc quân đội Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine
Hôm thứ Tư (23/03), chính phủ Tổng thống Biden đã ra thông báo chính thức nói rằng quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine và cho biết họ sẽ làm việc với các nước khác để truy tố những kẻ phạm tội, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết.
“Hôm nay, tôi có thể thông báo rằng, dựa trên thông tin hiện có, chính phủ Hoa Kỳ đánh giá rằng các quân nhân của quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine,” ông Blinken nói trong một tuyên bố đưa ra khi ông đang đi công tác khẩn cấp tới Brussels với Tổng thống Joe Biden để tham dự một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO.
Ông cho biết đánh giá này dựa trên việc “xem xét kỹ lưỡng” các nguồn tin công khai và tình báo kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược vào Ukraine hồi tháng trước.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ chia sẻ thông tin đó với các đồng minh, đối tác, và các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh và tội ác phản nhân loại.
Ông lấy dẫn chứng các cuộc tấn công vào dân thường ở thành phố Mariupol bị bao vây và những nơi khác.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Anh muốn cuộc gọi chơi khăm bị kiểm duyệt trên YouTube
Hôm thứ Tư (23/03), London đã yêu cầu YouTube kiểm duyệt bất kỳ video nào về cuộc gọi giữa những kẻ chơi khăm Vovan và Lexus — giả danh Thủ tướng Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace — tuyên bố những video này là hoạt động tuyên truyền của nhà nước Nga và đã bị thao túng để thể hiện thông tin giả dối đồng thời làm suy yếu danh tiếng của Anh và tinh thần của Kyiv.
Nhà kinh tế Nga Chubais từ chức phụ tá cho Tổng thống Putin
Điện Kremlin cho biết phái viên của Tổng thống Vladimir Putin về liên lạc với các tổ chức quốc tế đã từ chức.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông Anatoly Chubais đã đệ đơn từ chức.
Ông Peskov không nói liệu ông Chubais đã rời đất nước hay chưa, cho biết đó là việc riêng của ông ấy.
Ông Chubais, người kiến tạo nên chiến dịch tư nhân hóa ở Nga thời hậu Xô Viết, đã đảm nhiệm nhiều vị trí hàng đầu trong chính phủ trong suốt ba thập niên vừa qua.
Sau khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược hồi tháng trước (02/2022), ông Chubais đã đăng một bức ảnh của ông Boris Nemtsov, một nhân vật đối lập hàng đầu của Nga bị bắn tử vong gần Điện Kremlin vào năm 2015. Dù không có chú thích nhưng đây được coi là một tuyên bố mạnh mẽ của một người trong cuộc ở Moscow.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Liên Hiệp Quốc họp bàn để xem xét các giải pháp nhân đạo
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi tất cả các quốc gia phản đối cuộc xâm lược của Nga bỏ phiếu cho một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những hậu quả nhân đạo của hành động xâm lược của họ, nói rằng điều này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ nhằm giúp đỡ những người bị kẹt trong cuộc xung đột và chấm dứt hành động quân sự của Moscow.
Phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc phản bác rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nơi đang xem xét nghị quyết này, chỉ là “một chương trình chính trị chống Nga khác, lần này đặt trong bối cảnh được cho là nhân đạo” và kêu gọi 193 quốc gia thành viên bỏ phiếu chống và ủng hộ một bản dự thảo nghị quyết cạnh tranh của Phi Châu chỉ tập trung vào các vấn đề nhân đạo mà không có “đánh giá chính trị”.
Ông Sergiy Kyslytsya của Ukraine và ông Vassily Nebenzia của Nga đã trình bày khai mạc phiên họp đặc biệt khẩn cấp hôm thứ Tư (23/03) của Đại hội đồng để xem xét các nghị quyết cạnh tranh về tác động nhân đạo của cuộc chiến, vốn sẽ tròn một tháng vào thứ Năm (24/03). Hôm thứ Tư, Nga cũng đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về nghị quyết nhân đạo của chính họ, vốn đã bị chỉ trích rộng rãi vì không đề cập đến cuộc xâm lược Ukraine.
Ông Kyslytsya cho biết nghị quyết mà Ukraine đang thúc đẩy, do hai chục nhà ngoại giao từ khắp nơi trên thế giới soạn thảo và được gần 100 quốc gia ủng hộ, tập trung vào “nhu cầu cấp thiết giảm thiểu nỗi khổ đau về mặt nhân đạo tại hiện trường và lập tức chấm dứt các hành động thù địch của Liên bang Nga.”
Ông Nebenzia cảnh báo rằng việc thông qua nghị quyết đó “sẽ khiến một giải pháp cho tình hình ở Ukraine trở nên khó khăn hơn.” Đó là bởi vì nó có khả năng sẽ khuyến khích các nhà đàm phán Ukraine và “thúc đẩy họ duy trì quan điểm không thực tế hiện tại, vốn không liên quan đến tình hình thực tế tại hiện trường, cũng như nhu cầu giải quyết các nguyên nhân gốc rễ” của hành động quân sự của Nga, ông cho biết.
NATO sẽ gửi thêm quân đến các nước đồng minh, trong bối cảnh 100,000 người bị mắc kẹt ở Mariupol
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết hôm thứ Tư (23/03), NATO có khả năng sẽ gửi thêm quân đến sườn phía đông của liên minh, gửi các nhóm chiến đấu đến Bulgaria, Hungary, Romania, và Slovakia, trong bối cảnh các quan chức Ukraine cảnh báo rằng 100,000 người đang bị mắc kẹt ở Mariupol trong cuộc xung đột với Nga.
“Tôi mong đợi các nhà lãnh đạo sẽ đồng ý củng cố vị thế của NATO trong tất cả các lĩnh vực, với sự gia tăng lớn ở sườn phía đông của liên minh trên bộ, trên không, và trên biển,” ông Stoltenberg cho biết trước hội nghị thượng đỉnh NATO hôm thứ Năm (24/03) tại Brussels.
Ông Stoltenberg cho biết thêm, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine, NATO đã chuẩn bị sẵn sàng hơn 140,000 quân trên khắp lục địa.
Đồng thời, liên minh cũng đang cân nhắc việc đóng quân vĩnh viễn dọc theo sườn phía đông, theo một quan chức NATO khác.
“NATO hiện đang trong quá trình tạm dừng và suy nghĩ nhiều hơn về sự hiện diện của lực lượng trung và dài hạn trong lãnh thổ NATO ở sườn phía đông đó,” Đại sứ Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith nói với một cử tọa của Hội đồng Đại Tây Dương hôm thứ Tư (23/03), cho biết hành động này sẽ gửi “một thông điệp khá rõ ràng đến Moscow.”
EU muốn thảo luận với Tổng thống Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên từ Hoa Kỳ cho khối
Người đứng đầu bộ phận điều hành của Liên minh Âu Châu cho biết bà sẽ thảo luận với Tổng thống Joe Biden về khả năng bảo đảm việc cung cấp thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Hoa Kỳ cho khối 27 quốc gia này.
Trình bày tại Nghị viện Âu Châu trước chuyến thăm Âu Châu của Tổng thống Biden, bà Ursula von der Leyen cho biết bà sẽ thảo luận với ông về “cách ưu tiên vận chuyển LNG từ Hoa Kỳ đến Liên minh Âu Châu trong những tháng tới.”
EU nhập cảng 90% lượng khí đốt tự nhiên dùng trong sản xuất điện, sưởi ấm cho gia đình, và cung cấp cho lĩnh vực công nghiệp, trong đó Nga cung cấp gần 40% lượng khí đốt và ¼ lượng dầu của EU.
Khối này đang tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách đa dạng hóa các nhà cung cấp. Bà von der Leyen cho biết EU đang hướng tới việc đạt được một cam kết về các nguồn cung bổ sung từ Hoa Kỳ “trong hai mùa đông tới.”
Reuters loại hãng thông tấn Nga TASS khỏi thị trường nội dung
Trong một thông điệp gửi cho nhân viên hôm thứ Tư (23/03), Reuters cho biết đã loại bỏ TASS khỏi thị trường kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) của mình, trong bối cảnh hãng thông tấn nhà nước Nga này vấp phải chỉ trích về cách họ đang đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi tin rằng việc cung cấp nội dung của TASS trên Reuters Connect không phù hợp với các Nguyên tắc Tin cậy của Thomson Reuters,” ông Matthew Keen, Giám đốc điều hành tạm thời của Reuters, viết trong một bản ghi nhớ nội bộ cho nhân viên hôm thứ Tư.
TASS từ chối đưa ra bình luận ngay lập tức.
Hãng thông tấn Nga này đã bị một số phương tiện truyền thông phương Tây và các nhóm tự do báo chí cáo buộc đã truyền bá những tuyên bố và tuyên truyền sai sự thật về cuộc chiến ở Ukraine. Kể từ cuộc xâm lược, các đại công ty công nghệ Google, Facebook, Twitter và các dịch vụ truyền hình trả tiền đã hạn chế quyền truy cập vào các hãng thông tấn nhà nước RT và Sputnik của Nga, cáo buộc Moscow đã lan truyền thông tin sai lệch. RT và Sputnik đã gọi các hạn chế do các nhà phân phối áp đặt lên họ, bao gồm cả các kho ứng dụng và các dịch vụ truyền thông xã hội khác, là sự kiểm duyệt vô cớ.
Reuters Connect cho phép người dùng, chủ yếu là các tổ chức tin tức, truy cập và chia sẻ nội dung của TASS với một khoản phí. Reuters Connect cũng cung cấp nội dung của Reuters News và khoảng 90 nhà cung cấp thuộc bên thứ ba, trong đó có Variety, USA Today, và CNBC.
Mối quan hệ đối tác của TASS với nền tảng Reuters Connect đã bắt đầu từ năm 2020. Trong một thông cáo báo chí ngày 01/06 năm đó, ông Michael Friedenberg, chủ tịch đương thời của Reuters, cho biết việc để TASS tham gia Reuters Connect là hành động “xây dựng dựa trên mối quan hệ hợp tác đáng trân trọng của chúng tôi.” Ông Sergei Mikhailov, CEO của TASS, đã gọi thỏa thuận này “thực sự là một sự kiện quan trọng.”
Theo thông cáo báo chí trên, quan hệ đối tác của TASS với Reuters Connect cung cấp cho khách hàng “quyền truy cập vào tin tức thời sự và video độc quyền; các video về Điện Kremlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cũng như các video chất lượng cao và tin tức chung.”
Tổng thống Zelensky cảm ơn Tổng thống Macron vì ‘sự lãnh đạo đích thực’ của ông
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì “sự lãnh đạo đích thực” của ông đối với cuộc chiến này trong một bài diễn văn trực tuyến từ Kyiv tới nghị viện Pháp hôm thứ Tư (23/03).
Ông Zelensky đã sử dụng cuộc họp với các nghị sĩ Pháp qua liên kết video này để kêu gọi sự ủng hộ của Âu Châu hơn nữa đối với những nỗ lực ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga của quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. Ông kêu gọi Pháp hỗ trợ vũ khí, thiết bị, và nhiều phi cơ hơn nữa “để nền tự do không vuột khỏi tầm tay”, theo bản dịch tiếng Pháp của bài diễn văn dài 20 phút.
Bài diễn văn được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Tổng thư ký NATO: Việc sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine sẽ ‘làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột’
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết việc Nga sử dụng vũ khí hóa học sẽ “làm thay đổi hoàn toàn bản chất của cuộc xung đột” ở Ukraine.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên rằng việc sử dụng những vũ khí như vậy sẽ là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và gây ra những hậu quả sâu rộng.” Ông không cung cấp thông tin chi tiết.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào ngày 24/02, không có báo cáo hoặc bằng chứng nào cho thấy Moscow sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, các quan chức hàng đầu của phương Tây liên tục tuyên bố rằng Nga đang hướng tới điều đó trong tương lai gần, mặc dù chưa có bằng chứng nào được đưa ra.
Trước thềm một hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông tin là “có một mối đe dọa thực sự” rằng Nga sẽ sử dụng loại vũ khí này. Trong khi đó, các quan chức Nga cáo buộc rằng Kyiv đang tìm cách sử dụng hoặc phát triển vũ khí hóa học hoặc sinh học chống lại Nga.
Tổng thống Putin muốn các quốc gia ‘không thân thiện’ thanh toán khí đốt cho Nga bằng đồng rúp
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại một cuộc họp với chính phủ hôm thứ Tư (23/03) rằng đối với “các quốc gia không thân thiện”, Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán tiền xuất cảng khí đốt bằng đồng rúp.
Ông Putin giải thích rằng Nga có kế hoạch từ bỏ tất cả các loại tiền tệ “bị thỏa hiệp” trong các giao dịch thanh toán. Ông nói thêm rằng các quyết định bất hợp pháp của một số quốc gia phương Tây nhằm phong tỏa tài sản của Nga đã phá hủy mọi niềm tin của Nga vào đồng tiền của họ.
Tổng thống Biden: Hỏa tiễn siêu thanh của Nga ‘gây hậu quả lớn’ và ‘gần như không thể ngăn chặn’
Tổng thống Joe Biden coi việc Nga được cho là đã bắn hỏa tiễn siêu thanh trong cuộc xung đột Ukraine hồi đầu tuần là một hành động “gây hậu quả lớn”.
“Nếu quý vị để ý, họ vừa phóng hỏa tiễn siêu thanh của mình [ở Ukraine], bởi vì đó là thứ duy nhất mà họ có thể hoàn thành một cách tuyệt đối chắc chắn. Đó là — như tất cả quý vị đều biết, đó là một vũ khí gây hậu quả lớn,” ông Biden nhận xét trong tuần này, đồng thời nói thêm rằng “hầu như không thể ngăn chặn vũ khí này. Họ sử dụng loại vũ khí này là có lý do.”
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội của họ đã sử dụng hỏa tiễn siêu thanh nhằm vào một kho đạn và kho nhiên liệu ở Ukraine, đây có thể là lần đầu tiên vũ khí loại này được sử dụng trong chiến đấu cho đến nay.
Tuy nhiên, các quan chức Tòa Bạch Ốc khác đã hạ thấp hành động này như một chiến thuật nghi binh.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một quan chức đại sứ quán đã đến thăm ngôi sao WNBA Brittney Griner
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một quan chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ đã đến thăm ngôi sao WNBA Brittney Griner, người vẫn bị giam giữ gần Moscow, để kiểm tra tình trạng của cô.
Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với CNN rằng viên chức sứ quán nhận thấy cô Griner “đang ở trong tình trạng sức khỏe tốt.” Ông Price không nêu tên vị quan chức đã được cấp quyền tiếp cận lãnh sự với cô Griner. Tiếp cận lãnh sự là điều mà Hoa Kỳ đã yêu cầu Nga.
Cô Griner đã bị bắt giữ sau khi đến phi trường ở Moscow. Vụ việc được cho là xảy ra hồi giữa tháng Hai, sau khi các nhà chức trách Nga cho biết họ đã khám xét hành lý của cô và tìm thấy các hộp vape được cho là có chứa tinh dầu chiết xuất từ cần sa, vốn có thể bị phạt tối đa 10 năm tù.
Hồi tuần trước (14-20/03), hãng thông tấn nhà nước Nga Tass đưa tin rằng một tòa án đã gia hạn thời gian tạm giam trước khi xét xử đối với cô Griner đến ngày 19/05.
Ông Price cho biết Hoa Kỳ “sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng cô được đối xử công bằng trong quãng thời gian khó khăn này.”
Một thành viên của nhóm giám sát nhà tù do nhà nước Nga hậu thuẫn đã đến thăm cô Griner vào tuần trước tại cơ sở giam giữ tiền xét xử bên ngoài Moscow nơi cô đang bị giam giữ, và cho biết ngôi sao của đội Phoenix Mercury vẫn đang khỏe mạnh sau song sắt.
Tổng thống Zelensky sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp
Trong bài diễn văn mới nhất của mình trước một nghị viện ngoại quốc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẽ nói chuyện với các nhà lập pháp Pháp vào thứ Tư (23/03).
Bài diễn văn qua liên kết video từ văn phòng của Tổng thống Zelensky ở thủ đô Kyiv của Ukraine được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hội đàm với ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin về các điều khoản cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Mặc dù họ không đạt được thỏa thuận nào, nhưng theo văn phòng tổng thống Pháp, ông Macron “vẫn tin tưởng vào sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của mình” và ông “sát cánh cùng Ukraine.”
Ông Zelensky gần đây đã diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ cũng như Nghị viện Đức và Nghị viện Nhật Bản, cùng những quốc hội của các nước khác, để thu hút sự trợ giúp của quốc tế.
Tổng thống Serbia cáo buộc phương Tây có tiêu chuẩn kép
Tổng thống Serbia đang cáo buộc phương Tây có tiêu chuẩn kép khi so sánh các cuộc tấn công của Moscow chống lại Ukraine với cuộc ném bom của NATO vào Serbia năm 1999.
Liên minh quân sự phương Tây này đã tiến hành một cuộc không chiến kéo dài 78 ngày chống lại Serbia hồi tháng 03/1999 để ngăn chặn một cuộc đàn áp của các lực lượng vũ trang Serbia nhằm vào người Albania chiếm đa số ở tỉnh Kosovo đang đòi độc lập.
Quân đội Serbia buộc phải rời khỏi tỉnh cũ đã tuyên bố độc lập này vào năm 2008, điều mà cả Belgrade và Moscow đều không công nhận.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng nếu phương Tây quả cảm và có đạo đức như vậy, thì “tại sao các vị không phản công Nga … tại sao các vị không bảo vệ Ukraine (về mặt quân sự)?” ông nói trên đài truyền hình Pink TV do nhà nước kiểm soát.
“Đạo đức là một phạm trù quan trọng trong chính trị, nhưng các vị không thể gắn bó với nó trong một ngày rồi đến ngày hôm sau lại lãng quên.”
Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine nhưng là quốc gia Âu Châu duy nhất từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Điện Kremlin.
Tổng thống Biden: Khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học là ‘mối đe dọa thực sự’
Tổng thống Joe Biden đã rời Tòa Bạch Ốc để thực hiện chuyến công du bốn ngày tới Âu Châu, nơi ông sẽ gặp gỡ các đồng minh chủ chốt để thảo luận về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Trước khi khởi hành hôm thứ Tư (23/03), ông Biden nói với các phóng viên rằng khả năng Nga sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến Ukraine là một “mối đe dọa thực sự.”
Ông cho hay ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo vào thứ Năm (24/03) và sẽ thảo luận nhiều hơn về vấn đề này.
Tuy nhiên, Moscow bác bỏ các cáo buộc về việc sử dụng các cuộc tấn công hóa học.
Moscow cảnh báo Âu Châu về sự sụp đổ của thị trường năng lượng
Hôm thứ Tư (23/03), Phó Thủ tướng Nga kiêm cựu Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cho biết, giá giao dịch khí đốt ở Âu Châu ở mức 4,000 USD/1,000 m³ không phải là điều quá đáng, vì khối lượng tại các cơ sở lưu trữ thấp hơn đáng kể so với năm ngoái.
Belarus trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine
Belarus — đồng minh của Nga cho biết họ đang trục xuất các nhà ngoại giao Ukraine và đóng cửa một lãnh sự quán.
Hôm thứ Tư (23/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz không nói rõ có bao nhiêu nhà ngoại giao sẽ phải rời đi mà chỉ cho biết tối đa năm nhà ngoại giao có thể ở lại nước này.
Ông Glaz nói, “Hành động này nhằm mục đích chấm dứt các hoạt động phi ngoại giao của một số nhân viên trong phái bộ ngoại giao của Ukraine.”
Belarus đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình như một khu vực tạo điều kiện cho các lực lượng của họ xâm lược Ukraine.
Thông báo này được đưa ra cùng ngày khi Ba Lan trục xuất các nhà ngoại giao Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga sẽ mở giao dịch chứng khoán vào 24/03
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ mở lại giao dịch trên thị trường chứng khoán Moscow lần đầu tiên kể từ khi thị trường này đóng cửa gần một tháng trước.
Giao dịch sẽ tiếp tục vào thứ Năm (24/03) nhưng chỉ đối với 33 cổ phiếu của các công ty lớn được liệt kê trên chỉ số IMOEX. Đồng thời sẽ có một lệnh cấm bán khống.
Sàn giao dịch này đã mở lại giao dịch nợ công vào đầu tuần này.
Điện Kremlin: Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu sự tồn tại của mình bị đe dọa
Hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn rằng chính sách an ninh của Nga quy định nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân khi và chỉ khi sự tồn tại của chính họ bị đe dọa.
Bình luận này được đưa ra gần bốn tuần sau khi Nga điều quân tới Ukraine, trong bối cảnh phương Tây lo ngại rằng xung đột ở đó có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân.
Ông Peskov đưa ra bình luận này trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh khi được hỏi liệu ông có dám chắc Tổng thống Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân hay không.
“Chúng tôi có một khái niệm về an ninh nội địa, và điều đó là công khai. Quý vị có thể đọc tất cả các lý do mà vũ khí hạt nhân được sử dụng. Vì vậy, nếu như đó là một mối đe dọa sống còn đối với đất nước của chúng tôi, thì nó (kho vũ khí hạt nhân) có thể được sử dụng theo khái niệm của chúng tôi,” ông nói.
“Không có lý do nào khác được đề cập trong văn bản đó,” ông nói khi đề cập đến khái niệm an ninh quốc gia.
Tháng trước (02/2022), ông Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao. Tuân theo mệnh lệnh đó, hôm 28/02, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng hỏa tiễn hạt nhân cũng như hạm đội phía Bắc và hạm đội Thái Bình Dương của họ đã được đặt trong nhiệm vụ chiến đấu tăng cường, hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres hôm 14/03 cho biết: “Viễn cảnh xung đột hạt nhân, từng là điều không tưởng, nay lại có khả năng xảy ra.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tổng thống Biden đến Âu Châu tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO về Ukraine
Hôm thứ Tư (23/03), Tổng thống Joe Biden đã bay tới Âu Châu để dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO về Ukraine, nơi thành phố cảng Mariupol bị bao vây đang chìm trong biển lửa.
Moscow cho biết mục đích của họ là giải giáp quốc gia láng giềng và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của họ đang diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mariupol, một thành phố cảng phía nam đang bị quân đội Nga bao vây hoàn toàn, nơi hàng trăm ngàn người đã đang trú ẩn kể từ những ngày đầu chiến tranh.
Các bức ảnh vệ tinh mới của công ty thương mại Maxar được công bố trong đêm cho thấy sự tàn phá khốc liệt của nơi từng là một thành phố với 400,000 dân, với những cột khói bốc lên từ các tòa nhà chung cư đang bốc cháy.
Tổng thống Biden, dự kiến đến Brussels vào tối thứ Tư (23/02), sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO và Âu Châu trong một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp tại trụ sở của khối liên minh quân sự phương Tây này. Các nhà lãnh đạo dự kiến sẽ khai triển các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga vào thứ Năm (24/03).
Cố vấn An ninh Quốc gia: Tòa Bạch Ốc chuẩn bị công bố thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Hôm 22/03, Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan thông báo, chính phủ Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị công bố một vòng trừng phạt khác chống lại Nga.
Các biện pháp trừng phạt này sẽ được công bố với sự phối hợp của Liên minh Âu Châu.
“Ông ấy sẽ tham gia cùng các đối tác của chúng ta trong việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga đồng thời thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có để trấn áp việc né tránh và bảo đảm thực thi mạnh mẽ,” ông Sullivan cho biết tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba (22/03).
Ông Sullivan không cung cấp các chi tiết cụ thể trong các lệnh trừng phạt mới nhất nhưng nói với các phóng viên rằng họ sẽ tập trung vào việc thực thi các biện pháp trừng phạt hiện có và bảo đảm rằng sẽ “có nỗ lực chung để ngăn chặn hành vi né tránh, giao dịch né tránh trừng phạt, đối với bất kỳ nỗ lực nào của bất kỳ quốc gia nào nhằm giúp Nga về căn bản là phá hoại, làm suy yếu, hoặc lẩn tránh các lệnh trừng phạt này.”
Nga: Sẽ ‘rất liều lĩnh’ nếu cử lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Ukraine
Hôm thứ Tư (23/03), Nga đã lên án điều mà họ gọi là đề xướng “liều lĩnh” của Ba Lan về việc cử lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đến Ukraine và cảnh báo rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp giữa quân đội Nga và các lực lượng của NATO.
Cách đó một tuần vào hôm thứ Sáu (18/03), Ba Lan cho biết họ sẽ chính thức đệ trình một đề xướng về một sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần tới.
Khi được hỏi về sáng kiến này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Đó sẽ là một quyết định rất liều lĩnh và cực kỳ nguy hiểm.”
Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp hội nghị rằng bất kỳ sự va chạm nào có thể xảy ra giữa quân đội Nga và quân đội NATO “đều có thể gây ra những hậu quả rõ ràng khó có thể hàn gắn.”
Nga đã điều hàng chục ngàn binh sĩ vào Ukraine hôm 24/02 trong điều mà họ gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam này và loại bỏ tận gốc những người mà họ gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
Diễn thuyết tại Kyiv tuần trước (14-20/03), lãnh đạo đảng cầm quyền Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cho biết: “Tôi nghĩ rằng cần phải có một sứ mệnh hòa bình — NATO, có thể là một cấu trúc quốc tế rộng lớn hơn — nhưng một sứ mệnh có thể tự vệ mà sẽ hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.”
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng đã công kích lời đề nghị này khi diễn thuyết trước các nhân viên và sinh viên tại Học viện Quan hệ Quốc tế Quốc gia Moscow hôm thứ Tư (23/03).
Ông nói: “Đây sẽ là cuộc đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng vũ trang của Nga và NATO mà tất cả mọi người không chỉ luôn cố gắng né tránh mà còn cho rằng không nên diễn ra về mặt nguyên tắc.”
Ba Lan tìm cách trục xuất 45 người Nga bị tình nghi làm gián điệp
Ba Lan đã xác định được 45 sĩ quan tình báo Nga sử dụng tư cách ngoại giao để ở lại nước này và các nhà chức trách đang tìm cách trục xuất họ, các quan chức cho biết hôm thứ Tư (23/03).
Cơ quan An ninh Nội địa của Ba Lan cho biết họ đang yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này khẩn cấp trục xuất những người Nga được coi là mối nguy hiểm đối với an ninh của Ba Lan.
Phát ngôn viên về an ninh quốc gia Stanislaw Zaryn tuyên bố: “Đây là những người có tư cách ngoại giao và sử dụng tư cách ngoại giao của họ để hoạt động, nhưng trên thực tế lại tiến hành các hoạt động tình báo chống lại Ba Lan.”
Ông cho biết quyết định trục xuất những người này hiện tại được đưa ra “có tính đến hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine.”
Ông Zaryn khẳng định trong một tuyên bố khác rằng cơ quan an ninh nhận thấy các hoạt động của 45 người Nga đã phục vụ cho “các mục tiêu dự định của Nga nhằm phá hoại sự ổn định của Ba Lan và các đồng minh trên trường quốc tế đồng thời đặt ra một mối đe dọa đối với lợi ích và an ninh của đất nước chúng ta. ”
Phát ngôn viên của chính phủ Ba Lan cho biết đại sứ của Nga tại Ba Lan đã được triệu tập đến Bộ Ngoại giao.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đưa ra lời cảnh báo về tư cách thành viên của Nga trong G20
Hôm thứ Ba (22/03), khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có quyết định đẩy Nga ra khỏi G20 khi ông gặp các đồng minh ở Brussels hay không, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc: “Chúng tôi tin rằng Nga không thể kinh doanh như bình thường trong các định chế quốc tế và trong cộng đồng quốc tế.”
Tuy nhiên, Hoa Kỳ dự định tham khảo ý kiến của các đồng minh trước khi đưa ra bất kỳ tuyên bố nào khác, ông nói.
Trước đó cùng ngày, Ba Lan cho biết họ đã đề nghị với các quan chức thương mại Hoa Kỳ rằng hãy thế chỗ nước này vào vị trí của Nga trong nhóm G20 và đề nghị đó đã nhận được “phản hồi tích cực”.
Một phát ngôn viên của Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói rằng một “cuộc họp có giá trị” đã được tổ chức vào tuần trước giữa Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan Piotr Nowak và Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, nhưng cho biết thêm:
“Bà ấy (Raimondo) rất vui khi nghe quan điểm của Ba Lan về một số chủ đề, trong đó có hoạt động của G20, nhưng không thay mặt cho Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ quan điểm đối với đề nghị G20 của Ba Lan.”
Hôm thứ Hai (21/03), phó thống đốc ngân hàng trung ương Dody Budi Waluyo cho biết tại một hội thảo rằng, Indonesia sẽ luôn giữ lập trường trung lập, nhưng lưu ý nguy cơ chia rẽ về vấn đề này, cho biết họ sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo G20 để cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh.
Ông nói thêm rằng Nga đã có một “cam kết mạnh mẽ” về việc tham dự các cuộc họp G20 và các thành viên khác không thể cấm họ tham dự.
Tổng thống Putin được Trung Quốc hậu thuẫn để ở lại G20
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự định tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tiếp theo ở Indonesia vào cuối năm nay và đã nhận được sự ủng hộ quý giá từ Bắc Kinh vào thứ Tư (23/03) trong một hành động phản đối đề nghị của một số thành viên rằng Nga có thể bị cấm khỏi nhóm này.
Đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện giữ ghế chủ tịch luân phiên G20, cho biết ông Putin dự định đến đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Mười Một tới.
Đại sứ Lyudmila Vorobieva trình bày trong một cuộc họp báo: “Chuyện đó sẽ còn phụ thuộc vào rất nhiều, rất nhiều yếu tố, trong đó có tình hình COVID, vốn đang trở nên tốt hơn. Cho đến nay, ý định của ông ấy là… ông ấy muốn [tham dự].”
Khi được hỏi về những gợi ý rằng Nga có thể bị loại khỏi G20, bà cho biết đây là một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề kinh tế chứ không phải về một cuộc khủng hoảng như khủng hoảng Ukraine.
“Tất nhiên việc trục xuất Nga khỏi loại hình diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế này. Nói cách khác, nếu không có Nga thì khó có thể làm được như vậy.”
Trung Quốc, nước không lên án cuộc xâm lược của Nga và chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, đã bênh vực Moscow vào thứ Tư, gọi Nga là một “thành viên quan trọng” của G20.
Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối bình luận về lời kêu gọi loại Nga khỏi G20.
Thủ tướng Đức: EU phải hỗ trợ tư cách thành viên của các quốc gia phía Tây Balkan để bảo đảm hòa bình
Hôm thứ Tư (23/03), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, Liên minh Âu Châu phải hỗ trợ các quốc gia phía Tây Balkan trong nỗ lực gia nhập khối liên minh này càng sớm càng tốt như một phần trong chiến lược bảo đảm hòa bình khu vực.
“Trong Hội đồng Âu Châu, được xác định là chưa từng có trước đây, chúng tôi sẽ đồng ý hai ngày sau khi có chiến lược an ninh Âu Châu mới,” ông Scholz nói với Hạ viện của Nghị viện Liên bang Đức.
Ông Scholz cho rằng Âu Châu cần tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng liên quan đến chính sách kinh tế cũng như công nghệ mới và không gian mạng, cũng như hỗ trợ các nước Tây Balkan trong nỗ lực yêu cầu tư cách thành viên EU của họ.
Nhiều nước trong khu vực Balkan nghi ngờ cam kết của EU, lần đầu tiên được đưa ra cách đây 18 năm, để cuối cùng kết nạp Serbia, Montenegro, Bosnia-Herzegovina, Bắc Macedonia, Kosovo, và Albania vào khối.
Người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ tổ chức các cuộc đàm phán về viện trợ ở Moscow
Người đứng đầu Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC) đã đến Moscow để đàm phán với bộ ngoại giao và bộ quốc phòng Nga về các vấn đề nhân đạo mà cuộc xâm lược Ukraine của Nga gây ra.
Dự kiến hôm thứ Tư (23/03), chủ tịch ICRC Peter Maurer sẽ nói về các vấn đề như tù nhân chiến tranh, các hành vi thù địch, và phân phối viện trợ.
Ông Maurer đã đến Ukraine vào tuần trước (14-20/03). Trong thời gian ở Moscow, ông cũng được cho là sẽ gặp người đứng đầu Hội Chữ Thập Đỏ Nga, vốn đang giúp đỡ những người vào Nga lánh nạn từ miền đông Ukraine.
Nga mở rộng quy chế cựu chiến binh cho quân nhân tham chiến ở Ukraine
Quốc hội Nga đã thông qua luật mở rộng quy chế cựu chiến binh cho binh sĩ tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine.
Quy chế cựu chiến binh mang lại nhiều phúc lợi khác nhau, chẳng hạn như thanh toán hàng tháng, giảm thuế, giảm giá cho các tiện ích, và quyền tiếp cận ưu đãi đối với điều trị y tế, v.v.
Duma Quốc gia — Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga — đã thông qua luật này vào thứ Tư (23/03), bốn tuần kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, với ba cuộc tranh luận bắt buộc diễn ra cùng một lúc.
Anh: Chiến tranh ở miền Bắc Ukraine phần lớn ‘bất biến’, quân Nga đang tái tổ chức
Bộ Quốc phòng Anh cho biết chiến cuộc ở miền bắc Ukraine phần lớn là “bất biến”, trong đó quân đội Nga đang cố gắng tái tổ chức trước khi tiếp tục một cuộc tấn công quy mô lớn.
Ở những nơi khác ở Ukraine, các quan chức quốc phòng Anh cho biết, “Quân đội Nga đang cố gắng bao vây quân đội Ukraine ở phía đông đất nước khi họ tiến từ hướng Kharkiv ở phía bắc và Mariupol ở phía nam.”
Trong một bản cập nhật được đăng trên mạng xã hội hôm thứ Tư (23/03), Bộ Quốc phòng Anh cho biết quân đội Nga ở phía nam đang cố gắng phá hủy thành phố Mykolaiv khi họ tiến về phía tây về phía Odesa, một cảng quan trọng của Biển Đen cho đến nay vẫn chưa phải hứng chịu tấn công quy mô lớn.
Thủ tướng Đức nhắc lại rằng Đức sẽ không ủng hộ thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhắc lại rằng đất nước ông sẽ không ủng hộ thiết lập một vùng cấm bay ở Ukraine hoặc cử quân đội can thiệp vào cuộc chiến do Nga tiến hành.
Hôm thứ Tư (23/03), ông Scholz nói với các nhà lập pháp Đức rằng “NATO sẽ không trở thành một bên tham chiến. Chúng tôi tán đồng về mặt này với các đồng minh Âu Châu và Hoa Kỳ.”
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Đức cho biết Ukraine có thể dựa vào sự giúp đỡ của Đức, ý nói đến việc Đức đã cung cấp viện trợ tài chính và quân sự, áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt đối với Nga, và tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Ukraine.
Ông Scholz cho biết Đức sẽ không ủng hộ việc tẩy chay dầu mỏ, than đá, và khí đốt của Nga, nhưng đang tìm cách loại bỏ các mặt hàng nhập cảng đó bằng cách tìm kiếm các nhà cung cấp khác và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo.
Phát ngôn viên Điện Kremlin phủ nhận cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận rằng cuộc xâm lược của Nga bị đình trệ.
Khi được hỏi trên CNN rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt được những gì ở Ukraine, ông đáp: “Chà, trước hết là vẫn chưa. Ông ấy vẫn chưa đạt được gì cả.” Nhưng ông khẳng định chiến dịch quân sự diễn ra “hoàn toàn theo đúng kế hoạch và các mục tiêu đã được đặt ra từ trước.”
Ông Peskov nhắc lại rằng các mục tiêu chính của ông Putin là “loại bỏ tiềm năng quân sự của Ukraine” và “bảo đảm rằng Ukraine thay đổi từ một trung tâm chống Nga thành một quốc gia trung lập.”
Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ diễn thuyết trước Nghị viện Thụy Điển
Nghị viện Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ có bài diễn văn trước Nghị viện Thụy Điển thông qua liên kết video vào thứ Năm (24/03).
Ukraine cáo buộc Hungary có ý đồ với lãnh thổ nước này
Phó Thủ tướng Ukraine Irina Vereshchuk đã đặt nghi vấn trong một bài đăng trên Facebook về điều mà bà mô tả là luận điệu “thân Nga” của Hungary, cáo buộc Hungary mong muốn “khí đốt giá rẻ từ Nga” hoặc thậm chí là sự thèm khát lãnh thổ có thể là động lực đằng sau chính sách của Budapest về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Mặc dù chính phủ Hungary đã lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và ủng hộ một số biện pháp trừng phạt, họ vẫn nhất quán biện hộ cho ý muốn “đứng ngoài” cuộc xung đột này và từ chối tham gia cùng các nước khác trong việc gửi vũ khí cho Ukraine.
Ukraine cho biết Nga đã bắt giữ các nhân viên cứu trợ trong đoàn xe đến Mariupol
Các nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc Nga bắt giữ 15 nhân viên cứu hộ và tài xế từ một đoàn xe nhân đạo đang cố gắng đưa thực phẩm và các vật dụng tiếp tế khác vào thành phố cảng giao tranh khốc liệt Mariupol, nơi cũng bị tấn công trên biển sau nhiều tuần tấn công trên bộ và trên không.
Ông Zelensky, diễn thuyết vào cuối ngày thứ Ba (22/02) trong bài diễn văn qua video hàng đêm trước quốc dân, cáo buộc quân đội Nga đã chặn đoàn xe viện trợ mặc dù đã đồng ý với lộ trình này trước đó.
Ông Zelensky nói: “Chúng tôi đang cố gắng tổ chức các hành lang nhân đạo ổn định cho cư dân Mariupol, nhưng hầu như tất cả các nỗ lực của chúng tôi đều bị quân chiếm đóng của Nga cản phá khiến cho thất bại, bằng cách pháo kích hoặc cố ý khủng bố.”
Hội Chữ Thập Đỏ xác nhận một đoàn xe viện trợ nhân đạo đang cố gắng tiếp cận thành phố đã không thể vào được.
Giới chức Hoa Kỳ cho biết nỗ lực phân phối viện trợ của đoàn xe này được đưa ra khi các tàu hải quân Nga bắt đầu tham chiến, trong bối cảnh những cuộc tấn công trên bộ và trên không vào Mariupol đã kéo dài nhiều tuần.
Cơ quan quốc gia Ukraine: Nga phá hủy phòng thí nghiệm Chernobyl
Hôm thứ Ba (22/03), cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm về khu vực cấm địa Chernobyl của Ukraine cho biết, lực lượng quân đội Nga đã phá hủy một phòng thí nghiệm mới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cùng những công trình khác có tác dụng nhằm cải thiện việc quản lý chất thải phóng xạ.
Quân đội Nga đã chiếm giữ nhà máy ngừng hoạt động này vào đầu cuộc chiến. Khu vực cấm địa là khu vực bị ô nhiễm xung quanh nhà máy, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử thế giới vào năm 1986.
Cơ quan quốc gia cho biết, phòng thí nghiệm này được xây dựng với kinh phí 6 triệu euro với sự hỗ trợ của Ủy ban Âu Châu, và bắt đầu đi vào hoạt động vào năm 2015.
Cơ quan này cho biết trong tuyên bố của mình rằng phòng thí nghiệm này lưu giữ “các mẫu có hoạt tính cao và các mẫu hạt nhân phóng xạ vốn đang nằm trong tay địch quân, những kẻ mà chúng tôi hy vọng sẽ tự hủy hoại bản thân chứ không gây nguy hại cho thế giới văn minh này.”
Hạt nhân phóng xạ là những nguyên tử không bền của các nguyên tố hóa học phát ra bức xạ.
Trong một diễn biến đáng lo ngại khác, cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine hôm thứ Hai (21/03) cho biết các máy đo bức xạ xung quanh nhà máy này đã ngừng hoạt động.
Ukraine: Nga sẽ tiếp tục đàm phán vì phương Tây đang lên kế hoạch bổ sung các biện pháp trừng phạt
Hôm thứ Tư (23/03), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đang được tiến hành, khi mà phương Tây có kế hoạch công bố thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Điện Kremlin trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng.
Nhưng trong một bài diễn văn lúc sáng sớm, ông Zelensky đã nuôi hy vọng cho các cuộc đàm phán, vốn đã không gặt hái được kết quả nào kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02.
“Rất khó, đôi khi là đối đầu,” ông nói. “Nhưng chúng tôi đang có tiến triển từng bước từng bước một.”
Các quốc gia phương Tây dự định gây thêm áp lực lên Điện Kremlin.
Cùng với các nhà lãnh đạo Âu Châu, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga và các dự luật mới nhằm thắt chặt các biện pháp hiện có khi ông đến thăm Brussels trong tuần này.
Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt đối với hơn 300 thành viên của Hạ viện Nga vào thứ Năm (24/03), theo The Wall Street Journal, trích dẫn các quan chức ẩn danh và các tài liệu nội bộ. Tòa Bạch Ốc trước mắt chưa đưa ra bình luận.
Chuyến công du Âu Châu của ông Biden cũng trù định bao gồm một thông báo về hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng trên châu lục vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga này, và một chuyến thăm tới Ba Lan để thể hiện tình đoàn kết với nước láng giềng của Ukraine.
Quan chức Hoa Kỳ: Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Hôm thứ Ba, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng, Tổng thống Joe Biden sẽ cùng các đồng minh áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung chống lại Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có trong chuyến công du tới Brussels vào tuần này.
Tổng thống Biden sẽ rời Brussels vào thứ Tư và tổ chức các cuộc họp với các nhà lãnh đạo đồng cấp vào thứ Năm (24/03).
Ông Sullivan cho biết ông Biden sẽ làm việc với các đồng minh về những điều chỉnh lâu dài hơn đối với tư thế của lực lượng NATO trong chuyến thăm của mình.
Tổng thống Macron nói chuyện với các tổng thống Nga và Ukraine
Hôm thứ Ba (22/03), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một tuyên bố, ông đã nói chuyện với cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về các điều khoản của một lệnh ngừng bắn tiềm năng.
Họ đã “không đạt được thỏa thuận”, tuyên bố cho biết, nhưng ông Macron “vẫn tin tưởng vào sự cần thiết phải tiếp tục nỗ lực của mình” và ông “sát cánh cùng Ukraine.”
Điện Kremlin xác nhận rằng ông Putin và ông Macron đã có một cuộc điện đàm, trong đó họ trao đổi quan điểm về tình hình ở Ukraine, bao gồm cả các cuộc đàm phán giữa các nhà đàm phán của Nga và Ukraine. Điện không cung cấp thêm chi tiết.
Cố vấn của Tổng thống Biden: Quân đội Mỹ hiện không huấn luyện người Ukraine
Hôm thứ Ba (22/03), Cố vấn An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết, quân đội Mỹ hiện không tham gia vào việc huấn luyện cho người Ukraine trong bối cảnh nước này đang xung đột với Nga.
“Quân đội Mỹ không hiện diện trên lãnh thổ Ukraine. Tất nhiên, chúng ta có quân đội Mỹ bảo vệ lãnh thổ NATO,” ông nói với các phóng viên tại Tòa Bạch Ốc, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi hiện không có binh sĩ Mỹ nào đang huấn luyện người Ukraine.”
Tuy nhiên, ông nói thêm, Hoa Kỳ có “vai trò quan trọng” trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các thiết bị quân sự mà các quốc gia thành viên NATO khác cung cấp cho quân đội Ukraine. Sắp tới, Tổng thống Joe Biden sẽ công bố hành động chung nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Liên minh Âu Châu và giảm sự phụ thuộc của khối này vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, ông Sullivan tiếp tục.
Bà Psaki lại một lần nữa dương tính với virus Trung Cộng
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki lại một lần nữa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Trung Cộng (virus Đảng Cộng sản Trung Quốc), bà thông báo trong một tuyên bố đưa ra vào chiều hôm thứ Ba (22/03).
Bà cho biết bà đã có hai cuộc gặp “được giãn cách xã hội” với Tổng thống Joe Biden vào thứ Hai (21/03), trước chuyến công du được lên kế hoạch của tổng thống tới Âu Châu trong tuần này, và ông Biden đã thực hiện xét nghiệm PCR và cho kết quả âm tính với virus này.
Tổng thống sẽ tới Brussels, Bỉ, trong tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và hội nghị thượng đỉnh Hội đồng Âu Châu. Sau đó, ông sẽ đến thăm Ba Lan để gặp gỡ giới lãnh đạo ở đó trong bối cảnh cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang diễn ra.
Bà Psaki, 43 tuổi, cho biết bà đang chia sẻ kết quả xét nghiệm một cách “vô cùng minh bạch”, nói thêm rằng bà đang trải qua các triệu chứng nhẹ và sẽ làm việc tại nhà, chờ kết quả xét nghiệm âm tính và thực hiện cách ly năm ngày theo khuyến cáo của CDC.
Mexico chỉ trích Hoa Kỳ vì ưu tiên viện trợ cho Ukraine hơn Trung Mỹ
Hôm thứ Ba (22/03), Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã chỉ trích Hoa Kỳ vì hành động nhanh chóng chấp thuận viện trợ cho Ukraine ngay cả khi đầu tư vào Trung Mỹ bị đình trệ vì “bộ máy quan liêu”.
Hoa Kỳ đã dành hàng tỷ Mỹ kim để hỗ trợ, bao gồm cả vũ khí, cho Ukraine nhằm chống lại cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng của nước này. Nga gọi cuộc tấn công của mình là một “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
Từ lâu ông Lopez Obrador đã thúc ép Hoa Kỳ đầu tư nhiều hơn vào Trung Mỹ để giúp giải quyết các nguyên nhân của vấn nạn di cư. Tổng thống Joe Biden đã cam kết dành ít nhất 4 tỷ USD để thúc đẩy sự phát triển ở Trung Mỹ và miền nam Mexico.
“(Hoa Kỳ) vừa cho phép các nguồn lực, và điều đó là tốt vì đó là chính sách của họ để bảo vệ Ukraine… nhưng điều đó đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, tôi nghĩ là trong vòng hai ngày, còn sự ủng hộ dành cho những người anh em Trung Mỹ đã là bốn năm rồi và khoản tài trợ đó vẫn chưa được thông qua,” ông nói trong một cuộc họp báo.
Âu Châu chia rẽ về các lệnh trừng phạt dầu khí của Nga
Hôm thứ Hai (23/02), các ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu vẫn chia rẽ về việc có nên trừng phạt ngành năng lượng của Nga vì cuộc xâm lược của họ vào Ukraine hay không.
Cho đến nay, EU đã áp đặt bốn đợt trừng phạt chống lại Nga, nhắm vào các ngân hàng và giới tài phiệt, đồng thời cấm phi cơ Nga bay vào không phận EU và ngừng xuất cảng công nghệ.
Nhập cảng năng lượng của Nga, mà Âu Châu phụ thuộc rất nhiều vào đó, đang tỏ ra là một đề nghị khó khăn hơn nhiều, với Đức và Hà Lan bày tỏ sự phản đối.
Hôm thứ Hai (21/03), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói rằng lệnh cấm vận năng lượng ngắn hạn của Nga là không thực tế.
Thủ tướng Đan Mạch: Người tị nạn Ukraine không nên hòa nhập vào xã hội Đan Mạch
Hôm thứ Ba (22/03), Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết những người tị nạn Ukraine không nên hòa nhập vào xã hội Đan Mạch mà thay vào đó nên trở về Ukraine và giúp xây dựng lại quê hương của họ càng sớm càng tốt.
“Việc là một người tị nạn là tạm thời, vì vậy quý vị phải trở về và giúp đỡ xây dựng quê hương của quý vị khi quý vị có cơ hội. Việc này cho chúng tôi cơ hội để giúp đỡ những người tị nạn khác,” bà Frederiksen nói tại Nghị viện trong một cuộc tranh luận.
Theo một luật mới được thông qua ở Đan Mạch, những người tị nạn Ukraine có thể ở lại quốc gia Scandinavia này trong hai năm và có thể làm việc, được học hành và được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Nga hình sự hóa ‘tin giả’ về các cơ quan chính phủ Nga ở ngoại quốc
Các nhà lập pháp Nga đã thông qua luật mới có thể khiến những người phát tán “thông tin sai lệch” về công việc của các đại sứ quán và các tổ chức khác sẽ phải đối mặt với án tù lên đến 15 năm. Hành động này tuân theo luật tương tự nhằm vào những người lan truyền “tin giả” về các hành động của lực lượng quân đội Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn NATO tập trung vào lệnh ngừng bắn
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo NATO trong tuần này nên tập trung vào các cách nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine chứ không chỉ tập trung vào các biện pháp trừng phạt và răn đe.
“Mục tiêu hàng đầu của mọi người nên là một lệnh ngừng bắn,” ông Cavusoglu nói với các ký giả Thổ Nhĩ Kỳ bên lề Tổ chức Hợp tác Hồi giáo ở Pakistan hôm thứ Ba (22/03). “Nên chấm dứt cuộc chiến tranh đang diễn ra ngay bây giờ. Mọi người hãy hành động có trách nhiệm và xây dựng.”
Ông Cavusoglu nói tiếp: “Tất nhiên, chúng ta cần thể hiện sự thống nhất và đoàn kết trong NATO, chúng ta cần thể hiện khả năng răn đe. Nhưng ai đang phải trả giá cho cuộc chiến đang diễn ra này?”
Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo NATO khác dự kiến sẽ gặp nhau vào thứ Năm (24/03) tại Brussels. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với CBS hôm Chủ Nhật (20/03) rằng cuộc gặp này không chỉ nhằm thể hiện “sự ủng hộ của NATO đối với Ukraine, mà còn là sự sẵn sàng của chúng tôi trong việc bảo vệ và phòng thủ cho tất cả các đồng minh NATO.”
Ông Cavusoglu cho biết, với nỗ lực của mình trong tư cách là một “quốc gia hòa giải và tạo điều kiện”, Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy chấm dứt cuộc chiến này và liên lạc với các nhà đàm phán của cả hai bên. Ông Cavusoglu nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cố gắng đưa các bên tham chiến gặp nhau trực tiếp một lần nữa.
Đầu tháng này, các ngoại trưởng Nga và Ukraine đã gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ bên lề một diễn đàn ngoại giao.
Thành viên NATO gấp rút điều phản lực cơ vì cuộc xâm nhập không xác định từ không phận Ukraine
Theo Bộ Quốc phòng Hungary, quốc gia thành viên NATO này đã gấp rút điều các phản lực cơ sau khi một phi cơ chưa rõ danh tính xâm nhập không phận nước này từ Ukraine.
Trung tâm Điều hành Không quân của NATO ở Hungary đã nhanh chóng điều các phản lực cơ Saab JAS 39 Gripen sau khi Bộ Quốc phòng nước này “được cảnh báo về một phi cơ đến từ Ukraine,” một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Hai (21/03) cho biết.
Tuyên bố cho biết: “Chiếc phi cơ chưa rõ danh tính này đã xuất hiện trên radar ở miền đông của đất nước và hướng tới Slovakia.” Cả Slovakia, nước có đường biên giới giáp với Hungary ở phía bắc, và Hungary — đều có chung đường biên giới với Ukraine.
Bộ Quốc phòng Hungary cho biết các phản lực cơ này “đã kiểm tra vùng trời được chỉ định, thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở đó, và [khảo sát] mức độ an toàn của vùng trời” trước khi quay trở lại căn cứ NATO ở Kecskemet, Hungary. Danh tính của chiếc phi cơ đến từ Ukraine không được tiết lộ.
Ngũ Giác Đài: ‘Bằng chứng rõ ràng rằng quân đội Nga đang phạm tội ác chiến tranh’
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã thấy bằng chứng cho thấy quân đội Nga đã phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine.
“Chúng tôi chắc chắn thấy bằng chứng rõ ràng rằng quân đội Nga đang phạm tội ác chiến tranh và chúng tôi đang giúp thu thập bằng chứng về điều đó, nhưng có các quá trình điều tra đang diễn ra, và chúng tôi sẽ để điều đó diễn ra,” ông Kirby nói các phóng viên hôm thứ Hai (21/03).
Ông Kirby không nói rõ về bản chất của những tội ác chiến tranh bị cáo buộc này. Ông cũng không cung cấp bằng chứng.
Các quan chức Nga chưa đưa ra phản hồi công khai về những khẳng định của ông Kirby. Tuy nhiên hôm thứ Hai (20/03), Bộ Ngoại giao Nga cho biết quan hệ Mỹ-Nga đang trên “bờ vực tan vỡ” do các tuyên bố của các quan chức Tòa Bạch Ốc về tội ác chiến tranh đã được thực hiện.
Kênh Euronews cho biết họ bị chặn ở Nga
Kênh tin tức quốc tế Euronews cho biết họ đã bị chặn phát sóng ở Nga.
“Chúng tôi kiên quyết lên án sự hạn chế không thể dung thứ này áp đặt lên hàng triệu người… ở Nga, những người đã dựa vào chúng tôi để có được những tin tức công bằng,” Euronews nói, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ Nga đã đình chỉ phát sóng kênh này và chặn các trang web của họ ở Nga.
Euronews cho hay họ đã bác bỏ mạnh mẽ những tuyên bố của Nga rằng họ đã lan truyền “tin giả” và được cho là kêu gọi người Nga phản đối chiến tranh. Họ tuyên bố rằng họ phải đối mặt với “mối đe dọa không thể chấp nhận được về trách nhiệm hình sự” do luật mới của Nga.
Ngoại trưởng Hy Lạp cho biết ông có ý định đích thân hộ tống viện trợ nhân đạo tới Mariupol
Ngoại trưởng Hy Lạp cho biết ông dự định đích thân hộ tống viện trợ nhân đạo tới thành phố Mariupol, miền nam Ukraine, với sự phối hợp của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế.
Hôm thứ Ba (22/03), Ngoại trưởng Nikos Dendias cho biết ông đã gửi một yêu cầu chính thức tới phía Ukraine để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gửi viện trợ nhân đạo vào thành phố này, và một yêu cầu chính thức đối với phía Nga để cho phép đưa viện trợ vào. Có một cộng đồng người Hy Lạp khá lớn sống ở khu vực Mariupol .
Ông Dendias không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về ngày giao hàng tiềm năng hoặc chuyến hàng viện trợ nhân đạo này sẽ bao gồm những gì.
Ông đưa ra thông báo sau cuộc gặp với tổng lãnh sự Hy Lạp tại Mariupol, ông Manolis Androulakis, người đã đến Athens vào Chủ Nhật tuần trước (20/03) sau khi được di tản khỏi thành phố này hôm 15/03.
Điện Kremlin: Ý tưởng trưng cầu dân ý của Tổng thống Zelensky sẽ hủy hoại các cuộc đàm phán hòa bình
Hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ý tưởng đưa các điều khoản thỏa thuận hòa bình lên cho một cuộc trưng cầu dân ý của Tổng thống Zelensky sẽ chỉ phá hoại các cuộc đàm phán hòa bình đang diễn ra.
Serbia từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga
Một quan chức cao cấp của Serbia cho biết Belgrade sẽ không bao giờ áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc tham gia “sự cuồng loạn” chống lại Nga của phương Tây vì nước này đã xâm lược Ukraine.
Bộ trưởng Nội vụ Serbia Aleksandar Vulin cho biết hôm thứ Ba (22/03): “Serbia sẽ không bao giờ là một phần của sự cuồng loạn chống lại Nga trong đó tài sản của các công dân Nga và tài sản của Liên bang Nga bị đánh cắp, cũng như chúng tôi sẽ không cấm truyền thông Nga.”
Quốc gia Balkan này là một đồng minh trung thành của Nga, mặc dù họ đã lên án cuộc xâm lược Ukraine.
Serbia đang tìm kiếm tư cách thành viên của Liên minh Âu Châu, nhưng đây là quốc gia Âu Châu duy nhất từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Điện Kremlin.
Điện Kremlin từ chối bình luận về bài báo của tờ báo khổ nhỏ đưa tin về thương vong của quân đội Nga ở Ukraine
Điện Kremlin đã từ chối bình luận về việc một tờ báo khổ nhỏ hàng đầu đưa tin về thương vong của quân đội Nga ở Ukraine.
Hôm thứ Hai (21/03), nhật báo Komsomolskaya Pravda đưa tin trích dẫn Bộ Quốc phòng Nga nói rằng có 9,861 binh sĩ đã thiệt mạng trong chiến dịch Ukraine và 16,153 người khác bị thương.
Sau đó, tờ báo này đã nhanh chóng gỡ bỏ bài báo khỏi trang web của mình, mô tả đây là sản phẩm của tin tặc.
Khi được hỏi về bài báo này trong cuộc gọi với các phóng viên hôm thứ Ba (22/03), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận, chuyển câu hỏi về thương vong của quân đội cho Bộ Quốc phòng.
Hôm 02/03, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đã có 498 binh sĩ đã thiệt mạng và chưa công bố bất kỳ con số thương vong nào kể từ đó.
Hà Lan phong tỏa các khoản tiền trị giá 440 triệu USD liên quan đến những người Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt
Chính phủ Hà Lan đã phong tỏa các khoản tiền trị giá gần 440 triệu euro (440 triệu USD) liên quan đến những người Nga là mục tiêu của các lệnh trừng phạt sau khi Moscow tiến hành xâm lược Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Sigrid Kaag đã tiết lộ những số liệu mới nhất về các tài khoản bị phong tỏa trong một bức thư gửi tới Nghị viện hôm thứ Ba (22/03).
Bà cho biết các khoản tiền liên quan đến những người Nga nói trên trị giá hơn 242 triệu euro (267 triệu USD) đã bị phong tỏa tại các công ty ủy thác của Hà Lan và gần 145 triệu euro (160 triệu USD) trong các tài khoản ngân hàng.
Phần còn lại của những tài sản bị phong tỏa này được giữ tại các công ty đầu tư và các quỹ hưu trí.
Điện Kremlin bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Biden rằng Nga có thể đang lên kế hoạch tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ cảnh báo của Tổng thống Joe Biden rằng Nga có thể đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mạng nhắm vào Hoa Kỳ.
Hôm thứ Ba (22/03), khi được hỏi về bình luận của Tổng thống Biden, ông Peskov cho biết: “Liên bang Nga, không giống như nhiều nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ, không tham gia vào các vụ cướp ở cấp quốc gia.”
Cùng ngày, Tổng thống Biden nói trong một cuộc họp với các giám đốc điều hành doanh nghiệp rằng có “thông tin tình báo đang tiến triển” cho thấy một cuộc tấn công mạng có thể đang được lên kế hoạch. Ông kêu gọi các công ty tư nhân đầu tư vào bảo mật của riêng họ để chống lại các cuộc tấn công mạng.
Tổng thống Biden cho rằng một cuộc tấn công mạng có thể là sự đáp trả của Nga trước các lệnh trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ áp đặt.
Các đám cháy rừng gần nhà máy Chernobyl đã được dập tắt
Bộ trưởng tài nguyên thiên nhiên của Ukraine cho biết các đám cháy rừng đã được dập tắt trong khu vực nhà máy điện hạt nhân Chernobyl do quân đội Nga kiểm soát.
Các đám cháy đã làm dấy lên lo ngại về khả năng phát tán phóng xạ từ nhà máy này, nơi một vụ nổ và hỏa hoạn hồi năm 1986 đã làm phát thải phóng xạ khắp các khu vực rộng lớn của Âu Châu.
Nhưng Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Ruslan Strelets cho biết hôm thứ Ba (22/03) rằng mức độ bức xạ trong khu vực này đang nằm trong giới hạn cho phép.
Trước đó, các quan chức Ukraine đã cáo buộc quân đội Nga cố tình phóng hỏa hoặc gây ra các đám cháy bằng những vụ pháo kích.
Tổng thống Zelensky kêu gọi Ý tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và tịch thu các tài sản của ông Putin
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang thúc giục Ý tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thu giữ thêm các tài sản từ Tổng thống Vladimir Putin và các đồng minh của ông, như một phương thức gây áp lực buộc Moscow đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Hôm thứ Ba (22/03), Tổng thống Zelensky đã trình bày trước nghị viện Ý qua video từ Kyiv, như ông đã làm với các nghị viện ngoại quốc khác. Mặc một chiếc áo sơ mi có cổ và nói chuyện thông qua một phiên dịch viên người Ý, ông Zelensky nói với các nhà lập pháp Ý rằng ông vừa nói chuyện qua điện thoại với Giáo hoàng Francis và Giáo hoàng đã tán thành quyền tự vệ của Ukraine.
Tổng thống Biden: Ấn Độ ‘hơi lung lay’ về Nga trong vấn đề Ukraine
Tổng thống Joe Tổng thống Biden nói rằng chỉ có Ấn Độ trong nhóm các quốc gia thuộc Bộ Tứ “hơi lung lay” trong hành động chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, khi Ấn Độ cố gắng cân bằng mối quan hệ với Nga và phương Tây.
Trong khi các quốc gia Bộ Tứ khác — Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc — đã trừng phạt các tổ chức hoặc cá nhân Nga, thì Ấn Độ vẫn chưa áp đặt lệnh trừng phạt hoặc lên án Nga, nhà cung cấp khí tài quân sự lớn nhất của họ.
“Để đối phó với cuộc xâm lược của ông ấy, chúng tôi đã thể hiện một mặt trận thống nhất trong toàn NATO và ở khu vực Thái Bình Dương,” Tổng thống Biden trình bày tại một diễn đàn kinh doanh hôm thứ Hai (21/03) khi đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Về mặt đối phó với sự gây hấn của ông Putin, Bộ Tứ — ngoại trừ Ấn Độ có thể hơi lung lay trong một số biện pháp này — nhưng Nhật Bản thì rất mạnh mẽ, Úc cũng vậy.”
Sau một cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison và người đồng cấp Ấn Độ, ông Narendra Modi, hôm thứ Hai (21/03), Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Úc hiểu lập trường của Ấn Độ đối với Ukraine, vốn “phản ánh tình hình của tự thân chúng tôi, những cân nhắc riêng của chúng tôi”.
Ấn Độ cũng đang cân nhắc mua thêm dầu từ Nga với giá chiết khấu, với việc gần đây hai công ty quốc doanh của Ấn Độ đã đặt hàng 5 triệu thùng.
Ukraine tuyên bố đã giành lại vùng ngoại ô quan trọng của Kyiv, cuộc chiến giành Mariupol đang diễn ra khốc liệt
Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã giành lại được một vùng ngoại ô quan trọng về mặt chiến lược của Kyiv vào sáng sớm hôm thứ Ba (22/03), trong bối cảnh các lực lượng Nga siết chặt vòng vây ở các khu vực khác gần thủ đô và cuộc tấn công của họ vào thành phố cảng Mariupol ở phía nam đang diễn ra dữ dội không ngơi nghỉ.
Các vụ nổ và tiếng súng đã làm rung chuyển Kyiv, và khói đen bốc lên từ một điểm ở phía bắc. Có thể nghe thấy tiếng pháo cường độ cao từ phía tây bắc, nơi Nga đã tìm cách bao vây và đánh chiếm một số khu vực ngoại ô của thủ đô, một mục tiêu quan trọng.
Nhật Bản triệu tập đại sứ Nga sau khi đàm phán hiệp ước hòa bình bị đơn phương chấm dứt
Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, thứ trưởng ngoại giao nước này đã triệu tập đại sứ Nga hôm thứ Ba (22/03), một ngày sau quyết định ngừng đàm phán hiệp ước hòa bình với Tokyo của Moscow, sau các lệnh trừng phạt mà Nhật Bản áp đặt đối với Nga vì xâm lược Ukraine.
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cho biết chính phủ ông “phản đối mạnh mẽ” quyết định của Nga về việc chấm dứt đàm phán hiệp ước hòa bình vì phản ứng của Tokyo đối với cuộc xâm lược Ukraine của Moscow, gọi đó là “cực độ phi lý”.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Hai (21/03) rằng Moscow sẽ đình chỉ các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản do một loạt các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với các nhà lãnh đạo và các tổ chức tài chính của Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng sẽ “không thể thảo luận văn kiện căn bản này về quan hệ song phương với một quốc gia có một quan điểm rõ ràng không thân thiện và tìm cách làm tổn hại các lợi ích” của Nga.
“Mọi trách nhiệm về việc làm tổn hại đến hợp tác song phương và lợi ích của bản thân Nhật Bản thuộc về Tokyo, chính phủ đã cố tình chọn con đường chống Nga thay vì phát triển quan hệ láng giềng và hợp tác đôi bên cùng có lợi.”
Lượng người tị nạn Ukraine vượt quá mốc 3.5 triệu người
Cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 3.5 triệu người đã chạy khỏi Ukraine kể từ khi diễn ra cuộc xâm lược của Nga, vượt qua một mốc quan trọng khác, trong một cuộc di cư dẫn đến cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất ở Âu Châu kể từ Đệ nhị Thế chiến.
Hôm thứ Ba (22/03), Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo rằng 3.53 triệu người đã rời khỏi Ukraine, trong đó Ba Lan đã tiếp nhận phần lớn người tị nạn — hơn 2.1 triệu người — tiếp theo là Romania với hơn 540,000 người và Moldova với hơn 367,000 người.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ước tính rằng gần 6.5 triệu người đang di tản trong nội bộ Ukraine, điều này cho thấy rằng một số, nếu không muốn nói là hầu như tất cả những người này, có thể sẽ chạy ra ngoại quốc nếu chiến tranh tiếp tục.
Tổng thống Zelensky sẽ trình bày trước Nghị viện Nhật Bản
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ trình bày bài diễn văn của mình trước Nghị viện Nhật Bản vào thứ Tư (23/03) để kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga vào đất nước ông.
Không giống như trước kia, Nhật Bản đã có những hành động cứng rắn chống lại Nga, phù hợp với các quốc gia khác thuộc Nhóm Bảy (G7), mặc dù các bước đi của Tokyo đã kích hoạt sự trả đũa từ Moscow. Một thỏa hiệp có thể đặt ra một tiền lệ xấu ở Đông Á, nơi Trung Quốc đang ngày càng có những hành động quân sự quyết đoán.
Bài diễn văn của Tổng thống Zelensky, dự kiến kéo dài khoảng 10 phút, sẽ được trình chiếu trong một phòng họp ở Hạ viện — cơ quan quyền lực hơn của Nghị viện gồm lưỡng viện của Nhật Bản mà Thủ tướng Fumio Kishida chủ trì. Ông Zelensky đã trình bày các bài diễn văn trước Quốc hội Hoa Kỳ, cũng như các nghị viện ở Âu Châu, Canada, và Israel.
CEO: Grammarly tiếp tục trả đủ lương, phúc lợi cho nhân viên Ukraine đã nhập ngũ
Hôm 21/03, giám đốc điều hành hãng Grammarly cho biết hãng đang tiếp tục trả đủ lương và phúc lợi cho các nhân viên của mình ở Ukraine, những người đã nhập ngũ trong bối cảnh Nga xâm lược.
“Nhóm làm việc trước hết tập trung vào sự an toàn của họ,” CEO Brad Hoover nói với Bloomberg.
Ông không nói rõ có bao nhiêu nhân viên của Grammarly đã nhập ngũ ở Ukraine, tuy nhiên, Bloomberg cho biết trước cuộc xâm lược do Moscow dẫn đầu, gần một nửa trong số hơn 600 nhân viên của Grammarly sống ở Ukraine.
Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine sẵn sàng thảo luận về thỏa hiệp
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết vào cuối ngày thứ Hai (21/03) rằng ông đã sẵn sàng thảo luận về một cam kết từ phía Ukraine về việc không tìm kiếm tư cách thành viên NATO để đổi lấy một lệnh ngừng bắn, rút quân của Nga và bảo đảm an ninh cho Ukraine.
“Đó là một sự thỏa hiệp cho tất cả mọi người: đối với phương Tây, vốn không biết phải làm gì với chúng tôi trong vấn đề NATO, đối với Ukraine, quốc gia muốn bảo đảm an ninh và đối với Nga, quốc gia không muốn NATO mở rộng hơn nữa,” ông Zelensky nói vào cuối ngày thứ Hai trong một cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Ukraine.
Ông cũng lặp lại lời kêu gọi hội đàm trực tiếp với Tổng thống Nga Putin. Tổng thống Zelensky nói, trừ khi ông gặp ông Putin, nếu không thì không thể biết được liệu Nga có muốn dừng cuộc chiến này hay không.
Ông Zelensky nói rằng Kyiv sẽ sẵn sàng thảo luận về tình trạng của Crimea và khu vực phía đông Donbas do phe ly khai được Nga hậu thuẫn nắm giữ sau khi có một lệnh ngừng bắn và các bước tiến tới việc cung cấp các bảo đảm an ninh.
Nga chấm dứt đàm phán hiệp ước hòa bình với Nhật Bản vì các lệnh trừng phạt
Nga đã rút khỏi các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và đóng băng các dự án kinh tế chung liên quan đến quần đảo Kuril đang tranh chấp do các lệnh trừng phạt mà Tokyo áp đặt vì vấn đề Ukraine, gây ra một phản ứng giận dữ từ Nhật Bản.
Nga và Nhật Bản vẫn chưa chính thức chấm dứt tình trạng thù địch trong Đệ nhị Thế chiến vì sự tranh chấp đối với các hòn đảo nằm ngay ngoài khơi đảo Hokkaido, ở cực bắc của Nhật Bản, mà Nga gọi là quần đảo Kuril và Nhật Bản gọi là quần đảo Chishima. Tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga về vấn đề chủ quyền quần đảo này được người Nhật gọi là Vấn đề Lãnh thổ Phương Bắc. Quần đảo này đã bị Liên Xô chiếm giữ vào cuối Đệ nhị Thế chiến.
“Trong những điều kiện hiện tại, Nga không có ý định tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về một hiệp ước hòa bình,” Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố, với lý do “lập trường công khai không thân thiện và nỗ lực của Nhật Bản nhằm gây tổn hại đến lợi ích của đất nước chúng tôi.”
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết ông phản đối mạnh mẽ quyết định của Nga, coi đó là “không công bằng” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Tuần trước (14-20/03), Nhật Bản đã công bố kế hoạch thu hồi quy chế thương mại tối huệ quốc của Nga, mở rộng phạm vi phong tỏa tài sản đối với giới tinh hoa Nga và cấm nhập cảng một số sản phẩm từ nước này.
Tổng thống Zelensky: Nga nã pháo vào hành lang nhân đạo
Quân đội Nga đã nã pháo dọc theo hành lang nhân đạo hôm thứ Hai (21/03), khiến bốn trẻ em trong số dân thường được di tản bị thương, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết trong bài diễn văn qua video hàng đêm của mình trước toàn quốc. Ông cho biết cuộc pháo kích diễn ra ở vùng Zaporizhzhia, điểm đến ban đầu của những người lánh nạn khỏi Mariupol.
Chính phủ Ukraine cho biết, khoảng 3,000 người đã được di tản khỏi Mariupol hôm thứ Hai (21/03).
Tổng thống Zelensky cho biết ông đã nói chuyện với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để điều phối lập trường của họ trước khi các nhà lãnh đạo phương Tây gặp nhau vào thứ Năm tới (24/03).
“Lập trường của chúng tôi sẽ được thể hiện và sẽ được thể hiện một cách mạnh mẽ, hãy tin tôi,” ông Zelensky nói.
Hoa Kỳ cảnh báo về các cuộc tấn công mạng tiềm tàng từ Nga
Hôm thứ Hai (21/03), Hoa Kỳ cảnh báo rằng có “thông tin tình báo đang tiến triển” về việc chính phủ Nga đang xem xét các lựa chọn cho các cuộc tấn công mạng tiềm năng, theo một tuyên bố từ Tòa Bạch Ốc.
“Tôi kêu gọi các đối tác khu vực tư nhân của chúng ta lập tức tăng cường sức mạnh phòng thủ an ninh mạng của quý vị,” Tổng thống Joe Biden nói trong một tuyên bố và cho biết thêm rằng mọi người cần “làm phần việc của mình để ứng phó với một trong những mối đe dọa quan trọng của thời đại chúng ta.”
Tổng thống Zelensky cho biết bất kỳ thỏa hiệp nào với Nga sẽ cần trưng cầu dân ý
Hôm thứ Hai (21/03), Tổng thống (TT) Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết bất kỳ thỏa hiệp nào đạt được với Nga để chấm dứt chiến tranh sẽ cần được người dân Ukraine bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý.
“Người dân sẽ phải lên tiếng và phản ứng với các hình thức này khác của thỏa hiệp. Và các thỏa hiệp đó sẽ là gì là chủ đề của các cuộc đàm phán của chúng ta và sự thấu hiểu giữa Ukraine và Nga,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng bởi công ty phát thanh công cộng Ukraine Suspilne.
Ông nói, các vấn đề có thể được nêu ra trong bất kỳ cuộc trưng cầu dân ý nào có thể liên quan đến các vùng lãnh thổ bị quân Nga chiếm đóng, bao gồm Crimea, hoặc các bảo đảm an ninh mà các nước cung cấp cho Ukraine thay cho tư cách thành viên NATO.
EU chia rẽ về các biện pháp trừng phạt dầu của Nga, suy tính các bước khác
Hôm thứ Hai (21/03), các ngoại trưởng của Liên minh Âu Châu đã bất đồng về việc liệu có thực thi không và thực thi như thế nào để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng lợi nhuận cao của Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, trong đó Đức cho rằng khối này quá phụ thuộc vào dầu của Nga để quyết định một lệnh cấm vận.
EU và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp mạnh mẽ chống lại Nga, bao gồm cả việc phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương nước này.
Nhưng nhắm vào xuất cảng năng lượng của Nga, như Hoa Kỳ và Anh đã làm, là một lựa chọn gây chia rẽ cho 27 quốc gia EU, vốn phụ thuộc vào Nga để cung cấp 40% lượng khí đốt của mình.
Một nhà ngoại giao EU cho biết một số người hy vọng rằng vào tháng Sáu, EU sẽ tìm thấy đủ nguồn năng lượng thay thế để xem xét nghiêm túc một lệnh cấm vận dầu mỏ. Tuy nhiên, chưa có ngày cụ thể nào được thống nhất và các quốc gia EU khác nhau có thể có các mục tiêu khác nhau.
Đức và Hà Lan cho biết EU phụ thuộc vào dầu và khí đốt của Nga và không thể tự cắt đứt ngay bây giờ.
“Câu hỏi về lệnh cấm vận dầu mỏ không phải là câu hỏi về việc chúng ta muốn hay không muốn, mà là câu hỏi về mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ,” Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói với các phóng viên.
“Đức đang nhập cảng rất nhiều (dầu từ Nga), nhưng cũng có các quốc gia thành viên khác không thể ngừng nhập cảng dầu ngay được,” bà nói và cho biết thêm rằng khối này thay vào đó nên nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Moscow cho nhu cầu năng lượng của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng sẽ tháp tùng Tổng thống Biden tới NATO, Ba Lan
Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Hai (21/03), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ tháp tùng Tổng thống Joe Biden ở Âu Châu trong tuần này để hội đàm tại trụ sở NATO ở Brussels và ở Ba Lan khi các đồng minh đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Austin vừa trở về từ Âu Châu hôm thứ Bảy (19/03) sau một tuần hội kiến với các đồng minh NATO.
Nga phán quyết Meta ‘hoạt động cực đoan’ nhưng WhatsApp có thể ở lại
Hôm thứ Hai (21/03), một tòa án ở Moscow cho biết Meta đã phạm tội “hoạt động cực đoan”, nhưng phán quyết này sẽ không ảnh hưởng đến dịch vụ nhắn tin WhatsApp của họ, mà chỉ tập trung vào các mạng xã hội Facebook và Instagram của công ty Mỹ đã bị cấm này.
Meta đã không phúc đáp yêu cầu bình luận sau khi Tòa án Địa hạt Tverskoi của Moscow cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ đã đồng ý với phán quyết của tòa án cấp thấp hơn đối với đơn kiện của các công tố viên nhà nước về việc cấm các hoạt động của công ty này trên lãnh thổ Nga.
Luật sư Victoria Shakina của Meta trước đó đã nói với tòa án rằng công ty không thực hiện các hoạt động cực đoan và phản đối tâm lý bài Nga (Russophobia), hãng thông tấn Interfax đưa tin.
Không rõ liệu Meta có kháng cáo việc cấm hoạt động của Facebook và Instagram ở Nga “với lý do nhận thấy hoạt động cực đoan” hay không, một lệnh cấm mà TASS dẫn lời thẩm phán Olga Solopova cho biết sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
EU thông qua kế hoạch an ninh và quốc phòng chung
Hôm thứ Hai (21/03), Liên minh Âu Châu đã thông qua một bản Định hướng Chiến lược (Strategic Compass) — một chiến lược phòng thủ chung của toàn khối “mang lại cho Liên minh Âu Châu một kế hoạch hành động đầy tham vọng để tăng cường chính sách an ninh và quốc phòng của EU vào năm 2030.”
Cố vấn của Tổng thống Zelensky: Những lời kêu gọi bạo lực đối với công dân Nga làm tổn thương hình ảnh của Ukraine
Hôm thứ Hai (21/03), ông Alexey Arestovich, cố vấn cao cấp của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết trên Facebook rằng những lời kêu gọi bạo lực đối với công dân Nga và thiến tù nhân chiến tranh làm hỏng hình ảnh chung của Ukraine như một quốc gia Âu Châu văn minh và không thể chấp nhận được.
Quân đội Nga cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng hỏa tiễn siêu thanh để tấn công các mục tiêu ở Ukraine
Quân đội Nga cho biết họ sẽ tiếp tục sử dụng các hỏa tiễn siêu thanh tối tân của mình để tấn công các mục tiêu đặc biệt quan trọng ở Ukraine.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết hôm thứ Hai (21/03) rằng hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal “đã chứng minh được hiệu quả của mình trong việc tiêu diệt các cơ sở đặc biệt được xây dựng kiên cố.”
Ông nói rằng một hỏa tiễn Kinzhal đã được sử dụng hôm thứ Sáu (18/03) để tấn công một kho vũ khí thời Liên Xô chứa hỏa tiễn gần thị trấn phía tây Deliatyn trên dãy núi Karpat. Đây là lần đầu tiên loại vũ khí mới này được sử dụng trong chiến đấu. Hỏa tiễn này cũng được sử dụng trong một cuộc tấn công vào kho nhiên liệu ở Kostiantynivka gần cảng Mykolaiv của Biển Đen vào cuối tuần qua. Ông Konashenkov lưu ý rằng Kinzhal được sử dụng cho các cuộc tấn công này do sở hữu động năng cao và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ.
Ông Konashenkov nói rằng hỏa tiễn Kinzhal đã được bắn ở khoảng cách hơn 1,000 km (hơn 620 dặm).
Kinzhal, một trong những loại vũ khí siêu thanh do Nga phát triển trong những năm gần đây, có tầm bắn 2,000 km (1,250 dặm) và bay với tốc độ gấp 10 lần tốc độ âm thanh. Nó được vận chuyển bởi các chiến đấu cơ MiG-31 đã được thiết kế lại một cách đặc biệt.
Quân đội Nga cho biết đã tấn công trung tâm mua sắm
Quân đội Nga cho biết họ đã tấn công một trung tâm mua sắm ở ngoại ô thủ đô Kyiv của Ukraine vì nơi đó được sử dụng để chứa hỏa tiễn.
Hôm thứ Hai (21/03), phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cáo buộc rằng quân đội Ukraine đang sử dụng trung tâm mua sắm này để nạp đạn cho nhiều bệ phóng hỏa tiễn và cất giữ các hỏa tiễn dùng để pháo kích vào quân đội Nga. Ông nói rằng một khẩu đội pháo gồm nhiều bệ phóng hỏa tiễn và đạn dược của họ đã bị phá hủy trong cuộc tấn công này.
The Epoch Times không thể xác minh một cách độc lập tuyên bố trên của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga.
Nga cảnh báo quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ đang trên bờ vực tan vỡ
Nga đã cảnh báo rằng quan hệ với Hoa Kỳ đang “trên bờ vực tan vỡ” và triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để chính thức phản đối những lời chỉ trích của Tổng thống Joe Biden đối với Tổng thống Nga Putin.
Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai (21/03) đề cập đến “những tuyên bố không thể chấp nhận được gần đây” của Tổng thống Biden về Tổng thống Putin. Tuần trước (14-20/03), ông Biden đã gọi ông Putin là “tội phạm chiến tranh” khi nói về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng cuộc gặp với Đại sứ Hoa Kỳ John Sullivan tại Moscow “đã nhấn mạnh rằng những tuyên bố như vậy của Tổng thống Mỹ, vốn không xứng đáng với một nhân vật chính phủ có cấp bậc cao như vậy, đã đặt quan hệ Nga-Mỹ trên bờ vực tan vỡ.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ba Lan xem xét ‘phong tỏa và tịch biên’ tài sản thuộc sở hữu của Nga
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã kêu gọi phong tỏa và tịch biên các bất động sản thuộc sở hữu của Nga tại Ba Lan như một phần của các biện pháp trừng phạt của phương Tây trước việc Nga xâm lược Ukraine.
Nhiều quốc gia đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moscow, nhắm vào các ngân hàng và hoạt động thương mại, đồng thời thu giữ các tài sản như du thuyền sang trọng của các nhà tài phiệt Nga.
Ý đã tịch thu tài sản của các cộng sự thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin, chẳng hạn như biệt thự của nhà tài phiệt Nga Alisher Usmanov trên đảo Sardinia và siêu du thuyền trị giá 578 triệu USD của ông Andrey Igorevich Melnichenko.
Thủ tướng Morawiecki nói với hãng truyền thông Ba Lan Wprost trong một cuộc phỏng vấn hôm Chủ Nhật (20/03) rằng “ngày càng nhiều người Ba Lan không hiểu tại sao người Ý tịch thu du thuyền của các nhà tài phiệt Nga mà chúng tôi lại không thể làm vậy ở đất nước mình.”
Giám đốc viện Nobel từ chối ngoại lệ dành cho Tổng thống Zelensky
Sau một bức thư ngỏ từ các chính trị gia EU, Giám đốc Viện Nobel Na Uy Olav Njølstad đã tuyên bố rằng Ủy ban Giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ không thể gia hạn thời hạn quá ngày 31/01 để có thể đề cử Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Moscow cấm Facebook và Instagram
Một tòa án ở Moscow hôm thứ Hai (21/03) đã cấm Facebook và Instagram ở Nga, gọi các mạng xã hội này là các tổ chức cực đoan sau khi chủ sở hữu nền tảng cho phép phát ngôn thù địch trên mạng xã hội nhắm vào công dân Nga.
Chỉ huy Hạm đội Biển Đen hàng đầu của Nga bị bắn thiệt mạng ở Ukraine
Ông Andrei Nikolayevich Paly, một chỉ huy cao cấp của Hạm đội Biển Đen của Nga, được cho là đã thiệt mạng trong giao tranh tại một thành phố cảng của Ukraine, hai quan chức hàng đầu cho biết trong một tuyên bố.
“Thuyền trưởng hạng nhất Andrei Nikolayevich Paly đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh [gần Mariupol],” Đài Âu Châu Tự Do (RFERL) đưa tin, trích dẫn một bài đăng trên Telegram của Thống đốc Sevastopol Mikhail Razvozhayev. Hải quân Nga chưa xác nhận ngay về cái chết của lãnh đạo quân sự mới nhất này.
Moscow giải thích lý do tại sao không có lệnh ngừng bắn giữa các cuộc đàm phán hòa bình với Kyiv
Hôm thứ Hai (21/03), phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết Moscow sẽ không tạm dừng hành động quân sự chống lại Ukraine trong lúc tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình với Kyiv. Ông giải thích rằng bất kỳ hành động tạm dừng nào cũng sẽ giúp quân đội Ukraine tập hợp lại và tiếp tục các cuộc tấn công chống lại quân đội Nga.
Ngân hàng trung ương Nga mở lại giao dịch trái phiếu
Ngân hàng trung ương Nga đã thận trọng mở lại giao dịch trái phiếu trên Sở Giao dịch Moscow lần đầu tiên kể từ khi nước này xâm lược Ukraine.
Hôm thứ Hai (21/03), giá nợ công bằng đồng rúp của Nga giảm, khiến chi phí đi vay tăng cao. Sàn giao dịch cổ phiếu vẫn đóng, không có thông tin nào về thời điểm sàn có thể mở cửa trở lại.
Ngân hàng trung ương đã mua trái phiếu để trợ giá. Ngân hàng này đã áp đặt các hạn chế trên phạm vi rộng đối với các giao dịch tài chính để cố gắng ổn định thị trường và chống lại ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn khiến đồng rúp giảm giá mạnh so với USD và đồng euro.
Các cơ quan xếp hạng đã hạ cấp trái phiếu của Nga xuống trạng thái “rác” (junk, không đầu tư). Tuần trước (14-20/03), Bộ Tài chính Nga đã cân nhắc vỡ nợ khi đe dọa trả cho các chủ sở hữu trái phiếu dollar ngoại quốc bằng đồng rúp đang mất giá mạnh mẽ trước khi trả tiền bằng USD.
Cổ phiếu được giao dịch lần cuối vào ngày 25/02/2022, một ngày sau khi cuộc xâm lược bắt đầu và khiến chỉ số chứng khoán chính giảm mạnh.
Các máy đo bức xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động
Cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine cho biết các máy đo bức xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa nóng chảy hạt nhân tồi tệ nhất thế giới năm 1986, đã ngừng hoạt động.
Trong một tuyên bố hôm thứ Hai (21/03), cơ quan này cũng cho biết không còn nhân viên cứu hỏa nào trong khu vực để bảo vệ các khu rừng bị nhiễm phóng xạ hàng thập niên khi thời tiết ấm lên. Nhà máy đã bị quân đội Nga chiếm giữ vào ngày 24/02.
Theo tuyên bố này, sự kết hợp của các yếu tố rủi ro có thể đồng nghĩa với việc “suy giảm đáng kể” khả năng kiểm soát sự lan truyền của bức xạ không chỉ ở Ukraine mà còn vượt ra ngoài biên giới của đất nước này trong vài tuần và vài tháng nữa.
Hôm Chủ Nhật (20/03), ban quản lý nhà máy Chernobyl cho biết 50 nhân viên làm việc không ngừng kể từ khi Nga tiếp quản đã được luân chuyển và thay thế.
Điện Kremlin: Cần đạt được nhiều tiến triển hơn trong các cuộc đàm phán với Ukraine trước khi Tổng thống Putin có thể gặp mặt Tổng thống Zelensky
Phát ngôn viên Dmitry Peskov cho biết cần đạt được nhiều tiến triển hơn trong các cuộc đàm phán với Ukraine trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Peskov nói rằng “để nói về cuộc gặp giữa hai tổng thống, trước tiên cần phải làm bài tập về nhà, cần phải hội đàm và thống nhất kết quả.”
Ông nói thêm rằng “cho đến nay vẫn chưa đạt được chuyển biến nào quan trọng” trong các cuộc đàm phán và “không có bất kỳ thỏa thuận nào mà họ có thể cam kết” tại một cuộc gặp chung.
Các phái đoàn của Ukraine và Nga đã tổ chức một số vòng đàm phán trực tiếp và gần đây là thông qua liên kết video. Tổng thống Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng gặp trực tiếp ông Putin để tìm kiếm thỏa thuận về các vấn đề quan trọng.
Thủ tướng Israel cho biết vẫn còn khoảng cách lớn trong nỗ lực chấm dứt xung đột Nga-Ukraine
Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người đang cố gắng làm trung gian để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, cho biết hôm thứ Hai (21/03) rằng bất chấp một số tiến triển, vẫn còn khoảng cách lớn giữa các bên.
“Vẫn còn một chặng đường dài phía trước, bởi vì… có một số vấn đề đang tranh chấp, một vài trong số các vấn đề đó là căn bản,” ông nói trong một bài diễn văn, theo bản thông tin do văn phòng của ông cung cấp.
Ông Bennett nói thêm rằng Israel, “cùng với các quốc gia hữu nghị khác trên thế giới, sẽ tiếp tục cố gắng thu hẹp khoảng cách và chấm dứt chiến tranh.”
Anh cho biết quân đội Nga cách trung tâm Kyiv hơn 25 km
Các lực lượng Nga tiến vào Kyiv từ phía đông bắc đã bị đình trệ và phần lớn lực lượng của họ vẫn cách trung tâm thành phố hơn 25 km, tình báo quân đội Anh cho biết hôm thứ Hai (21/03).
Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn ở phía bắc Kyiv.”
Ukraine tuyên bố Nga pháo kích nhà máy hóa chất, Nga phủ nhận
Tổng công tố viên của Ukraine tuyên bố một quả đạn pháo của Nga đã tấn công một nhà máy hóa chất bên ngoài thành phố Sumy sau 3 giờ sáng thứ Hai (21/03), gây rò rỉ trong một bồn chứa 50 tấn amoniac và mất nhiều giờ để kiểm soát.
Phát ngôn viên Igor Konashenkov của quân đội Nga tuyên bố vụ rò rỉ là một “hành động khiêu khích có kế hoạch” của quân đội Ukraine nhằm vu cáo Nga về một cuộc tấn công hóa học.
Ông Konashenkov cũng cho biết một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình trong đêm đã đánh trúng một trung tâm huấn luyện quân sự của Ukraine ở vùng Rivne. Ông tuyên bố 80 binh lính ngoại quốc và binh lính Ukraine đã thiệt mạng.
Thủ tướng: Israel quản lý sự can dự của mình với Ukraine và Nga “một cách mẫn cảm, hào phóng và có trách nhiệm”
Thủ tướng Israel cho biết nước này đang quản lý sự can dự của mình với Ukraine và Nga “một cách mẫn cảm, hào phóng và có trách nhiệm trong khi cân bằng giữa nhiều cân nhắc phức tạp” sau khi Tổng thống Ukraine kêu gọi Israel chọn phe.
Ông Naftali Bennett trình bày trên đường băng tại phi trường quốc tế chính của Israel khi một phái đoàn viện trợ chuẩn bị khởi hành đến Ukraine để thiết lập một bệnh viện dã chiến cho những người tị nạn gần biên giới Ba Lan.
Một ngày trước đó (20/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chỉ trích Israel trong một bài diễn văn trên truyền hình trước các thành viên quốc hội Israel, nói rằng Israel nên cung cấp vũ khí và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Israel có quan hệ tốt với cả Ukraine và Nga và đã đóng vai trò làm trung gian giữa hai bên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hồi cuối tháng Hai.
Ông Bennett nói rằng “Israel đã dang rộng vòng tay viện trợ trong cuộc khủng hoảng Ukraine vài tuần qua, rất nhiều ngay từ khoảnh khắc ban đầu, thông qua các kênh khác nhau,” ý nói đến các chuyến hàng viện trợ nhân đạo và tiếp nhận người tị nạn và nhập cư của Ukraine.
Tổng thống Biden tới Ba Lan để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine với Tổng thống Duda
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết vào cuối ngày Chủ Nhật (20/03) rằng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ đến Ba Lan vào thứ Sáu (25/03) để thảo luận về phản ứng quốc tế đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã gây ra một “cuộc khủng hoảng nhân đạo và nhân quyền.”
Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Biden sẽ tới Warsaw, nơi ông sẽ tổ chức cuộc gặp song phương với Tổng thống Andrzej Duda. Lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết hôm thứ Sáu (18/03), hơn 2 triệu người tị nạn đã vào Ba Lan từ Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02.
Tòa Bạch Ốc cho biết chuyến đi Ba Lan của ông Biden sẽ diễn ra một ngày sau khi ông gặp các đồng minh NATO, G7, và các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu tại Brussels để thảo luận về các nỗ lực quốc tế nhằm hỗ trợ Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.
Tòa Bạch Ốc cũng cho biết ông Biden sẽ tổ chức một cuộc gọi vào thứ Hai (21/03) lúc 11 giờ sáng giờ chuẩn miền Đông (EST) với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Ý Mario Draghi, và Thủ tướng Anh Boris Johnson để thảo luận về các phản ứng phối hợp của họ với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ukraine từ chối yêu cầu hạ vũ khí đầu hàng của Nga ở Mariupol
Hôm Chủ Nhật (20/03), Ukraine cho biết thành phố Mariupol sẽ không bao giờ đầu hàng sau khi Nga kêu gọi quân đội Ukraine hạ vũ khí tại thành phố cảng bị bao vây này.
Cổng thông tin Ukrainska Pravda dẫn lời Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết: “Không bao giờ có thể có bất kỳ việc đầu hàng, hạ vũ khí nào. Chúng tôi đã thông báo cho phía Nga về việc này.”
Nga cho biết một “thảm họa nhân đạo khủng khiếp” đang diễn ra ở Mariupol.
“Hãy hạ vũ khí của các vị,” Đại tá Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.
Ông Mizintsev nói: “Một thảm họa nhân đạo khủng khiếp đã phát triển. Tất cả những ai buông vũ khí đều được bảo đảm an toàn rời Mariupol.”
Mariupol đã phải hứng chịu một số đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02. Nhiều người trong số 400,000 cư dân của thành phố này vẫn bị mắc kẹt trong đó với rất ít thức ăn, nước uống, và năng lượng.
Ông Mizintsev cho biết các hành lang nhân đạo dành cho dân thường sẽ được mở theo hướng đông và hướng tây ra khỏi Mariupol lúc 10 giờ sáng theo giờ Moscow vào thứ Hai (21/03).
Ukraine có thời gian cho đến 5 giờ sáng theo giờ Moscow để đáp ứng đề nghị về các hành lang nhân đạo và hạ vũ khí, ông nói.
Bà Vereshchuk nói rằng hành động của Nga là “một hành vi thao túng có chủ ý.”
“Thay vì dành thời gian cho tám trang trên từng con chữ, hãy đơn giản là mở hành lang,” bà nói.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Nga yêu cầu quân đội Ukraine ở Mariupol hạ vũ khí
Hôm Chủ Nhật (20/03), Nga đã kêu gọi quân đội Ukraine ở thành phố cảng miền đông Mariupol hạ vũ khí, nơi Moscow cho rằng “một thảm họa nhân đạo khủng khiếp” đang diễn ra.
“Hãy hạ vũ khí của các vị,” Đại tá Mikhail Mizintsev, Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga, cho biết trong một cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức.
Ông Mizintsev nói: “Một thảm họa nhân đạo khủng khiếp đã phát triển. Tất cả những ai buông vũ khí đều được bảo đảm an toàn ra khỏi Mariupol.”
Mariupol đã phải hứng chịu một số đợt pháo kích nặng nề nhất kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02. Nhiều người trong số 400,000 cư dân của thành phố này vẫn bị mắc kẹt trong đó với rất ít thức ăn, nước uống, và năng lượng.
Ông Mizintsev cho biết các hành lang nhân đạo dành cho dân thường sẽ được mở theo hướng đông và hướng tây ra khỏi Mariupol lúc 10 giờ sáng theo giờ Moscow vào thứ Hai (21/03).
Ukraine có thời gian cho đến 5 giờ sáng theo giờ Moscow để đáp ứng đề nghị về các hành lang nhân đạo và hạ vũ khí, ông nói.
Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau trong việc không mở được các hành lang như vậy trong những tuần gần đây.
IAEA: Nhân viên Chernobyl được luân chuyển lần đầu tiên kể từ khi nhà máy bị chiếm đóng
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm Chủ Nhật (20/03), khoảng một nửa số nhân viên làm việc không ngừng nghỉ tại các cơ sở chất thải phóng xạ ở Chernobyl kể từ khi quân đội Nga chiếm giữ địa điểm này vào tháng trước đã được thay thế bằng các nhân viên Ukraine khác.
Hơn ba tuần trước, quân đội Nga đã kiểm soát các cơ sở chất thải gần nhà máy điện hiện đã không còn hoạt động này, nơi xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986.
Nhóm nhân viên trước đó đã phải làm việc liên tục và không thể đổi ca, điều mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự an toàn vì họ bị kiệt sức và làm việc dưới áp lực vô cùng lớn. Cơ quan này thường xuyên kêu gọi việc đổi ca trực cho họ.
“Họ đã ở đó quá lâu. Tôi thực sự hy vọng rằng các nhân viên còn lại của nhóm trực này cũng có thể sớm được luân chuyển,” IAEA dẫn lời Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết trong một tuyên bố của vào tối hôm Chủ Nhật (20/03).
Tổng thống Biden không có kế hoạch đến thăm Ukraine khi ở Âu Châu
Tổng thống Joe Biden không có kế hoạch thăm Ukraine trong chuyến công du sắp tới đến Âu Châu, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết hôm Chủ Nhật (20/03).
“Chuyến đi này sẽ tập trung vào việc tiếp tục kêu gọi thế giới ủng hộ người dân Ukraine và chống lại cuộc xâm lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine, nhưng không có kế hoạch đi đến Ukraine,” bà Psaki viết trên Twitter.
Tòa Bạch Ốc đã thông báo hôm thứ Ba (15/03) rằng ông Biden sẽ đến Brussels, Bỉ để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 24/03. Ông dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO khác và “thảo luận về các nỗ lực răn đe và phòng thủ đang diễn ra để ứng phó với cuộc tấn công vô cớ và không chính đáng của Nga nhằm vào Ukraine, cũng như tái khẳng định cam kết chặt chẽ của chúng tôi với các đồng minh NATO,” bà Psaki nói.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Chỉ huy Hải quân Nga thiệt mạng ở Ukraine
Thống đốc Sevastopol cho biết một chỉ huy hải quân cao cấp trong Hạm đội Biển Đen của Nga đã thiệt mạng ở Ukraine vào Chủ Nhật (20/03).
Thống đốc Mikhail Razvozhayev cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram, Sĩ quan Chỉ huy Andrei Paliy, phó chỉ huy hạm đội, đã thiệt mạng trong giao tranh ở thành phố cảng Mariupol, miền đông Ukraine.
Hải quân Nga đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Sevastopol là một căn cứ chính của Hạm đội Biển Đen của Nga, nằm trên bán đảo Crimea mà Moscow sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Tổng thống Zelensky gợi lại Holocaust khi ông kêu gọi Israel viện trợ
Hôm Chủ Nhật (20/03), Tổng thống Ukraine đã kêu gọi Israel có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Nga, đưa ra lời kêu gọi đầy cảm xúc khi so sánh cuộc xâm lược của Nga vào đất nước ông với các hành động của Đức Quốc Xã.
Trong bài diễn văn trước các nhà lập pháp Israel, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết đã đến lúc Israel, quốc gia nổi lên như một nước hòa giải quan trọng giữa Ukraine và Nga, cuối cùng phải chọn đứng về bên nào. Ông nói rằng Israel nên làm theo các đồng minh phương Tây bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt và cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Ông nói: “Người ta có thể tự hỏi trong một thời gian dài tại sao chúng tôi không thể nhận vũ khí từ quý vị hoặc tại sao Israel không áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, tại sao quý vị không gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của Nga. Đây là sự lựa chọn của quý vị, những người anh chị em thân mến.”
Ukraine nhận thấy dấu hiệu Belarus có kế hoạch ‘xâm lược trực tiếp’
Hôm Chủ Nhật (20/03), Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố rằng Belarus đang chuẩn bị quân đội để xâm lược Ukraine trước khi cảnh báo Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo một bản dịch, Bộ Quốc phòng Ukraine viết trên mạng xã hội rằng có các “dấu hiệu của việc chuẩn bị” cho thấy Belarus sẽ tiến hành “xâm lược trực tiếp vào lãnh thổ Ukraine.” Bộ không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố của mình, cũng như không cung cấp thêm các chi tiết khác.
Bộ cho biết thêm: “Sự tham gia trực tiếp của quân đội Belarus vào cuộc xâm lược vũ trang của Nga nhằm vào Ukraine, chống lại ý chí của những binh lính bình thường và đại đa số người dân Belarus, sẽ là một sai lầm trí mạng đối với ông Alexander Lukashenko.”
Các quan chức ở Belarus đã không đưa ra bình luận công khai nào trước những cáo buộc của Ukraine.
Nga cho biết đã tấn công căn cứ của ‘lính đánh thuê ngoại quốc’ ở Ukraine
Hôm Chủ Nhật (20/03), các quan chức Nga tuyên bố họ đã tấn công một căn cứ khác của Ukraine, nơi được sử dụng làm trung tâm huấn luyện cho lực lượng đặc nhiệm, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Cùng lúc, chính phủ Ukraine cáo buộc quân đội Nga đã đánh bom một trường nghệ thuật ở một thành phố bị bao vây.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết qua các phương tiện truyền thông nhà nước rằng “hỏa tiễn phóng từ trên không có độ chính xác cao” đã tấn công một căn cứ ở Ovruch thuộc vùng Zhytomyr, phía bắc miền trung Ukraine. Theo hãng thông tấn RIA Novosti do nhà nước Nga hậu thuẫn, những người thiệt mạng trong vụ không kích là “lính đánh thuê ngoại quốc đến Ukraine” trong những ngày gần đây.
Ông Konashenkov không cung cấp bằng chứng cho tuyên bố rằng căn cứ này đang được sử dụng bởi lính đánh thuê ngoại quốc hoặc lực lượng đặc nhiệm của Ukraine. Các quan chức Ukraine đã không đưa ra bình luận công khai về tuyên bố của ông Konashenkov hôm Chủ Nhật.
Thủ tướng Anh Johnson cảnh báo Trung Quốc không được ‘dung thứ’ cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi chính quyền Trung Quốc không “dung thứ” cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, mà ông mô tả là cuộc chiến “giữa thiện và ác”.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Sunday Times, ông Johnson nói: “Theo thời gian, và khi số lượng các hành động tàn bạo của Nga ngày càng gia tăng, tôi nghĩ rằng sẽ càng khó khăn hơn và đáng xấu hổ hơn về chính trị đối với những ai chủ động hay thụ động dung túng cho cuộc xâm lăng của ông Putin.”
“Hiện tại có những tình huống khó xử đáng kể đối với những người nghĩ rằng họ có thể dửng dưng, những người nghĩ rằng họ có thể khoanh tay đứng nhìn.”
Ông cho biết ông nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bắt đầu “cân nhắc” về lập trường của mình đối với cuộc chiến này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Nga và Ukraine sắp đạt được thỏa thuận về các vấn đề ‘quan trọng’
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chủ Nhật (20/03) rằng Nga và Ukraine đã gần đạt được thỏa thuận về các vấn đề “quan trọng” và ông hy vọng về một lệnh ngừng bắn nếu hai bên không rút lời về tiến độ đạt được cho đến nay.
Quân đội Nga xâm lược Ukraine hôm 24/02. Tổng thống Vladimir Putin đã gọi các hành động của Nga là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraine và loại bỏ những người mà ông coi là theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm. Ukraine và phương Tây cho rằng ông Putin đã phát động một cuộc chiến tranh theo lựa chọn của ông.
Các ngoại trưởng Sergei Lavrov của Nga và Dmytro Kuleba của Ukraine đã gặp nhau tại thị trấn nghỉ mát Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Các cuộc thảo luận đã không mang lại kết quả cụ thể.
Nhưng ông Cavusoglu, người cũng đã đến Nga và Ukraine vào tuần trước để hội đàm với ông Lavrov và ông Kuleba, nói với nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ rằng đã có “sự hợp tác giữa hai bên về những chủ đề quan trọng, những vấn đề chủ chốt.”
Ông nói: “Chúng tôi có thể nói rằng chúng tôi hy vọng về một lệnh ngừng bắn nếu các bên không lùi một bước so với vị trí hiện tại,” ông nói, mà không giải thích chi tiết về các vấn đề này.
Tổng thống Zelensky cho biết ông muốn đàm phán với Tổng thống Putin
Hôm Chủ Nhật (20/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng ông cảnh báo rằng nếu cuộc đàm phán thất bại, xung đột có thể leo thang thành Đệ Tam Thế Chiến.
“Tôi đã sẵn sàng đàm phán với ông ấy. Tôi đã sẵn sàng trong hai năm qua. Và tôi nghĩ rằng nếu không có các cuộc đàm phán, chúng ta không thể kết thúc cuộc chiến này,” ông Zelensky nói với CNN.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine cho biết Nga ném bom một địa điểm trú ẩn khác ở Mariupol
Hôm Chủ Nhật (20/03), các nhà chức trách Ukraine cho biết quân đội Nga đã đánh bom một trường nghệ thuật là nơi trú ẩn cho khoảng 400 người ở thành phố cảng bị bao vây Mariupol.
Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần, các quan chức thành phố báo cáo một tòa nhà công cộng nơi cư dân trú ẩn bị tấn công. Các quan chức địa phương cho biết một quả bom đã đánh trúng một nhà hát ở Mariupol với hơn 1,300 người được cho là đang ở bên trong vào hôm thứ Tư (16/03).
Không có thông tin ngay lập tức về thương vong từ cuộc tấn công được báo cáo vào trường nghệ thuật. Các quan chức Ukraine đã không cung cấp thêm thông tin cập nhật về cuộc tìm kiếm nạn nhân tại nhà hát kể từ hôm thứ Sáu (18/03), khi họ nói rằng ít nhất 130 người đã được giải cứu.
Mariupol, một cảng chiến lược trên Biển Azov, đã bị bắn phá trong ít nhất ba tuần.
Ukraine cho biết 7 hành lang nhân đạo sẽ được mở vào 20/03
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bảy hành lang nhân đạo sẽ được mở vào Chủ Nhật (20/03) để cho phép dân thường rời khỏi các khu vực tiền tuyến.
Ukraine đã di tản tổng cộng 190,000 người khỏi các khu vực như vậy kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu vào ngày 24/02, bà Vereshchuk cho biết hôm thứ Bảy (19/03), mặc dù Ukraine và Nga đã đổ lỗi cho nhau vì làm chậm quá trình này.
Tổng thống Zelensky tuyên bố cấm 11 đảng chính trị
Tổng thống Zelensky đã công bố một biện pháp cấm 11 đảng chính trị đối lập với cáo buộc họ có liên hệ với Nga, ông tuyên bố trong một video Telegram đăng hôm 20/03.
Ông nói, các đảng đã bị cấm bao gồm “Cương lĩnh Đối lập — Vì Cuộc sống, Đảng của Sharij, Nashi, Khối Đối lập, Đối lập Cánh tả, Liên minh Các lực lượng Cánh tả, Derzhava, Đảng Xã hội Tiến bộ Ukraine, Đảng Xã hội Ukraine, Những người theo Chủ nghĩa Xã hội, và Khối của Volodymyr Saldo,” theo Ukrinform.
Hội đồng An ninh Quốc gia đã đồng ý cấm các đảng này, Ukrinform đưa tin, trích dẫn video của ông Zelensky.
Bộ Tư pháp Ukraine đã được yêu cầu lập tức thực hiện các biện pháp để cấm các đảng chính trị đó, ông nói. Tổng thống Zelensky đã không cung cấp bằng chứng liên kết 11 đảng đối lập với chính phủ Nga.
Khi cuộc xâm lược bắt đầu vào ngày 24/02, ông Zelensky đã ký một biện pháp thiết quân luật và tổng động viên.
Ông Zelensky cho biết hôm 20/03 rằng “các hoạt động của các chính trị gia nhằm mục đích gây bất hòa và hợp tác với Nga sẽ không thành công,” nói thêm rằng mối liên hệ bị cáo buộc giữa Nga “và một số cấu trúc chính trị, hoạt động của một số đảng chính trị bị đình chỉ trong thời gian thiết quân luật.”
Slovakia tiếp nhận hệ thống phòng không Patriot của NATO
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết các đơn vị NATO đa quốc gia đầu tiên có hệ thống phòng không Patriot đã được chuyển đến đất nước của ông.
Hôm Chủ Nhật (20/03), ông Nad cho biết việc vận chuyển sẽ tiếp tục trong những ngày tới.
Đức và Hà Lan đã đồng ý gửi các binh sĩ được trang bị với những hệ thống Patriot của họ đến Slovakia. Các binh sĩ này nằm trong số 2,100 binh sĩ từ một số thành viên NATO, bao gồm cả Hoa Kỳ. Họ sẽ thành lập một nhóm chiến đấu trên lãnh thổ Slovakia, trong bối cảnh liên minh này tăng cường phòng thủ ở sườn phía đông sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Ông Nad cho biết, ban đầu các hệ thống Patriot sẽ được khai triển tại căn cứ lực lượng vũ trang Sliac ở miền trung Slovakia trước khi được đặt tại nhiều địa điểm khác nhau để bảo vệ nhiều nhất có thể lãnh thổ của Slovakia.
Ông cảm ơn Đức và Hà Lan vì “quyết định có trách nhiệm” của họ trong việc tăng cường khả năng phòng thủ của Slovakia về căn bản.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Ukraine tuyên bố một tướng Nga khác đã thiệt mạng
Một tướng khác của Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh vào tuần trước, Bộ Tổng tham mưu của quân đội Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy (19/03).
“Do hậu quả của cuộc pháo kích vào kẻ thù của Lực lượng vũ trang Ukraine, chỉ huy Quân đoàn 8 toàn quân của Quân khu phía Nam của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga, Trung tướng Andrey Mordvichev, đã thiệt mạng,” tuyên bố cho hay.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đến thăm Ba Lan, kêu gọi trợ giúp quân đội Ukraine
Một phái đoàn lưỡng đảng gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến thăm Ba Lan hôm thứ Bảy (19/03) cho biết nhu cầu cấp thiết nhất trong cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga vào Ukraine là trang bị và hỗ trợ nước này bằng mọi cách để giúp họ bảo vệ nền độc lập của mình.
Phái đoàn bảy thành viên do Dân biểu Stephen Lynch (Dân Chủ-Massachusetts) dẫn đầu đã đến thăm các trung tâm tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine ở miền đông Ba Lan. Họ ghi nhận sự cởi mở của Ba Lan trong việc tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine, kể cả ở nhà riêng. Hơn 2 triệu người chạy nạn chiến tranh đã đến Ba Lan kể từ ngày 24/02, khi quân đội Nga xâm lược Ukraine.
“Chúng tôi ở đây để trấn an và hỗ trợ người dân Ukraine. Chúng tôi ở đây để cảm ơn người dân Ba Lan vì sự hào phóng đáng kinh ngạc mà họ đã dành cho những người tị nạn,” ông Lynch, chủ tịch tiểu ban về An ninh Quốc gia trong Ủy ban Giám sát và Cải cách, cho biết.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến với giới truyền thông hôm thứ Bảy (19/03), các nhà lập pháp Mỹ đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc gấp rút hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống lại quân đội Nga. Họ nói không thể có các cuộc đàm phán hòa bình chừng nào vẫn còn một “cuộc chiến tranh nóng” (chiến tranh sử dụng vũ khí sát thương – dịch giả).
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Katabella Roberts, Aldgra Fredly, Bill Pan, Jack Phillips, Tom Ozimek, Lorenz Duchamps, The Associated Press, và Reuters
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: