[TRỰC TIẾP] Cập nhật tình hình Nga-Ukraine 09-12/03/2022
Dưới đây là bản tin cập nhật trực tiếp diễn biến của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine từ ngày 09-12/03/2022, với tin mới nhất ở phần trên cùng.
Mời quý vị theo dõi bản tin diễn biến từ ngày 05-08/03/2022 tại đây, và xem toàn bộ các bản tin cập nhật trực tiếp về tình hình cuộc chiến tại đây.
Tổng thống Zelensky: Khoảng 1,300 binh lính Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi Nga xâm lược
Hôm thứ Bảy (12/03), Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết khoảng 1,300 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược.
“Mọi người đang bị sát hại. Chúng tôi không vui vì chúng tôi đã mất khoảng 1,300 binh sĩ và Nga mất khoảng 12,000 người,” ông Zelensky nói trong một cuộc họp báo.
Ông Zelensky cho biết các đoàn đàm phán của Ukraine và Nga đã bắt đầu thảo luận về các chủ đề cụ thể hơn là trao đổi tối hậu thư.
Ông cho rằng phương Tây nên tham gia nhiều hơn vào việc chống lại Nga để ngăn chặn Nga xâm lược các nước khác.
“Những gì đang xảy ra ở Ukraine hôm nay sẽ xảy ra ở Âu Châu vào ngày mai. Để ngăn chặn việc này, tất cả mọi người nên chiến đấu, vì chính họ, chiến đấu ở đây, bằng bất cứ cách nào họ có thể,” ông nói.
Giao tranh ác liệt xung quanh Kyiv, quân Nga tập hợp lại để tiếp tục tấn công
Giao tranh đã nổ ra ở phía tây bắc Kyiv hôm thứ Bảy (12/03), với phần lớn lực lượng trên bộ của Nga cách trung tâm thủ đô Ukraine khoảng 16 km, theo tình báo Anh, trong khi các nguồn tin nói với The Epoch Times rằng quân đội Ukraine đang chiến đấu với các nhóm lính phá hoại của Nga ở một số vùng ngoại ô của Kyiv.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình huống hôm thứ Bảy, các phần của một đoàn xe Nga lớn ở phía bắc Kyiv đã phân tán, có khả năng sẽ tập hợp lại để thực hiện một cuộc tấn công mới nhằm vào Kyiv và có thể là nhằm giảm khả năng bị tổn thất trước các cuộc phản công của Ukraine.
Tình báo Anh cho biết: “Ngoài Kyiv, các thành phố Kharkiv, Chernihiv, và Mariupol vẫn bị bao vây và tiếp tục hứng chịu các đợt pháo kích nặng nề của Nga.”
“Chiến sự ở phía tây bắc của Kyiv vẫn tiếp tục,” bộ cho biết thêm.
Tổng thống Zelensky nói rằng ông đã sẵn sàng đàm phán với Nga
Hôm thứ Bảy (12/03), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình cấp lãnh đạo với Nga, coi Jerusalem là một địa điểm khả thi và bày tỏ hy vọng rằng Thủ tướng Israel Naftali Bennett có thể giúp đạt được một thỏa thuận.
Ông Zelensky nói với các phóng viên ngoại quốc tại một cuộc họp báo ở Kyiv rằng việc tổ chức các cuộc đàm phán kỹ thuật cấp thấp hơn ở Belarus, thì Nga hoặc Ukraine sẽ “không hăng hái để đạt được tiến triển”, thay vào đó kêu gọi một “cuộc họp của các nhà lãnh đạo”, có thể là ở Jerusalem.
Ông đặt niềm tin về việc ông Bennett đóng vai trò trung gian giữa các bên tham chiến và kêu gọi Israel là một trong những nước bảo đảm an ninh cho Ukraine.
“Nhìn chung chúng tôi thấy lạc quan,” ông Zelensky nói về vai trò như một người trung gian hòa giải của ông Bennett. “Cá nhân tôi cảm thấy tin tưởng về việc hòa giải của bất kỳ ai… Nhưng tôi không gọi ông Bennett là ‘bất kỳ ai’ vì tôi nghĩ ông ấy có thể đóng một vai trò quan trọng,” thêm vào đó, “rất tốt nếu có một cuộc dàn xếp như vậy”.
Tổng thống Biden duyệt chi thêm 200 triệu USD cho Ukraine
Tổng thống Joe Biden đang cho phép Bộ Ngoại giao cấp thêm khoản viện trợ lên tới 200 triệu USD cho Ukraine.
Quỹ này sẽ chi trả cho vũ khí cũng như các quân nhân, giáo dục, và đào tạo.
Khoản viện trợ này là một phần trong sự hỗ trợ rộng rãi hơn của Hoa Kỳ dưới hình thức viện trợ và các biện pháp trừng phạt. Khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng Hai, Ngoại trưởng Antony Blinken lưu ý rằng 1 tỷ USD viện trợ đã được cung cấp cho Ukraine.
Cuộc chiến đang diễn ra đã dẫn đến sự hỗ trợ bổ sung, với việc Quốc hội trong tuần này đã thông qua khoản viện trợ bổ sung trị giá 13.6 tỷ USD, trong đó có 6.5 tỷ USD cho chi phí gửi quân đội và vũ khí đến Đông u và 6.8 tỷ USD cho người tị nạn và viện trợ kinh tế.
Tổng thống Biden dự định sẽ ký vào hóa đơn chi tiêu này với khoản viện trợ bổ sung khi ông nhận được nó vào tuần tới.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Paris cho biết cuộc gọi với ông Putin ‘rất khó khăn’
Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết cuộc gọi ba chiều của ông với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin là “rất thẳng thắn và cũng rất khó khăn.”
Các quan chức Pháp cho biết nhà lãnh đạo Nga không cho thấy bất cứ dấu hiệu nào trong cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ hôm thứ Bảy (12/03) rằng ông có ý định ngừng giao tranh ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Âu Châu đang cân nhắc những gì họ mô tả là một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế “lớn” mới nhằm vào Moscow với hy vọng khiến ông Putin thay đổi ý định.
Ukraine cho biết quân Nga đã chiếm được vùng ngoại ô phía đông Mariupol
Quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã chiếm được vùng ngoại ô phía đông của thành phố bị bao vây Mariupol.
Trong một bài cập nhật trên Facebook hôm thứ Bảy (12/03), quân đội Ukraine cho biết việc đánh chiếm Mariupol và Severodonetsk ở phía đông là ưu tiên của các lực lượng Nga. Mariupol đã bị bao vây trong hơn một tuần.
Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron kêu gọi ‘ngừng bắn ngay lập tức’ trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, kêu gọi ông đồng ý một “lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine.”
Văn phòng của ông Scholz cho biết cuộc điện đàm kéo dài 75 phút hôm thứ Bảy (12/03) là một phần của “những nỗ lực quốc tế đang diễn ra nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.”
Họ cho biết các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã kêu gọi ông Putin bắt đầu quá trình tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
Các chi tiết khác của cuộc điện đàm trên không được công bố.
Ông Scholz cũng đã nói chuyện riêng trước đó với Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Bảy (12/03) để nhận được đánh giá của ông về tình hình hiện tại.
Nga cảnh báo Hoa Kỳ vì giao thiết bị quân sự cho Ukraine
Một nhà ngoại giao cao cấp của Nga cảnh báo rằng Moscow có thể nhắm vào các lô hàng thiết bị quân sự của phương Tây tới Ukraine.
Trình bày hôm thứ Bảy (12/03), Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov cho biết Moscow đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng họ sẽ coi các lô hàng vũ khí của phương Tây cho Ukraine là mục tiêu.
Ông Ryabkov cho biết Nga “đã cảnh báo Hoa Kỳ rằng việc đưa vũ khí từ một số quốc gia mà nước này điều phối không chỉ là một hành động nguy hiểm, mà còn là một hành động khiến các đoàn xe đó trở thành các mục tiêu hợp pháp.”
Ông cũng lên án các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Moscow là một “nỗ lực chưa từng có để giáng một đòn nghiêm trọng vào các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế Nga,” nhưng lưu ý rằng Moscow sẽ hành động một cách có chừng mực để tránh làm tổn thương chính mình.
Ông Ryabkov nói rằng Nga không có ý định trục xuất các hãng thông tấn và doanh nghiệp phương Tây trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây đang tăng cao, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi sẽ không làm tình hình leo thang.”
Lính Mỹ tiếp tục được điều động tới Âu Châu
Các binh sĩ Mỹ đang tiếp tục được điều động tới Âu Châu, hòa cùng hàng ngàn binh sĩ đã được gửi ra ngoại quốc để hỗ trợ các đồng minh NATO trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.
Khoảng 130 binh sĩ từ Tiểu đoàn Hỗ trợ Duy trì Sư đoàn 87, Lữ đoàn Duy trì Sư đoàn 3 đã tập trung hôm thứ Bảy (13/03) tại Phi trường Hunter ở Savannah, Georgia, và khởi hành trên một chuyến bay thuê.
Các binh sĩ này được bổ sung vào khoảng 3,800 binh sĩ từ Sư đoàn Bộ binh số 3 của Lục quân đã được khai triển gần đây từ Fort Stewart gần đó.
Một chỉ huy sư đoàn nói rằng các binh sĩ đang được yêu cầu chuẩn bị cho khoảng sáu tháng ở ngoại quốc. Ngũ Giác Đài đã điều tổng cộng khoảng 12,000 thành viên tại ngũ từ các căn cứ khác nhau của Hoa Kỳ đến Âu Châu.
Nhiệm vụ của các binh sĩ là huấn luyện cùng với các đơn vị quân đội của các đồng minh NATO trong một cuộc phô diễn lực lượng nhằm ngăn chặn sự xâm lược hơn nữa của Nga. Ngũ Giác Đài đã nhấn mạnh rằng các lực lượng Hoa Kỳ sẽ không được khai triển để chiến đấu ở Ukraine.
Giao tranh dữ dội bên ngoài Kyiv
Bộ Quốc phòng Anh cho biết, giao tranh đã nổ ra dữ dội ở phía tây bắc Kyiv hôm thứ Bảy (12/03), với phần lớn lực lượng trên bộ của Nga cách trung tâm thủ đô Ukraine 25 km (16 dặm), trong khi một số thành phố khác bị bao vây và pháo kích dữ dội.
Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết bà hy vọng rằng một số hành lang nhân đạo sẽ được mở vào thứ Bảy (12/03) cho hàng ngàn cư dân ở các thành phố bị bắn phá, bao gồm hành lang nhân đạo từ thành phố cảng Mariupol bị bao vây đến Zaporizhzhia.
Truyền thông địa phương đưa tin, còi báo động không kích vang lên khắp hầu hết các thành phố Ukraine vào sáng thứ Bảy (12/03), thúc giục người dân tìm nơi trú ẩn, sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc chiến đã đạt đến một “bước ngoặt chiến lược”.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết hôm thứ Sáu (11/03), quân đội Nga dường như đang tái tập hợp, có khả năng là để cho một cuộc tấn công mới nhằm vào thủ đô Kyiv trong vài ngày tới. Trong một bản cập nhật hôm thứ Bảy (12/03), bộ cho biết chiến sự ở phía tây bắc thủ đô vẫn tiếp diễn và các thành phố Kharkiv, Chernihiv, Sumy, và Mariupol vẫn bị bao vây dưới các đợt pháo kích dữ dội của Nga.
Ý thu giữ du thuyền trị giá 578 triệu USD của tỷ phú Nga
Cảnh sát tài chính Ý đã thu giữ một chiếc siêu du thuyền thuộc sở hữu của Nga trị giá 530 triệu euro (578 triệu USD) tại cảng Trieste, như một phần của việc tịch thu tài sản của các nhà tài phiệt nhằm gây áp lực buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin ngừng cuộc chiến chống lại Ukraine.
Du thuyền “Sy A” được cảnh sát Ý xác định là của tỷ phú Andrey Igorevich Melnichenko. Nó đã bị thu giữ vào tối hôm thứ Bảy (13/03).
Video cho thấy cảnh sát trong chiếc xe có đèn nhấp nháy tiếp cận du thuyền ba cột buồm này và các cảnh sát đi vào du thuyền đó.
Tuần trước (28/02-06/03), các nhà chức trách Ý đã thu giữ khoảng 143 triệu euro (156 triệu USD) tiền du thuyền và biệt thự sang trọng của các tỷ phú Nga trong các kỳ nghỉ dưỡng đẹp như tranh vẽ ở Sardinia, bờ biển Ligurian, và Hồ Como.
IMO kêu gọi tổ chức hành lang an toàn ở Biển Đen và Biển Azov
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), cơ quan giám sát của Liên Hợp Quốc về hoạt động đi biển quốc tế và luật biển, đang kêu gọi một hành lang an toàn ở Biển Đen và Azov để các tàu thương mại di tản.
Nhiều vùng biển được khai thác và các tàu hải quân Nga đang ở ngoài khơi Ukraine. Các vụ nổ đã giáng xuống ít nhất hai tàu chở hàng trong khu vực và khiến hàng chục con tàu khác bị mắc cạn.
Meta bảo vệ chính sách về kêu gọi bạo lực đối với Nga sau khi bị quốc gia này chặn quyền truy cập vào Instagram
Công ty Meta sở hữu Facebook đã bảo vệ sự thay đổi trong chính sách nội dung của mình sau khi Nga khởi tố vụ án hình sự và chặn Instagram để phản ứng lại hành động này.
Hôm 10/03, Meta đã thông báo về một sự thay đổi tạm thời trong chính sách nội dung của công ty – cho phép người dùng bày tỏ quan điểm của họ chống lại cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, cho phép các bài đăng như “cái chết cho những kẻ xâm lược Nga.”
Tuyên bố của Meta chi biết: “Do hậu quả của cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, chúng tôi đã tạm thời cho phép các hình thức phát ngôn chính trị mà thường sẽ vi phạm các quy tắc của chúng tôi như các phát ngôn bạo lực chẳng hạn như ‘cái chết dành cho những kẻ xâm lược Nga.’ Chúng tôi vẫn sẽ không cho phép những lời kêu gọi đáng tin cậy về bạo lực đối với thường dân Nga.”
Ukraine buộc tội Nga pháo kích làm hư hại bệnh viện ung thư
Các quan chức Ukraine cáo buộc Nga làm hư hại một bệnh viện ung thư và một số tòa nhà dân cư ở thành phố Mykolaiv, miền nam nước này bằng pháo hạng nặng.
Bác sĩ trưởng của bệnh viện, ông Maksim Beznosenko, cho biết hàng trăm bệnh nhân đã ở trong bệnh viện khi vụ tấn công xảy ra nhưng không ai thiệt mạng. Vụ tấn công đã làm hư hại tòa nhà và thổi tung các cửa sổ.
Quân đội Nga đã tăng cường các cuộc tấn công vào Mykolaiv, cách Kyiv 470 km (292 dặm) về phía nam, để cố gắng bao vây thành phố.
Các quan chức Ukraine và phương Tây trước đó cáo buộc Nga nã pháo vào một bệnh viện phụ sản ở thành phố Mariupol, miền Nam nước này hôm thứ Tư (09/03). Ba người đã tử vong trong cuộc tấn công đó.
Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với tỷ phú Nga, gia đình phát ngôn viên của Tổng thống Putin
Hôm thứ Sáu (11/03), Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tỷ phú Nga Viktor Vekselberg, ba thành viên trong gia đình phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin, cùng các nhà lập pháp trong lệnh trừng phạt mới nhất đối với hành động xâm lược Ukraine của Nga.
Nga đã phải đối mặt với một loạt các biện pháp kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24/02. Đây là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến. Bộ Ngân khố Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng những người bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt hôm thứ Sáu bao gồm 10 người trong hội đồng quản trị của VTB Bank, công ty cho vay lớn thứ hai ở Nga, và 12 thành viên của Duma (Hạ viện Nga).
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết: “Bộ Ngân khố đang tiếp tục buộc các quan chức Nga phải chịu trách nhiệm về việc kích hoạt cuộc chiến tranh không chính đáng và vô cớ của ông Putin.”
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov đã trở thành mục tiêu hôm 03/03. Các biện pháp trừng phạt hôm thứ Sáu áp dụng cho vợ và hai con trưởng thành của ông. Bộ Ngân khố cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ có “lối sống xa hoa không phù hợp với mức lương công chức của ông Peskov.”
Liên Hiệp Quốc: Chiến tranh Ukraine có thể đẩy giá lương thực toàn cầu tăng tới 22%
Hôm thứ Sáu (11/03), cơ quan lương thực của Liên Hiệp Quốc cho biết giá thực phẩm và thức ăn chăn nuôi quốc tế có thể tăng tới 22% do xung đột ở Ukraine, khiến tình trạng suy dinh dưỡng toàn cầu tăng vọt.
Tổ chức Nông Lương (FAO) có trụ sở tại Rome cho biết không rõ liệu Ukraine có thể thu hoạch mùa màng nếu chiến tranh kéo dài hay không, trong khi sự bất ổn cũng xoay quanh các triển vọng xuất cảng của Nga trong năm tới.
FAO cho biết Nga là nhà xuất cảng lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine là nước lớn thứ năm. Cả hai nước này cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch của thế giới, 14% lúa mì, và 4% ngô, chiếm hơn ⅓ lượng ngũ cốc xuất cảng toàn cầu.
Nga cũng là nước dẫn đầu thế giới về xuất cảng phân bón.
Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) cho biết trong một tuyên bố rằng, “sự gián đoạn tiềm tàng trong các hoạt động nông nghiệp của hai nước xuất cảng ngũ cốc chủ yếu này có thể làm tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu leo thang nghiêm trọng.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cảnh báo người Mỹ không nên đến Ukraine
Hôm thứ Sáu (11/03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, công dân Mỹ đến Ukraine, bao gồm cả những người đến tham chiến, đối diện với một nguy cơ rất thật của việc bị bắt hoặc tử vong, khi cảnh báo rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ không thể tạo điều kiện cho việc di tản.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price nói với các phóng viên: “Họ có thể bị truy tố hình sự và có thể có nguy cơ cao bị đối xử tệ bạc.”
Công ty mẹ của Facebook bảo vệ chính sách về kêu gọi bạo lực
Hôm thứ Sáu (11/03), công ty sở hữu Facebook Meta Platforms cho biết họ cần phải tạm thời thay đổi chính sách nội dung của mình, chỉ trong trường hợp của Ukraine, để người dùng lên tiếng phản đối cuộc tấn công của Nga. Nga đã mở một vụ án hình sự sau khi công ty này cho biết sẽ cho phép các bài đăng có nội dung như “cái chết cho những kẻ xâm lược Nga.”
Các công tố viên Nga đã yêu cầu tòa án chỉ định đại công ty công nghệ Mỹ này là “tổ chức cực đoan” và cơ quan quản lý truyền thông Nga cho biết họ sẽ hạn chế quyền truy cập vào nền tảng Instagram của Meta bắt đầu từ ngày 14/03. Công ty cho biết quyết định này sẽ ảnh hưởng đến 80 triệu người dùng ở Nga.
Ủy ban Điều tra của Nga cho biết, “Một vụ án hình sự đã được khởi xướng… liên quan đến những lời kêu gọi bất hợp pháp để thực hiện hành vi bạo lực và sát nhân đối với công dân Liên bang Nga bởi các nhân viên của công ty Meta của Mỹ, công ty sở hữu mạng xã hội Facebook và Instagram.”
Chủ tịch đặc trách các vấn đề toàn cầu Nick Clegg của công ty Meta đã phản hồi bằng một tuyên bố rằng công ty đặt mục tiêu bảo vệ quyền phát ngôn như một biểu hiện của phản ứng tự vệ trước cuộc xâm lược Ukraine và chính sách này chỉ áp dụng cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky: Chỉ hơn 7,000 người được di tản khỏi Mariupol hôm 11/03
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình rằng tổng cộng 7,144 người đã được di tản khỏi bốn thành phố của Ukraine hôm thứ Sáu (11/03), một con số thấp hơn rất nhiều so với số người đã có thể rời đi trong hai ngày trước đó.
Ông Zelensky cáo buộc Nga từ chối cho phép người dân ra khỏi thành phố Mariupol hiện đang bị bao vây và cho biết Ukraine sẽ cố gắng cung cấp thực phẩm và thuốc men tới đó một lần nữa vào thứ Bảy (12/03).
Các nhà chức trách Ukraine cho biết, gần 40,000 người đã rời khỏi một số thành phố thông qua các hành lang nhân đạo hôm thứ Năm (10/03), ngoài con số 35,000 người đã thoát ra được hôm thứ Tư (09/03).
Ukraine nói Nga muốn kéo Belarus vào chiến tranh, cảnh báo kế hoạch xâm lược
Hôm thứ Sáu (11/03), Ukraine cho biết Belarus có thể đang lên kế hoạch xâm lược lãnh thổ của nước này, đồng thời cáo buộc Nga đang cố gắng lôi kéo đồng minh của mình vào cuộc chiến bằng cách dàn dựng các cuộc không kích vào Belarus từ không phận của Ukraine.
Belarus đã đóng vai trò là một nơi tập hợp quân đội, hỏa tiễn và phi cơ của Nga, cả trước và sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine hôm 24/02, nhưng nước này đã không khai triển lực lượng của mình trong thực chiến.
Theo Trung tâm Truyền thông Chiến lược Quốc gia Ukraine, các cuộc tấn công được cho là xảy ra trong lúc lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow.
Tuần trước (28/02-06/03), ông Lukashenko, một đồng minh thân cận của Điện Kremlin, cho biết các lực lượng vũ trang của Belarus đã không tham gia và sẽ không tham gia vào cái mà Nga gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Deutsche Bank sẽ ngừng hoạt động ở Nga, đảo ngược hướng đi sau phản ứng dữ dội
Deutsche Bank, ngân hàng vấp phải những lời chỉ trích gay gắt từ một số nhà đầu tư và chính trị gia vì tiếp tục mối liên hệ với Nga, cho biết hôm thứ Sáu (11/03) trong một quyết định bất ngờ rằng họ sẽ ngừng hoạt động kinh doanh tại nước này.
Deutsche Bank gia nhập hàng ngũ của Goldman Sachs và JPMorgan Chase, những ngân hàng lớn đầu tiên của Hoa Kỳ rút lui sau cuộc xâm lược của Moscow vào Ukraine. Những hành động đó đã tạo áp lực cho các đối thủ phải theo sau.
Deutsche Bank đã phản kháng lại áp lực cắt đứt quan hệ, cho rằng họ cần hỗ trợ các công ty đa quốc gia kinh doanh tại Nga.
Nhưng vào tối hôm thứ Sáu ở Frankfurt, ngân hàng này đã đột ngột đảo ngược hướng đi.
Ngân hàng cho biết: “Chúng tôi đang trong quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh còn lại của mình ở Nga trong khi trợ giúp các khách hàng đa quốc gia không phải người Nga của mình giảm bớt các hoạt động của họ.”
“Sẽ không có bất kỳ hoạt động kinh doanh mới nào ở Nga,” Deutsche Bank cho hay.
Trước đó một ngày (10/03), Giám đốc Điều hành Christian Sewing của Deutsche Bank đã giải thích cho nhân viên lý do ngân hàng này không rút lui.
“Câu trả lời là điều này sẽ đi ngược lại các giá trị của chúng ta,” ông viết. “Chúng ta có những khách hàng không thể rời khỏi Nga trong một đêm.”
IAEA: Bắt đầu sửa chữa đường dây điện tại Chernobyl
Hôm thứ Sáu (11/03), Ukraine nói với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) rằng các kỹ thuật viên đã bắt đầu sửa chữa các đường dây điện bị hư hại tại nhà máy điện Chernobyl đã ngừng hoạt động để khôi phục nguồn cung cấp điện, cơ quan hạt nhân Liên Hiệp Quốc này cho biết.
Hôm thứ Tư (09/03), các nhà chức trách Ukraine cho biết Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân 1986, đã bị đánh sập khỏi lưới điện, và đang hoạt động bằng điện dự phòng từ các máy phát điện khẩn cấp.
Theo IAEA, cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine cho biết hôm thứ Sáu rằng các công nhân đã sửa chữa một phần của đường dây, nhưng những chỗ khác có vẻ như vẫn còn hư hại. Các nỗ lực sửa chữa sẽ tiếp tục bất chấp “tình hình khó khăn” bên ngoài nhà máy này, vốn bị quân Nga chiếm giữ từ đầu cuộc xâm lược.
Cơ quan quản lý Ukraine cho biết nhiên liệu bổ sung đã được phân phối cho các máy phát điện, nhưng điều quan trọng là phải sửa đường dây điện càng sớm càng tốt. IAEA nhắc lại rằng việc ngắt kết nối “sẽ không có tác động nghiêm trọng đến các chức năng an toàn thiết yếu tại địa điểm này.”
Giám đốc viện nghiên cứu: Cơ sở hạt nhân Kharkiv an toàn nhưng chiến tranh gây ra rủi ro lớn
Hôm thứ Sáu (11/03), người đứng đầu một cơ sở nghiên cứu hạt nhân ở thành phố Kharkiv, miền đông bắc Ukraine cho biết nơi tọa lạc của viện này đã bị đạn pháo của Nga tấn công trong các cuộc giao tranh gần đây, nhưng cơ sở chứa nhiên liệu hạt nhân chính vẫn còn nguyên vẹn.
Tuy nhiên, ông cảnh báo bất kỳ thiệt hại nào trong tương lai đối với thiết bị trong cơ sở chính đều có thể gây nguy hiểm.
Ông Mykola Shulga, tổng giám đốc của Viện Vật lý và Công nghệ thuộc Trung tâm Khoa học Quốc gia Kharkiv cho biết: “Cơ sở này nếu để trong tình trạng hoạt động bình thường thì không có bất kỳ nguy hiểm nào.”
“Tuy nhiên, nếu có thiệt hại vật chất thì có thể xảy ra rò rỉ nhiên liệu hạt nhân, các nguyên tố phóng xạ (có thể thoát ra ngoài),” ông nói với Reuters bên trong cơ sở này.
“Đây rõ ràng sẽ là một vấn đề lớn, rất lớn đối với môi trường. Nói cách khác, những gì sẽ xảy ra sẽ tương đương với điều xảy ra trong tình huống tương tự ở bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào.”
Trong khi các khu vực bên trong của viện không bị hư hại, một số bức tường bên ngoài của tòa nhà đã bị hư hại do mảnh đạn và các cửa sổ đã bị thổi bay.
Ukraine và các đồng minh lo ngại về nguy cơ mà cuộc xâm lược của Nga đặt ra đối với các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, bao gồm các nhà máy điện và trung tâm nghiên cứu.
Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu, hiện nằm trong tay Nga. Trong khi giao tranh với các lực lượng Ukraine trong khu vực này, một đám cháy đã bùng phát trong một tòa nhà tại địa điểm này.
Ukraine cho biết tình hình ‘rất nguy cấp’ tại thành phố bị bao vây Mariupol
Hôm thứ Sáu (11/03), Ukraine cho biết tình hình ở Mariupol hiện đang rất nguy cấp khi các lực lượng Nga thắt chặt vòng vây xung quanh thành phố cảng Biển Đen này và số người thiệt mạng do các cuộc pháo kích của Nga và cuộc bao vây kéo dài 12 ngày lên tới gần 1,600 người.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mariupol hiện đã bị bao vây hoàn toàn, và các quan chức Ukraine cáo buộc Nga cố tình ngăn cản dân thường ra ngoài và ngăn chặn các đoàn xe nhân đạo đi vào.
Hôm thứ Sáu, các cuộc pháo kích của Nga đã một lần nữa ngăn những người di tản rời thành phố. Trong một diễn biến khác, quân đội Nga cũng đã chặn một số xe buýt của những người đang cố gắng chạy khỏi khu vực Kyiv, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trong một bài diễn văn qua video.
Cố vấn Bộ Nội vụ Vadym Denysenko không chắc rằng nỗ lực mới nhất để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Mariupol sẽ thành công, và một nỗ lực mới để di tản dân thường dường như đã thất bại.
“Tình hình rất nguy cấp,” ông Denysenko nói.
Ukraine tuyên bố phản lực cơ của Nga bắn vào Belarus trong nỗ lực cờ giả
Hôm thứ Sáu (11/03), các quan chức Ukraine nói rằng Belarus có khả năng đang lên kế hoạch xâm lược lãnh thổ Ukraine, cáo buộc Nga đang cố gắng lôi kéo đồng minh của họ vào cuộc xung đột.
Hôm 11/03, Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine cáo buộc rằng các quan chức biên giới đã thu được thông tin chi tiết cách phi cơ Nga cất cánh từ một phi trường của Belarus, băng qua Ukraine và bắn vào làng Kopani ở Belarus.
“Cơ quan Biên phòng Quốc gia nhận được thông tin rằng phi cơ Nga cất cánh từ phi trường Dubrovytsia (Belarus), đi vào lãnh thổ Ukraine, đảo qua các khu vực đông dân cư của chúng tôi ở Horodychi và Tumen, sau đó thực hiện một cuộc không kích vào khu vực đông dân cư của Kopani (Belarus),” Bộ Tư lệnh Lực lượng Phòng không cho biết trên mạng xã hội. Họ đăng một video dường như cho thấy một phần của vụ việc này.
The Epoch Times không thể xác minh tuyên bố này ngay bây giờ. Bộ Quốc phòng Nga đã không công khai phản hồi các cáo buộc.
Nga cho biết họ có đủ người mua nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi bị trừng phạt
Liên bang Nga một lần nữa đã phát đi tín hiệu là họ không cho rằng tác hại nghiêm trọng sẽ xảy đến với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch của mình trong bối cảnh các lệnh trừng phạt kinh tế và sự cô lập của quốc tế, cho rằng họ sẽ tiếp tục tìm người mua, ngay cả khi Âu Châu và Hoa Kỳ ngừng kinh doanh với các nhà xuất cảng dầu của Nga.
“Chúng tôi sẽ không thuyết phục bất cứ ai mua dầu và khí đốt của chúng tôi,” Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 10/03. “Nếu họ muốn thay thế nó bằng thứ gì đó, họ được hoan nghênh, chúng tôi sẽ có thị trường cung cấp, chúng tôi đã có rồi.”
Mặc dù cộng đồng quốc tế đã đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine bằng sự phản đối kịch liệt, nhưng sự cô lập về kinh tế không phải là tất cả. Nga vẫn liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, Cuba, Venezuela, Belarus, và Syria, đồng thời nước này có thể sẽ tiếp tục giao thương với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào xuất cảng của Nga trong những năm gần đây.
Tổng thống Phần Lan thúc giục ngừng bắn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã nói chuyện trong cuộc điện đàm hôm thứ Sáu (11/03) với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine.
Văn phòng của ông Niinistö cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã thông báo với ông Putin rằng ông đã có một cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó trong ngày và ông Zelensky đã sẵn sàng để nói chuyện trực tiếp với ông Putin.
Tuyên bố trên cho biết ông Niinistö kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và di tản dân thường một cách an toàn, nhưng cũng nói chuyện với ông Putin về an ninh của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Ukraine.
Ông Niinistö là một trong số ít các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn thường xuyên đối thoại với ông Putin kể từ khi lãnh đạo Phần Lan này nhậm chức vào năm 2012.
Tổng thống Biden: Xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO là Đệ tam Thế chiến
Tổng thống Joe Biden cho rằng Hoa Kỳ và NATO nên tránh giao tranh với Nga ở Ukraine vì nó sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng các đồng minh của mình ở Âu Châu và gửi đi một thông điệp rất rõ ràng minh hiển. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO với toàn bộ sức mạnh của khối NATO đoàn kết và vững mạnh,” Tổng thống Biden nói sau khi ông tuyên bố thêm các hình phạt kinh tế đối với Moscow hôm thứ Sáu (11/03) từ Tòa Bạch Ốc.
Ông nói thêm, Hoa Kỳ và NATO “sẽ không gây chiến chống lại Nga ở Ukraine” bởi vì “xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga là Đệ tam Thế chiến, điều mà chúng ta phải cố gắng ngăn chặn.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Liên Hiệp Quốc: ‘Báo cáo đáng tin cậy’ về bom, đạn chùm
Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nhận được “những báo cáo đáng tin cậy” rằng quân đội Nga đang sử dụng bom, đạn chùm ở Ukraine, kể cả ở những khu vực đông dân cư vốn bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế, người đứng đầu về mặt chính trị của Liên Hiệp Quốc cho biết hôm thứ Sáu (11/03) .
Phó Tổng Thư ký Rosemary DiCarlo nói trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự đang bị pháo kích ở Mariupol, Kharkiv, Sumy, và Chernihiv, và “sự phá hủy hoàn toàn xảy ra đối với những thành phố này là khủng khiếp.”
Bà cho biết, hầu hết các thương vong dân sự được văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ghi nhận — 564 người thiệt mạng và 982 người bị thương tính đến hôm thứ Năm (10/03) — “là do vũ khí nổ có phạm vi tác động rộng, bao gồm pháo hạng nặng và hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng, cũng như hỏa tiễn và các cuộc không kích.”
“Các cuộc tấn công bừa bãi, bao gồm cả những cuộc tấn công sử dụng bom, đạn chùm, có tính chất công phá đối với các mục tiêu quân sự và dân thường hoặc đối tượng dân sự mà không có sự phân biệt, đều bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế,” bà DiCarlo nói. “Việc chỉ thị các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các đối tượng dân sự, cũng như cái gọi là oanh tạc khu vực ở các thị trấn và làng mạc, cũng bị cấm theo luật quốc tế và có thể cấu thành tội ác chiến tranh.”
IAEA: Ukraine mất liên lạc với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl
Ukraine đã mất tất cả liên lạc với nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hôm 10/03, cơ quan quản lý của nước này đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).
Chỉ một ngày trước đó, khu vực này đã bị mất toàn bộ nguồn điện bên ngoài, sau đó, nhà máy phải sử dụng máy phát điện khẩn cấp. Việc mất liên lạc có nghĩa là nhà điều hành Ukraine không thể cung cấp cho IAEA thông tin cập nhật về địa điểm này.
Trước khi xảy ra sự cố mất liên lạc, đường dây điện tại khu vực này đã bị hư hỏng, ngắt kết nối với lưới điện. Để bảo đảm địa điểm này nhận được điện liên tục, đường dây điện phải được sửa chữa hoặc phải có động cơ diesel. Máy phát điện có công suất nhiên liệu là hai ngày.
Tổng thống Biden kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga
Tổng thống Joe Biden đã công bố vòng trừng phạt mới nhất mà Hoa Kỳ và các đồng minh áp đặt đối với Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự hiện đã kéo dài hàng tuần của Nga ở Ukraine.
Trong một bài diễn văn hôm thứ Sáu (11/03), Tổng thống Biden cho biết ông sẽ ký dự luật của lưỡng đảng nhằm hủy bỏ quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) của Nga với Hoa Kỳ, khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc kinh doanh với phương Tây.
Tổng thống Biden cho biết hành động chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga được thực hiện với sự hợp tác của Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Liên minh Âu Châu.
“[Tổng thống Nga Vladimir] Putin phải trả giá,” Tổng thống Biden nói. “Ông ấy không thể theo đuổi một cuộc chiến đe dọa đến chính nền tảng của hòa bình và ổn định quốc tế, và sau đó yêu cầu sự giúp đỡ tài chính từ cộng đồng quốc tế.”
Các quan chức: Nga không kích miền Tây Ukraine khi cuộc tấn công mở rộng
Các cuộc không kích của Nga đã tăng cường vào thứ Sáu (11/03) ở miền Tây Ukraine khi các cảnh quay vệ tinh cho thấy các lực lượng của Moscow bên ngoài Kyiv đã tái tập hợp sau hơn một tuần ở bên ngoài thành phố này.
Yuriy Pohulyayko, người đứng đầu khu vực Volyn nói với các hãng thông tấn trong một tuyên bố rằng các cuộc không kích đã đánh trúng phi trường Lutsk, khiến 2 quân nhân Ukraine thiệt mạng và 6 người bị thương.
Thị trưởng Ruslan Martsinkiv cho biết trên mạng xã hội, các cuộc không kích này cũng nhằm vào một phi trường gần Ivano-Frankiivsk, nơi người dân được lệnh phải trú ẩn sau một cảnh báo không kích.
“Những tiếng nổ đã được nghe thấy ở Frankivsk. Quân đội và Bộ Tình huống Khẩn cấp đang làm việc. Thông tin chi tiết sẽ được công bố sau! Hãy phản ứng khi có còi báo động,” ông viết hôm thứ Sáu.
Tổng thống Zelensky nói các lực lượng quân sự Ukraine đã đạt đến ‘một bước ngoặt chiến lược’
Tổng thống Ukraine cho biết các lực lượng quân sự của đất nước ông đã đạt đến “một bước ngoặt chiến lược”, trong khi Tổng thống Nga nói rằng có “những chuyển biến tích cực nhất định” trong các cuộc đàm phán giữa các nước tham chiến.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều không giải thích rõ điều họ muốn nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm thứ Sáu (11/03) : “Không thể nói chúng tôi sẽ còn cần bao nhiêu ngày để giải phóng đất nước của mình, nhưng có thể nói rằng chúng tôi sẽ làm điều đó bởi vì… chúng tôi đã đạt đến một bước ngoặt chiến lược.” Ông không nói rõ chi tiết.
Trong một video cho thấy ông ở bên ngoài phủ tổng thống tại Kyiv, ông nói bằng cả tiếng Ukraine và tiếng Nga về ngày thứ 16 của cuộc chiến tranh này.
Trong khi đó, tại Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đã có những chuyển biến tích cực trong các cuộc đàm phán giữa các nước tham chiến, nhưng ông không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về những chuyển biến đó.
Tổng thống Nga Putin cho biết có ‘chuyển biến tích cực’ trong đàm phán với Ukraine
Hôm thứ Sáu (11/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết một số tiến triển đã đạt được trong các cuộc đàm phán của Moscow với Ukraine, đồng thời Điện Kremlin cho biết xung đột sẽ kết thúc khi phương Tây hành động để giải quyết các mối lo ngại của Moscow.
Tại một cuộc gặp ở Điện Kremlin với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không cản trở sự phát triển của Nga và cuối cùng thì Nga sẽ mạnh hơn.
Sau đó, ông cho biết trên thực tế các cuộc đàm phán với Ukraine đang diễn ra hàng ngày.
“Có những chuyển biến tích cực nhất định, các nhà đàm phán bên phía chúng tôi nói với tôi,” ông Putin nói. “Tôi sẽ nói về tất cả những điều này sau.”
Ông Lukashenko nói với ông Putin rằng cả hai người đều thuộc thế hệ Liên Xô phải chịu đựng các lệnh trừng phạt và Liên Xô đã phát triển tốt đẹp.
Các công tố viên Nga yêu cầu tòa án chỉ định Meta là ‘tổ chức cực đoan’
Hôm thứ Sáu (11/03), Interfax đưa tin cho biết các công tố viên đã yêu cầu một tòa án Nga chỉ định tổ chức mẹ của Facebook là Meta Platforms — là một “tổ chức cực đoan”.
Công tố viên nhà nước cũng yêu cầu cơ quan giám sát truyền thông của Nga hạn chế quyền truy cập vào dịch vụ mạng xã hội Instagram của Meta.
Trước đó một ngày, hôm thứ Năm (10/03), Reuters đưa tin cho biết Meta sẽ cho phép người dùng Facebook và Instagram ở một số quốc gia kêu gọi bạo lực đối với người Nga và binh lính Nga trong bối cảnh Moscow đang xâm lược Ukraine.
Một hãng thông tấn Nga khác, TASS, đưa tin rằng các nhà điều tra Nga đã mở một vụ án về hành động của Meta.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine: Tử vong dân sự vượt quá tổn thất quân sự
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, quân xâm lược Nga đã khiến nhiều dân thường Ukraine thiệt mạng hơn là binh lính.
“Tôi muốn điều này không chỉ được lắng nghe ở Kyiv mà trên toàn thế giới,” ông Reznikov nói mà không cung cấp thêm chi tiết.
Hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng trên khắp Ukraine kể từ khi quân đội Nga xâm lược hai tuần trước. Văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm (10/03) cho biết họ đã ghi nhận 549 dân thường bị sát hại ở Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu, trong đó có 26 trẻ em.
Nga cho phép hơn 16,000 tình nguyện viên Trung Đông đến chiến đấu với Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đưa những người được gọi là chiến binh tình nguyện vào Ukraine.
Theo một bản ghi chép của Điện Kremlin, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho hay, Nga biết có “hơn 16,000 đơn đăng ký” từ các quốc gia ở Trung Đông, với nhiều đơn trong số đó đến từ những người mà ông nói từng giúp Nga chống lại nhóm khủng bố ISIS.
Họ muốn “tham gia vào một phong trào mà họ coi là giải phóng,” ông Shoigu nói về các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.
Ông Putin nói với ông Shoigu rằng Nga nên giúp các tình nguyện viên “di chuyển đến khu vực chiến đấu” và so sánh họ với những người mà ông gọi là “lính đánh thuê” ngoại quốc đến chiến đấu cho Ukraine.
Hãng thông tấn Nga RIA: Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiếm giữ Volnovakha của Ukraine
Lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã chiếm được thành phố Volnovakha của Ukraine ở phía bắc cảng Mariupol đang bị bao vây trên Biển Azov, hãng thông tấn RIA dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Sáu (11/03).
Volnovakha có vị trí chiến lược quan trọng như là cửa ngõ phía bắc dẫn tới Mariupol.
Nga cho biết đã phá hủy các phi trường quân sự ở Lutsk và Ivano-Frankivsk
Hôm thứ Sáu (11/03), các hãng thông tấn Nga dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết, quân đội Nga đã tiến hành một cuộc tấn công tầm xa, có độ chính xác cao vào hai phi trường quân sự ở các thành phố Lutsk và Ivano-Frankivsk của Ukraine và khiến các phi trường này không hoạt động nữa.
Ông cũng cho hay, quân đội Nga đã phá hủy 3,213 cơ sở quân sự của Ukraine kể từ khi Nga khởi động cái mà nước này gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine: Các cuộc không kích ở Dnipro khiến một người thiệt mạng
Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine thông báo, ba cuộc không kích vào sáng sớm hôm thứ Sáu (11/03) tại thành phố Dnipro, miền trung nước này đã khiến ít nhất một người thiệt mạng. Bộ cũng cho biết thêm rằng các cuộc không kích đã diễn ra gần một trường mẫu giáo và một tòa nhà chung cư.
Các cuộc không kích này diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ cùng Nhóm Bảy (G-7) quốc gia có nền kinh tế công nghiệp mạnh nhất và Liên minh Âu Châu đang chuẩn bị thu hồi quy chế “tối huệ quốc” đối với Nga vì nước này xâm lược Ukraine.
Hôm Chủ Nhật (06/03), Ukraine đã cảnh báo rằng Nga đang tập trung lực lượng để bao vây Dnipro, nơi sinh sống của khoảng một triệu người trước khi việc xâm lược này bắt đầu.
Hoa Kỳ dự định thu hồi quy chế thương mại ưu đãi dành cho Nga
Tổng thống Joe Biden sẽ thông báo hôm thứ Sáu (11/03) rằng cùng với Liên minh Âu Châu và Nhóm Bảy (G-7), Hoa Kỳ sẽ thu hồi quy chế thương mại “tối huệ quốc” đối với Nga sau cuộc xâm lược Ukraine.
Đây là thông tin từ một nguồn quen thuộc với vấn đề này, người đã nói với điều kiện ẩn danh để cho biết trước về thông báo này.
Hành động của ông Biden diễn ra trong bối cảnh lưỡng đảng đang gây áp lực ở Hoa Thịnh Đốn nhằm thu hồi quy chế chính thức được gọi là “quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn” với Nga.
Hành động này sẽ cho phép Mỹ và các đồng minh áp thuế đối với hàng hóa nhập cảng từ Nga.
Ảnh chụp từ vệ tinh Maxar: Nga tái điều động đoàn xe ở Kyiv
Các bức ảnh chụp từ vệ tinh của công ty Maxar cho thấy đoàn xe khổng lồ của Nga bị sa lầy bên ngoài thủ đô Ukraine kể từ tuần trước dường như đã giải tán.
Hình ảnh vệ tinh từ Maxar Technologies cho thấy một đoàn phương tiện, xe tăng và pháo dài 40 dặm (64 km) đã chia nhỏ ra và được tái điều động, với các đơn vị thiết giáp được nhìn thấy ở các thị trấn gần phi trường Antonov ở phía bắc thành phố. Một số phương tiện đã di chuyển vào rừng, theo ghi nhận của Maxar.
Đoàn xe đã đổ bộ ồ ạt bên ngoài thành phố hồi đầu tuần trước (28/02-06/03), nhưng bước tiến của họ dường như đã bị đình trệ trong bối cảnh có các tin tức về tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết quân đội Ukraine cũng nhắm mục tiêu vào đoàn xe này bằng các hỏa tiễn chống tăng.
WHO cho biết đã khuyên Ukraine tiêu diệt mầm bệnh trong các phòng thí nghiệm y tế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyên Ukraine tiêu diệt mầm bệnh có mối đe dọa cao được đặt trong các phòng thí nghiệm y tế công cộng của nước này nhằm ngăn chặn “bất kỳ sự cố tràn ra” nào có thể lây lan dịch bệnh trong dân số, cơ quan này nói với Reuters hôm thứ Năm (10/03).
Các chuyên gia an toàn sinh học cho biết việc Nga di chuyển quân vào Ukraine và bắn phá các thành phố của nước này đã làm tăng nguy cơ mầm bệnh thoát ra nếu bất kỳ cơ sở nào trong số đó bị hư hại.
Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế công cộng nghiên cứu cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến cả động vật và con người, kể cả gần đây nhất là bệnh COVID-19. Các phòng thí nghiệm của nước này đã nhận được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu và WHO.
Trả lời câu hỏi của Reuters về công việc của họ với Ukraine trước và trong khi diễn ra cuộc xâm lược của Nga, WHO cho biết trong một thư điện tử rằng họ đã hợp tác với các phòng thí nghiệm y tế công cộng của Ukraine trong vài năm để thúc đẩy các giao thức an toàn giúp ngăn chặn “việc phát tán mầm bệnh một cách ngẫu nhiên hoặc cố ý.”
WHO, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Một phần của công việc này là việc WHO đã khuyến nghị mạnh mẽ Bộ Y tế Ukraine và các cơ quan có trách nhiệm khác tiêu diệt các mầm bệnh có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn bất kỳ sự lây lan nào có thể xảy ra.”
WHO không cho biết họ đã khuyến nghị khi nào cũng như không cung cấp chi tiết cụ thể về các loại mầm bệnh hoặc chất độc được đặt trong các phòng thí nghiệm của Ukraine. Cơ quan này cũng không trả lời câu hỏi về việc liệu các khuyến nghị của họ có được tuân thủ hay không.
Các quan chức Ukraine ở Kyiv và tại đại sứ quán Ukraine ở Hoa Thịnh Đốn đã không phúc đáp yêu cầu bình luận.
Tổng thống Zelensky cho biết 100,000 người trong vòng vây đã được di tản
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết 100,000 người đã được di tản trong hai ngày qua khỏi bảy thành phố bị Nga bao vây ở phía bắc và trung tâm đất nước, kể cả vùng ngoại ô Kyiv.
Tuy nhiên, ông nói rằng việc Nga từ chối cho phép di tản người dân khỏi Mariupol, một thành phố cảng ở phía nam, “hoàn toàn là hành vi khủng bố.”
“Rõ ràng là họ có lệnh giữ Mariupol làm con tin, chế giễu thành phố này, liên tục ném bom và pháo kích,” ông Zelensky nói trong bài diễn văn hàng đêm trước toàn quốc. Ông cho biết người Nga đã bắt đầu một cuộc tấn công bằng xe tăng ngay tại nơi được cho là có hành lang nhân đạo.
Thành phố 430,000 người đã không có nguồn cung cấp thực phẩm, nước sinh hoạt và điện trong 10 ngày. Các quan chức Ukraine cho biết khoảng 1,300 người đã thiệt mạng, trong đó có ba người tử vong trong vụ đánh bom một bệnh viện nhi-phụ sản hôm thứ Tư (09/03).
Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập về ‘các hoạt động sinh học’ ở Ukraine
Nga đã kêu gọi một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để thảo luận về “các hoạt động sinh học quân sự” ở Ukraine.
Ông Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc cho biết trong một bài đăng trên Twitter hôm 10/03 rằng, “Phái bộ Nga đã yêu cầu một cuộc họp của Hội đồng Bảo an hôm 11/03 để thảo luận về các hoạt động sinh học quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Ukraine.”
Reuters đưa tin cho biết các nhà ngoại giao đã bày tỏ rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ triệu tập vào thứ Sáu (11/03) về vấn đề này.
Cuối ngày 09/03, Hoa Kỳ đã bác bỏ cáo buộc của Nga rằng Hoa Thịnh Đốn đang điều hành các phòng thí nghiệm ở Ukraine nhằm phát triển vũ khí sinh học.
Hôm 08/03, Nga đã nhắc lại cáo buộc của mình rằng Hoa Kỳ đang làm việc với các phòng thí nghiệm của Ukraine để phát triển vũ khí sinh học.
Hoa Kỳ và Ukraine khẳng định rằng các phòng thí nghiệm này đang tìm cách ngăn chặn vũ khí sinh học và mầm bệnh, chứ không phải phát triển chúng. Giống như nhiều quốc gia khác, Ukraine có các phòng thí nghiệm y tế công cộng để nghiên cứu cách giảm thiểu các mối đe dọa từ các dịch bệnh nguy hiểm ảnh hưởng đến con người và động vật.
Các tờ thông tin được đăng trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Ukraine, có thể tìm thấy qua thư viện số Internet Archive, liên kết đến một số tài liệu nêu chi tiết những khoản đầu tư của chính phủ Hoa Kỳ cho một số phòng thí nghiệm ở Ukraine.
Thứ trưởng Ngoại giao về Các vấn đề Chính trị Victoria Nuland cho biết hôm 08/03 rằng Ukraine có “các cơ sở nghiên cứu sinh học” và Hoa Kỳ đang nỗ lực ngăn chặn người Nga kiểm soát chúng.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 09/03, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Nga “đang phát minh ra những cái cớ giả tạo để biện minh cho các hành động khủng khiếp của họ ở Ukraine.”
Tổng thống Putin: Hoa Kỳ không nên đổ lỗi cho Nga về giá khí đốt
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Hoa Kỳ và các nước phương Tây không nên đổ lỗi cho Nga và cuộc xung đột với Ukraine về giá khí đốt cao trong nước.
Theo các phương tiện truyền thông nhà nước, ông Putin cho biết hôm thứ Năm rằng, “Nguồn cung dầu của Nga cho thị trường Hoa Kỳ không vượt quá 3%. Đây là một sản lượng không đáng là bao. Và giá của họ đang tăng lên. Chúng tôi hoàn toàn không liên quan gì đến việc đó.”
Ông Putin cũng nói thêm rằng Tòa Bạch Ốc đang cố gắng đổ lỗi những thất bại kinh tế của chính mình lên Nga, đồng thời nói thêm rằng họ “chỉ ẩn mình đằng sau những quyết định này để một lần nữa đánh lừa người dân của họ.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Thủ tướng Trudeau: Canada sẽ nhận nhiều người tị nạn nhất có thể, đồng thời chuyển tiền quyên góp của người dân cho Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết trong chuyến thăm Ba Lan rằng đất nước ông sẽ tiếp nhận “nhiều nhất có thể” người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine.
“Canada sẽ giúp, Canada ở đó để giúp,” ông Trudeau nói tại Ba Lan, thành viên NATO là láng giềng của Ukraine và đã mở cửa biên giới của mình cho những người tị nạn.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Mateusz Morawiecki, ông Trudeau bày tỏ sự ủng hộ đối với sự cởi mở của Ba Lan dành cho những người tị nạn và thảo luận về các cách thức hỗ trợ Ukraine và tiếp tục các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Nga.
“Chúng tôi sẽ cho phép họ học tập và làm việc khi họ đến đây,” ông Trudeau nói trong cuộc họp báo chung với ông Duda.
“Nhiều người trong số họ hy vọng sẽ có thể trở về Ukraine sau cuộc xung đột này, nhiều người cũng sẽ chọn tiếp tục cuộc sống của họ ở Canada và chúng tôi mong được chào đón nhiều người nhất có thể,” ông Trudeau cho biết.
Ông Duda cảm ơn ông vì đã là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên kêu gọi và đề nghị giúp đỡ Ba Lan trong những ngày căng thẳng trước cuộc xâm lược của Nga.
Cũng trong cùng ngày, Thủ tướng Canada cho biết sẽ chuyển số tiền quyên góp cá nhân nhằm hỗ trợ Ukraine mà người dân gửi cho Hội Chữ Thập Đỏ Canada cho Ukraine. Số tiền lên đến 30 triệu USD.
Ông Trudeau nói rằng điều này đang được thực hiện “bởi vì người Canada đã rất hào phóng trong việc quan tâm đến người dân Ukraine.”
Cam kết ban đầu của Canada là hỗ trợ các khoản đóng góp lên tới 10 triệu USD.
Nga tuyên bố sẽ mở hành lang di tản từ 5 thành phố của Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), RIA và Interfax đưa tin cho biết, Bộ Quốc phòng Nga sẽ tuyên bố ngừng bắn vào thứ Sáu và mở các hành lang nhân đạo cho việc di tản người Ukraine khỏi năm thành phố.
Các hãng thông tấn trên dẫn lời ông Mikhail Mizintsev, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Phòng thủ Quốc gia Nga cho biết, người dân có thể đến Nga hoặc các thành phố khác ở Ukraine.
“Từ 10 giờ sáng theo giờ Moscow (07:00 GMT) ngày 11/03/2022, Liên bang Nga sẽ tuyên bố ‘chế độ im lặng’ và sẵn sàng cung cấp các hành lang nhân đạo,” Interfax trích dẫn tuyên bố từ ông Mizintsev.
Năm thành phố nêu trên là Kyiv, Sumy, Kharkiv, Mariupol, và Chernihiv.
Các cuộc đàm phán giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga hôm thứ Năm đã không mang lại bất kỳ thời gian đình chiến nào trong cuộc xung đột kéo dài hai tuần khi hàng trăm ngàn dân thường vẫn bị mắc kẹt trong các thành phố Ukraine đang ẩn náu khỏi các cuộc không kích và pháo kích của Nga.
Tổng thống Biden đổ lỗi tình trạng lạm phát cho ‘giá tăng vì ông Putin’
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Joe Biden đã ra một tuyên bố đổ lỗi cho cuộc xâm lược Ukraine của ông Vladimir Putin như là chất xúc tác cho lạm phát giá cả, mà báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) gần đây nhất cho biết là đang ở mức cao nhất hàng năm trong hơn bốn mươi năm.
“Báo cáo lạm phát của ngày hôm nay là một lời nhắc nhở rằng ngân sách của người Mỹ đang bị căng ra do giá cả tăng và các gia đình bắt đầu cảm thấy tác động của việc giá tăng vì ông Putin,” Tổng thống Biden nói trong tuyên bố. “Một yếu tố góp phần lớn vào lạm phát trong tháng này là việc giá khí đốt và năng lượng tăng khi thị trường phản ứng với các hành động xâm lược của ông Putin. Như tôi đã nói ngay từ đầu, sẽ có những cái giá phải trả tại quê nhà khi chúng ta áp đặt các biện pháp trừng phạt gây hậu quả nặng nề để đáp trả cuộc chiến vô cớ của ông Putin, nhưng giờ đây người Mỹ có thể biết điều này: tổn thất mà chúng ta đang áp đặt lên ông Putin và những người dưới tay ông ta còn thảm khốc hơn nhiều so với chi phí mà chúng ta đang phải đối mặt.”
Tuyên bố trên là phản hồi cho những phát hiện hôm thứ Năm từ Cục Thống kê Lao động, vốn ghi nhận lạm phát giá ở mức 7.9% kể từ tháng 02/2021 trong tất cả chỉ số của các mặt hàng trong báo cáo Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng — tỷ lệ lạm phát hàng năm cao nhất kể từ tháng 01/1982.
Ông Putin nói Nga sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn, các biện pháp trừng phạt sẽ dội ngược trở lại phương Tây
Hôm thứ Năm (10/03), Tổng thống Vladimir Putin cho biết các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga sẽ tác động ngược trở lại phương Tây, bao gồm cả giá lương thực và năng lượng cao hơn, và Moscow sẽ giải quyết các vấn đề của mình và trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Ông Putin nói rằng không có giải pháp nào thay thế cho cái mà Nga gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và Nga không phải là một quốc gia có thể chấp nhận thỏa hiệp chủ quyền của mình để thu về các lợi ích kinh tế ngắn hạn.
“Các biện pháp trừng phạt này đằng nào cũng sẽ được áp dụng,” ông Putin nói trong một cuộc họp của chính phủ Nga. “Có một số câu hỏi, vướng mắc và khó khăn nhưng trước đó chúng ta đã vượt qua và giờ đây chúng ta cũng sẽ vượt qua.”
“Cuối cùng, tất cả những điều này sẽ dẫn đến sự gia tăng tính độc lập, tự cường và chủ quyền của chúng ta,” ông nói trong một cuộc họp chính phủ trên truyền hình hai tuần sau khi quân đội Nga xâm lược nước láng giềng Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ các cáo buộc của Nga về vũ khí sinh học ở Ukraine
Trong tuần này (07-13/03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc của các quan chức Nga rằng quân đội Hoa Kỳ có liên quan đến việc chế tạo vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine.
Vào tối hôm thứ Tư (09/03), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết những cáo buộc của Điện Kremlin rằng Hoa Kỳ và Ukraine tiến hành “các hoạt động vũ khí hóa học và sinh học” là sai sự thật, lưu ý rằng các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lặp lại tuyên bố của Moscow.
“Thông tin sai lệch này của Nga là hoàn toàn phi lý và không phải lần đầu tiên Nga đưa ra những tuyên bố sai lệch như vậy nhắm vào một quốc gia khác,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết trong một tuyên bố.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Thủ tướng Hà Lan: ‘Sự thật khó chịu’ – Liên minh Âu Châu không thể cắt nguồn cung cấp năng lượng từ Nga
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã bác bỏ khả năng Liên minh Âu Châu (EU) cấm các nguồn cung cấp năng lượng từ Nga trong bối cảnh Moscow xâm lược Ukraine.
“Chúng ta phải thảo luận về những điểm yếu trong việc chúng ta phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga. Hôm nay tôi sẽ không kêu gọi cắt nguồn cung cấp dầu và khí đốt của chúng ta từ Nga, điều đó là bất khả thi bởi vì chúng ta cần nguồn cung cấp này và đó là sự thật khó chịu,” ông Rutte nói trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông nói thêm rằng EU phải làm nhiều hơn nữa cho “nghị trình xanh” và khử carbon cho nền kinh tế của các quốc gia thành viên.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Anh tạo điều kiện cho người tị nạn Ukraine mắc kẹt ở Calais xin thị thực
Những người Ukraine đến thành phố cảng Calais ở eo biển Manche của Pháp với hy vọng đoàn tụ cùng gia đình ở Anh có thể xin thị thực tại quận địa phương kể từ thứ Sáu (11/03). Cơ chế này đã được chính phủ Anh nhanh chóng thiết lập sau những phàn nàn về cách đối xử với những người tị nạn bị mắc kẹt.
Một cơ quan lãnh sự của Anh đang được thành lập tại quận Pas-de-Calais ở Arras gần đó, quận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm (10/03).
Những người Ukraine chạy khỏi cuộc chiến với Nga ở quê hương của họ, đến Calais sau một chuyến đi dài, trước đó đã được hướng dẫn xin thị thực ở Paris hoặc Brussels, một chính sách mà Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin hôm Chủ Nhật tuần trước cho rằng “hơi vô nhân đạo”. Ông kêu gọi nước Anh “ngừng kén chọn.”
Vài trăm người Ukraine đã bị yêu cầu trở lại các điểm nhập cảnh của Anh ở Calais trong một tình huống mà quận đã mô tả trong tuần này là “không thực tế”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson buộc phải bảo vệ cách tiếp cận của mình, nói rằng Vương quốc Anh không thể chấp nhận những người vào “mà không có bất kỳ sự kiểm tra hay bất kỳ biện pháp kiểm soát nào.”
Chính phủ Ukraine có thể chuyển dữ liệu nhạy cảm ra ngoại quốc
Hôm thứ Tư (09/03), một quan chức cho biết chính phủ Ukraine đang xem xét khả năng chuyển dữ liệu nhạy cảm và máy chủ của mình ra bên ngoài đất nước nếu quân đội Nga tiến sâu hơn nữa vào trong nước.
Nói chuyện với hãng thông tấn Reuters, ông Victor Zhora, Phó Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Thông tin và Truyền thông Đặc biệt Quốc gia của Ukraine, cho biết Ukraine có một kế hoạch dự phòng để chuyển thông tin quan trọng ra khỏi Ukraine nếu quân đội Nga tiến sát hơn. Ông không nói rõ về những loại thông tin quan trọng nào sẽ được chuyển đi, hoặc khi nào.
Không nêu đích danh, ông Zhora cho biết một số quốc gia đã đề nghị lưu trữ dữ liệu của chính phủ Ukraine. Vì lý do địa lý, “một địa điểm ở Âu Châu sẽ được ưu tiên hơn,” ông nói với các hãng thông tấn.
“Chúng tôi đang chuẩn bị,” ông Zhora nói về kế hoạch này và cho biết thêm rằng việc đầu tiên mà họ sẽ làm là bảo vệ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin bên trong Ukraine.
Ngoại trưởng Lavrov nói ông ‘không muốn tin’ vào chiến tranh hạt nhân ở Ukraine
Hôm thứ Năm (10/03), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết ông “không muốn tin” rằng cuộc xung đột ở Ukraine sẽ trở thành một cuộc chiến tranh hạt nhân, đồng thời tuyên bố rằng phương Tây có quan điểm không lành mạnh về vấn đề này.
Ngoại trưởng Lavrov đã đưa ra nhận xét trên tại một cuộc họp báo sau cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine bên lề hội nghị thượng đỉnh ngoại giao ở Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao này đã được một phóng viên hỏi liệu ông có nghĩ rằng xung đột sẽ trở thành chiến tranh hạt nhân hay không.
“Tôi không muốn tin và tôi không tin vào điều đó,” ông đáp.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin cho biết nền kinh tế Nga đang ‘chao đảo’
Hôm thứ Năm (10/03), các quan chức chính phủ Nga cho biết nền kinh tế của nước này đang “chao đảo” sau các lệnh trừng phạt nặng nề và sau khi một số tập đoàn phương Tây rút khỏi đất nước trong những ngày gần đây vì cuộc xung đột Ukraine.
“Nền kinh tế của chúng ta hiện đang trải qua một cú sốc và có những hậu quả tiêu cực; chúng sẽ được giảm thiểu,” phát ngôn viên hàng đầu của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm.
Ông Peskov, người đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ, một lần nữa nói rằng mặc dù tình hình rối ren, nhưng Moscow có thể thực hiện các biện pháp để ổn định nền kinh tế của đất nước. Ông không nói rõ chi tiết.
“Đây là điều hoàn toàn chưa từng có. Cuộc chiến tranh kinh tế được khởi xướng nhắm vào đất nước của chúng ta chưa bao giờ diễn ra trước đây. Vì vậy, rất khó để dự báo bất cứ điều gì,” ông nhận xét.
Nga cho biết Belarus đã khôi phục nguồn cung cấp điện cho nhà máy hạt nhân Chernobyl
Bộ năng lượng Nga cho biết hôm thứ Năm (10/03) rằng các chuyên gia Belarus đã khôi phục nguồn cung cấp điện cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Ukraine.
Chernobyl bị mất điện trong bối cảnh giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Goldman Sachs đóng cửa hoạt động kinh doanh tại Nga
Goldman Sachs cho biết họ sẽ đóng cửa hoàn toàn hoạt động tại Nga, khiến họ trở thành ngân hàng lớn đầu tiên ở Wall Street làm như vậy kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.
Thông báo của Goldman được đưa ra sau khi Citigroup cho biết họ sẽ bắt đầu cắt giảm các hoạt động tại Nga. Nhưng quá trình đó có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn vì Citi điều hành một chi nhánh ngân hàng tiêu dùng và ngân hàng doanh nghiệp bên trong nước này.
Giống như các ngân hàng khác của Wall Street, Goldman đã điều hành một doanh nghiệp ngân hàng đầu tư nhỏ ở nước này trong vài năm qua. Ngân hàng này cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ có khoảng 650 triệu USD nợ của Nga.
Ngân hàng là ngành mới nhất chịu áp lực cắt đứt quan hệ với Nga do chiến tranh. Nhưng không giống như các công ty sản xuất hàng hóa gửi đến Nga, các ngân hàng có các khoản cho vay, tiền gửi, và các mối quan hệ khách hàng hiện có cần thời gian để thu hồi hoặc bán tháo.
Không có đột phá trong cuộc đàm phán Ukraine-Nga
Ngoại trưởng Ukraine cho biết các cuộc đàm phán giữa các nhà ngoại giao hàng đầu của Moscow và Kyiv không tạo ra bước đột phá nào về việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sau cuộc xâm lược của Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã tham dự cuộc họp hôm thứ Năm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các hành lang nhân đạo và một lệnh ngừng bắn.
Ông Kuleba cho biết có “những người ra quyết định khác” ở Nga cần được tham vấn, đồng thời nói thêm rằng ông đồng ý với ông Lavrov để tiếp tục tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề nhân đạo do chiến tranh gây ra.
Ông cho biết Moscow chưa sẵn sàng để đưa ra một lệnh ngừng bắn. Ông nói: “Họ muốn thấy Ukraine đầu hàng. Điều này sẽ không xảy ra.”
Tổng thống Macron và Thủ tướng Scholz kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine trong cuộc điện đàm với ông Putin
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Một tuyên bố từ Tổng thống Pháp hôm thứ Năm (10/03) cho biết bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng đều phải được đàm phán giữa Nga và Ukraine.
Ba nhà lãnh đạo đồng ý sẽ thường xuyên liên lạc trong những ngày tới, tuyên bố cho biết.
Việc Nga xâm lược Ukraine là vấn đề chính tại một hội nghị thượng đỉnh của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ Liên minh Âu Châu tại Cung điện Versailles, ở Pháp vào hôm thứ Năm và thứ Sáu (10-11/03).
Ngoại trưởng Nga gặp ngoại trưởng Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ
Các cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Nga và ngoại trưởng Ukraine đang được tiến hành bên lề một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Một bức ảnh chính thức cho thấy Ngoại trưởng Sergey Lavrov của Nga được tháp tùng bởi hai cố vấn đang ngồi đối diện với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba và các quan chức của ông hôm thứ Năm (10/03).
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngồi đầu chiếc bàn hình chữ U trong một phòng hội nghị ốp gỗ của khách sạn gần thành phố Antalya, Địa Trung Hải.
Cuộc hội đàm này là cuộc đàm phán cao cấp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Nga tiến hành xâm lược Ukraine hai tuần trước. Ông Cavusoglu cho biết mục đích của cuộc gặp này là để mở đường cho một cuộc gặp giữa tổng thống Nga và tổng thống Ukraine mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người tạo điều kiện.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine, đang cố gắng cân bằng quan hệ với cả hai quốc gia. Họ đã tự định vị mình như một bên trung lập, tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán giữa hai bên tham chiến.
Chỉ huy EUCOM: Gửi phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại ‘rủi ro cao và lợi nhuận thấp’
Chỉ huy quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ ở Âu Châu đã cảm ơn Ba Lan vì đề nghị cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine, nhưng ông nói rằng việc gửi các phi cơ MiG-29 sẽ là một việc làm mang lại “rủi ro cao và lợi nhuận thấp”.
Ba Lan cho biết họ sẵn sàng cung cấp các phi cơ MiG-29 — loại phi cơ mà các phi công của Ukraine được đào tạo để bay — cho NATO nếu toàn bộ 30 đồng minh đều đồng ý gửi các phi cơ này đến đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh này.
Tướng Tod D. Wolters, chỉ huy Bộ Tư lệnh Âu Châu (EUCOM) của Hoa Kỳ, cho biết, “Cách hiệu quả nhất để hỗ trợ quân đội Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là cung cấp thêm vũ khí chống tăng và hệ thống phòng không.”
Ông Wolters cũng là chỉ huy quân sự hàng đầu của NATO và chịu trách nhiệm tăng cường khả năng phòng thủ của tổ chức này để ngăn Nga tấn công bất kỳ quốc gia thành viên nào. NATO đang cảnh giác với việc bị vướng vào trong cuộc chiến của Moscow vào Ukraine.
Ông Wolters nói rằng Ukraine đã có đủ chiến đấu cơ và rằng việc gửi các phi cơ MiG-29 “sẽ không làm tăng đáng kể hiệu quả của Lực lượng Không quân Ukraine.”
Ông Wolters cho hay các ước tính tình báo cho thấy việc gửi các phi cơ này “có thể bị hiểu nhầm là leo thang và có thể dẫn đến việc Nga leo thang với NATO … tạo ra một kịch bản rủi ro cao.”
Ông nói với Ba Lan rằng Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ sẽ “đánh giá các cách để hỗ trợ và giúp đỡ tốt nhất những bằng hữu Ukraine của chúng ta.”
Anh áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người giàu của Nga, trong đó có ông Abramovich
Anh đã áp dụng một lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với 7 người Nga giàu có, trong đó có ông Roman Abramovich, tỷ phú sở hữu câu lạc bộ bóng đá Chelsea.
Chính phủ Anh cho biết hôm thứ Năm (10/03) rằng tài sản của ông Abramovich bị phong tỏa, ông bị cấm đến Vương quốc Anh và bị cấm giao dịch với các cá nhân và doanh nghiệp ở Vương quốc Anh.
Tuần trước (28/02-06/03), ông Abramovich cho biết ông đang cố bán Chelsea khi có nguy cơ bị trừng phạt.
Các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt nhằm đáp trả hành động xâm lược của Nga đối với nước láng giềng Ukraine.
Nga cho biết tuyên bố nước này đánh bom một bệnh viện nhi là ‘tin giả’
Hôm thứ Năm (10/03), Nga cho biết tuyên bố của Ukraine rằng họ đánh bom một bệnh viện nhi ở Mariupol là “tin giả” vì tòa nhà này trước đây là một bệnh viện phụ sản nhưng đã được quân đội tiếp quản từ lâu.
Ông Dmitry Polyanskiy, phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hiệp Quốc, cho biết trên Twitter: “Đó là cách mà tin tức giả ra đời.”
Ông Polyanskiy cho biết hôm 07/03 Nga đã cảnh báo rằng bệnh viện đã bị biến thành một tòa nhà quân sự mà từ đó người Ukraine sẽ khai hỏa.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cáo buộc Nga thực hiện tội ác diệt chủng sau khi các quan chức Ukraine cho biết phi cơ Nga đã đánh bom bệnh viện nhi hôm thứ Tư (10/03).
Cuộc gặp ngoại giao cấp cao đầu tiên giữa Nga-Ukraine kể từ cuộc xâm lược
Các ngoại trưởng Nga và Ukraine sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) trong cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Moscow xâm lược nước láng giềng, với việc Ankara hy vọng cuộc gặp của đôi bên có thể đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc xung đột đang diễn ra gay gắt này.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hạ thấp kỳ vọng về một thỏa thuận ngừng bắn hoặc các kết quả khác trong cuộc gặp sắp tới với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, bên lề một diễn đàn ngoại giao ở tỉnh Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc xâm lược của Nga đã khiến hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong điều mà Liên Hiệp Quốc gọi là cuộc khủng hoảng nhân đạo có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Âu Châu kể từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đề nghị làm trung gian hòa giải giữa các bên và sẽ tiếp đón hai nhà ngoại giao hàng đầu của mỗi bên sau nhiều tuần các cường quốc trên thế giới nỗ lực hòa giải.
WHO: Bệnh viện phụ sản nằm trong số 18 trung tâm y tế Ukraine bị tấn công
Một cuộc không kích vào một bệnh viện phụ sản ở thành phố cảng Mariupol đã làm bị thương những phụ nữ đang chờ sinh và chôn vùi những đứa trẻ trong đống đổ nát, trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường bao vây các thành phố của Ukraine. Bom cũng rơi xuống ở hai bệnh viện tại một thành phố khác ở phía tây Kyiv.
Hôm thứ Tư (09/03), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết rằng họ đã xác nhận được 18 cuộc tấn công vào các cơ sở y tế kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu cách đây hai tuần.
Các quan chức Ukraine cho biết vụ tấn công tại một khu phức hợp y tế ở Mariupol đã khiến ít nhất 17 người bị thương.
Mặt đất rung chuyển trong bán kính hơn một dặm khi loạt vụ nổ ập đến. Các vụ nổ đã thổi bay các cửa sổ và xé toang phần lớn mặt trước của một tòa nhà. Cảnh sát và binh lính đã gấp rút đến hiện trường để di tản các nạn nhân, khiêng một người phụ nữ bị chảy máu với bụng bầu lên cáng, băng qua những chiếc xe hơi bị cháy và hư hỏng nặng.
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cấm nhập cảng dầu từ Nga
Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một cách áp đảo dự luật cấm nhập cảng dầu từ Nga vào Hoa Kỳ, một nỗ lực nhằm đưa những hạn chế mà Tổng thống Joe Biden đã công bố để đáp trả cuộc chiến leo thang ở Ukraine vào áp dụng trong luật.
Đi xa hơn lệnh cấm nhập cảng dầu Nga của Tổng thống Biden, dự luật đang được đưa lên cho Quốc hội thông qua cũng sẽ khuyến khích việc xem xét lại vị thế của Nga trong Tổ chức Thương mại Thế giới, đồng thời báo hiệu sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Nga vì vi phạm nhân quyền, khi Hoa Kỳ làm việc để cô lập chính quyền này về mặt kinh tế.
Các nhà lập pháp của cả hai đảng đã hăng hái hành động, sẵn sàng mạo hiểm giá xăng cao hơn trong nước để hỗ trợ Ukraine bằng sự chung tay của lưỡng đảng Hoa Kỳ. Đạo luật đã được thông qua hôm thứ Tư (09/03), với tỷ lệ 414-17, và giờ đây đã được chuyển đến Thượng viện.
Dân biểu Lloyd Doggett, Dân Chủ-Texas, người đã giúp soạn thảo dự luật, thừa nhận việc đổ đầy bình xăng ở quê nhà có thể sẽ phải tốn kém hơn để ngăn chặn xe tăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở ngoại quốc.
Ông Doggett nói trong cuộc tranh luận: “Đó là một cách để thể hiện sự đoàn kết của chúng ta.”
Hạ viện thông qua dự luật chi tiêu trị giá 1.5 ngàn tỷ USD, trong đó 13.6 tỷ USD là dành cho Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), Hạ viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua dự luật chi tiêu đa mục đích (omnibus) trị giá 1.5 ngàn tỷ USD, trong đó bao gồm 13.6 tỷ USD tiền viện trợ cho Ukraine và các đồng minh Âu Châu, và sẽ tài trợ cho chính phủ liên bang đến tháng 30/09/2022.
Vài giờ trước đó, các nhà lập pháp của Đảng Dân Chủ đã loại bỏ khoản viện trợ COVID-19 trị giá 15.6 tỷ USD ban đầu của dự luật này, đánh dấu một bước thụt lùi lớn đối với chính phủ Tổng thống Biden, vốn đã thúc đẩy trong nhiều tuần để khoản tiền bổ sung này được thông qua.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã gọi quyết định từ bỏ điều khoản này là “đau lòng”. Đảng Cộng Hòa đã yêu cầu cắt giảm khoản viện trợ cho các tiểu bang này để tài trợ cho sáng kiến mới.
“Chúng ta đang có một cuộc chiến ở Ukraine,” bà Pelosi nói với các phóng viên, giải thích sự cấp bách mà các thành viên Đảng Dân Chủ cảm thấy khi nhượng bộ trong thương lượng với Đảng Cộng Hòa. “Chúng tôi có công việc quan trọng mà chúng tôi đang làm ở đây.” Bà cho biết với việc tại Thượng viện chia đều theo tỷ lệ 50-50 đảng của bà cần ít nhất 10 phiếu từ Đảng Cộng Hòa để thông qua dự luật, Đảng Dân Chủ “sẽ phải hiểu cần rằng phải có sự thỏa hiệp.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tòa Bạch Ốc cảnh báo Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), chính phủ Tổng thống Biden đã công khai cảnh báo rằng Nga có thể sẽ sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine.
Trong tuần này (07-13/03), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc mà không có bằng chứng rằng Ukraine điều hành các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học trên lãnh thổ của mình.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Hoa Kỳ Jen Psaki đã phản bác, gọi tuyên bố của Nga là “phi lý” và nói rằng đây có thể là một phần của một nỗ lực của Nga nhằm tạo cơ sở cho việc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt như vậy của chính họ nhằm vào Ukraine.
“Tất cả đây là một mưu đồ rõ ràng của Nga để cố gắng biện minh cho cuộc tấn công đã được tính toán từ trước, vô cớ, và không chính đáng của mình vào Ukraine,” bà Psaki viết hôm thứ Tư (09/03). “Giờ đây khi Nga đã đưa ra những tuyên bố sai sự thật này và Trung Quốc dường như đã tán thành những tuyên truyền đó, tất cả chúng ta nên đề phòng việc Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine hoặc tạo ra một chiến dịch cờ giả với chúng.”
Hoa Kỳ trong nhiều tháng đã cảnh báo về các hoạt động “cờ giả” của Nga để tạo cớ cho cuộc xâm lược. Cảnh báo hôm thứ Tư cho thấy Nga có thể tìm cách tạo cớ để leo thang cuộc xung đột đã kéo dài hai tuần, vốn chứng kiến cuộc tấn công của Nga bị đình trệ bởi sự chống trả mạnh hơn dự kiến của Ukraine. Tuy nhiên cuộc tấn công này không bị chặn đứng và vẫn tiếp diễn.
Tổng giám đốc IAEA sẽ tổ chức cuộc họp về vấn đề an toàn của nhà máy hạt nhân Ukraine vào 10/03
Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cho biết ông sẽ đến Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ Năm (10/03) theo lời mời của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong bối cảnh lo ngại về an ninh của các lò phản ứng hạt nhân Ukraine gia tăng.
Ông Cavusoglu sẽ tổ chức cuộc họp giữa các ngoại trưởng Nga và Ukraine tại Antalya, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài đã hơn hai tuần ở Ukraine lấy đi sinh mạng của nhiều nạn nhân hơn. Tổng giám đốc IAEA, ông Rafael Grossi, đã tweet vào tối ngày thứ Tư (09/03) rằng ông sẽ tham dự các cuộc họp và hy vọng “đạt được tiến triển về vấn đề cấp bách của việc bảo đảm an toàn và an ninh cho các cơ sở hạt nhân của Ukraine. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ!”
Hôm thứ Tư (09/03), lo ngại đã gia tăng về sự an toàn của nhà máy hạt nhân Chernobyl. Bị quân đội Nga chiếm giữ ngay từ giai đoạn đầu của cuộc xâm lược, nhà máy này hiện đã không còn hoạt động, bị mất điện và phải chuyển sang máy phát điện dự phòng. Cơ quan truyền thông nhà nước cho biết việc mất điện có thể khiến các hệ thống làm mát vật liệu hạt nhân gặp rủi ro. Địa điểm này đã nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga kể từ tuần trước.
Cơ quan quản lý hạt nhân của Ukraine cho biết việc truyền dữ liệu từ xa từ các hệ thống giám sát tại Chernobyl đã bị mất.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Vienna cho biết họ không thấy có động nghiêm trọng nào đến an toàn tại Chernobyl vì có thể “tản nhiệt hiệu quả mà không cần nguồn điện” bằng nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại địa điểm này.
Hoa Kỳ sẽ không giao phản lực cơ của Ba Lan cho Ukraine vì lo ngại ông Putin sẽ coi hành động này là ‘leo thang’
Hoa Kỳ sẽ không hành động theo đề nghị của Ba Lan về việc nhận chiến đấu cơ từ đồng minh này rồi chuyển giao cho Ukraine vì lo ngại các quan chức Nga sẽ coi hành động này là “leo thang”, một quan chức Mỹ cho biết hôm 09/03.
Ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói với các phóng viên ở Hoa Thịnh Đốn: “Cộng đồng tình báo đã đánh giá việc chuyển giao các phi cơ MiG-29 cho Ukraine có thể bị hiểu nhầm là hành động leo thang và có thể dẫn đến phản ứng đáng kể từ Nga, có nguy cơ làm tăng khả năng leo thang quân sự với NATO.”
Dựa trên đánh giá này, vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đồng tình, quân đội nhận định việc chuyển giao có “rủi ro cao” và sẽ không làm như vậy, ít nhất là vào lúc này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Hỏa tiễn Patriot của Hoa Kỳ được điều động tới Ba Lan giữa cuộc xung đột Nga-Ukraine
Hoa Kỳ đang gửi hai khẩu đội hỏa tiễn đất đối không Patriot tới Ba Lan để “chủ động” chống lại “bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào” đối với các lực lượng của NATO và Hoa Kỳ trong lãnh thổ của liên minh quân sự này.
“Theo chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng và theo lời mời của các đồng minh Ba Lan của chúng ta, Tướng Wolters, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Âu Châu của Hoa Kỳ, đã chỉ thị Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu tái bố trí hai Khẩu đội pháo Patriot cho Ba Lan,” phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Âu Châu Hoa Kỳ (EUCOM) Đại úy Adam Miller cho biết trong một tuyên bố của Ngũ Giác Đài với các hãng thông tấn.
“Hành động khai triển phòng thủ này đang được tiến hành một cách chủ động nhằm chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với quân đội Hoa Kỳ và Đồng Minh cũng như lãnh thổ NATO,” tuyên bố nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các hỏa tiễn này “sẽ không hỗ trợ bất kỳ hoạt động tấn công nào.”
Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận lính nghĩa vụ có bị cử đến Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận rằng một số lính nghĩa vụ đang tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thống Vladimir Putin bác bỏ những tin tức như vậy và nói rằng chỉ có quân nhân chuyên nghiệp mới được cử đi chiến đấu.
Bộ Quốc phòng cho biết thêm rằng một số lính nghĩa vụ, khi đang phục vụ trong các đơn vị tiếp tế, đã bị quân đội Ukraine bắt làm tù binh kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào ngày 24/02.
“Thật không may, chúng tôi đã phát hiện ra một số sự thật về sự hiện diện của lính nghĩa vụ trong các đơn vị tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Trên thực tế, tất cả những người lính như vậy đã được rút về Nga,” Bộ Quốc phòng cho biết.
Các quan chức Nga cho biết họ đang mở một cuộc điều tra về vấn đề này.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Tình báo Hoa Kỳ: Ước tính 2,000–4,000 quân Nga thiệt mạng, Tổng thống Putin đánh giá thấp Ukraine
Trong một phiên điều trần ngày 08/03 của Ủy ban Tình báo Hạ viện, các quan chức tình báo Mỹ cho biết cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm vào Ukraine đã khiến nước này tổn thất hàng ngàn binh sĩ vì Kyiv kiên cường chống lại các lực lượng xâm lược.
Theo Trung tướng Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng, số quân Nga thiệt mạng trong cuộc xâm lược cho đến nay ở vào khoảng 2,000 đến 4,000 người. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng ước tính này đã được thực hiện với “độ tin cậy thấp”. Ông nói thêm rằng tình hình ở Kyiv có thể trở nên “có phần tuyệt vọng” trong 10 ngày đến hai tuần tới vì Nga đang cắt các nguồn tiếp tế cho thành phố này.
Phó Tổng thống Harris đến Ba Lan giữa tình huống khó xử về phản lực cơ cho Ukraine
Chuyến đi của Phó Tổng thống Kamala Harris tới Warsaw để cảm ơn Ba Lan đã tiếp nhận hàng trăm ngàn người Ukraine chạy khỏi cuộc xâm lược của Nga đã có một bước ngoặt bất ngờ trước cả khi bà rời Hoa Thịnh Đốn. Bà sẽ đối diện với một tình huống ngoại giao khó xử không mong đợi vì vấn đề chiến đấu cơ.
Chính phủ Ba Lan hôm thứ Ba (08/03) đã đề ra kế hoạch chuyển chiến đấu cơ do Nga sản xuất đến căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng sau đó các phi cơ này sẽ được giao cho các phi công Ukraine đang cố gắng chống đỡ lực lượng Nga. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ba Lan phản lực cơ do Hoa Kỳ sản xuất với “khả năng tương ứng”.
Nhưng phía Ba Lan đã không đề nghị ý tưởng đó với chính phủ Tổng thống Biden trước khi công bố công khai, và Ngũ Giác Đài nhanh chóng bác bỏ ý tưởng này vì không khả thi. Chiến đấu cơ bay từ căn cứ của Hoa Kỳ và NATO vào không phận có tranh chấp với Nga sẽ làm tăng nguy cơ chiến tranh lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Vấn đề về phi cơ này tạo ra một khoảnh khắc bất hòa hiếm hoi trong nỗ lực của phần lớn của các đồng minh NATO nhằm hỗ trợ Ukraine mà không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với Nga.
Nga cho biết quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện của nhà máy Chernobyl
Hãng thông tấn Nga Interfax đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraine đánh bom trúng đường dây điện và một trạm biến áp cung cấp năng lượng cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mà họ cho là một “hành động khiêu khích nguy hiểm”.
Trước đó, Ukraine cho biết có nguy cơ rò rỉ phóng xạ sau khi điện bị cắt ở nhà máy này trong cuộc giao tranh giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga đang chiếm giữ nhà máy điện không còn hoạt động này, nhưng cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc cho rằng “không có tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn”.
Tổng thống Putin: ‘Những người theo chủ nghĩa dân tộc’ cản trở các cuộc di tản
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quy trách nhiệm cho những người Ukraine “theo chủ nghĩa dân tộc” vì đã cản trở việc di tản dân thường khỏi các thành phố bị bao vây của Ukraine.
Điện Kremlin nói rằng ông Putin đã thảo luận về tình hình ở Ukraine trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư (09/03) với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với “sự nhấn mạnh đặc biệt vào các khía cạnh nhân đạo”. Điện nói rằng ông Putin đã nói với ông Scholz về “những nỗ lực của Nga để tổ chức các hành lang nhân đạo cho dân thường thoát khỏi các khu vực giao tranh và nỗ lực của các chiến binh dân quân từ các đơn vị của những người theo chủ nghĩa dân tộc để cản trở việc di tản an toàn cho người dân.”
Các quan chức Ukraine cho biết, các cuộc pháo kích liên tục của Nga đã khiến các nỗ lực di tản dân thường khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi giao tranh thất bại.
Ukraine buộc tội Nga phá hủy bệnh viện nhi ở Mariupol
Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức ở thành phố Mariupol của Ukraine cáo buộc rằng quân đội Nga đã ném bom oanh tạc một bệnh viện nhi và một khu hộ sinh, khiến chính phủ Kyiv đưa ra thêm nhiều lời kêu gọi thực thi vùng cấm bay.
“Các lực lượng chiếm đóng của Nga đã thả một số quả bom xuống bệnh viện nhi. Sự tàn phá là rất nghiêm trọng,” hội đồng thành phố Mariupol cho biết trên mạng xã hội, nói thêm rằng một khu hộ sinh đã bị tấn công. Không rõ liệu có thương vong hay không.
The Epoch Times không thể xác minh độc lập tuyên bố Nga tấn công bệnh viện này. Trước đó, Nga đã phủ nhận việc nhắm vào dân thường hoặc cơ sở hạ tầng dân sự trong khuôn khổ chiến dịch của họ ở Ukraine.
Tính đến chiều hôm thứ Tư (09/03), các quan chức Nga chưa đưa ra bất kỳ phản hồi công khai nào đối với các tuyên bố của Ukraine.
Các quan chức cao cấp nhất trong chính phủ của Kyiv, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã cáo buộc Nga thực hiện vụ tấn công vào bệnh viện.
Nga cáo buộc họ tìm thấy kế hoạch bí mật tấn công các khu vực ly khai của Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc rằng họ đã tìm thấy các tài liệu mật cho thấy chính phủ Ukraine đang lên kế hoạch tấn công nhắm vào các khu vực ly khai ở Donbas.
Bộ này cùng với Bộ Ngoại giao Nga đã đăng kế hoạch xâm lược bị cáo buộc của chính phủ Ukraine lên mạng xã hội. The Epoch Times vẫn chưa thể xác minh tính xác thực của bản kế hoạch này.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trên trang Telegram của Bộ Ngoại giao: “Văn kiện này phê chuẩn cơ cấu tổ chức và biên chế của nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn thuộc lữ đoàn tác chiến số 4 của Vệ binh Quốc gia, tổ chức hỗ trợ toàn diện và tái phân công nhóm tác chiến này cho lữ đoàn tấn công đường không biệt lập số 80 của Ukraine.”
Đơn vị này thuộc “lực lượng tấn công đường không của Ukraine được các huấn luyện viên người Mỹ và người Anh huấn luyện từ năm 2016,” ông cho biết thêm.
Thủ tướng Olaf Scholz: Đức không gửi chiến đấu cơ đến Ukraine
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông không ủng hộ việc cung cấp chiến đấu cơ MiG cũ cho Ukraine.
Vào cuối ngày thứ Ba (08/03), Ba Lan đã đề nghị cung cấp cho Hoa Kỳ 28 chiến đấu cơ MiG-29 để Ukraine sử dụng. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết đề nghị này là “không khả thi”, nhưng họ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Ba Lan và các đồng minh NATO khác.
Hôm thứ Tư (09/03), ông Scholz đã được hỏi liệu Đức có sẵn lòng cho phép một cuộc chuyển giao như vậy hay không và liệu ông có sợ bị cuốn vào cuộc xung đột khi phản lực cơ được vận chuyển qua Căn cứ Không quân Ramstein của Hoa Kỳ ở Đức – như đề nghị của Ba Lan – hay không.
Ông Scholz lưu ý rằng Đức đã viện trợ tài chính và nhân đạo, cũng như một số vũ khí cho Ukraine. Ông nói thêm, “nếu không, chúng tôi phải xem xét rất kỹ những gì chúng tôi làm về các điều khoản cụ thể, và điều đó chắc chắn không bao gồm các chiến đấu cơ.”
‘Không có tác động nghiêm trọng đến sự an toàn’ tại nhà máy hạt nhân Chernobyl
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết “không có tác động nghiêm trọng nào” đối với sự an toàn của khu hạt nhân Chernobyl ở Ukraine sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba và các quan chức khác đưa ra cảnh báo về khả năng rò rỉ phóng xạ trong đêm.
Ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan này, cho biết chính phủ của Kyiv đã thông báo cho cơ quan hạt nhân của Liên Hiệp Quốc tại nhà máy điện này rằng nhà máy “vi phạm trụ cột an toàn chính về bảo đảm cung cấp điện không bị gián đoạn,” nhưng “IAEA không thấy tác động nghiêm trọng nào đến sự an toàn,” theo một bài đăng trên Twitter hôm thứ Tư (09/03).
“IAEA cho biết tải lượng nhiệt của bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và khối lượng nước làm mát tại Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl đủ để tản nhiệt hiệu quả mà không cần cung cấp điện,” dòng tweet của IAEA tiếp tục cho biết.
Diễn biến này xảy ra vài giờ sau khi Cơ quan Thanh tra Quản lý Nhà nước về Hạt nhân của Ukraine cho biết nhà máy hạt nhân Chernobyl bị mất điện, đưa ra cảnh báo về khả năng rò rỉ phóng xạ. Vài ngày sau cuộc xâm lược ngày 24/02, quân đội Nga đã chiếm được nhà máy nằm dọc theo biên giới Ukraine-Belarus này, cách Kyiv khoảng 60 dặm về phía bắc, các quan chức Ukraine xác nhận.
Các quan chức tình báo Hoa Kỳ đang nghiêm túc xem xét những lời đe dọa hạt nhân từ ông Putin
Hôm 08/03, các quan chức tình báo Hoa Kỳ cho biết họ đang xem xét những lời đe dọa hạt nhân từ Tổng thống Nga Vladimir Putin một cách nghiêm túc.
“Việc này rất bất thường. Và đương nhiên chúng tôi xem xét nó rất nghiêm túc khi ông ấy đưa ra những tín hiệu theo cách này,” Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines nói với Ủy ban Tình báo Hạ viện ở Hoa Thịnh Đốn.
Ông Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao vào tháng Hai. Hoa Kỳ đã không phản ứng gì ngoài việc trì hoãn một vụ phóng thử hỏa tiễn nhằm giảm căng thẳng.
Một thông báo công khai như vậy đã không được đưa ra kể từ những năm 1960, theo bà Haines, khi mô tả ông Putin đang “làm bộ làm tịch” với mục tiêu ngăn cản sự ủng hộ hơn nữa của phương Tây đối với Ukraine.
Trong khi quân đội Nga vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ hơn dự kiến, “ông Putin có thể vẫn tự tin rằng Nga có thể đánh bại Ukraine về mặt quân sự và muốn ngăn cản sự hỗ trợ của phương Tây khỏi việc làm nghiêng cán cân và buộc phải xảy ra xung đột với NATO,” bà Haines cho biết.
Ukraine cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh dân thường chạy nạn
Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trong bối cảnh thường dân đang tìm kiếm các lối thoát hiểm và lo ngại về an toàn tại các nhà máy hạt nhân của đất nước đang chìm trong chiến tranh này ngày càng gia tăng.
Khi cuộc xâm lược của Nga kết thúc tuần thứ hai, việc nuôi sống những người dân đang tuyệt vọng trở thành mối lo ngại ngày càng sâu sắc. Chính phủ Ukraine đã cấm xuất cảng lúa mì trọng yếu đối với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trong nước.
Cuộc sống ngày càng trở nên tuyệt vọng ở các thành phố bị cắt điện và đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Thành phố cảng Mariupol bị tàn phá nghiêm trọng, thiếu nước sinh hoạt, hệ thống sưởi, hệ thống vệ sinh, và dịch vụ điện thoại.
Ba Lan sẵn sàng cung cấp các chiến đấu cơ MiG cho Ukraine nhưng phải thông qua NATO
Hôm thứ Tư (09/03), thủ tướng Ba Lan cho biết Ba Lan sẵn sàng cung cấp chiến đấu cơ do Nga sản xuất cho Ukraine thông qua NATO. Nhưng ông nói thêm rằng đó là một “quyết định rất nghiêm túc” cần được thực hiện bởi tất cả các thành viên liên minh NATO vì điều này ảnh hưởng đến an ninh rộng lớn hơn.
Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết quyết định có cung cấp các phi cơ MiG-29 cho Ukraine khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga hay không hiện nằm trong tay NATO và Hoa Kỳ.
“Ba Lan không phải là một bên trong cuộc chiến này… và NATO cũng không phải là một bên trong cuộc chiến này,” ông Morawiecki nói trong chuyến thăm đến Vienna. “Một quyết định nghiêm túc như việc chuyển giao phi cơ phải được toàn thể Liên minh Bắc Đại Tây Dương đồng ý và dứt khoát thực hiện.”
Ông Morawiecki cho biết các cuộc đàm phán về chủ đề này vẫn đang tiếp tục.
Ukraine đã kêu gọi Hoa Kỳ và các nước phương Tây cung cấp các chiến đấu cơ. Ba Lan đã phúc đáp hôm thứ Ba (08/03) bằng cách đề nghị chuyển các phi cơ của mình đến một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ ở Đức, với kỳ vọng rằng các phi cơ này sau đó sẽ được giao cho các phi công Ukraine. Ngũ Giác Đài phản hồi bằng cách nói rằng họ không biết về kế hoạch này, điều mà họ cho là “không khả thi”.
EU đồng ý về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì xâm lược Ukraine
Các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu đã đồng ý áp đặt các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Nga, nhắm vào các nhà tài phiệt và thân nhân của họ.
Ngoài các biện pháp đã được áp dụng nhắm vào Tổng thống Vladimir Putin, hệ thống tài chính của Nga, và ngành công nghệ cao của nước này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 160 cá nhân và bổ sung các hạn chế mới đối với việc xuất cảng công nghệ định hướng hàng hải và liên lạc vô tuyến. Các biện pháp bổ sung cũng nhắm vào đồng minh của Nga là Belarus.
Chủ tịch Hội đồng Âu Châu của Pháp cho biết họ sẽ loại ba ngân hàng Belarus khỏi SWIFT, hệ thống chủ chốt của các giao dịch tài chính toàn cầu.
Nga-Ukraine thông báo một lệnh ngừng bắn mới để thường dân chạy thoát khỏi các thành phố bị bao vây
Các nhà chức trách Ukraine đã thông báo một lệnh ngừng bắn từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối dọc theo một số tuyến đường di tản thường dân ở các thành phố bị bao vây hoặc bị chiếm đóng.
Hôm thứ Tư (09/03), Phó Thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết các nhà chức trách Nga đã xác nhận lệnh ngừng bắn dọc theo các hành lang di tản với những người đồng cấp Ukraine và Hội Chữ Thập Đỏ.
Bà cho biết các tuyến đường dẫn ra khỏi thành phố Sumy ở phía đông bắc, thành phố Mariupol trên bờ Biển Azov, thành phố Enerhodar ở phía nam, thành phố Volnovakha ở phía đông nam, thành phố Izyum ở phía đông, và một số thị trấn trong vùng Kyiv.
Tất cả các hành lang dẫn đến các địa điểm khác ở Ukraine hiện đều do chính phủ Ukraine nắm giữ.
Tuyến đường ra khỏi thành phố Sumy, ở biên giới Nga, là tuyến đường duy nhất được sử dụng thành công cho đến nay, cho phép di tản 5,000 người về phía tây nam đến thành phố Poltava vào hôm thứ Ba (08/03).
Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức Ukraine đã công bố các video cho thấy những chiếc xe tải và xe buýt có biểu tượng Chữ Thập Đỏ đang tiến đến các thành phố bị bao vây.
Ba Lan tuyên bố các nước NATO phải chung tay hành động về việc gửi chiến đấu cơ cho Ukraine
Hôm thứ Tư (09/03), các quan chức hàng đầu của Ba Lan cho biết bất kỳ việc cung cấp chiến đấu cơ nào cho Ukraine đều phải được thực hiện thông qua NATO, sau khi Hoa Thịnh Đốn từ chối đề nghị của Ba Lan về việc vận chuyển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của họ đến một căn cứ không quân của Hoa Kỳ nhằm chuyển các phi cơ này tới Kyiv.
Ukraine đã khẩn cầu các quốc gia phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho nước này để chống lại một cuộc xâm lược của Nga, vốn đã buộc hơn 2 triệu người tị nạn phải chạy trốn khỏi đất nước, và các nhà lập pháp Mỹ đã hồi đáp bằng cách thúc đẩy chính phủ Tổng thống Joe Biden tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phi cơ.
Hôm thứ Ba (08/03), Ba Lan cho biết họ đã sẵn sàng để khai triển tất cả các phản lực cơ MIG-29 của mình đến Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức và giao chúng cho Hoa Kỳ chuyển giao, khi kêu gọi các thành viên NATO khác cũng làm như vậy. Sau đó, Ngũ Giác Đài đã bác bỏ đề nghị này vì không “khả thi”.
“Hoa Kỳ không muốn những phi cơ này đến Ukraine từ các căn cứ của Hoa Kỳ,” ông Jakub Kumoch, cố vấn ngoại giao của Tổng thống Ba Lan, nói với đài truyền hình công TVP Info. “Ba Lan đã sẵn sàng hành động, nhưng chỉ trong khuôn khổ liên minh, trong khuôn khổ NATO.”
Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các quốc gia cung cấp phi trường cho Ukraine để thực hiện các cuộc tấn công đối với Nga có thể bị coi là can dự vào cuộc xung đột.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski nói với đài phát thanh công cộng Polskie Radio 1 rằng Ba Lan phải ưu tiên an ninh của mình khi cân nhắc đến việc cung cấp phản lực cơ cho Ukraine.
Ông nói: “Không thể có chuyện Ba Lan — với tư cách là quốc gia NATO duy nhất — chấp nhận rủi ro, và các nước khác sẽ không phải bồi thường hoặc chia sẻ điều đó với chúng ta theo bất kỳ cách nào.”
Cảnh báo không kích được ban bố ở Kyiv khi giao tranh tiếp diễn
Sáng thứ Tư (09/03), một cảnh báo không kích đã được ban bố trong và xung quanh Kyiv, với những người dân được yêu cầu đến các hầm tránh bom càng nhanh càng tốt.
“Vùng Kyiv 5 cảnh báo không kích. Nguy cơ có một cuộc tấn công hỏa tiễn. Mọi người ngay lập tức đến nơi trú ẩn,” người đứng đầu chính phủ khu vực Oleksiy Kuleba cho biết trên Telegram.
Gần hai tuần sau cuộc xâm lược, quân đội Nga đã tiến sâu dọc theo bờ biển của Ukraine. Thành phố Mariupol, nằm trên Biển Azov, đã bị binh lính Nga vây hãm trong nhiều ngày và một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại thành phố 430,000 dân bị bao vây này.
Các lực lượng của Moscow đã bao vây các thành phố của Ukraine trong nhiều ngày. Các nỗ lực tạo hành lang để di tản dân thường một cách an toàn đã vấp phải nhiều khó khăn trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn ra.
Trên khắp đất nước, hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng, cả dân thường và binh lính, trong gần hai tuần giao tranh. Quân đội Nga đã chứng kiến những bước tiến của họ bị dừng lại ở một số khu vực — bao gồm cả xung quanh thủ đô Kyiv — bởi sự kháng cự mạnh hơn dự kiến của người Ukraine.
Giám đốc Tình báo Úc: Trong lúc Nga tấn công Ukraine, Trung Quốc dòm ngó Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Một “sự hội tụ chiến lược mới đáng lo ngại” giữa Bắc Kinh và Moscow đã phát triển và nguy cơ xảy ra “xung đột lớn giữa các cường quốc” đã tăng lên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, giám đốc tình báo Úc cho biết hôm thứ Tư (09/03).
Ông Andrew Shearer, Tổng giám đốc Văn phòng Tình báo Quốc gia Úc, cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang lên kế hoạch thống trị khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sử dụng nơi này làm căn cứ để vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.
Các bình luận này củng cố cảnh báo rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vốn đã vấp phải sự lên án gần như của toàn bộ phương Tây, có thể lan rộng thành một cuộc xung đột khu vực hoặc toàn cầu. Tuần này (07-13/03), Thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi các nền dân chủ tự do ngăn chặn một “vòng cung chế độ chuyên quyền” đang định hình lại thế giới.
“Chúng ta sẽ phải làm việc cật lực hơn nữa để duy trì chất lượng của nền tự do đến từ trật tự dựa trên luật lệ ở Âu Châu và ở đây tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” ông Shearer nói tại một hội nghị do Australian Financial Review tổ chức.
Ông nói thêm: “Chúng tôi thấy một nhà lãnh đạo đang thực sự chuẩn bị và tăng cường sức mạnh cho đất nước của mình trong cuộc chiến nhằm vượt qua Hoa Kỳ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới.”
“Căn cứ này… là để thiết lập vị trí đứng đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
EU đề ra kế hoạch cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga
Hôm thứ Ba (08/03), Ủy ban Âu Châu đã công bố kế hoạch để cắt giảm ⅔ sự phụ thuộc của EU vào khí đốt của Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.
Người đứng đầu Liên minh Âu Châu cho biết họ sẽ làm như vậy bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch, điều này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, Nga đã đánh giá thấp khả năng kháng cự của Ukraine
Hoa Kỳ tin rằng Nga đã đánh giá thấp sức kháng cự của Ukraine trước khi tiến hành một cuộc xâm lược có khả năng gây ra thương vong cho hàng ngàn người Nga, quan chức tình báo hàng đầu của chính phủ Tổng thống Biden nói với các nhà lập pháp hôm thứ Ba (08/03).
Lời chứng nói trên, được đưa ra trong một cuộc điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện, là đánh giá công khai đầu tiên về cuộc chiến kéo dài hai tuần của các quan chức tình báo cao cấp của quốc gia, những người đưa ra những hiểu biết sâu sắc của họ về suy nghĩ và động cơ của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh lực lượng của ông tiếp tục cuộc hành quân của họ qua Ukraine.
Các quan chức khẳng định rằng cuộc tấn công của Nga đã bị đình trệ bởi sự kháng cự bất ngờ của quân phòng thủ Ukraine và hiện không chắc liệu ông Putin có tiếp tục chiến lược “theo phong cách tối đa” để cố gắng chiếm toàn bộ Ukraine hay sẽ chấp nhận đạt được một thứ gì đó ít giá trị hơn. Dù sao đi nữa, họ cho biết họ tin rằng ông đã quyết tâm đẩy mạnh cuộc xâm lược của mình bất chấp thương vong gia tăng, các lệnh trừng phạt toàn cầu, và nỗ lực của các quốc gia phương Tây nhằm cô lập Điện Kremlin, trong đó có cả một lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với dầu nhập cảng từ Nga.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines cho biết: “Chúng tôi đánh giá rằng ông Putin đang cảm thấy đau khổ khi phương Tây không dành cho ông ấy sự tôn trọng thích đáng và coi đây là cuộc chiến mà ông ấy không thể để thua. Nhưng những gì ông ấy có khả năng sẵn sàng chấp nhận với tư cách là một chiến thắng có thể thay đổi theo thời gian với những tổn thất đáng kể mà ông ấy đang phải gánh chịu.”
Ngũ Giác Đài cho biết đề nghị gửi chiến đấu cơ cho Ukraine của Ba Lan là không khả thi
Cuối ngày 08/03, Ngũ Giác Đài cho biết rằng đề nghị gửi chiến đấu cơ của Ba Lan là không khả thi, sau khi Bộ Ngoại giao Ba Lan tuyên bố sẽ khai triển phi cơ phản lực MiG-29 đến Căn cứ Không quân Ramstein của Không quân Hoa Kỳ tại Đức “và đặt chúng dưới quyền sử dụng của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.”
Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết thêm, việc khai triển 28 chiếc MiG-29 sẽ diễn ra ngay lập tức và miễn phí. “Đồng thời, Ba Lan yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp cho chúng tôi các phi cơ đã qua sử dụng với khả năng hoạt động tương ứng,” bộ cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi các quốc gia thành viên NATO khác sở hữu phi cơ MiG-29 chuyển giao phi cơ của họ cho Hoa Kỳ.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 08/03, Tham vụ Báo chí Ngũ Giác Đài John F. Kirby cho biết: “Viễn cảnh chiến đấu cơ ‘theo sự điều động của Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ’ khởi hành từ căn cứ của Hoa Kỳ/NATO ở Đức để bay vào không phận đang tranh chấp với Nga trên bầu trời Ukraine làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng đối với toàn bộ liên minh NATO.”
“Chúng tôi chỉ đơn giản là không rõ có lý do căn bản nào cho việc hành xử như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn với Ba Lan và các đồng minh NATO khác của chúng tôi về vấn đề này và những thách thức khó khăn về hậu cần mà nó đặt ra, nhưng chúng tôi không tin rằng đề nghị của Ba Lan là một đề nghị khả thi,” ông cho biết.
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cảnh báo các công ty Trung Quốc không giúp Nga né tránh các biện pháp trừng phạt
Hôm 08/03, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo đã thẳng thừng cảnh báo các công ty Trung Quốc không vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại chống lại Nga bằng cách cung cấp cho quốc gia hiếu chiến này vi mạch bán dẫn và các vật tư khác cần thiết để duy trì nỗ lực chiến tranh chống Ukraine. Bà nói, các công ty không tuân thủ các lệnh trừng phạt có thể “về căn bản là bị đóng cửa”.
Bà Raimondo, trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, cho biết Nga “chắc chắn sẽ kêu gọi các quốc gia khác tìm cách lách các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất cảng của chúng tôi,” nhưng đã đưa ra một tối hậu thư nghiêm khắc cảnh báo các công ty không hợp tác với bất kỳ hành vi gian lận nào như vậy.
Bộ trưởng Thương mại nhấn mạnh cách mà chính phủ Tổng thống Biden có thể dễ dàng đóng cửa nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn nhất Trung Quốc — Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) — hay bất kỳ công ty nào khác cung cấp công nghệ của họ cho Nga. Bà nói thêm rằng theo quan điểm riêng của các công ty việc không tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ là điều phi lý.
Bà Raimondo nói rằng, “Họ có tư lợi riêng khi không cung cấp những thứ này cho Nga. Thế nên họ không sẽ cung cấp vì lòng tốt của họ. Làm như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sản xuất vi mạch bán dẫn của Trung Quốc.”
Mời quý vị xem toàn bộ bài viết tại đây.
Hội đồng thành phố Los Angeles lên án hành vi xâm lược
Các nhà lập pháp tại thành phố đông dân thứ hai nước Mỹ hôm thứ Ba (08/03) đã thông qua nghị quyết lên án hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống Ukraine.
Hội đồng thành phố Los Angeles đã bỏ phiếu với tỷ lệ 14-0 để thông qua nghị quyết, đồng thời thúc giục cộng đồng quốc tế thoái vốn cổ phần ở Nga.
Hội đồng Giám sát ở Quận Cam lân cận đã nhất trí thông qua một nghị quyết tương tự hôm thứ Ba. Hội đồng khuyến khích quận cắt đứt quan hệ với bất kỳ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nào do Nga hậu thuẫn. Quận hiện không có bất kỳ khoản đầu tư trực tiếp nào vào Nga.
Tại Los Angeles, các thành viên của Hội đồng Thành phố bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraine, lên án “những hành động khủng khiếp phản nhân loại” và bày tỏ lo ngại rằng lịch sử đang lặp lại.
Người Belarus ở Ukraine chuẩn bị tham chiến chống Nga
Người Belarus sống ở Ukraine đã thành lập một đơn vị quân đội và chuẩn bị tham gia cuộc chiến chống Nga.
Anh Jan Derbeiko, 26 tuổi, cho biết anh đã sống ở Kyiv từ tháng 11/2020 sau khi bị buộc phải rời Belarus vì tham gia các cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko.
“Tôi có một công việc và tôi có những kế hoạch cho tương lai, nhưng chiến tranh đã xảy ra ở đây,” anh Derbeiko nói. “Ngay lúc đó, tôi quyết định ở lại đây. Tôi đã mất đi quê hương mình và bây giờ quê nhà mới của tôi đang bị phá hủy.”
Anh Derbeiko kêu gọi tất cả người dân Belarus “còn chút lương tâm và danh dự” cung cấp “sự hỗ trợ tối đa cho người Ukraine.”
Anh cho biết đơn vị Belarus, vốn ngày càng lớn mạnh hơn mỗi ngày, đang chuẩn bị vào vị trí của họ khi lính Nga tấn công Kyiv.
Tình hình đang tiến triển, vui lòng truy cập lại bản tin thường xuyên để cập nhật các diễn biến mới nhất.
Bản tin có sự đóng góp của Mimi Nguyen Ly, Katabella Roberts, Isabel van Brugen, Tom Ozimek, Michael Washburn, Jack Phillips, Nick Ciolino, Naveen Athrappully, Nicholas Dolinger, Noé Chartier, Reuters, và The Associated Press.
Nhóm phụ trách Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Xem thêm: